Phát biểu tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức vào tháng 9/2022 với hơn 60 đại biểu quốc tế đến từ 30 quốc gia, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: "Thực hiện chiến lược quốc gia về "Tăng trưởng xanh" và các cam kết của Việt Nam tại COP26, với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho 10,2 triệu hội viên nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai tới cán bộ, hội viên nông dân cả nước việc phát triển nền kinh tế xanh. Việc "Xanh hóa" sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao đời sống cho người dân”.
Giai đoạn II (2019-2022), mặc dù có nhiều khó khăn thách thức cả chủ quan lẫn khách quan, song Chương trình FFF II đã được những tín hiệu rất tích cực, nâng cao thu nhập 15-20% và giảm nghèo bền vững cho các thành viên tham gia và đạt được 4 kết quả nổi bật:
Kết quả 1: Các cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho các FFPO (Các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại như THT, HTX, LH HTX…) được thúc đẩy thông qua các tiến trình đa ngành và quản trị có sự tham gia nhiều hơn của các FFPO. 41 Tổ hợp tác (THT), HTX ở 04 tỉnh được củng cố, thành lập mới với 912 hộ thành viên chính thức (41,5% nữ, 61,5% người dân tộc, 11.7% thanh niên);1.897 hộ thành viên liên kết; Hơn 12.000 nông dân trồng rừng và cán bộ Hội Nông dân đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình. Hỗ trợ áp dụng thành công hơn 13.000ha chứng chỉ rừng FSC, hơn 3.000 ha quế hữu cơ, rau củ quả hữu cơ và VietGAP, 09 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Kết quả 2: Khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính được nâng lên thông qua chuỗi giá trị bình đẳng về giới được tạo ra thông qua năng lực cung cấp dịch vụ kinh doanh mới trong các FFPO. Các chuỗi giá trị sản phẩm hình thành & thu nhập của thành viên THT, HTX tăng 15-20%
Kết quả 3: Giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu theo quy mô cảnh quan được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các FFPO vào sản xuất, xây dựng mô hình hữu cơ, nông lâm kết hợp và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp.
Kết quả 4: Tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng. Hỗ trợ 25 THT, HTX và cộng đồng duy trì, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, cung cấp dịch vụ văn hóa xã hội cho thành viên và du lịch nông lâm nghiệp cộng đồng, du lịch trải nghiệm.
Tham gia Chương trình FFF II, năng lực cán bộ Hội Nông dân các cấp đang từng bước được nâng cao hơn. Đồng thời, chính quyền địa phương và các sở ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn, có cơ hội làm việc với nông dân, Hội Nông dân; nghe tiếng nói trực tiếp của nông dân.
Tại Tỉnh Yên Bái, Chương trình đã hỗ trợ củng cố và thành lập mới 11 THT và HTX, như HTX Quế Hồi Việt Nam - xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, HTX Nông - lâm nghiệp Bình Minh - xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình và các THT, HTX về các lĩnh vực sản xuất cây dược liệu, nuôi ong mật dưới tán rừng, sản xuất thủ công mỹ nghệ.
Xã Đào Thịnh là một trong những địa phương có diện tích quế lớn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), với khoảng 700 ha; sản lượng quế tươi trung bình mỗi năm đạt hơn 450 tấn, hơn 40 tấn tinh dầu quế và trên 750m3 gỗ quế. Với diện tích quế lớn, việc thành lập các THT, HTX, liên kết theo chuỗi giá trị giữa người dân với doanh nghiệp giúp tạo đầu ra cho sản phẩm, đưa thương hiệu quế Đào Thịnh vươn xa trên thị trường.
Theo ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh chia sẻ: "Đối với Đào Thịnh, Chương trình FFF đã góp sức rất lớn trong việc xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Trấn Yên. Được sự hỗ trợ từ Chương trình, các hộ trồng quế ở xã đã liên kết với Công ty Quế hồi Việt Nam - Vina Samex thành lập HTX Quế hồi Việt Nam. Hiện nay, HTX đang triển khai dự án sản xuất và xuất khẩu quế với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng; tập trung xây dựng vùng quế hữu cơ có chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế; tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập khá, qua đó góp phần duy trì, phát huy các giá trị văn hoá bản địa”.
Tại tỉnh Bắc Kạn, thông qua thực hiện Chương trình FFF, các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ ngày càng được nhân rộng. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp hướng dẫn các THT, HTX thực hiện công tác kiểm tra đồng ruộng, đôn đốc thành viên tuân thủ đúng quy trình sản xuất hữu cơ để tiến hành cấp chứng nhận PGS (chứng nhận hữu cơ) sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Năm 2022, Ban Điều phối đã cấp chứng nhận hữu cơ cho 8 sản phẩm, gồm: Bí thơm của HTX Tạ Anh, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể; Bí thơm, trà Bí thơm, tinh bột Bí thơm của HTX Nhung Luỹ; Bí thơm, trà Bí thơm, trà túi lọc Bí thơm của HTX Yến Dương.
Tại tỉnh Hòa Bình, Chương trình FFF II đã hỗ trợ thúc đẩy củng cố và thành lập 02 THT và 05 HTX, 25 mô hình sản xuất hữu cơ, trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp được xây dựng. 04 CLB, đội văn nghệ, 04 CLB thể thao nhằm duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại địa phương, giữ gìn bản sắc dân tộc. Ngoài ra, Chương trình cũng hỗ trợ làm quy trình chứng nhận sản phẩm (hữu cơ, an toàn..), tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu…; hỗ trợ bảo tồn và phát triển nguồn gen quý giống gà Lạc Thủy; tổ chức các chuyến thăm quan, chia sẻ học tập kinh nghiệm cho các HTX; hỗ trợ các THT, HTX tham gia các hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh; tài liệu hoá các quy trình, kỹ thuật sản xuất.
Tại tỉnh Sơn La, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã triển khai ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, trồng 300 cây mai anh đào; 20 kg giống rau cải trồng dưới chân rừng do Chương trình FFF II hỗ trợ. Tại xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, Hội Nông dân tỉnh làm quy trình chứng nhận VietGAP cam, nhãn, truy xuất nguồn gốc, logo, nhãn hiệu sản phẩm, với 30 ha quả nhãn, xoài, cam. Trong giai đoạn 2021 - 2022, Chương trình tiếp tục tập trung hỗ trợ, củng cố các tổ THT, HTX phát triển bền vững; hỗ trợ phát triển các THT, HTX mới. Hỗ trợ xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các THT, HTX; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các THT, HTX với các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp.
Phụ nữ nông thôn, người dân tộc thiểu số và thanh niên có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững rừng và trang trại. Là một lực lượng lao động chiếm số đông trong sản xuất lâm nghiệp, nông lâm nghiệp kết hợp, nhưng phụ nữ, người dân tộc thiểu số và thanh niên ở vùng rừng núi còn gặp nhiều khó khăn và có ít cơ hội.
Chính vì vậy, Chương trình FFF giai đoạn II (2019-2022) đã có những quan tâm, hỗ trợ phù hợp, đặc biệt những phụ nữ, người dân tộc thiểu số có ý tưởng khởi sự kinh doanh, để họ nâng cao năng lực, phát triển kinh tế rừng và trang trại, tích cực tham gia vào hoạt động ở cộng đồng, duy trì văn hóa, bản sắc dân tộc, các giá trị truyền thống, bản địa...
Giai đoạn II, Chương trình đã hỗ trợ 25 THT, HTX và cộng đồng duy trì, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, cung cấp dịch vụ văn hóa xã hội cho thành viên và du lịch nông, lâm nghiệp cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lâm nông nghiệp, phát triển rừng bền vững, gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng, đồng thời giúp các HTX, THT khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng như xây dựng và duy trì Câu lạc bộ thể thao và các đội văn nghệ tại địa phương.
Hoạt động của Chương trình FFF II năm 2023 sẽ tập trung thực hiện tốt 4 nội dung trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX thông qua chuỗi giá trị gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên.
Đẩy mạnh liên kết giữa các THT, HTX với các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm nông nghiệp. Giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các THT, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp. Đồng thời, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của Hội Nông dân như: Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm...
Các THT, HTX và cán bộ Hội Nông dân các cấp được nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet và áp dụng vào quản lý sản xuất, kinh doanh và tiếp cận thị trường. Tham gia hội chợ, hội nghị khách hàng, nắm bắt thông tin, nhu cầu khách hàng, thị trường.
Ngày 12/01/2023, Hội chợ Xuân Quý Mão năm 2023 với chủ đề “Nơi hội tụ hương vị Xuân đất Việt” được Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) khai mạc tại Hà Nội, có sự góp mặt của hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp; HTX; cơ sở sản xuất nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Hội chợ, Chương trình FFF II Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp cùng Hội Nông dân 5 tỉnh tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, Global GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ của hội viên nông dân tham gia Chương trình FFF tới khách hàng khắp mọi miền. Đây cũng là các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, được chứng nhận hữu cơ, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương.
Theo anh Phạm Văn Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái): “Đến với Hội chợ Xuân Quý Mão 2023, Hội Nông dân xã Đào Thịnh giới thiệu đến khách hàng các đặc sản mang hương sắc núi rừng của địa phương như: Miến dong đỗ xanh, miến gạo Giáp Hậu, miến Sâm Hưng Hiên, Mứt Táo mèo, Quế chi, tinh dầu quế, mật ong quế, trà Khôi nhung, lạc đỏ, Trà Tuyết Sơn…”.
Gian hàng của Hội Nông dân Bắc Kạn cũng mang đến Hội chợ những sản vật của núi rừng như: Gạo Nếp tài, Bí Thơm Ba Bể, Bún khô, bánh chưng nếp Tài hữu cơ, nấm hương, mộc nhĩ khô, mật ong, măng nứa tép… Hội viên nông dân Thái Nguyên mang đến giới thiệu và quảng bá tại hội chợ Gạo Nếp vải, các sản phẩm gà đồi Tân Phú: Gà ri sơ chế, gà ủ muối, khô gà lá chanh, Trà Thái nguyên… Gian hàng của Hội Nông dân Hoà Bình nổi bật những sản phẩm như Bưởi đỏ Tân Lạc, Trà Xạ đen, các sản phẩm dệt thổ cẩm của hội viên nông dân các dân tộc trong tỉnh.