07:03 04/05/2022 GMT+7

Thanh Long - loại quả đặc trưng của tỉnh Bình Thuận, loại cây giúp nông dân đổi đời, nhiều hộ gia đình thành tỷ phú, triệu phú lại đang rơi vào điệp khúc “trồng” rồi “chặt”. Điều này cho thấy nhiều vấn đề còn tồn tại trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận về nội dung này.

Phát triển kinh tế hộ gia đình trong hàng chục năm qua đã giúp nông dân có nguồn thu nhập cao hơn. Ông đánh giá như nào về vai trò của nông nghiệp hộ gia đình ở nước ta nói chung và tại Bình Thuận nói riêng, thưa ông?

Kinh tế hộ gia đình là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Hộ gia đình nông thôn thường sản xuất, kinh doanh đa dạng, lĩnh vực hoạt động của các hộ ở nông thôn ngày càng đa dạng, nhờ đó cơ cấu thu nhập của hộ cũng có sự thay đổi theo hướng bền vững hơn. Ngoài những ngành nghề truyền thống như trồng lúa và các loại cây ăn trái, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm..., các hộ đã chủ động chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tạo nguồn thu nhập cao và ổn định hơn.

Kể từ khi được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ (năm 1988), sự phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực cả về quy mô, tốc độ và cơ cấu. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã đứng vững được trong nền kinh tế thị trường, có tác động lớn đến sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của địa phương cũng như cả nước.

Những năm qua, các hộ nông dân trong tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, lao động cần cù, sáng tạo, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, tương trợ, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông phẩm; xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt giá trị thu nhập cao. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân nông thôn Bình Thuận đạt khoảng 46,6 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 3 lần so với năm 2010. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Bình Thuận được coi là “thủ phủ Thanh long” của cả nước, trong thời gian gần đây, một số hộ nông dân ở Bình Thuận chặt bỏ vườn Thanh long để chuyển sang loại cây trồng khác hoặc chăn nuôi. Đây là hiện tượng cá biệt hay phổ biến và ảnh hưởng đến người trồng Thanh long như thế nào?

Trong những ngày qua, nhiều nhà vườn Thanh long ở Bình Thuận chặt cây, nhổ trụ để lấy đất trồng lại cây màu khác, vì không thể duy trì loại cây này khi giá cả đã xuống quá thấp. Giá Thanh long từ đầu năm đến nay rớt xuống tận đáy, thậm chí không có ai thu mua khiến nhiều nhà vườn phần lớn mất trắng. Đã có nhà vườn bắt đầu phá bỏ cây Thanh long để chuyển hướng làm ăn sang loại cây trồng khác hoặc chăn nuôi.

Cây Thanh long là loại trái đặc trưng và là thương hiệu của Bình Thuận. Việc phá bỏ cây Thanh long còn phụ thuộc vào điều kiện từng hộ, không nên làm ồ ạt vì trước đây đã làm "thay da đổi thịt" địa phương, người người giàu lên nhờ nó. Khi sản xuất loại cây gì thì phải có thị trường tiêu thụ, đặc biệt là phải gắn liền với các doanh nghiệp, tránh tình trạng trồng ra rồi nhưng không biết bán ở đâu, gặp khó khăn, thiệt hại kinh tế rơi vào chính nông dân. Đây là “bài toán khó” cần giải quyết, để giúp nông dân ở Bình Thuận hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, không còn tình trạng chạy theo giá cả, lặp lại điệp khúc “chặt trồng - trồng chặt”.

Thanh long là loại trái đặc trưng và là thương hiệu của Bình Thuận.

Trước tình hình nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, vậy theo cá nhân ông những mặt hạn chế của kinh tế hộ là gì?

Hạn chế của kinh tế hộ đó là, về quy mô sản xuất nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ, có thể nói đó là bất cập lớn nhất trên con đường đưa nông nghiệp, nông thôn lên sản xuất hiện đại, bền vững. Vì mỗi hộ sản xuất nhỏ, riêng lẻ sẽ rất khó có được lượng vốn đủ lớn để đầu tư đổi mới công nghệ, hoặc nếu có đủ lượng vốn đó thì cũng không đủ không gian để thực hiện cơ giới hóa. Thêm vào đó, lối canh tác cổ truyền, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm kém đã làm cho sản phẩm của các hộ gia đình không tiếp cận được các siêu thị lớn hay thâm nhập thị trường thế giới. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn hẹp và bị động.

Ông đánh giá vai trò của Hội Nông dân trong việc giảm thiểu mặt hạn chế của kinh tế hộ nông nghiệp nói chung và của hộ nông nghiệp ở Bình Thuận nói riêng, thưa ông?

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng đã phát huy tốt vai trò của mình trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới, là một trong các hoạt động chính của Chương trình công tác Hội và phong trào nông dân trong những năm qua; vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; động viên nông dân chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, Hội sẽ phối hợp tham gia các hoạt động tư vấn, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể phát triển các ngành nghề đặc thù ở địa phương, tập trung các hoạt động cụ thể, thiết thực giúp hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.

Đối với Hội Nông dân các cấp tỉnh Bình Thuận trong những năm qua đã tích cực vận động hội viên, nông dân tiếp cận, áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2021, Hội đã phối hợp với các ngành kỹ thuật tổ chức 760 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, 12 hội thảo cho hơn 23.500 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về trồng, chăm sóc cây Thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ tưới thông minh, điều khiển từ xa trong trồng Thanh long; sử dụng thuốc BVTV, trồng, chăm sóc cây bắp lai, phòng bệnh trên cây lúa, kỹ thuật chăm sóc cao su, bảo quản thủy sản sau khi đánh bắt;...

Tích cực vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác, xây mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Năm 2021, Hội Nông dân các cấp trực tiếp hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 47 mô hình kinh tế hợp tác (5 HTX, 42 tổ hợp tác); nâng tổng số đến nay 381 mô hình kinh tế hợp tác do Hội trực tiếp hướng dẫn, thành lập (45 hợp tác xã, 336 tổ hợp tác); thành lập được 14 Câu lạc bộ Khuyến nông, nâng tổng số đến nay 27 câu lạc bộ Khuyến nông…

Hội ND Bình Thuận đã tích cực vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác, xây mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Ảnh: Diêm dân làm muối theo mô hình HTX tại Tuy Phong, Bình Thuận.

Những hoạt động của Hội ND các cấp đã hướng nông dân bước đầu thay đổi chuyển dần sang phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, có sự liên kết, hợp tác để hướng đến xuất khẩu sang những thị trường khó tính.

Thưa ông, Hội ND tỉnh Bình Thuận có những biện pháp gì để hỗ trợ hội viên nông dân tiêu thụ sản phẩm trong thời gian dịch bệnh Covid-19 và thời gian sắp tới?

Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều sản phẩm nông sản khó khăn trong xuất khẩu, bị ứ đọng. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực phối hợp hỗ trợ hội viên, nông dân trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản. Nhiều địa phương trong tỉnh thành lập “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân”, “Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân” để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân tiêu thụ nông sản. Hội ND huyện Đức Linh hỗ trợ 15 hộ trồng bưởi da xanh tiêu thụ sản phẩm tại Bình Dương, Bến Tre; liên kết với Công ty AVICOROW đầu tư, bao tiêu sản phẩm chuối cấy mô 20ha xuất sang Nhật; liên kết Công ty Đô Thành sản xuất, bao tiêu lúa hữu cơ (22 ha); giúp nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sầu riêng Rô Mô (xã Đa Kai), bưởi Đông Hà, nếp HTC Công Thành; HTX Công Thành liên kết Hội ND các xã sản xuất 2.000ha lúa nếp…

Sầu riêng Rô Mô (xã Đa Kai, huyện Đức Linh) - đặc sản Bình Thuận.

Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục phối hợp các ngành chức năng, vận động hội viên, nông dân thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đạt hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô vừa và nhỏ trong sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng lợi thế của tỉnh để phục vụ xuất khẩu; nâng cao chất lượng, sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tổ chức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Riêng cây Thanh long nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản, hiện nay Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh Bình Thuận ký kết thỏa thuận hợp tác từng bước đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử Agri-postmart.vn góp phần trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa theo hướng hiện đại hóa. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ vốn vay ưu đãi, vay tín chấp để đáp ứng nhu cầu vốn của hội viên nông dân; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sau giải ngân... Trên có sở đó, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống của hội viên nông dân toàn tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

TỪ KHÓA #thanh long bình thuận #hội nông dân bình thuận
TIN cùng chuyên mục