Kiều Oanh - 16:06 31/03/2023 GMT+7

Trải qua 22 năm hình thành và phát triển, hiện nay Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam có 03 khoa; 03 Phòng; 01 Trung tâm và 04 phân hiệu nằm ở các tỉnh, thành như Tuyên Quang, Nghệ An, Đà Nẵng, Long An. Từ khi thành lập đến nay Nhà trường đã đào tạo gần 10.000 học sinh, học viên có tay nghề, có khả năng đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (hàng trước, thứ 6 từ phải sang)) chúc mừng lãnh đạo, cán bộ, học viên nhà trường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam có trụ sở chính tại thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Trường được đầu tư xây dựng trên diện tích 21.000 m2, với đầy đủ các hạng mục đồng bộ theo quy định.

Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ -TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Nhà trường đã phối hợp với các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội trên cả nước đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ trung cấp và các trình độ thấp hơn cho lao động nông thôn và con em hội viên nông dân theo quy định của pháp luật; Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và hỗ trợ giải quyết việc làm cho nông dân.

Ngoài ra, Nhà trường xây dựng, triển khai và tham gia thực hiện thành công các đề án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quốc tế về dạy nghề và việc làm trên địa bàn các tỉnh, thành cả nước.

Vị trí, chức năng của Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam::

Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thực hiện các chức năng: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ trung cấp và các trình độ thấp hơn cho lao động nông thôn và con em hội viên nông dân theo quy định của pháp luật; Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và hỗ trợ giải quyết việc làm cho nông dân.

Trường là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại ngân hàng và kho bạc Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Xuân Định (áo trắng, đứng giữa) -  Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo nhà trường, các học viên hệ Trung cấp chuyên ngành Thú y - Khoá 7 tại Lễ Bế giảng khoá học.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam:

Trường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại điều 23 Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13; Điều 8 Thông tư số 14/2016/TT-BLĐTBXH, cụ thể thực hiện các nhiệm vụ chính như sau:

-  Tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, phê duyệt và thực hiện các chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng đối với từng ngành, nghề được phép đào tạo, bồi dưỡng theo quy định và phù hợp với đặc thù trường đào tạo trực thuộc Hội Nông dân Việt Nam.

-  Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp bằng, chứng chỉ trình độ trung cấp, sơ cấp, ngắn hạn, thường xuyên và giáo dục phổ thông; liên kết đào tạo nghề theo quy định của pháp luật.

- Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính của trường theo quy định của pháp luật.

- Tuyển dụng, quản lý giáo viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động của Trường đảm bảo đủ về số lượng, quy mô đào tạo và trình độ đào tạo theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong hoạt động đào tạo về lập kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập của người học.

- Được thành lập các tổ chức trực thuộc Trường theo cơ cấu tổ chức được phê duyệt trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trường; Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ từ phó phòng, khoa và tương đương trở xuống theo nghị quyết Hội đồng trường.

- Liên doanh, liên kết các tổ chức kinh tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học tròng và ngoài nước theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động.

- Sử dụng nguồn thu từ hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, sản xuất kinh doanh và dịch vụ để đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất của Trường, chi cho các hoạt động đào tạo và bổ sung nguồn tài chính của Trường theo quy định của pháp luật.

- Ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của Trường; quy chế tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng bậc lương cho viên chức của Trường; quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị trực thuộc Trường trên cơ sở quyết định của Trung ương Hội về phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trường.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Trung ương Hội và của pháp luật.

Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học:

Để nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Trường trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã phát triển, mở rộng và phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản để tăng thêm nguồn lực, trao đổi kinh nghiệm đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật và giải quyết việc làm cho nông dân.

Trường đã phối hợp với UBND, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội của thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Ninh Thuận, Long An và thành phố Đà Nẵng để triển khai tuyển sinh, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân và lao động nông thôn tại các địa phương này.

Kết quả nổi bật trong công tác đào tạo và tuyển sinh năm 2022, Nhà trường đã thực hiện tổ chức 10 lớp đào tạo Trung cấp Thú y khóa VIII, khóa IX cho đối tượng là học sinh phổ thông; Tổ chức 24 lớp đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo thường xuyên các ngành nghề chăn nuôi, chăm sóc gia súc gia cầm, trồng rau an toàn… tại các địa phương theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững tại một số tỉnh, thành phố cho gần 850 nông dân; Tổ chức bế giảng và trao bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận cho 28 học sinh lớp Trung cấp Thú y khóa VII tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận…

Nhà trường đã xây dựng được 25 giáo trình trình độ sơ cấp nghề. Chỉnh sửa và nghiệm thu 5 chương trình, giáo trình trình độ trung cấp nghề gồm: nghề chăn nuôi, thú y, trồng cây lương thực, thực phẩm, sửa chữa máy nông nghiệp và cơ điện nông thôn. 

Các phòng, khoa, bộ môn trong nhà trường tích cực nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong công tác, nâng cao chất lượng hiệu quả giảng dạy, truyền đạt kỹ năng thực hành nghề cho học viên.

Đề tài cấp Trung ương Hội: “Nghiên cứu thực trạng năng suất lao động trong nông nghiệp và đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất lao động đối với hội viên, nông dân Việt Nam” (Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Văn Đại).

Sáng kiến: Đổi mới chương trình đào tạo nghề Công tác xã hội; Công nghệ ô tô; Chăn nuôi thú y và Thú y tại Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam (Chủ trì: TS. Nguyễn Văn Đại – Hiệu trưởng).

Sáng kiến: “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn thanh niên thông qua thực hiện Dự án phát triển chi tổ hội nghề nghiệp và du lịch sinh thái” (Tác giả: Ths. Vũ Thị Bích Liên).

Sáng kiến: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ chứng từ kế toán của đơn vị hành chính sự nghiệp” (Tác giả: Ths. Nguyễn Qúy Mạnh).

Ngoài ra, Nhà trường đang xây dựng Đề án phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo dạy nghề trong và ngoài nước. Dự kiến chương trình thực hành nghề có thời hạn tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm nâng cao chất lượng đầu ra cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh trở lại Nhật Bản làm việc lâu dài (từ 3 đến 5 năm) sau khi tốt nghiệp ra trường. Đây cũng là loại hình đào tạo mà Nhà trường đang hướng tới mở rộng quy mô và hợp tác với nhiều nước và các doanh nghiệp để thực hiện tốt cho các năm tiếp theo.

Trong thời gian vừa qua, Trường Trung cấp nghề đã phối hợp với một số đơn vị để đào tạo tiếng Nhật cho hàng ngàn con em nông dân tại các địa phương để đưa đi lao động có thời hạn tại Nhật Bản…

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng và hoạt động các đoàn thể:

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng luôn được Nhà trường coi trọng, thực hiện thường xuyên và thống nhất trong hành động. Tập thể cán bộ, viên chức, giáo viên và người lao động trong nhà trường luôn đoàn kết, chia sẻ và ứng xử có văn hóa, tác phong nề nếp trong môi trường sư phạm.

Cấp ủy, chính quyền chủ động, thường xuyên có sự trao đổi thông tin. Kịp thời, nhắc nhở công chức, viên chức, giáo viên, người lao động thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và của Trung ương Hội thông qua các buổi giao ban tuần, tháng, quý và tổng kết hàng năm.

Công tác Đảng và các hoạt động của các đoàn thể được quan tâm chú trọng. Các đoàn thể của Nhà trường luôn duy trì hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. Nhiều phong trào thi đua sôi nổi được đông đảo hội viên, đoàn viên tích cực hưởng ứng, góp phần xây dựng đơn vị ổn định về tư tưởng, đoàn kết nhất trí giúp đỡ nhau trong công tác, đặc biệt tạo môi trường tốt để cán bộ, viên chức, giáo viên trong nhà trường phát huy khả năng, năng lực của mình. Các đảng viên, đoàn viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có phẩm chất chính trị và năng lực công tác tốt.

Năm học 2021-2022, nhà trường đào tạo hệ trung cấp trong đó:

+ Khóa VII, niên khóa 2020 – 2022: 01 lớp, với 35 học sinh tại huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận.

+ Khóa VIII, niên khóa 2021 – 2023: 03 lớp, với 102 học sinh tại thành phố Hà Nội.

+ Khóa IX, niên khóa 2022 – 2024: 07 lớp, với 238 học sinh tại thành phố Hà Nội.

+ Đã tổ chức thi, cấp bằng tốt nghiệp và giấy chứng nhận hệ Trung cấp cho 28 học sinh khóa VII  tại huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Nhà trường đã nhận các hình thức khen thưởng:

Năm 2018: Trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”

Năm 2019: Trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”

Năm 2020: Trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”

Năm 2021: Trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.

TỪ KHÓA #trường trung cấp nông dân việt nam: đào tạo nghề cho gần 10.000 học viên nông dân
TIN cùng chuyên mục