Ở Việt Nam, ngành Nông nghiệp nói chung và nghề trồng lúa nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức đan xen như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sinh kế nông thôn và an ninh lương thực. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam năm 2014, tổng lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp là 88,3 triệu tấn CO2, tương đương 32,2% tổng lượng phát thải của cả nước. Cụ thể, lượng phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm các cây trồng với 50,49%, tương đương 44,6 triệu tấn CO2.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam năm 2017, ước tính mỗi năm có khoảng 140.000 tấn Nitơ, 82.000 tấn Phốt pho và 66.000 tấn Kali đang bị lãng phí do lạm dụng phân bón hóa học trong trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ góc độ kinh tế, điều này tương đương với việc lãng phí 150 triệu USD mỗi năm, chỉ do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học trong trồng lúa. Quan trọng hơn, các chất dinh dưỡng dư thừa sẽ tích tụ trong đất và nước, từ đó gây ra phát thải khí nhà kính cũng như ô nhiễm không khí, nước và đất. Việc bón phân quá mức không chỉ làm tăng chi phí sản xuất lúa gạo mà còn làm tăng chi phí môi trường.
Rơm, rạ là phế phẩm của quá trình canh tác lúa. Đốt rơm rạ là cách làm phổ biến của nông dân Việt Nam để loại bỏ chất thải sau thu hoạch vì chi phí thấp và nhanh chóng để chuẩn bị đất cho vụ sau. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2017, có tới 98,2% nông dân ở ĐBSCL đốt rơm rạ sau vụ Đông Xuân, 89,7% đốt rơm rạ sau vụ hè thu và 54,1% đốt rơm, rạ sau vụ Thu Đông. Điều này ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến ô nhiễm không khí và sức khoẻ con người do các loại khí nhà kính mạnh như carbon đen giải phóng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nông dân đã và đang chuyển dần từ đốt rơm, rạ sang áp dụng những cách khác như trồng cây vụ Đông, che phủ cây trồng, làm phân hữu cơ, trồng nấm…
Trong nghề trồng lúa nước, người xưa có câu tục ngữ “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Theo đó, nước có vai trò rất quan trọng đối với sinh trưởng và năng suất lúa. Vì vậy, nông dân luôn lo sợ thiếu nước sẽ làm giảm năng suất lúa. Qua đó, nông dân có thói quen lâu đời là duy trì ngập nước trong ruộng từ khi cấy đến khi thu hoạch. Tuy nhiên, khi giữ nước liên tục trong ruộng, chất hữu cơ từ rơm rạ ở vụ trước mà chôn vùi trong nước nước bị phân hủy trong điều kiện yếm khí (thiếu oxy), tạo ra một lượng khí mê-tan đáng kể. Theo Wassmann và cộng sự, phương pháp giữ nước liên tục trong ruộng gây ra tỷ lệ phát thải khí mê-tan cao hơn nhiều so với phương pháp tưới ướt khô xen kẽ.
Khí mê-tan thải ra từ sản xuất lúa gạo ở Việt Nam chiếm một lượng đáng kể trong tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước; trong khi tại hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26, Việt Nam cam kết giảm 8% ô nhiễm khí nhà kính vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu giảm 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Thực hiện chủ trương này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành Lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030. Theo đó, hướng tới giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030.
Với sự tài trợ của Tổ chức EarthCare Foundation (trước đây là Quỹ BRACE), Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện “Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” kể từ năm 2020.
Giai đoạn 1 (2020 - 2023):
Giai đoạn 1 (16 tháng) đã triển khai tại 8 tỉnh thuộc khu vực miền Bắc; tiếp theo đó dự kiến thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung (12 tháng). Các tỉnh, thành phố tham gia Dự án gồm Lai Châu, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh Thái Bình, Ninh Bình và Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Tiền Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An.
Mục tiêu chung của Dự án là hỗ trợ người nông dân và tổ chức của họ canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Trong đó, tập trung vào một số mục tiêu cụ thể: Nâng cao kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI cho nông dân trồng lúa; Nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI; Nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp cải tiến SRI ra thị trường tiêu thụ.
Đối tượng của dự án bao gồm: Người nông dân trồng lúa và tổ chức nông dân của họ (Tổ hợp tác, Hợp tác xã); số lượng người nông dân trực tiếp và gián tiếp hưởng lợi từ Dự án ước tính đạt 2,5 triệu người.
Để vận động người dân áp dụng phương pháp canh tác lúa SRI, Dự án sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó nổi bật là nghiên cứu và tổ chức tập huấn cho nông dân. Ngoài ra, còn tổ chức tham quan nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, nâng cao nhận thức và quảng bá cho SRI, xây dựng các công cụ và hoạt động hỗ trợ, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho lúa gại SRI và tiếp cận thị trường.
Giai đoạn 2 (2023 - 2024): Tập trung triển khai ở Bắc Giang.
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 47,5 tỷ đồng (từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn đối ứng của Nhân dân) nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu mỗi năm xây dựng được mô hình trình diễn trên diện tích 500 ha lúa 2 vụ/năm; đến năm 2030 xây dựng được mô hình trình diễn trên tổng diện tích 3 nghìn ha lúa được sản xuất theo kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường.
Phấn đấu đến năm 2030 có trên 45 nghìn hộ nông dân áp dụng 1 trong 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; ít nhất 70% rơm rạ tại các vùng trồng được thu gom hoặc xử lý bằng chế phẩm xử lý rơm rạ tại đồng ruộng. Thành lập được ít nhất 2 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lúa gạo thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác thân thiện với môi trường. Đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức cho cán bộ hội nông dân các cấp trong tỉnh về canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ năng cần thiết để trở thành tuyên truyền viên vận động nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tập trung làm tốt công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện việc triển khai các nội dung của Đề án đến các cấp Hội trong tỉnh, ban hành Đề án “Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030”.
Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, đào tạo và tập huấn, phổ biến kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; kịp thời phát hiện, thông tin những mô hình, điển hình, cách làm mới đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất lúa.
Phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng quy trình sản xuất lúa thân thiện với môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tập trung đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho các hộ nông dân, vừa đào tạo vừa thực hành và thăm quan các mô hình trong và ngoài tỉnh. Lựa chọn, xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên trong cộng đồng là những chủ hộ tham gia mô hình có trình độ, sức khỏe, trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác cộng đồng.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm lúa, gạo thân thiện với môi trường thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm lúa gạo thân thiện với môi trường gắn với các điểm, tour du lịch trong tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến chất lượng gạo, gây ô nhiễm môi trường, nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo; nâng cao năng lực tổ chức của các Hợp tác xã, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo.
Các hoạt động của 2 giai đoạn là tập huấn giảng viên nguồn; tập huấn cho nông dân, hội nghị đầu bờ, xây dựng mô hình trình diễn, sự kiện tuyên truyền, tham quan... Ở giai đoạn 2 (2023 - 2024): Có 1 số cải tiến trong cách làm trên cơ sở rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1. Về cơ bản, giai đoạn 2023 – 2024 kế thừa toàn bộ tài liệu, tư liệu mà các chuyên gia, nhà tài trợ và Ban quản lý Dự án (BQLDA) đã dày công xây dựng từ năm 2020. Đồng thời, BQLDA đã có sáng kiến, thực hiện một số cách làm mới để thúc đẩy nhân rộng canh tác lúa thân thiện với môi trường
Thứ nhất, tăng cường sự tham gia của các HTX, Chi, Tổ hội nông dân trong triển khai Dự án. Việc này không chỉ giúp huy động nguồn lực tại chỗ trong tuyên truyền, thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lúa mà còn giúp giải quyết những trở ngại trong áp dụng quản lý nước tưới ướt khô xen kẽ - kỹ thuật có ảnh hưởng lớn nhất đến phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền. Bên cạnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, tham quan trao đổi kinh nghiệm như đã thực hiện ở giai đoạn trước, giai đoạn này Dự án đã tổ chức nhiều hoạt động mới như hội thi sân khấu hoá, các buổi chiếu phim tuyên truyền buổi tối, tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt tổ nhóm, tuyên truyền trên loa phát thanh xã… Nhờ đó, thông tin về canh tác lúa thân thiện với môi trường đến được với đa dạng và nhiều hội viên nông dân hơn
Thứ ba, BQLDA đã đưa hoạt động thi đua khen thường nhằm khơi dậy tinh thần, tạo động lực và quyết tâm cho hội viên, nông dân và cán bộ kỹ thuật thi đua làm tốt và mở rộng canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Kết quả, tác động của Dự án: thay đổi thói quen canh tác theo hướng bền vững, giảm phát thải từ canh tác lúa, vận động được nguồn lực đối ứng của tỉnh để mở rộng Dự án.
Tính đến tháng 4/2024, hơn 600.000 hộ nông dân với hơn 2 triệu nông dân tại 24 tỉnh, thành phố dự án áp dụng ít nhất 1 biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với khí hậu trên diện tích khoảng 300.000ha.
100% nông dân tham gia Dự án đã cắt giảm từ 20% đến 80% lượng phân đạm hóa học, tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng năng suất và thu nhập.
Tỷ lệ nông dân đốt rơm rạ giảm đáng kể tại các tỉnh tham gia Dự án; tỷ lệ không đốt rơm rạ tại một số tỉnh đạt 80%.
Dựa trên kết quả đo trực tiếp phát thải khí nhà kính (CH4, N2O) trong các mô hình canh tác lúa tại tỉnh Thái Bình trong vụ xuân 2023, các nhà khoa học ước tính rằng tổng lượng khí nhà kính giảm được của dự án với diện tích chuyển đổi lên tới 559,6 nghìn tấn CO2e mỗi năm.
Trong quá trình thực hiện Dự án, chính quyền địa phương rất ủng hộ và đã bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện và mở rộng dự án.
Với sự hỗ trợ của Dự án cũng như kết quả thành công từ thực hiện Dự án giai đoạn 2020- 2024, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt và cấp ngân sách thực hiện Đề án Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025 – 2030 với tổng kinh phí 47 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp khoảng 20 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp quan tâm đến các kỹ thuật của Dự án và sản phẩm canh tác lúa thân thiện với môi trường thể hiện ở việc phối hợp, hợp tác hỗ trợ vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra.
Ví dụ như: Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã thuê nông dân dự án tại xã Tân Thành, huyện Thới Lai, tỉnh Cần Thơ sản xuất giống lúa thân thiện với môi trường; Công ty Lộc Trời và Hợp tác xã Lúa Khang Việt đã bao tiêu toàn bộ lúa thân thiện với môi trường do nông dân dự án sản xuất tại xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ; Công ty TNHH Lương thực Hồng Tân đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm bộ lúa thân thiện với môi trường cho nông dân tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Tại Thái Bình, Công ty TNHH Công nghệ xanh Thanh Châu cung cấp sản phẩm phân bón vi sinh Azotobacterin để bà con nông dân xử lý rơm rạ, thay thế phân bón hóa học; Tại Tiền Giang, Công ty TNHH Thương mại HK cung cấp vật tư nông nghiệp trả sau không tính lãi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân tham gia dự án với giá cao hơn giá thị trường từ 500 đến 1.000 đồng/kg sản phẩm.