“Điều ước cho em” là Chương trình kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chương trình “Nhà vệ sinh cho em” hiện thực hóa “điều ước” về hỗ trợ, xây mới nhà vệ sinh học đường. Chung tay thực hiện điều ước này, vì sức khỏe học đường, Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á và Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) đã triển khai Dự án tặng 1.000 nhà vệ sinh trong vòng 10 năm (bao gồm xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh) tại các địa bàn khó khăn, tổng trị giá 60 tỷ đồng.
Đây là nhà tài trợ lớn nhất tính tới thời điểm này hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh học đường ở Việt Nam. Hoạt động này nhằm thiết thực thúc đẩy phát triển giáo dục, tăng cường vệ sinh học đường, nâng cao thể chất và sức khỏe, tầm vóc cho thế hệ tương lai Việt Nam.
Trên hành trình khảo sát thực trạng và nhu cầu về nhà vệ sinh trường học tại các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những tình nguyện viên và chuyên gia của dự án 1.000 nhà vệ sinh cho em thu về quá nhiều ám ảnh và nỗi lo.
Trên hành trình đến với điểm trường mầm non Nậm Mười (xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), đoàn di chuyển bằng ô tô đến trung tâm xã. Sau đó, các giáo viên của điểm trường phải dùng xe máy đón đoàn vượt những chặng đường đất đỏ sống trâu dốc đứng, băng qua 2 con suối đá cuội nước xoáy… Cô giáo Bàn Thị Ton - giáo viên trẻ, hiện chủ nhiệm lớp mẫu giáo kép từ 3- 4 - 5 tuổi ở Nậm Mười vừa lái xe vừa chia sẻ: “Vùng cao chúng em đi lại vất vả như này là bình thường. Điều cô và trò chúng em mừng vui là vài năm lại đây, trường đã bắt đầu được xây nhà kiên cố, lớp học ngày một thêm đủ trang thiết bị cho học sinh”.
Điều khiến cô giáo trẻ trăn trở nhất vào lúc này chính là nhà vệ sinh của trường học. Nhắc đến công trình này, cô thở dài và dặn đoàn “bình tĩnh khi ra khảo sát khu vệ sinh nằm ở phía sau trường”.
Nhà vệ sinh được dựng tạm, chỉ cách với hàng rào cây cối um tùm chừng 3 mét, bốc mùi khai, thối. Trên nền đất, bờ tường, những vết bẩn két dính đặc kịt. Nhà vệ sinh không có giấy, không nước xả, không bồn rửa tay hay bất cứ dụng cụ vệ sinh nào.
“Nói là nhà vệ sinh nhưng công trình này chỉ được dựng tạm bợ, không đạt tiêu chuẩn. Những ngày thời tiết từ mưa lạnh chuyển sang ấm, rắn rết rồi các loại động vật bò vào từ các khe hở, thực sự rất ám ảnh. Chưa kể tình trạng thiếu nước thường xuyên khiến việc dọn dẹp nhà vệ sinh sau khi sử dụng là vô cùng vất vả. Các em học sinh phải xếp hàng để đi, tối tăm và bí bách lắm... Nhiều em vì sợ, vì ám ảnh mà không dám đi, nhịn đến cả vài tiếng đến khi đi học về…”. Cô Ton trò chuyện với giọng trầm hẳn đi. Đôi lúc cô phải ngừng lại vì xúc động.
Cô Ton hiểu lắm ám ảnh của học trò vì chính cô đã có những trải nghiệm như thế ngày còn đến trường. Cô kể về thời sinh viên được xuống dưới xuôi học tập. Lần đầu tiên nhìn thấy nhà vệ sinh trường học sạch sẽ, có nước để giật xả, có xà phòng rửa tay… Lúc ấy, cô Ton chỉ ao ước sao cho điểm trường ở bản làng mình, một ngày nào đó, cũng có được nhà vệ sinh như vậy để học sinh bớt khổ!
Rời trường mầm non Nậm Mười, đoàn khảo sát tiếp tục hành trình hàng trăm cây số đến với điểm trường Lân Cà, thuộc trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học 1 (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), là nơi học tập của hơn 40 học sinh đồng bào dân tộc Dao. Vì nhà xa nên các em được tổ chức học bán trú ở trường. Những ngày giá rét, mưa lũ… trường là nơi ngủ lại, nơi sinh hoạt cho các em. Tuy nhiên, cả điểm trường lại không có nhà vệ sinh.
“Mỗi khi các em cần đi vệ sinh, các thầy cô phải bố trí cho học sinh sang nhà vệ sinh tạm của nhà văn hóa thôn, bên kia đường tỉnh lộ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Không những thế, việc không đảm bảo vệ sinh đã ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của các em”, cô Vũ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học 1, xã Trấn Yên giãi bày.
Đó là thực trạng chung của rất nhiều trường mà đoàn chuyên gia của Quỹ Vì tầm vóc Việt đã ghi nhận khi thực hiện các chuyến khảo sát. Ở những địa phương còn nhiều khó khăn, nhà vệ sinh tại trường học chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Học sinh có tâm lý e ngại, thậm chí sợ đi vệ sinh, vì bẩn hoặc thiếu kín đáo.
Theo báo cáo năm 2020 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, 30,6% nhà vệ sinh trên toàn quốc ở các trường học không đạt tiêu chuẩn, trong đó 22,8% không được xây dựng kiên cố.
Một số nguyên nhân chính của tình trạng này là sự thiếu quan tâm từ các cơ sở giáo dục, xem nhà vệ sinh chỉ như một "công trình phụ", thiếu nguồn kinh phí để bảo dưỡng và xây dựng mới. Cùng với đó, Cục Cơ sở vật chất thuộc Bộ GD&ĐT chỉ ra rằng ý thức của một số học sinh về việc sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh chưa tốt, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà vệ sinh nhanh hư hỏng, xuống cấp.
Báo cáo “Nghiên cứu ban đầu về cấp nước, vệ sinh và dinh dưỡng ở nông thôn Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện và công bố đầu năm 2023 cho thấy “Vẫn còn nhiều vấn đề trong sử dụng và bảo trì các công trình, dẫn đến việc công trình bị bỏ không, làm giảm việc tiếp cận các công trình cấp nước, nhà tiêu và công trình rửa tay ở trường học… Tại các điểm trường lẻ, việc tiếp cận các công trình nước sạch vệ sinh càng ít hơn”.
Các chuyên gia và tổ chức lớn như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những nhà vệ sinh đạt chuẩn đối với sức khỏe và hiệu quả học tập của học sinh. Chương trình Sức khỏe học đường 2021 - 2025 cũng đã đặt vấn đề vệ sinh trường học làm một trong các ưu tiên hàng đầu. Vệ sinh học đường, cùng với dinh dưỡng học đường hợp lý và tăng cường rèn luyện thể chất cho học sinh, đó là những trụ cột làm nên sức khỏe học đường, là nền tảng cho sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng tới tầm vóc thế hệ tương lai của đất nước.
Trước thực trạng thiếu thốn, cơ sở vật chất không đạt yêu cầu của nhà vệ sinh trường học vùng cao, vùng sâu, vùng xa và những địa phương khó khăn trong cả nước, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF), Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á đã phối hợp với các cơ quan liên quan hiện thực hóa ý tưởng trao tặng “nhà vệ sinh cho em” với dự án trị giá 60 tỷ đồng nhằm xây mới, sửa chữa 1.000 nhà vệ sinh trường học trong vòng 10 năm.
Dự án là hành động hưởng ứng kịp thời, tiên phong, trực tiếp đối với lời kêu gọi từ Chính phủ theo Quyết định phê duyệt chương trình Sức khỏe học đường quốc gia (QĐ số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021), là một biện pháp hành động dựa trên nhu cầu thực tế và bằng chứng khoa học.
Đối với Tập đoàn TH, việc đồng hành cùng dự án nói riêng và Chương trình Sức khỏe học đường nói chung đang thể hiện giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp này vun đắp. Những mục tiêu lớn và những trụ cột chính của chương trình Sức khỏe học đường của Chính phủ cũng chính là những giá trị cốt lõi mà Tập đoàn TH đã xây dựng và vun đắp, thể hiện qua sứ mệnh và tầm nhìn: “Con người là chủ thể của xã hội, là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là rất quan trọng. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này không những là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm mà cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững. Đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực là phát triển nòi giống của dân tộc, là đầu tư vào phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia”.
Mỗi nhà vệ sinh trong dự án có diện tích khoảng 14m2, với khu vực dành riêng cho nam và nữ. Mỗi nhà vệ sinh có kinh phí xây dựng lên đến 60 triệu đồng và được thiết kế phục vụ tối đa cho 70 học sinh. Khu vực rửa tay được trang bị hướng dẫn chi tiết cùng dịch vụ nước rửa tay miễn phí từ các doanh nghiệp hợp tác. Với đặc điểm này, mẫu nhà vệ sinh thích hợp cho các điểm trường nhỏ hoặc bổ sung cho các trường lớn đang thiếu hụt nhà vệ sinh.
Kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh trong Dự án tuân theo tiêu chuẩn được đề ra trong Quyết định số 878/QĐ-BGDĐT ngày 01/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng cũng linh hoạt chỉnh sửa để phù hợp với từng địa phương và trường học. Đây là một phương pháp có sự tham gia đồng lòng.
Tính đến tháng 11/2023, Dự án đã khởi công xây dựng gần 100 nhà vệ sinh tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Quảng Trị, trong đó có 62 nhà vệ sinh đã được đưa vào sử dụng.