Thanh An - Việt Tùng - Lương Thủy - Minh Tú - 15:08 29/10/2024 GMT+7

Mặc dù đã 21 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về “gói kích cầu” hỗ trợ người dân trồng mới 30ha hồng không hạt “tiến Vua” Gia Thanh vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của ông Hán Xuân Đang - Bí thư Đảng ủy xã Gia Thanh. Ông Đang cho biết, khi đó các gói hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp rất hạn chế, đặc biệt với một huyện nghèo như Phù Ninh thì “gói kích cầu” này thuộc dạng "quý hiếm", nên những người dân được thụ hưởng rất phấn khởi và họ sử dụng đồng tiền của Đề án có trách nhiệm, rất hiệu quả.

Trời không phụ lòng người, những cây hồng được đảng viên trẻ Hán Xuân Đang trồng phát triển tốt. Sau 5 năm, những cây hồng đã bắt đầu ra bói, tuy chưa sai quả nhưng quả rất to, đều, ngọt mát, với các đặc tính y nguyên giống cây hồng tổ của gia đình Đại tá Triệu Quang Chiến. Mừng rơi nước mắt, ông Hán Văn Đang đã lập một báo cáo trình bày về cây hồng không hạt với Đảng ủy, UBND xã Gia Thanh. Cảm động trước nỗ lực và quyết tâm của người Bí thư Đoàn xã và nhận thấy đây là hướng đi đúng đắn, là bước ngoặt về kinh tế, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã báo cáo lãnh đạo Huyện ủy Phù Ninh.

Năm 2003, sau khi nhận được báo cáo của xã Gia Thanh và huyện Phù Ninh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ đã thành lập đoàn kiểm tra “thị sát” vùng trồng hồng không hạt Gia Thanh của người nơi đây, đặc biệt là vườn trồng hồng của đảng viên Hán Xuân Đang. Theo ông Đang kể lại, khi đó đoàn kiểm tra về đúng mùa hồng đang thu hoạch, nên việc đánh giá có độ chính xác rất cao.

“Sau khi đi kiểm tra từng vườn hồng, gốc hồng, Đoàn cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã được bà con “đãi” những đĩa hồng không hạt Gia Thanh đầu mùa vàng óng, ăn ngọt thanh, mát rượi, khiến ai cũng trầm trồ, ngạc nhiên. Cầm miếng hồng như hình cánh hoa hồi trên tay, cắn một miếng nhỏ, một nữ cán bộ trong Đoàn đã thốt lên: Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn một loại hồng ngon đến mê hoặc thế này, khiến cả Đoàn cười ồ lên, ai nấy đều tấm tắc, gật đầu. Công nhận ngon thật!”, Bí thư Đảng ủy Hán Xuân Đang nhớ lại.

Chỉ thời gian ngắn sau khi Đoàn công tác rời Gia Thanh, một Đề án hỗ trợ người dân xã Gia Thanh và các vùng phụ cận trồng mới 30ha hồng không hạt Gia Thanh đã được lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ phê duyệt. Theo đó, những hộ dân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha, bao gồm tiền mua giống, phân bón và kỹ thuật. Tổng có 150 hộ được tham gia Đề án, trong số đó có những gia đình đi tiên phong như đảng viên Hán Xuân Đang, bà Phạm Thị Thuận, ông  Triệu Quang Báo…

Sau này có người ví, “Gói kích cầu” của Đề án hỗ trợ người dân trồng mới 30ha hồng, chẳng khác nào “nắng hạn gặp mưa rào” đối với đảng viên Hán Xuân Đang nói riêng và người dân xã Gia Thanh nói chung. Nhưng có lẽ đảng viên Hán Xuân Đang là người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Bởi ông là người đầu tiên phát hiện và quyết tâm “hồi sinh” cây hồng không hạt Gia Thanh, sản vật “tiến Vua” của quê hương. Việc một dự án lớn, hỗ trợ người dân phát triển đến 30ha hồng không hạt Gia Thanh, khi cây hồng đang đứng trước nguy cơ mai một, tuyệt chủng, ý nghĩa và giá trị của “Đề án trồng mới 30ha hồng” mang lại phải gọi là “bùa hộ mệnh”, “vị cứu tinh” của hồng không hạt Gia Thanh mới phải. Còn đối với đảng viên Hán Xuân Đang, thì đây chính là sự ghi nhận của tổ chức, của cơ quan chuyên môn, tất cả đang cùng ông và người dân nơi đây tìm lại giá trị thực cho sản vật “tiến Vua” – hồng không hạt Gia Thanh quý hiếm này.

Đúng là “có bột mới gột nên hồ”. Từ lúc cả xã Gia Thanh chỉ có khoảng 5ha, với khoảng 20 hộ trồng hồng, hộ nhiều cũng chỉ độ trăm gốc hồng, ấy thế mà chỉ một thời gian ngắn, diện tích hồng của Gia Thanh đã lên 30, 40, rồi 50, 60ha… và nay đã có hơn 120ha, với hàng trăm hộ tham gia trồng hồng, trong không khí sôi nổi và niềm tin tuyệt đối vào cây hồng sẽ cho… “quả ngọt”.

Ông Triệu Quang Báo - Bí thư Chi bộ khu 2, xã Gia Thanh cho biết, ông là Bí thư Chi bộ duy nhất của xã Gia Thanh là người Công giáo và là 1 trong 150 hộ dân tiên phong trồng hồng theo Đề án 30ha hồng của Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ năm 2003. Khi đó ở khu 2 có 36 đảng viên, thì có tới 30 người tham gia trồng hồng.

Ông Báo kể lại, năm 2004 chỉ một năm sau khi triển khai Đề án trồng mới 30ha hồng, Đảng ủy xã Gia Thanh đã ban hành Nghị quyết xác định cây hồng là cây chủ lực, mang lại lợi ích kinh tế cao nhất. Theo đó, Đảng ủy đã quán triệt, vận động đảng viên, cán bộ trồng hồng theo Đề án 30ha hồng của Sở KH&CN.

“Lúc đầu bà con cũng tâm tư, lo lắng lắm. Vì cây hồng trồng rất lâu mới có quả, rồi quả bán cho ai? Nhưng được sự chỉ đạo, động viên của Đảng ủy, Chi bộ tôi quyết tâm làm, đảng viên làm trước, rồi Hội Nông dân và các đoàn thể khác cùng vào cuộc tuyên truyền vận động hội viên làm. Tinh thần lên rất cao, đồng bào lương – giáo rất đoàn kết giúp đỡ nhau ngày công, cùng nhau phá vườn tạp, bạch đàn chồi, cải tạo đất, đào hố trồng hồng. Khí thế hừng hực, nhà nhà, người người cùng trồng hồng”, Bí thư Chi bộ Triệu Quang Báo nhớ lại.

Hôm chúng tôi đến, gia đình ông Báo vừa thu hoạch lứa hồng đầu mùa, những quả hồng đã ngâm trong nước giếng khơi 48 giờ đang được vớt ra, để ráo, rồi phân loại, đóng hộp giao cho khách. Thấy có khách đến nhà, vợ ông vội lấy dao gọt nhanh một đĩa hồng mời khách. Giữa cái nắng hanh khô, ran rát của thời tiết cuối Thu, cắn miếng hồng không hạt Gia Thanh, một sản vật “tiến Vua”, chúng tôi cảm nhận được vị ngọt thanh, mát, bùi, lẫn tiếng nổ lóp bóp trong miệng khi nhai ngang thớ hồng. Cảm giác đó, khiến tôi nhớ lại câu chuyện của Bí thư Hán Xuân Đang kể về một nữ cán bộ của Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ, khi lần đầu được thưởng thưởng thức sản vật “tiến Vua” này đã phải thốt lên: “Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn một loại hồng ngon đến mê hoặc thế này”!.

 Dẫn chúng tôi lên đồi hồng sau nhà, vừa bước vào vườn, đập vào mắt chúng tôi là những cây hồng sai trĩu quả, quả vàng óng võng xuống sát đất. Ông Báo cho biết, hiện gia đình ông có khoảng 350 cây, trên diện tích gần 2ha, trong đó khoảng 150 gốc từ 15 – 20 năm tuổi, còn lại là khoảng 5 – 7 năm tuổi. Ông với tay lấy cây “thuộc” (dụng cụ hái hồng có ngạnh sắt và túi vải nhỏ đựng quả), dựng “đà” (thang được làm bằng cây tre già, thẳng, giữa các cành có mấu nhỏ để đạp chân) leo thoăn thoắt lên hái đưa cho chúng tôi những quả hồng vàng óng, căng mọng, đều tăm tắp.

“Khu hồng này gia tôi trồng theo Đề án 30ha hồng năm 2003 của Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ. Khi đó, chúng tôi được Viện Cây ăn quả miền núi phía Bắc tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật. Theo đó, mỗi hec-ta trồng từ 220 đến 250 cây hồng, đến nay lứa hồng này đã 21 năm tuổi, mỗi vụ cho khoảng 30 – 50kg quả/cây. Sáng nay, tôi vừa xuất gần 5 tạ hồng đã ngâm đủ 48 giờ cho các cháu của HTX tiêu thụ hồng Gia Thanh”, ông Triệu Quang Báo, Bí thư Chi bộ khu 2 cho biết.

Cách vườn hồng của gia đình ông Triệu Quang Báo không xa, là vườn hồng của gia đình ông Trần Quốc Khánh, một trong những giáo dân đi tiên phong trồng hồng theo Đề án 30ha hồng năm 2003. Ông Khánh cho biết, năm 2003, gia đình ông tham gia trồng khoảng 80 gốc hồng, trên diện tích 0,5ha.

“Năm nay hồng được mùa, được giá, với 80 cây hồng, gia đình tôi thu gần 3 tấn quả, với giá 55.000 đồng/kg tại nhà, gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra gia đình tôi còn 1,8ha hồng 2 năm tuổi, độ 4 – 5 năm nữa, khi lứa hồng này cho quả, giá trị kinh tế đem lại sẽ gấp 3 – 4 lần hiện nay”, ông Khánh tự tin chia sẻ.

Là hội viên Hội Nông dân khu 2, xã Gia Thanh, gia đình bà Phạm Thị Thuận, khi đó chỉ có 2 cây hồng từ đời ông cha để lại. Đề án 30ha hồng được triển khai, bà cũng chính là một trong 150 người tiên phong đi đầu làm thí điểm đợt 1. Khi đó, được Hội Nông dân xã thuyết phục và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, cấp ủy, chính quyền xã Gia Thanh, bà Thuận đã tự nguyện phá đồi bạch đàn, để trồng 1ha cây hồng.

Cũng như bao người tiên phong trồng hồng ở xã Gia Thanh, gia đình bà Thuận phải kiên trì, chờ đợi 6, 7 năm với bao khó khăn, xen lẫn hoài nghi để có được những trái ngọt đầu tiên. Cả gia đình phải chịu cảnh “ăn đói, mặc rách”, xách nước tưới hồng suốt 6, 7 năm trời chờ ngày ra hồng ra quả cho thu nhập, nhiều lúc cũng nản lòng. Nhưng được sự động viên của Đảng ủy, UBND xã và sự giúp đỡ của các cán bộ, hội viên Hội Nông dân trong khu, gia đình bà cũng dần vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Năm 2010, những cây hồng được Đề án hỗ trợ đã bắt đầu cho quả. Từ năm 2014 đến nay, 255 cây hồng cho thu nhập ổn định từ 220 – 280 triệu đồng/năm và khoảng 100 triệu đồng/năm từ tiền bán cây giống. Nhờ cây hồng mà gia đình tôi đã có được cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay”, bà Phạm Thị Thuận phấn khởi chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn hồng, bà Thuận khoe, ngoài 1,5ha hồng đã cho thu hoạch, hiện gia đình bà đã trồng thêm 2ha hồng, nay đã được 2 năm tuổi. Với gần 700 gốc hồng, chỉ khoảng 5 năm nữa mỗi cây sẽ cho khoảng 30 – 50kg quả/năm, như giá bán tại gốc năm nay là 55.000 đồng/kg, doanh thu của gia đình bà có thể lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.  

Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, kiêm Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Thanh, thoắt cái đã trèo lên cây hồng 23 năm tuổi vặt chiếc lá xuống cho chúng tôi xem. Trong bàn tay anh, con sâu cuốn lá nhỏ xíu đã làm chiếc lá hồng quăn lại, úa màu. “Cây hồng không có bệnh gì nghiêm trọng ngoài mấy con sâu cuốn lá và ruồi vàng chích các quả hồng sắp chín. Nhưng cây hồng lại có một đặc tính là rất mẫn cảm, không chịu nổi các loại thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật. Nên người dân không phun thuốc sâu, mà dùng bằng bẫy sinh học để bắt dụ sâu, ruồi”, ông Nguyễn Dũng cho biết.

Trở lại câu chuyện của 21 năm trước, ông Nguyễn Văn Suyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Ninh (Phú Thọ) khẳng định, “gói kích cầu” hỗ trợ người dân xã Gia Thanh trồng 30ha hồng không hạt của Sở KH&CN phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được hình thành từ chính mô hình trồng hồng không hạt Gia Thanh của đảng viên trẻ Hán Xuân Đang và một số người dân ở khu 1 và khu 2, xã Gia Thanh khi đó.

“Dự án này nhằm mục đích hỗ trợ người dân bảo tồn và phát triển cây hồng không hạt Gia Thanh, một đặc sản “tiến Vua” nổi tiếng ở đây, trước thực trạng cây hồng có nguy cơ mai một, lãng quên. Và chính “gói kích cầu” này là động lực để người dân khôi phục và phát triển thành công cây hồng không hạt Gia Thanh”, ông Nguyễn Văn Suyên cho biết.

Theo ông Hán Xuân Đang – Bí thư Đảng ủy xã Gia Thanh, trong thời gian phát triển cây hồng đến khi ra được Nghị quyết chuyên đề, từ năm 1999 đến năm 2021, những nội dung liên quan đến phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong những báo cáo tháng, quý hay hội nghị tổng kết năm của Đảng ủy, UBND xã Gia Thanh đều đã tuyên truyền, khuyến khích, đề nghị nhân dân xóa bỏ vườn tạp, cây kém hiệu quả như bạch đàn chồi, cọ để trồng hồng.

Sau khi đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của mô hình chuyển đổi từ cây cọ, bạch đàn sang trồng hồng của ông Hán Xuân Đang và Đề án trồng mới 30ha hồng của Sở KH&CN tỉnh, ngày 8/01/2020 Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13 NQ/HU “Về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện Phù Ninh, giai đoạn 2020 – 2025”. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 huyện có khoảng 210ha hồng không hạt Gia Thanh, trong đó diện tích trồng mới từ 120ha trở lên, tập trung ở xã Gia Thanh và các xã: Tiên Du, Phú Nham, Bảo Thanh, Phú Lộc, Trị Quận… năng suất đạt khoảng 12,5 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 2.500 tấn/năm. Trong Nghị quyết nêu rõ việc hỗ trợ phát triển cây hồng không hạt Gia Thanh được xác định là cây đặc sản trồng tại xã Gia Thanh và các xã trong vùng phụ cận. Theo đó, các hộ trồng từ 0,2ha trở lên và từ 1ha trở lên đối với tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí mua cây giống.

Có thể nói, Nghị quyết số 13 là tiền đề để Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Ninh ban hành Nghị quyết 94 và Nghị quyết 95 để thúc đẩy, phát triển cây hồng không hạt Gia Thanh. Trong Nghị quyết số 94 nêu, tổng diện tích rừng trên địa bàn huyện Phù Ninh là 2.920ha, diện tích rừng bạch đàn chiếm tỷ lệ lớn, việc trồng độc canh cây bạch đàn nhiều năm đã làm hệ sinh thái xuống cấp và suy thoái dần, đất đai xói mòn, thoái hóa, bạc màu, giá trị kinh tế ngày càng suy giảm. UBND huyện đã chủ trương chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng bạch đàn tái sinh kém hiệu quả sang trồng rừng gỗ lớn, cây ăn quả thế mạnh của địa phương. Huyện Phù Ninh đã đặt mục tiêu đến hết năm 2023 hoàn thành xong việc xóa bỏ toàn bộ diện tích 16ha cây bạch đàn chồi tại 13 xã, thị trấn.

Và Nghị quyết 95 đã khẳng định hồng Gia Thanh sẽ được trồng ở tất cả các xã, thị trấn, trong đó ưu tiên phát triển tại các xã: Gia Thanh, Tiên Du, Liên Hoa, Phú Mỹ, Trung Giáp, Bảo Thanh, Trị Quận, Phú Lộc… Đây là các xã có đặc điểm địa hình, địa chất, thổ nhưỡng gần giống với xã Gia Thanh, nhân dân trong xã cũng đã trồng giống hồng Gia Thanh có quả ổn định, chất lượng quả tốt; Phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng hồng Gia Thanh trên địa bàn huyện đạt từ 300-400ha, sản lượng trên 3.000 tấn quả/năm.

Ông Hán Xuân Đang cho rằng, với 2 Nghị quyết trên đã nêu rất rõ, định hướng cụ thể, tạo điều kiện cho việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn, là cơ sở để xã Gia Thanh tiếp tục triển khai thực hiện nhiều biện pháp vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Trên cơ sở của các Nghị quyết, UBND xã Gia Thanh đã cụ thể hóa thành các chương trình; các tổ chức đoàn thể tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung kế hoạch phát triển cây hồng đặc sản Gia Thanh trên địa bàn huyện. Ông Hán Xuân Đang cho biết thêm, từ năm 2021 đến nay các hộ trồng hồng được chính quyền hỗ trợ 20 triệu đồng/ha. Theo đó, huyện đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho các địa phương trồng mới hồng Gia Thanh, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương, đường giao thông... tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh công tác tuyên truyền, chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân huyện đã giúp người dân thành lập HTX hồng không hạt Gia Thanh, để hỗ trợ việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nhằm đưa quả hồng vươn lên một tầm cao mới.

“Để có được kết quả như ngày hôm nay, không chỉ có Nghị quyết “đúng và trúng” mà còn là sự đoàn kết, đồng thuận của chính quyền và người dân, là ý chí quyết tâm làm giàu của các cá nhân, tập thể điển hình để người dân khác noi theo” – Bí thư Đảng ủy xã Gia Thanh Hán Xuân Đang khẳng định. 

Là một trong những xã làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu trồng hiệu quả từ Nghị quyết 94 và 95, ông Lê Xuân Kết – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Du, huyện Phù Ninh cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 95 của Huyện ủy về phát triển hồng không hạt Gia Thanh ra đời, xã đã sớm triển khai. Đảng bộ và cán bộ đảng viên cũng nhận thấy, giá trị của cây hồng Gia Thanh là rất lớn, nên đã tiên phong đi trước, đồng thời vận động người dân hưởng ứng chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng hồng.

Xã Tiên Du ở vùng đệm của xã Gia Thanh nên thổ nhưỡng cũng tương tự như vậy, nhưng tỷ lệ đồi rừng ít hơn. Từ năm 2020 đến nay, sau khi được tuyên truyền về phát triển cây hồng không hạt, bà con đã phá bỏ vườn tạp, cây bưởi, cây sấu để chuyển sang cây hồng. Hiện cả xã đã trồng được khoảng trên 25ha, trong đó có 17ha đang cho thu hoạch. Giá trị kinh tế của cây hồng đã giúp nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

“Nghị quyết của Huyện ủy Phù Ninh đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân và được người dân nhiệt tình ủng hộ. Năm nay hồng được mùa, được giá, thương lái đến tận vườn mua, nên bà con phấn khởi lắm, có hộ chỉ có 10 cây hồng mà thu hơn 60 triệu đồng”, ông Lê Xuân Kết cho biết.

TỪ KHÓA #nông dân #nông nghiệp #nông thôn mới nâng cao #Hội Nông dân #phu tho #hồng gia thanh
TIN cùng chuyên mục