Kiều Thanh Tâm - 07:24 30/11/2024 GMT+7
xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số sơn la

Là xã biên giới, xã vùng III còn nhiều khó khăn, xã Chiềng Tương (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) có 9 bản với hơn 5.000 nhân khẩu, 100% bà con là đồng bào dân tộc Mông. Trước những thách thức như địa hình chủ yếu là đồi, núi, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế còn khó khăn…, xã Chiềng Tương vẫn quyết tâm vượt khó, đẩy đuổi đói nghèo. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Mạnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Yên Châu và sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng với nhân dân trong xã, công tác xóa đói giảm nghèo của xã Chiềng Tương đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. 

Một trong những thành tựu nổi bật trong những năm qua của xã Chiềng Tương là xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện kết luận của Huyện ủy Yên Châu về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, xã Chiềng Tương đã thành lập ban chỉ đạo, triển khai công tác rà soát hộ nghèo. Sau khi triển khai trên cơ sở đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kết quả rà soát năm 2024 cho thấy xã Chiềng Tương có 188/428 hộ thoát khỏi diện hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ tự nguyện làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số sơn la 2
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhiều chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai, đạt kết quả tích cực.

“Bà con đã được tuyên truyền, vận động từ trước; lại được tiếp cận với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, được tạo điều kiện để phát triển sản xuất… Trong xã cũng có những hộ gia đình đảng viên đi đầu làm gương. Bà con ý thức được muốn đi lên thì phải tự lực chứ không thể trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ; nên khi công bố kết quả rà soát đến từng bản, chưa có hộ gia đình nào có đơn thư, khiếu nại”, ông Mạnh lý giải.

Con số hơn 40% hộ nghèo đã thoát nghèo là “trái ngọt” của xã Chiềng Tương sau những quyết sách đúng đắn, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, nhiều quyết sách về kinh tế được đẩy mạnh, tập trung giải quyết bài toán thu nhập như: nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, chuyển đổi diện tích đất dốc, đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng phục vụ thị trường…

Rời huyện Yên Châu, chúng tôi tìm đến huyện Bắc Yên, là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La với đại đa số là đồng bào dân tộc ít người. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số sơn la 3

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây mới, có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác; áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của bà con các dân tộc tại huyện Bắc Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Ông Đào Văn Nguyên, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên thông tin: UBND huyện Bắc Yên đã tổ chức thực hiện và quán triệt tốt chủ trương của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và giảm nghèo bền vững; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn tạo việc làm; thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thành viên hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm thủy sản ứng dụng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhằm xóa, giảm bớt các hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo an sinh xã hội.

Người dân đã được tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chọn giống cây trồng vật nuôi, phương thức canh tác, chăm sóc; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao hơn để thay thế cho các giống cũ, phương thức canh tác, nuôi trồng cũ, năng suất thấp ở địa phương... 

xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số sơn la 1

Sơn La là tỉnh vùng cao biên giới có diện tích tự nhiên đứng thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tỉnh Sơn La có dân số trên 1,3 triệu người gồm 12 dân tộc; trong đó, có trên 83% dân số là người dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 1 thành phố, 11 huyện; 204 xã, phường, thị trấn với hơn 2.200 bản, tiểu khu, tổ dân phố. Toàn tỉnh có 80 xã khu vực I, 6 xã khu vực II và 116 xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều năm qua, Sơn La luôn xác định công tác giảm nghèo và an sinh xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp Sơn La, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện. Các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho Nhân dân được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, XV. 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, triển khai công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 21/12/2021 về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 03/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 21/01/2021 về thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội, …

xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số sơn la 5
Nhiều năm qua, Sơn La luôn xác định công tác giảm nghèo và an sinh xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh Sơn La đã huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc và nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã thực hiện ưu đãi tín dụng đối với hơn 145.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng số hơn 7.700 tỷ đồng. Gần 780.000 lượt học sinh con hộ cận nghèo, hộ nghèo, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Trên 300.000 học sinh bán trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo, tiền ăn, tiền học…

Từ tổng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Sơn La thực hiện phân bổ hơn 4.200 tỷ đồng để thực hiện các nội dung chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngân sách được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khó khăn trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống, góp phần cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với trọng tâm là các huyện nghèo, trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã được giao hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Tính đến tháng 7/2024, Sơn La đã giải ngân được hơn 452 tỷ đồng, đạt 44.8%. Ngân sách được tập trung để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin); chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm nghèo bền vững.

xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 6
Các quyết sách đúng đắn, kịp thời đã thiết thực góp phần cải thiện đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Sơn La. 

Các quyết sách đúng đắn trong công tác dân tộc đã thiết thực góp phần cải thiện đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Sơn La. Tỉnh Sơn La thực hiện kịp thời, đúng chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn... Chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La được bảo đảm.

Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh giảm 7,4% so với năm 2021, từ 21,34% xuống còn 13,94% (trên 3%/năm). Đến tháng 10/2024, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ xóa gần 8.700 nhà tạm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền là trên 404 tỷ đồng; nguồn kinh phí xã hội hóa là trên 354 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 10/12 huyện, thành phố hoàn thành công tác xóa nhà tạm; 3 huyện được công nhận thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 21,65% năm 2019 xuống còn 11,17% năm 2024, đạt mục tiêu Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III. 

Những quyết sách và thành quả trong giai đoạn vừa qua đã cho thấy quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong công tác xóa đói giảm nghèo. Từ đây, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi từng bước khởi sắc, người dân dần ổn định cuộc sống và vươn lên phát triển kinh tế. 

(còn tiếp)

TỪ KHÓA #chính sách xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số #ban dân tộc sơn la #xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số sơn la #công tác dân tộc sơn la #Sơn La
TIN cùng chuyên mục