Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tỉnh Sơn La xác định công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ gắn với giải quyết “bài toán” thu nhập mà còn bảo đảm cho bà con được tiếp cận các dịch vụ cơ bản; 6 dịch vụ đó gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Đó là cơ sở để xây dựng mạng lưới an sinh bao trùm, bền vững, xây dựng cơ chế, chính sách xóa đói giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Từ đây, nhiều chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội đã xác định rõ hơn đối tượng tiếp cận, đảm bảo để bà con các dân tộc có sinh kế bền vững, được tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Về lĩnh vực văn hóa, với đặc thù có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, Sơn La tập trung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện. Đây là nội dung đã được chỉ ra tại Kết luận số 335-KL/TU ngày 26/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc được chú trọng quan tâm, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị.
Ngành Giáo dục đào tạo Sơn La đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12/12 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt mục tiêu Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh lần thứ III (nhiệm kỳ 2019 -2024) đề ra. Tính đến tháng 11, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 cơ sở giáo dục, đào tạo với hơn 23.200 giáo viên, khoảng 376.500 học sinh tham gia giảng dạy, học tập ở các bậc học. Trong đó, có khoảng 12.600 giáo viên và gần 316.000 học sinh là người dân tộc thiểu số.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tăng cường. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa về y tế, đa dạng hóa hình thức tư vấn, khám chữa bệnh; triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và các trạm y tế xã được quan tâm đầu tư, nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật với nhiều trang thiết bị hiện đại. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đến nay đạt 96,1%; số giường bệnh/10.000 dân đạt 30,8 giường bệnh; số bác sỹ/10.000 dân đạt 8,85 bác sỹ…
Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn giới thiệu và phổ biến chính sách và thực hiện chính sách về giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện thường xuyên. Giai đoạn 2019-2023, Sơn La đã giải quyết việc làm cho gần 117.000 lao động; trong đó, 86% lao động là người dân tộc thiểu số. Tỉnh Sơn La có hơn 820 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 823 người với 90% lao động là người dân tộc thiểu số. Ước đến hết 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 63%, đạt mục tiêu Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III (nhiệm kỳ 2019 -2024).
Phong trào thi đua “Sơn La chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai sâu rộng, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và huy động nhiều nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến tháng 8/2024, tỉnh Sơn La đã huy động được hơn 400 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ gần 8.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua các cấp, các ngành đã phát hiện và nhân rộng các điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2024-2029, tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, văn kiện đại hội đã xác định một trong những mục tiêu hàng đầu là giảm từ 1%/năm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra. Theo đó, các chính sách được thực hiện phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.
Các cấp ủy, chính quyền Sơn La tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế - xã hội ở các địa bàn này; dần thu hẹp khoảng cách giữa vùng thấp và vùng cao, giữa thành thị và nông thôn.
Sinh kế bền vững cho bà con các dân tộc được đảm bảo thông qua việc thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tạo việc làm bền vững, ổn định đời sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Các chương trình, dự án giảm nghèo phải được triển khai đồng bộ; trong đó ưu tiên việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm) của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giảm tỷ lệ tái nghèo, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Công tác xóa đói giảm nghèo ngày nay còn tồn tại nhiều khó khăn. Các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu vẫn là các xã vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Những vùng này có điều kiện phát triển không thuận lợi, thường có điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp. Sinh kế của bà con các dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, vốn là lĩnh vực sinh lời chậm, lại phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi của thời tiết, khí hậu.Vẫn còn sự chênh lệch về nhận thức, khả năng tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giữa đồng bào các dân tộc thiểu số và người đa số. Đặt vào bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với sự thay đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn…
Nhưng nhìn lại, những thách thức trên cũng gợi mở nhiều cơ hội, hướng đi để phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng miền. Đặc thù khí hậu, chất đất của các xã vùng cao như Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Sông Mã… đã cho ra nhiều giống lúa, cây trái không đại trà, chất lượng thơm ngon, được ưa chuộng trên thị trường. Có những giống cây quý hiếm, yêu cầu nghiêm ngặt về nơi trồng như cây quốc bảo - sâm Ngọc Linh cũng có thể di thực về Sơn La, tại bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn; Chè Mộc Châu, mận hậu Phiêng Khoài, xoài tròn (Yên Châu), nhãn Sông Mã, dâu tây Mai Sơn... Bà con các dân tộc vẫn giữ gìn các nét đẹp văn hóa bản địa, những tập tục, lễ hội, tạo nên sức hút riêng cho vùng miền…
Để khai thác được những tiềm năng, thế mạnh, biến thách thức thành cơ hội, Sơn La đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn như: chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây lương thực kém hiệu quả, hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và các bản đặc biệt khó khăn…
Đặc biệt, công tác chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được đẩy mạnh. Sơn La triển khai nghiên cứu, ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhất là nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tỉnh tiếp tục xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương, chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện các mô hình khuyến nông; tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số; có cơ chế linh hoạt trong huy động nguồn lực, liên kết, đặt hàng với các tổ chức, doanh nghiệp để huy động nguồn lực thực hiện. Người dân được tạo điều kiện để tiếp cận với những giống cây, con giống có giá trị kinh tế cao, chi phí ban đầu đã được tối ưu, chống chịu với sâu bệnh, dịch bệnh và điều kiện ngoại cảnh như khô hạn, ngập lụt dài ngày…
Các chính sách được quán triệt đến cấp xã, bản; đi sâu vào nhận thức các chủ hộ, hợp tác xã; đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, được người dân tích cực hưởng ứng. Bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tạo điều kiện để phát triển kinh tế, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như anh Lường Văn Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), một trong số 63 Nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2024 với mô hình trồng nhãn rải vụ.
Chiềng Khoong vốn có nhiều đồi núi cao. Trước khi đầu tư phát triển 5ha nhãn chín sớm, nhãn chín muộn như hiện nay; gia đình anh Lường Văn Mười chủ yếu trồng cây lúa nương, cây ngô, nhãn cỏ giống cũ, cho ra năng suất thấp. Nguồn thu từ làm nông nghiệp vì thế rất hạn chế, anh Mười phải làm thêm nhiều nghề khác để trang trải cuộc sống gia đình.
Những năm gần đây, được tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển kinh tế và tham gia lớp tập huấn về trồng cây ăn quả trên đất dốc, anh Mười quyết tâm trồng lại vườn nhãn để mang lại nguồn lợi lớn hơn. Qua các nguồn thông tin trên các trang web, báo chí và tài liệu của Hội Nông dân, anh Mười học được cách trồng nhãn trái vụ. Vừa làm vừa học hỏi, đến nay, anh Mười đã có 5ha nhãn trái vụ, trồng những giống nhãn cho ra hiệu quả kinh tế cao như nhãn T6, nhãn Ánh Vàng, nhãn Miền Thiết. Trong đó, giống nhãn Ánh Vàng là giống nhãn do Viện nghiên cứu Rau quả mang lên thử nghiệm. Nhãn Ánh Vàng cho trái ngon, năng suất tốt, có khả năng chống hạn, chống chịu với sâu bệnh tốt. Hàng năm, trung bình mỗi héc ta nhãn, anh Mười có thể thu lại 300 - 400 triệu đồng.
Mô hình nhãn trái vụ yêu cầu cao về lượng nước tưới cho cây. Vườn nhãn của gia đình anh Mười lại nằm trên đất dốc nên anh đã nghiên cứu đầu tư thêm hệ thống dẫn phun mưa công nghệ Israel. Hệ thống tưới này đã được anh Mười cải tạo để phù hợp với với quy trình canh tác, giảm thiểu chi phí ban đầu nhưng vẫn đảm bảo được thời hạn sử dụng lên đến hơn 10 năm. Nhờ vậy, mùa khô vừa rồi, trời nắng hạn kéo dài nhưng vườn nhãn nhà anh không bị ảnh hưởng lớn, vẫn có sản lượng đủ để tiêu thụ trong nước.
Hướng tới nâng cao quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã được thành lập, hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch. Điển hình như Hợp tác xã Nông sản bản địa Noọng Piêu (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu), là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của tỉnh Sơn La với tinh thần đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã Nông sản bản địa Noọng Piêu luôn chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm mận, đặc biệt là mận Ruby được chăm chút bởi quy trình sản xuất công nghệ cao, đạt chứng nhận VietGAP, đảm bảo từ chất lượng sản phẩm, bao bì thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận. Mận được trồng hữu cơ nên quả to, ngọt thơm tự nhiên. Mận Ruby khi thu hoạch có thể đạt trọng lượng từ 14 - 16 quả/kg thay vì mận hậu thông thường chỉ đạt 60 - 70 quả/kg.
Năm 2024, hợp tác xã tiếp tục đầu tư phát triển vùng trồng với hệ thống trữ nước chủ động nắng hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống này có thể cấp nước trong bán kính kéo dài hàng km, là giải pháp để cung cấp nước cho vùng trồng lớn, đảm bảo chất lượng, sản lượng nông sản.
Liên kết hiệu quả, Hợp tác xã Nông sản bản địa Noọng Piêu đã xây dựng được vùng trồng mận đáp ứng nhu cầu các thị trường lớn cả về chất lượng, quy mô. Được biết, từ năm 2021, hợp tác xã đã có hơn 30ha diện tích được cấp mã số vùng trồng, 150ha liên kết sản xuất, trong đó 12ha đang dịch chuyển sang hướng hữu cơ. Sản phẩm mận của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang các nước New Zealand, Hoa Kỳ và nhiều nước EU. Vùng mận hậu Phiêng Khoài cũng đã được tỉnh Sơn La quy hoạch thành vùng sản xuất mận Ruby công nghệ cao đầu tiên của tỉnh.
Hướng đến đảm bảo sinh kế bền vững cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chính sách của Sơn La nói chung và công tác dân tộc nói riêng không chỉ quan tâm giải quyết xóa đói, giảm nghèo mà còn đảm bảo đồng bào các dân tộc được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ cơ bản; khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng sự quyết tâm, nỗ lực của Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La đang từng bước khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện, hộ nghèo vươn lên làm giàu, xã nghèo vươn lên xây dựng nông thôn mới… Tin rằng, với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, cùng sự quyết tâm, nỗ lực từ chính quyền tới người dân, đời sống của bà con các dân tộc Sơn La sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực trong hành trình xây dựng Sơn La giàu đẹp, văn minh./.