Là người đem cây sâm Ngọc Linh đến với Sơn La, xin ông cho biết, cơ duyên nào đã đưa ông đến với loại cây Quốc bảo này, thưa ông?
Như các bạn đã biết, sâm Ngọc Linh là một loại sâm quý nhất thế giới, Nhà nước đã lấy sâm Ngọc Linh làm cây Quốc bảo (bảo vật quốc gia). Giống sâm này đã được trồng tại nhiều tỉnh, thành nhưng được biết đến nhiều nhất hẳn là 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Tôi bắt đầu mối duyên của mình với cây sâm Ngọc Linh vào 18 năm trước, cũng nhờ một chuyến công tác tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Khi ấy, thông tin về cây sâm này trên đài báo cũng không nhiều, cũng có thể tôi chưa tiếp cận được. Nhưng mua về đem biếu người thân, ai cũng khen tốt. Lúc ấy tôi mới nghĩ rằng, làm sao để mình trồng được giống cây này?
Khi đã đắm chìm với câu hỏi ấy, tôi lại trăn trở trước bao mảnh đời nghèo khó, bệnh tật, thiếu thuốc, thiếu tiền, thiếu điều kiện chăm sóc… vậy là tôi thêm quyết tâm đưa cây sâm Ngọc Linh về với Sơn La, hy vọng thứ biệt dược này sẽ không chỉ mang lại cho người dân Sơn La những cơ hội được thụ hưởng biệt dược sâm Ngọc Linh mà còn tạo ra những cơ hội về việc làm, về nguồn thu lớn.
Thưa ông, điều gì đã khiến ông cho rằng Sơn La cũng có thể trở thành điểm đến mới của Quốc bảo Việt Nam?
Gắn bó với mảnh đất Sơn La bao nhiêu năm, tôi tự hào khi nói rằng Sơn La đã cho ra nhiều loại hoa trái chất lượng tốt, thơm ngon, được đồng bào cả nước, thậm chí bạn bè quốc tế đều công nhận. Trộm nghĩ biết đâu cây sâm cũng có thể phát triển tốt trên đất này, tôi nung nấu ý định đem giống cây “Quốc bảo” về với Sơn La. Nhưng để biến ý tưởng thành thực tế thì vẫn cần kiểm chứng, thử nghiệm. Vì để trồng thành công giống cây quý này, nơi trồng cần đáp ứng nhiều điều kiện đặc biệt về thổ nhưỡng, khí hậu và cả vị trí địa lý… Người trồng cũng cần học về kỹ thuật, biết cách chăm cây, biết cách phòng, trị những thứ “bệnh” của giống cây này… Cuối cùng, sau một thời gian dài khảo sát, trồng thử cây giống ở nhiều nơi, tôi đã tìm thấy bản Sam Ta của xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), nơi có nhiều điểm tương đồng với những vùng trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam, Kon Tum.
Trong thời gian đi khảo sát, thử nghiệm, chúng tôi đã mang cây giống và củ gieo bằng hạt trồng ở Sơn La đi phân tích tại Viện Dược liệu Bộ Y tế. Kết quả cho thấy cây sâm Ngọc Linh trồng tại Sơn La có các hoạt chất tốt với sức khỏe con người, như hợp chất saponin còn vượt trội hơn so với cây sâm trồng tại nhiều nơi khác. Điều đó có nghĩa, cây sâm Ngọc Linh trồng và phát triển trên đất Sơn La sẽ cho chúng ta một loại dược liệu quý, giá trị, đúng như tên gọi Nhà nước đã đặt cho - cây “Quốc bảo”. Để nâng cao giá trị sử dụng của cây sâm, cần phải tìm cách để chế biến nó thành sản phẩm mà vẫn giữ chất lượng tốt nhất có thể, để phục vụ đời sống, sức khỏe cộng đồng, nên tôi quyết định sản xuất thêm cao sâm và các sản phẩm khác từ sâm.
Trong quá trình mang sâm Ngọc Linh đến với Sơn La, ông đã gặp phải những khó khăn, thách thức nào, thưa ông?
Từ con số 0 đi lên, bao giờ cũng có vất vả, thậm chí là những hy sinh, mất mát. Đó là điều đương nhiên chúng ta cần đối mặt, chấp nhận. Những ngày mới mang cây sâm về Sơn La, tôi cũng vào Nam ra Bắc bao lần để tìm kiếm cây giống chuẩn, tốt, khảo sát tìm nơi trồng, liên hệ với chuyên gia xin tham vấn…. Để kiểm chứng ý tưởng trồng sâm trên đất Sơn La, tôi đã đi khắp các cánh rừng trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam, Kon Tum rồi lại về với rừng Sơn La của mình để trồng thử nghiệm.
Những ngày ấy, tôi chỉ có chiếc ba lô chứa cây giống và ít lương thực. Cứ thế, kéo dài 10 năm trời, tôi đã tìm thấy đỉnh Sam Ta xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, là nơi có những đặc điểm đáp ứng rất tốt các điều kiện cho cây sâm Ngọc Linh phát triển.
Bắt tay vào làm sản phẩm từ sâm, những mẻ cao đầu tiên chúng tôi nấu tốn cả hàng chục cân nguyên liệu, mà cũng bị hỏng vì mình làm ở điều kiện, môi trường chưa hoàn thiện. Đến bây giờ, hành trình này vẫn có những khó khăn, thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để chúng tôi học hỏi, rút kinh nghiệm, để hiện tại, chúng tôi có thể hoàn thiện một thứ sản phẩm xứng đáng để phục vụ cộng đồng, phục vụ mọi người.
Được biết, các sản phẩm cao sâm, rượu sâm, rượu cao sâm Ngọc Linh do Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long sản xuất đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Vậy những nguồn tài liệu khoa học nào mà ông đã được tiếp cận để nâng cao chất lượng sản phẩm sâm Ngọc Linh, thưa ông?
Để ra được sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ cộng đồng như ngày hôm nay, chúng tôi đã tiếp cận nhiều nguồn tài liệu, ví dụ như tài liệu của Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng tôi thường xuyên trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Tú của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thông thường, chúng tôi trao đổi qua điện thoại, chị sẽ tham vấn cho tôi các vấn đề về kỹ thuật để căn chỉnh hàm lượng các chất có trong cao sâm. Cũng có những đợt, nhà trường tổ chức đoàn lên tham quan tại vườn để đánh giá chất lượng. Cao sâm Ngọc Linh của tôi đã được nhà trường mang đi trường Đại học Gifu ở Nhật Bản để phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm, các thành phần có trong cao sâm.
Nhà trường và thầy cô tại Trường đã tạo nhiều điều kiện cho chúng tôi về mặt lý thuyết, còn khi vào thực tiễn, chúng tôi vẫn cần phải ứng biến, vận dụng tùy theo thực tế sản xuất. Không có lý thuyết thì không có thực tiễn. Nhưng từ thực tiễn, chúng tôi lại đúc rút được những kinh nghiệm quý báu, có thể nói là kinh nghiệm vô giá để chế biến những sản phẩm của mình. Nhờ thế, Công ty THHH MTV Đầu tư Xây dựng Thành Long mới có sản phẩm cao sâm Ngọc Linh như ngày hôm nay.
Ông đã ứng dụng những công nghệ nào vào quy trình sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh?
Hiện chúng tôi sử dụng công nghệ sấy, chiết tách, cô đặc ở nhiệt độ thấp, từ 70 độ trở xuống. Tương lai chúng tôi sẽ hoàn thiện nhà máy đạt chuẩn GMP để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến, ông có ứng dụng những công nghệ khác trong quá trình giám sát, quản lý sản phẩm không, thưa ông?
Việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số ở thời nay thì nông dân Sơn La đã ứng dụng rất nhiều chứ không riêng gì Công ty Thành Long của chúng tôi. Đặc biệt là trong quá trình tìm tòi cách trồng, chăm sóc, phát triển, thu hoạch cây sâm hay sơ chế, chế biến sâu những sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh tôi đều có những ứng dụng công nghệ để thành công được như hôm nay: Kiếm tìm địa chỉ, kiếm tìm đất trồng, kiếm tìm tư liệu, kiếm tìm nhà khoa học, kiếm tìm công nghệ chế biến...
Nhưng tại vườn sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La thì chúng tôi không sử dụng camera giám sát bởi lòng tin vào người dân bản địa. Họ là người dân vùng cao, là người dân nơi đã giao rừng, giao đất để chúng tôi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, thực hiện dự án trồng sâm. Dự án của chúng tôi được các cấp chính quyền ủng hộ, được bà con đồng lòng, chúng tôi gần như không cần quan tâm đến công tác bảo vệ vì có bà con dân bản ở đó. Ngày xưa, bà con trên đó làm nương, trồng ngô. Ngày nay, tuy không phải tất cả nhưng một số gia đình ở đó cũng gắn bó, học hỏi, theo Công ty Thành Long để phát triển trồng sâm. Khi mà mình đã hiểu bà con và khi người dân ở đó đã hiểu được rõ giá trị của cây sâm, họ sẽ tự gắn bó, yêu thương và cùng chúng tôi chăm sóc.
Tuy nhiên, trong khâu quản lý sản phẩm, chúng tôi vẫn ứng dụng công nghệ để kiểm soát sản phẩm đầu ra, thông qua mã QR, nhãn vạch. Chúng tôi cũng đã đăng ký bảo hộ giống cây trồng và được cấp bằng sáng chế thương hiệu sản phẩm cũng như rất nhiều chứng chỉ, chứng nhận khác.
Thưa ông, dự án trồng sâm của Công ty Thành Long có sự gắn bó rất lớn với người dân bản địa. Ông có thể chia sẻ thêm về những hoạt động, dự án mà doanh nghiệp đã thực hiện để nâng cao nhận thức, tạo sự gắn kết giữa cây sâm và người dân địa phương?
Từ khi triển khai dự án, bà con ở đây thay vì về những khu công nghiệp ở Bình Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh,... để làm thì nay có thể ở lại trồng sâm cùng chúng tôi, ngay trên mảnh đất quê hương của họ. Chúng tôi có dự án làm đường vào bản, tạo công ăn việc làm cho bà con, hướng dẫn họ cách trồng sâm để có thể sau này, tạo điều kiện, nguồn vốn cho họ tự trồng sâm. Qua những buổi tập huấn do doanh nghiệp tổ chức, hiện nay, người dân đã có thể tự trồng sâm được rồi. Không ít người dân đã có thu nhập ổn định nhờ tham gia trồng sâm Ngọc Linh, tham gia chế biến cao sâm Ngọc Linh cùng các sản phẩm khác từ sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La của Công ty Thành Long. Tôi cũng rất vui khi thấy người dân bằng lòng với mức thu nhập mà Công ty tạo ra từ việc trồng và chế biến sâm Ngọc Linh ở Sơn La.
Xin ông cho biết, thương hiệu sâm Ngọc Linh Thành Long đang tiếp cận khách hàng qua những kênh nào?
Các sản phẩm của chúng tôi chủ yếu được bày bán và quảng bá trên website doanh nghiệp và qua phương thức truyền miệng. Khách hàng của tôi mua dùng, thấy có hiệu quả thì giới thiệu với người khác. Hiện chúng tôi chưa sử dụng thêm các nền tảng mạng xã hội để quảng bá do chưa tìm được kênh phù hợp. Tôi cho rằng, dù sử dụng phương thức nào để kết nối với người tiêu dùng, lòng tin của họ khi sử dụng sản phẩm vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Nếu sản xuất sản phẩm tốt bằng lương tâm, đạo đức, mang tính dâng hiến, phục vụ cộng đồng rồi mới tính đến yếu tố tái đầu tư thì sản phẩm tự sẽ tỏa hương, sẽ tự lan tỏa đến cộng đồng. Nếu sản phẩm của chúng ta không tốt thì có quảng bá như thế nào cũng chỉ là dối lừa. Mình cứ cố gắng làm bằng lương tâm, bằng trách nhiệm, bằng đạo đức của con người, đạo đức mang tính phục vụ chứ không phải đạo đức mang tính kiếm tiền.
Ông đánh giá như thế nào về tương lai của cây sâm Ngọc Linh trên đất Tây Bắc này, thưa ông?
Tôi nghĩ tương lai của cây sâm Ngọc Linh, của cây Quốc bảo trên vùng Tây Bắc này sẽ rất tốt, rất phát triển, rất tươi sáng, với điều kiện trồng được sâm, từ cây sâm, chế biến được sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Có như vậy, cây sâm mới đem lại nguồn lợi cho người trồng sâm, cho tỉnh Sơn La.
Nhìn vào bức tranh rộng hơn, tôi không dám nói cây sâm Ngọc Linh được trồng tại đất Sơn La hơn ai cả nhưng hoàn toàn có thể khẳng định về chất lượng, về giá trị dinh dưỡng, hợp chất saponin của cây sâm trồng tại đất Sơn La có thể nói là vượt trội. Trong khi đó, sâm trồng tại đây lại có mức giá cạnh tranh cao. Tương lai của cây sâm này trên đất Tây Bắc không thể đùa được đâu (cười). Nếu biết đầu tư đúng hướng, đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, cây sâm Ngọc Linh - cây Quốc bảo sẽ có chỗ đứng hoàn hảo trên rẻo cao Tây Bắc này. Chất lượng sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La rất tốt, đó không chỉ là khẳng định của cá nhân tôi mà còn là của nhiều nhà khoa học trong nước cũng như của một số trường đại học nước ngoài như Nhật Bản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Thành Công cũng đã ghi nhận những cố gắng phát triển cây sâm Ngọc Linh, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La và đã có những chỉ đạo với các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm phát triển sâm Ngọc Linh ở Sơn La. Sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền; các nhà khoa học, của người dân cũng như nhu cầu tiêu thụ biệt dược từ cây Quốc bảo của thị trường là nguồn động lực rất lớn để chúng tôi phát triển cây sâm Ngọc Linh cũng như tìm kiếm nhiều nhiều giải pháp sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh tốt nhất.