13:59 29/05/2022 GMT+7

Nhìn khái quát, nông nghiệp, nông dân và nông thôn của thế giới vài thập niên gần đây đang trong xu hướng xã hội hóa sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và văn minh hóa nông dân. Bằng cách ấy, 3 lĩnh vực trên đang thể hiện ra xu hướng đi lên CNXH một cách lịch sử - tự nhiên. “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến Chủ nghĩa Xã hội...”(1) và giai cấp nông dân, bằng cách của mình, cũng sẽ cùng tham gia vào quá trình đó. Nhận thức rõ xu hướng này và định hướng để “Xây dựng giai cấp Nông dân văn minh” hiện nay cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm ở Việt Nam.             

Tính chất xã hội hóa ngày càng cao của sản xuất nông nghiệp. Xã hội hóa hiểu khái quát là sự tăng lên những mối liên kết, hỗ trợ, phụ thuộc giữa con người với nhau trong sản xuất và đời sống ở mọi lĩnh vực. Nó thể hiện ra thông qua tính chất xã hội của các hoạt động; mục tiêu, ý nghĩa xã hội của các quá trình; nhu cầu cùng tham gia và được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của phát triển của số đông... Theo chủ nghĩa Mác, xã hội hóa là cơ sở  hiện thực để hiện thực hóa những nguyên tắc XHCN như công bằng, bình đẳng, “cùng làm, cùng hưởng”...

Nếu như ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, xã hội hóa thể hiện rõ nhất trong công nghiệp thì từ cuối thế kỷ XX đến nay, xã hội hóa lan tỏa mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và nhất là nông nghiệp.  

Nông nghiệp thế giới đang được xã hội hóa thông qua các quan hệ sau: Quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp và khoa học. Cùng là những lĩnh vực sản xuất để đáp ứng các nhu cầu của tồn tại và phát triển loài người cho nên, các tiến bộ ở mỗi lĩnh vực rất nhanh chóng lan tỏa và tìm tới nhau để cùng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Sự thâm nhập tác động qua lại giữa công nghiệp và nông nghiệp là một biểu hiện. Cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ Nhất” ngay ở giai đoạn đầu tiên, công nghiệp đã sớm quay lại với nông nghiệp. Lịch sử cũng như lý luận của chủ nghĩa Mác đã xác nhận rằng, CNTB trong quá trình sản xuất giá trị thặng dư, nếu muốn rút ngắn thời gian lao động tất yếu và tăng thời gian lao động thặng dư, thì buộc phải đầu tư vào nông nghiệp. Giá cả của những nông phẩm thiết yếu cho tái sản xuất sức lao động hạ xuống, thì thời gian lao động tất yếu ngắn lại và thời gian lao động thăng dự dài hơn. Nhìn khách quan thì những tiến bộ của khoa học và công nghệ đã giúp cho nông nghiệp tăng năng suất và qua đó hỗ trợ cho sự phát triển của công nghiệp. Đây cũng là quy luật công nghiệp hóa: Nâng cao trình độ xã hội hóa của nông nghiệp để tạo ra tiền đề và cũng là một trong những  mục tiêu của công nghiệp hóa.

Có sự khác biệt giữa CNTB và CNXH trong đầu tư khoa học và công nghệ cho nông nghiệp. CNTB đầu tư KH&CN vào nông nghiệp là để tăng năng suất bóc lột giá trị thặng dư. CNXH chủ động áp dụng các tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp là để tạo ra sự công bằng về điều kiện và cơ hội phát triển cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Từ đó hướng tới một xã hội tương lai không còn sự khác biệt về lao động chân tay và trí óc, giữa thành thị và nông thôn...  

Thị trường là cầu nối của nông nghiệp sản xuất hàng hóa, là “cầu” của sản xuất nông nghiệp và cũng là “cung” những thứ mà nông nghiệp cần cho sự phát triển của nó.

Quan hệ giữa Nông nghiệp và thị trường hiện đại, đây là mối quan hệ mang tính xã hội hóa rất lịch sử - tự nhiên trong xã hội hiện đại. Thị trường là cầu nối của nông nghiệp sản xuất hàng hóa, là “cầu” của sản xuất nông nghiệp và cũng là “cung” những thứ mà nông nghiệp cần cho sự phát triển của nó. Nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn là tất yếu phát triển của nền kinh tế này, thì đến lượt nó, thị trường cũng giành một vị thế xứng đáng cho hàng hóa từ nông nghiệp. Đôi khi quan hệ giữa nông nghiệp và thị trường cũng có thể bị “can nhiễu” bởi bất trắc do thiên tai hoặc những yếu tố đầu cơ, nhưng nhìn chung mọi biến thiên của nông nghiệp hiện đại đều được nhìn nhận qua “lăng kính” cung - cầu của thị trường. 

Ngày nay, mọi nền nông nghiệp trước khi bắt đầu vào một chu kỳ sản xuất đều phải cân nhắc đến yếu tố thị trường, cả đầu vào và đầu ra. Nhìn rộng hơn, sản xuất nông nghiệp đã được mở rộng hơn, nâng cao hơn về quy mô, trình độ chất lượng và cơ cấu sản phẩm. Những thước đo các phẩm chất này hiện nay cũng đều được chuẩn hóa theo những tiêu chuẩn quốc tế. Quan hệ chặt chẽ giữa nông nghiệp hiện đại và thị trường hiện đại chính là biểu hiện tiêu biểu của tính chất xã hội hóa ở trình độ cao.       

Quan hệ giữa nông nghiệp và Nhà nước, Nông nghiệp hiện nay là một ngành kinh tế chiến lược mà tất cả các quốc gia dù ở trình độ phát triển nào, cũng đều phải quan tâm đến 3 mặt: Bảo đảm an ninh lương thực; bảo hộ khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp; bảo đảm nông nghiệp phát triển bền vững về môi trường, sinh thái.

Mọi quốc gia đều có những chính sách, ngân sách và các biện pháp can thiệp kinh tế, tài chính, trợ giá, thuế, hỗ trợ tiếp cận thị trường... để qua đó định hướng và bảo trợ nền nông nghiệp của mình.

Theo đó, mọi quốc gia đều có những chính sách, ngân sách và các biện pháp can thiệp kinh tế, tài chính, trợ giá, thuế, hỗ trợ tiếp cận thị trường... để qua đó định hướng và bảo trợ nền nông nghiệp của mình. Cùng với đó là việc Nhà nước tham chiếu chính sách của một số thiết chế quốc tế liên quan đến sản xuất nông nghiệp để từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Nhìn chung, thông qua quan hệ Nông nghiệp và Nhà nước, có thể thấy vị thế quan trọng và ảnh hưởng kinh tế xã hội lớn của lĩnh vực kinh tế này. Hơn nữa quản trị sản xuất nông nghiệp đã trở thành một vấn đề mang tính xã hội lớn và đang vượt khỏi quy mô quốc gia.            

Xây dựng Nông dân văn minh, nông dân đã xuất hiện ngay từ nền văn minh đầu tiên: Văn minh nông nghiệp  và cùng “tiến hóa” với nhân loại qua các nền văn minh tiếp sau đó. Văn minh nông nghiệp (như cách diễn đạt của A. Toffler trong “Cú sốc tương lai” 1970 hay “cách mạng nông nghiệp” như J.N.Harary viết trong “Lược sử loài người” (2014) được coi là nền văn minh khởi đầu cho một trình độ phát triển mà từ đó con người bắt đầu tái tạo lại tự nhiên theo những nhu cầu của mình. Từ đó hai dạng thức nghề nông đầu tiên xuất hiện: Trồng trọt và chăn nuôi. Nền văn minh đầu tiên đã xuất hiện, bầy  vượn người sinh tồn bằng săn bắt hái lượm đã trở thành con người tiền sử với văn minh nông nghiệp. Từ lịch sử, hiển nhiên nông dân là nhóm xã hội được văn minh hóa đầu tiên.

Hiện nay trên thế giới đang có hơn 1,3 tỷ nông dân (UN, 2020) và xu thế văn minh hóa lao động và đời sống của nông dân đang lan tỏa ở nhiều quốc gia. Tuy rất nhiệt thành với quá trình văn minh hóa nông dân, nhưng quan niệm cụ thể rằng, thế nào là một người nông dân văn minh và các thao tác để xây dựng con người ấy ra sao thì vẫn còn nhiều tranh luận, thậm chí có cả khái niệm còn để ngỏ.

Quan niệm sau đây có thể gợi cho chúng ta những cơ sở để tư duy về một quá trình văn minh hóa: “Văn minh là toàn bộ những phát minh của con người dựa trên quá trình tìm tòi và khám phá ra các “quy luật của tự nhiên”, để hình thành nên những hệ thống lý thuyết “khoa học - kỹ thuật” cơ bản. Từ đó sáng chế ra các “công nghệ - máy móc” (công cụ sản xuất vật chất) và những“sản phẩm vật chất” (đồ dùng sinh hoạt) mang tính thực dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người. Văn minh còn bao gồm toàn bộ “kỹ thuật sinh sống” và “tổ chức xã hội” nhằm thiết lập nên những “thiết chế” xã hội mang tính hiện đại, giúp cho con người thực hiện được quyền sống, quyền tự do và quyền dân chủ của mỗi cá nhân và cả cộng đồng - xã hội.”(2) Theo quan niệm khá phổ biến này, một quá trình văn minh hóa liên quan đến những phát triển trong nhận thức về tự nhiên, những tiến bộ về công cụ sản xuất, đổi mới sản phẩm và tổ chức quản lý xã hội.       

Về đại thể, quá trình xây dựng nông dân văn minh trên thế giới hiện nay được triển khai từ 2 hướng chính dưới đây:

Đổi mới phương thức canh tác nông nghiệp là xu thế chung để văn minh hóa nông dân

Hầu hết các quốc gia tiến hành công nghiệp hóa sớm đã công nghiệp hóa lĩnh vực nông nghiệp và qua đó làm xuất hiện bộ phận “công nhân nông nghiệp”. Hầu như tất cả quá trình canh tác như làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật và vật nuôi, thu hoạch, chế biến nông sản... đều đã được máy móc công nghiệp thay thế cho lao động thủ công. Như Ph.Angghen nhận định: Máy móc đã làm giảm đi “sự cực nhọc cổ truyền của lao động” nông nghiệp. Quan hệ trong lao động cũng thay đổi - xuất hiện các giai tầng khác sát vai cùng nông dân trong sản xuất: Công nhân, trí thức. Ảnh hưởng của cách làm việc, lối sống, lối tư duy... của những giai tầng này “mang lại những yếu tố khai hóa” văn minh. Nông dân trở thành văn minh trước hết từ quá trình đổi mới phương thức canh tác và từ quan hệ gắn bó một cách tự nhiên với các giai tầng lao động khác.

Nông dân trở thành văn minh trước hết từ quá trình đổi mới phương thức canh tác.

Đổi mới quan hệ sản xuất cũng là một hướng để văn minh hóa nông dân

Về sở hữu, ruộng đất liên tục được mở rộng thông qua tích tụ và tập trung là xu hướng chung. Biện pháp tích tụ ruộng đất thông qua chiếm hữu tư nhân thường thấy trong quá trình phát triển của CNTB. Biện pháp tập trung ruộng đất thông qua công hữu TLSX hoặc góp vốn để hợp tác sản xuất đã từng được sử dụng vài thập niên trước đây trong phong trào hợp tác hóa ở các nước XHCN, các Kibbutz ở Israel(3)  các HTX trong các nước phát triển hiện nay như Mỹ, Đức, Nhật bản, Phần Lan(4)... đều theo hướng này. Bản chất của vấn đề này là xã hội hóa TLSX để đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp.   

Về quản lý và phân phối, khá phổ biến mô hình quản lý cộng đồng - HTX theo các “Nguyên tắc Rochdale”: “Các thành viên tự nguyện tham gia và mở cửa cho những người muốn trở thành thành viên mới. Chế độ quản trị dân chủ với quyền biểu quyết bình đẳng giữa các thành viên. Có sự đóng góp về kinh tế của mỗi thành viên. Có chế độ tự quản và hoạt động độc lập. Có chức năng giáo dục, đào tạo và thông tin. Có sự hợp tác giữa các HTX. Có trách nhiệm đối với cộng đồng.”(5) Người nông dân khi trở thành xã viên của HTX đã được tham gia và thụ hưởng nhiều lợi ích từ thiết chế văn minh này. Và quan trọng hơn, cùng tham gia và cùng thụ hưởng một cách công bằng thành quả của lao động. Đó chính là những giá trị văn minh mà hiện nay CNXH ở Việt Nam đang hướng tới.    

Hiện đại hóa nông thôn và phát triển nông thôn bền vững   

Gần đây (2005, UN) nhận định rằng một nửa dân số trên thế giới đã được sống trong môi trường đô thị, theo đó nông thôn cổ truyền vẫn là nơi sinh sống của nửa phần còn lại của thế giới.

Hiện đại hóa nông thôn, phát triển nông thôn bền vững để hội nhập với thị trường là chiến lược chung của nhiều quốc gia. “Phát triển nông thôn bền vững đang trở thành chủ đề ngày càng được các quốc gia quan tâm. Phát triển nông thôn là lĩnh vực đa ngành, đặt trong mối quan hệ phức tạp giữa xã hội, tài nguyên thiên nhiên và môi trường bền vững. Nhận thức phổ biến trên thế giới cho rằng, để đạt được sự phát triển nông thôn bền vững, cần đảm bảo người dân nông thôn có phương kế sinh sống bền vững và được sống trong hệ sinh thái lành mạnh”.(6) 

Nhận định trên đã phản ánh xu hướng, những yêu cầu và các lĩnh vực cơ bản mà thế giới đang làm để phát triển và hiện đại hóa nông thôn. Nhiều nước đã đi theo hướng này. Sau đây là một vài kinh nghiệm từ Nhật Bản:

Thứ nhất, xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cần được chú trọng hàng đầu. Trong thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành gần 30 đạo luật cùng hàng loạt pháp lệnh và chính sách cấu thành một hệ thống pháp lý khá hoàn chỉnh cho công cuộc XDNTM.

Thứ hai, Nhà nước tích cực tham gia và đầu tư kinh phí lớn cho xây dựng nông thôn. Thời gian đầu, công cuộc xây dựng nông thôn mới Chính phủ đóng vai trò chủ đạo. Chính phủ đã xây dựng chính sách hỗ trợ như trợ giá nông sản, xây dựng quỹ rủi ro về giá nông phẩm, trong đó người nông dân bỏ ra 30%, Chính phủ bỏ ra 70%.  Những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn Nhật Bản vào khoảng 1.100 tỷ yên/năm. 

Thứ ba, khuyến khích nông dân tích cực tham gia HTX, coi trọng tính tự lập, tự chủ trong xây dựng nông thôn mới. HTX nông nghiệp rất phổ biến ở Nhật Bản. Hiện nay, trên 99% số hộ nông dân ở Nhật Bản đều trực thuộc tổ chức này. Thông qua sức mạnh tập thể, mạng lưới phân bố khắp cả nước đã cung cấp cho nông dân những dịch vụ nhanh chóng, chu đáo, hiệu quả. Chính phủ tìm mọi cách để nâng cao tính tích cực, sáng tạo của nông dân, để họ thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng phát triển nông thôn.

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) đã trở thành điển hình của việc phát triển ngành nghề ở nông thôn, tận dụng các nguồn lực địa phương. OVOP đã phát triển rộng rãi ở Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và nay ở Việt Nam gọi là “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP - One commune one product).

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP - One village one product) khá phổ biến trên thế giới hiện nay là một trong những thành quả của chính sách này. OVOP từ khởi đầu là sáng kiến của một nhóm nông dân ở thị trấn Oyama, quận Oita, Nhật Bản. Nó được khởi xướng từ những năm 60 thế kỷ trước và sau đó lan rộng toàn quốc. HTX Oyama của nông dân nơi đây có vai trò quan trọng với OVOP thông qua dịch vụ sản xuất và tiếp thị sản phẩm. Nhờ đó Oita được thế giới biết đến nhờ các hàng hóa nông sản đặc biệt như nấm hương khô, chanh kakosu, rượu shouchu, lúa mạch, ngựa seiki... Ba tiêu chuẩn của một sản phẩm OVOP là: Một là, đưa công nghệ mới vào sản xuất sản phẩm truyền thống; Hai là, thành lập hiệp hội ngành nghề để xây dựng, quảng bá thương hiệu, tiếp thị, bán hàng; Ba là, quan tâm giải quyết vấn đề môi trường. Dạy nghề làm OVOP cũng được quan tâm. Người ta đã xây dựng 6 trường học cho nông dân Oita để phổ biến kiến thức, kỹ năng; nuôi dưỡng sự sáng tạo, cùng với tinh thần, đạo đức kinh doanh, trên cơ sở duy trì giá trị văn hóa truyền thống. Phong trào OVOP đã trở thành điển hình của việc phát triển ngành nghề ở nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương. OVOP đã phát triển rộng rãi ở Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và nay ở Việt Nam gọi là “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP - One commune one product)(7). 

Bản chất của hiện đại hóa nông thôn và phát triển nông thôn bền vững là tạo ra điều kiện sống và cơ hội phát triển một cách công bằng cho cư dân nông thôn mà chủ yếu là nông dân. Công bằng trong lao động, công bằng về điều kiện sống, công bằng về cơ hội phát triển là những giá trị tiêu biểu của CNXH hiện đại. Có thể do những quan niệm cầm quyền hoặc do thể chế chính trị khác nhau, vấn đề này được diễn đạt có đôi chút khác biệt, song từ thực tế và bản chất của vấn đề chúng ta có thể nhận thấy sự lan tỏa các giá trị XHCN trong phát triển nông thôn hiện đại. 

Có 3 nhận định được rút ra từ nghiên cứu trên gồm: 

1-  Xu hướng xã hội hóa trong nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông dân văn minh là một thực tế khá phổ biến trên thế giới hiện nay. Nó xác nhận rằng, trong quá trình phát triển giai cấp Nông dân, có một xu hướng khá mạch lạc là tính chất XHCN đang tăng lên một cách “lịch sử - tự nhiên” (Mác) thông qua công nghiệp hóa nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn.

2 - Kinh nghiệm thực tiễn và tổng kết lý luận cho biết những điều kiện cần để thúc đẩy và định hướng xu hướng trên là: 

Xác lập và tăng cường những quan hệ cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp; bao gồm: Quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp và khoa học; Quan hệ giữa nông nghiệp và thị trường hiện đại; quan hệ giữa nông nghiệp và Nhà nước. Chính tính chất xã hội hóa của sản xuất nông nghiệp hiện đại khẳng định tính tất yếu của các quan hệ trên.

Hiện đại hóa và phát triển nông thôn bền vững cần tới chiến lược quốc gia và sự hỗ trợ, phát động của nhà nước cùng các tổ chức HTX để nông nghiệp và nông dân tiếp hợp với kinh tế thị trường hiện đại. 

Xây dựng giai cấp nông dân văn minh cần tới các điều kiện để phát triển nhận thức khoa học, những tiến bộ về công cụ sản xuất, đổi mới sản phẩm và tổ chức quản lý xã hội. Cụ thể hơn là đổi mới phương thức canh tác của nông dân và đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp.  

Xây dựng giai cấp nông dân văn minh cần tới các điều kiện để phát triển nhận thức khoa học, những tiến bộ về công cụ sản xuất, đổi mới sản phẩm và tổ chức quản lý xã hội.

3 - Hiện nay, những trở lực, vấn đề đang chi phối xu hướng đi lên CNXH của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên thế giới là: Sự lan tỏa của cách mạng khoa học và công nghệ chưa đồng đều và lành mạnh trong nông nghiệp và nông thôn; mặt trái của kinh tế thị trường và chế độ bảo hộ của một số nhà nước có thể gây ra những trở lực cho sự phát triển bình thường của nông nghiệp; QHSX tư nhân TBCN xét đến cùng là vật cản lớn nhất cho quá trình xã hội hóa sản xuất nông nghiệp. Chính những sáng kiến hoặc tiến hóa trong tổ chức sản xuất nông nghiệp (như mô hình hợp tác xã) là để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường và những nhược điểm cố hữu của tư hữu.

Có 2 nhóm vấn đề tiếp tục đặt ra với Việt Nam hiện nay:

Một là, những trở lực, vấn đề nào đang chi phối quá trình định hướng XHCN với xây dựng nông dân văn minh ở Việt Nam hiện nay. Một cách khái quát có thể chỉ ra là: Tính chất xã hội hóa của sản xuất nông nghiệp Việt Nam  còn chưa cao, cả về phương thức canh tác và quan hệ sản xuất. Tình trạng nhiều bộ phận nông dân còn “đứng bên ngoài kinh tế thị trường và bị phụ thuộc nhiều vào các nguồn lực từ bên ngoài” là khá phổ biến. Khá nhiều vấn đề bất cập trong quá trình nông sản Việt Nam hội nhập với thị trường thế giới. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở nhiều vùng nông thôn chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí của “Nông thôn mới”, theo đó điều kiện sống của một bộ phận lớn nông dân chưa phản ánh nguyên tắc thụ hưởng công bằng thành quả của đổi mới...       

Hai là, cần tập trung vào những khâu cơ bản nào để định hướng XHCN trong xây dựng giai cấp nông dân nước ta hiện nay. Thực tiễn nước ta hiện nay chỉ ra rằng, nếu coi nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn thì xây dựng giai cấp Nông dân văn minh phải là trung tâm. Nhưng muốn “văn minh hóa” giai cấp này thì trước tiên phải đổi mới phương thức sản xuất theo hướng xã hội hóa: “phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao” và tăng hiệu quả trong quá trình hội nhập. Cùng với đó là hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, trong đó “Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ, trang trại trong nông nghiệp”.(8) Lưu ý rằng,  biến đổi khí hậu, sự thăng trầm của kinh tế thế giới và gần gũi hơn là tương tác của quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa... đang là những tác động ngoại cảnh có chiều hướng phức tạp và cần được giải quyết một cách hệ thống  đối với nông dân, nông nghiệp và nông thôn nước ta.

Kết luận

Xã hội hóa trong nông nghiệp thế giới hiện nay đang thể hiện quy luật vận động chung của phát triển xã hội và qua đó tích lũy những tiền đề cho CNXH. Vấn đề đặt ra với nhận thức là, nếu như trên thế giới xu hướng xã hội hóa trong nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và văn minh hóa nông dân là những quá trình lịch sử - tự nhiên thì cùng với tính chất đó, ở Việt Nam hiện nay cần hiện thực hóa  trong chiến lược phát triển như  một quá trình tự giác, chủ động.

Và, nếu coi các quá trình trên đang là hướng phát triển phổ biến của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên thế giới,  thì “mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh” là biện pháp thực tiễn để định hướng XHCN cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay.  

(1) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, M. 1981, t. 30, tr. 159.

(2) Giáo trình Xã hội học văn hóa, 2011.

(3) Xem PGS.TS. Nguyễn An Ninh, Các Kibbutz ở Israel: Mô hình phát triển kinh tế xã hội nông nghiệp, nông thôn; Tạp chí Cộng sản, 7/ 2016.  

(4) UBND tỉnh Bình Phước, Liên minh HTX Bình phước, Vai trò của hợp tác xã ở một số nước trên thế giới, 12/10/ 2017. 

(5) Website: Viện nghiên cứu kinh tế  và phát triển nguồn nhân lực, TS. Nguyễn Quang Hợp, Lý luận của thế giới về hợp tác xã;

(6) Bộ NN&PTNT, Kỷ yếu Hội thảo 2016, Nhận thức mới về nông dân, nông nghiệp và nông thôn trên thế giới thập kỷ vừa qua...

(7) Diễn đàn Môi trường,  Vài nét về Mô hình OVOP (One Village One Product)

(8) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, H.2021, Tập1, tr. 134. 

TỪ KHÓA #xây dựng nông dân văn minh ở việt nam #xu hướng “tam nông” trên thế giới và gợi ý xây dựng nông dân văn minh ở việt nam
TIN cùng chuyên mục