Chúng tôi đến với huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vào một ngày đầu Đông. Cung đường từ thành phố Sơn La đến với huyện Bắc Yên nối dài bởi những đoạn đèo dốc, đặc biệt là đèo Chẹn dài hàng chục cây số, nối 2 huyện Mai Sơn và Bắc Yên của tỉnh Sơn La.
Nằm ở độ cao trung bình hơn 1.000m so với mực nước biển, đặc thù địa hình Bắc Yên có nhiều núi cao, khe sâu, ít đất bằng. Trên địa bàn huyện, có 7 dân tộc anh em Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Tày, Khơ Mú đang cùng chung sống, với hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc Mông.
Xã Tà Xùa là xã vùng cao của huyện Bắc Yên. Khí hậu miền núi khắc nghiệt, đông lạnh giá, sương phủ kéo dài, lại ít đất bằng để canh tác, nhiều đời người trên vùng đất này sống nhờ cây ngô, lúa nương năng suất thấp. Ông Mùa A Dế, người dân tộc Mông ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La hồi tưởng: “Nhiều năm về trước, trừ cây ngô, cây lúa nương, chúng tôi cũng chẳng có nguồn thu nhập nào khác nên cuộc sống luôn bị đói nghèo”.
Theo lời ông Dế, địa hình xã Tà Xùa khó tìm được giống cây trồng phù hợp. Cây trồng ngắn ngày trên nương là nguồn sống của người dân nhưng cũng chỉ trồng được một vụ trong năm vì mùa đông khắc nghiệt, cây không sống nổi.
“Cây ngô giống cũ có mưa to, gió mạnh là dễ đổ rạp. Trồng trên đất bằng còn đỡ vì có cây cối, nhà cửa che chắn bớt, gió bão cũng giảm sức tàn phá. Còn cây lúa nương thì năng suất cũng chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha. Nhưng chúng tôi đâu có nhiều đất bằng để trồng ngô, lúa. Cứ địu con lên nương cao gieo hạt thôi. Thế nên cây trồng sinh trưởng kém, cuối vụ thu chẳng được bao nhiêu. Nhà nào còn ngô đến giáp hạt là niềm mong ước của nhiều người”, ông Dế bộc bạch.
Ngày ấy, nhà nào có con trâu, con bò là nhà có điều kiện. Vì phải vay mượn, dành dụm mãi mới mua được con bò. Nhưng mùa đông giá rét, hầu như năm nào cũng có trâu, bò chết. Ông Dế thở dài: “Đợt nào rét đậm, rét hại, có băng giá, sương muối, không để ý là trâu bò chết nhiều lắm. Với chúng tôi, con trâu, con bò là cả gia tài. Nhà nào bị như thế là người trong nhà ngẩn ngơ mất cả tháng”.
Cùng chung cái khó với bà con xã Tà Xùa, bà con đồng bào các dân tộc Thái, Mông, La Ha ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La vẫn còn nhớ về dư âm cơn đói giáp hạt đầu những năm 90. Công tác xóa đói giảm nghèo ở xã vùng III Ngọc Chiến cũng là niềm trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ nơi đây.
Ông Lò Văn Pháng, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến bồi hồi: “Trong trí nhớ của tôi, Ngọc Chiến mãi đến năm 2000 mới có điện, năm 2010 mới có sóng điện thoại. Đến năm 2015, đường nội bản tại Ngọc Chiến cũng chưa có mét bê tông nào, chủ yếu ở dạng đường mòn lối mở mùa khô bụi bặm, mùa mưa lầy lội. Bà con muốn đi đâu thì cuốc bộ là chính, sang hơn thì cưỡi ngựa. Nhưng đường xá xa xôi, đầu xã, cuối xã cách nhau đến 40km, chưa có đường sang Yên Bái, đường vào thành phố Sơn La thì rất xa. Cán bộ từ bản ra trung tâm xã để họp có thể mất cả ngày trời”.
Đi lại khó khăn, bà con tại xã Ngọc Chiến cũng quen với nếp sống tự cung tự cấp. Bà con canh tác theo phương thức truyền thống, “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, chưa biết dùng phân bón, chưa có máy cày, máy xát thóc để gia tăng năng suất… Giống lúa, ngô, sắn mà bà con gieo trồng cũng là giống được cha ông truyền lại.
Giai đoạn ấy, xã Ngọc Chiến nói chung và bà con đồng bào dân tộc Thái nói riêng hầu như chỉ quen trồng và dùng ăn giống lúa nếp Tan địa phương. Giống này cho ra hạt nếp dẻo, thơm có tiếng nhưng năng suất rất thấp, chỉ từ 2-3 tấn/ha. “Điều kiện thời tiết ở Ngọc Chiến chỉ trồng được 1 vụ lúa, với sản lượng như trên, hầu như nhà nào cũng không đủ ăn”, ông Pháng bảo.
Thông thường, một vụ lúa tại xã Ngọc Chiến kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9. Cả năm chỉ khi đến ngày hội “Mừng cơm mới”, cũng là ngày bà con thu hoạch lúa, cả nhà mới được ăn bữa cơm trắng. Những ngày khác, nhất là 4-5 tháng trước khi đến thời điểm thu hoạch, hầu như nhà ai cũng ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, mèn mén để qua ngày. Rất nhiều cán bộ nông nghiệp từng lên với Ngọc Chiến để tìm hiểu, nhằm giúp người dân thâm canh, tăng năng suất lúa, sớm giải quyết tình trạng đói giáp hạt nhưng vẫn không thành công…
“Làm sao để bà con mình đủ ăn, rồi có của ăn của để đã là mong muốn của bao thế hệ cán bộ tại đất Ngọc Chiến này, trong đó có tôi. Bài toán xóa đói giảm nghèo ngày ấy là câu hỏi cứ trở đi trở lại mỗi mùa giáp hạt”, ông Pháng tâm sự.
Tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, câu chuyện về cái đói, cái nghèo ngày ấy còn gắn với cây hoa anh túc và những hủ tục lạc hậu.
“Có một thời người dân trong bản Hua Tạt chỉ quẩn quanh với cây ngô và cây thuốc phiện”, ông Tráng A Cao, người đã có nhiều năm là trưởng bản, Bí thư chi bộ bản Hua Tạt, nay là Phó Bí thư chi bộ bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La mở đầu câu chuyện.
Theo lời kể của ông Cao, từ khi ông biết nhớ, mấy đời người Mông đã sinh sống trên mảnh đất Hua Tạt này. Bản Hua Tạt, tên thuở xưa là Hua Tát, theo tiếng Mông có nghĩa là điểm cuối của một vùng đất. Ngày ấy, tên bản được đặt để đánh dấu địa giới về nơi sinh sống của người Mông và người Thái.
Trước năm 1990, bản Hua Tạt cả năm có một vụ ngô. Bà con quen canh tác theo phương thức truyền thống, hiệu quả không cao. Giống ngô đá cha ông để lại đã bị thoái hóa, cho năng suất thấp, trồng 1ha ngô thu được 2-3 tấn. Một vụ ngô như thế đủ no được nửa năm.
Hết vụ ngô, trai tráng trong bản say trong rượu và thuốc phiện. Nương ngô của các nhà trở thành vườn hoa anh túc. Các hộ trong bản chưa biết trồng thêm cây rau, cây quả. Nhà hết ngô, hết gạo, bà con đem nhựa thuốc phiện ra đổi lấy lương thực qua ngày.
“Biết trồng cây lúa, cây ngô mới ra thóc, bắp để ăn nhưng khi ấy cơn nghiện còn hành mình vật vã hơn cơn đói. Trong bản có vài chục hộ dân, người nghiện nhiều hơn người tỉnh, hầu như nhà nào cũng có người nghiện nên không ai bảo được ai. Thuốc phiện đổi được nhu yếu phẩm nên bảo bà con bỏ càng khó”, ông Cao lý giải.
Của nả tích góp trong nhà chẳng được bao lâu cũng hết vì cơn thèm thuốc và vì bà con chưa chịu học thêm cách trồng trọt, làm ăn. Lễ lạt cả bản lại chìm trong men rượu. Ăn không đủ no, chẳng mấy nhà cho con đi học để biết thêm chữ. Cứ thế, nhiều đời người tại bản Hua Tạt chưa thoát được cái nghèo.
Nhớ lại mùa hoa anh túc năm ấy, ông Cao bảo: “Đi nhiều, biết nhiều lại càng thấy sức tàn phá của cây thuốc phiện và những hủ tục lạc hậu lớn đến mức nào. Phải đến khi cả bản cùng quyết tâm xóa bỏ cây thuốc phiện, bản Hua Tạt chúng tôi mới dần khấm khá”.
Từ câu chuyện riêng đến câu chuyện chung, nhiều cái khó của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ngày ấy là bài toán lớn, thậm chí, cho đến nay, vẫn là thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Sơn La, như: Vùng sinh sống của bà con chủ yếu vẫn là các xã vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; trình độ dân trí đồng bào các dân tộc thiểu số không đều và tương đối thấp; phương thức sản xuất, canh tác còn lạc hậu, chưa vận dụng và vận dụng chưa hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; ảnh hưởng của tập quán lạc hậu, mê túy dị đoan và những tệ nạn như ma túy, thuốc phiện…
Trước những thách thức ấy, cấp ủy và chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã nêu cao quyết tâm, đẩy mạnh thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo.
(còn tiếp)