Giữa tháng 9 vừa qua, chúng tôi có mặt tại xưởng sản xuất long nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Đức, bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Trời đã chập choạng tối nhưng xưởng nhà ông Đức vẫn nhộn nhịp với hàng chục lao động chủ yếu là chị em phụ nữ đang thoăn thoắt bóc vỏ, xoáy hạt, xếp long nhãn tươi vào khay lưới và vận chuyển khay vào lò sấy.
Thời điểm này, lò sấy long nhãn nhà ông Đức đang chạy hết công suất để kịp lô hàng giao cho đối tác. Do ứng dụng công nghệ lò sấy hơi ép nhiệt kín, long nhãn nhà ông Đức sản xuất ra được bảo đảm về màu sắc, mẫu mã, hương vị, chất lượng và an toàn thực phẩm; đáp ứng yêu cầu của khách hàng, được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ: Nhờ áp dụng công nghệ sấy mới, long nhãn của gia đình tôi sản xuất vừa tăng về sản lượng và đảm bảo về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đem lại nguồn thu lớn cho gia đình. Bình quân mỗi ngày, gia đình tôi làm được 2 tấn quả, tạo công ăn việc làm cho từ 45-50 nhân công. Tuy nhiên, việc sản xuất long nhãn chỉ mang tính thời vụ, trung bình mỗi năm chúng tôi sản xuất long nhãn từ 1-1,5 tháng, nhưng năm nay do nguồn cung nhãn đa dạng hơn nên thời gian sản xuất long cũng được kéo dài hơn.
Cả bản Hồng Nam - nơi gia đình ông Đức sinh sống - có 120 hộ, trong đó có tới 60 hộ tham gia làm nghề sản xuất long nhãn. Vào lúc cao điểm, bình quân mỗi hộ thuê từ 40-50 nhân công lao động ở các bản vùng cao, sản xuất từ 2-2,5 tấn nhãn tươi mỗi ngày. Nhãn được dùng để sản xuất long chủ yếu là nhãn Sông Mã, nhãn Sơn La... Nếu được mùa nhãn, làng nghề có thể hoạt động từ 3 đến 3,5 tháng. Năm nay, do ảnh hưởng của khô hạn, sản lượng nhãn Sông Mã ít, chủ yếu bán quả tươi nên làng nghề chỉ có 28 hộ tham gia sản xuất long nhãn.
Nghề chế biến long nhãn ở Sông Mã không chỉ tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương, tăng thu nhập cho bà con mà còn giúp giảm áp lực tiêu thụ quả nhãn tươi, góp phần đa dạng các sản phẩm từ nhãn, nâng cao hiệu quả canh tác cho người nông dân. Được sản xuất theo công nghệ sạch, sản phẩm long nhãn của Sông Mã đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, được bày bán tại nhiều siêu thị lớn trên toàn quốc và xuất khẩu sang thị trường các nước Hàn Quốc, Trung Quốc...
Ông Đào Mạnh Hồng, Trưởng bản Hồng Nam cho biết: Ở bản làng nghề Hồng Nam, thu nhập chủ yếu là sản xuất nhãn quả tươi, nhãn chín sớm. Sản lượng nhãn quả tươi ở bản Hồng Nam mỗi năm được khoảng 400 tấn, bán với giá 30.000 đồng/kg, thu về được 12 tỷ đồng. Sau khi thu hoạch nhãn chín sớm, chúng tôi hoạt động làng nghề sản xuất long nhãn. Công suất chế biến nhãn tươi thành long nhãn của làng nghề đạt khoảng 2 tấn/ngày/1 lò sấy. Mỗi lò sấy thu về 3 triệu đồng/hộ/ngày. Trung bình mỗi ngày, làng nghề Hồng Nam chúng tôi giải quyết được việc làm cho khoảng 1.200 lao động. Họ tham gia ở nhiều khâu như vận chuyển, xoáy long, sấy, đóng hàng... Lao động phổ thông có mức thu nhập khoảng từ 200.000 đồng trở lên/ngày.
Tại huyện Phù Yên, vốn nổi tiếng với cánh đồng Mường Tấc rộng trên 1.600ha - một trong bốn cánh đồng rộng nhất đất Tây Bắc. Để phát huy thế mạnh địa phương, xây dựng thương hiệu “Gạo Phù Yên”, huyện Phù Yên đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân, trong đó có việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho bà con nông dân.
Trên những ruộng lúa của hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Quang Huy, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, bà con nông dân đi thăm đồng với hành trang là những chiếc điện thoại trên tay. Từ khi được phổ biến về vai trò và lợi ích của việc sử dụng nền tảng eGAP, định kỳ bà con lại đi thăm đồng, xuống ruộng để cập nhật thông tin, hình ảnh về ruộng lúa nhà mình trên nhật ký sản xuất của eGAP. Được biết, eGAP là cổng thông tin quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản Việt Nam, là gói giải pháp quản trị số nông nghiệp 4.0 do các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA) xây dựng.
Trao đổi với phóng viên, bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy thông tin: Được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện, xã, hợp tác xã chúng tôi đã được hỗ trợ về vật tư, phân bón và được chuyển giao khoa học công nghệ để ứng dụng vào quá trình canh tác. Trong đó, phải kể đến nền tảng eGAP. Hợp tác xã hiện có tổng số 162 hộ thành viên, đã có 50 hộ tham gia sử dụng nền tảng này. Từ khi được tỉnh, huyện, xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tham gia nền tảng số, bà con đều nhiệt tình ủng hộ. Các thành viên trong hợp tác xã, ai có điện thoại thông minh đều chủ động tham gia, người không có thì nhờ con, nhờ cháu làm giúp. Sau khi tham gia nền tảng số này, uy tín của hợp tác xã chúng tôi được nâng cao hẳn.
Được biết, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quang Huy canh tác chủ yếu các giống lúa như J02, Séng Cù, BC15 và một số giống nếp địa phương khác. Việc chuyển canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng nguồn nước sạch để tưới tiêu và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... giúp hợp tác xã tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá trị sản phẩm cao hơn khoảng 20% so với giá của gạo thông thường.
“Đến nay, hợp tác xã chúng tôi có tổng diện tích canh tác là 50ha. Gạo của hợp tác xã chủ yếu được phân phối qua các đại lý, nhà bán lẻ ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Thái Nguyên, Đắc Nông, Hà Nội… Hiện nay, giá gạo của hợp tác xã đang bán tại các tỉnh dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg, tại Hà Nội là 50.000 đồng/kg; đem lại nguồn thu nhập trung bình khoảng 4-5 triệu đồng/tháng/nhân công lao động”, bà Cầm Thị Ngân nói.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong việc triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đưa nông nghiệp Sơn La phát triển lên tầm cao mới. Nông dân Sơn La dù ở thành phố hay các huyện, dù ở thị trấn hay các xã, bản vùng cao cũng đều được tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, tiến bộ hơn, hiệu quả hơn. Từ tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang kinh tế nông nghiệp hàng hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng thêm trên một đơn vị diện tích sản xuất.
Việc cơ giới hóa trong trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch sản phẩm (sử dụng máy cày, máy gặt, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, phương tiện vận tải nông sản đến nơi tiêu thụ…) ngày càng được ứng dụng phổ biến. Các giống cây, con mới có nhiều ưu thế, chất lượng tốt, năng suất cao được đưa vào sản xuất đại trà, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GloBALGAP và tương đương. Các công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, hệ thống tưới (nhỏ giọt, phun…), nhà lưới, nhà kính… được áp dụng trên diện rộng. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh sản phẩm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sơn La có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm vùng chè, vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 2 vùng cà phê, vùng na tại huyện Mai Sơn. Toàn tỉnh có trên 2.000ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương, sản lượng ước đạt trên 36.000 tấn/năm; 1 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm với quy mô 30 lồng nuôi cá, sản lượng 100 tấn/năm; 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô 60.000 con, sản lượng 75 tấn.
Tổng sản phẩm (giá so sánh 2010) ngành Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tỉnh Sơn La đạt trên 8.800 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 5,5% so với năm 2022. Tổng sản phẩm trên địa bàn (giá hiện hành) ngành Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là trên 16.600 tỷ đồng. Cơ cấu tổng giá trị gia tăng theo ngành kinh tế (giá hiện hành) ngành Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 24,5%. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt tăng khoảng 5-10%/năm. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 5 - 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh. Giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao nhiều hơn từ 1,5 - 2 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 65%.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, tỉnh Sơn La hiện có hơn 860 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, hơn 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Trong số 12 doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, có 11 doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 91,7%).
Tỉnh Sơn La đang duy trì 218 mã số vùng trồng với diện tích hơn 3.000ha cây ăn quả và 10 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Toàn tỉnh có 73 cơ sở sản xuất cây ăn quả được chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực với tổng diện tích hơn 1.738ha, sản lượng ước đạt 27.726 tấn/năm; 28 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý và 22 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.
Nông nghiệp Sơn La đã đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh với tổng sản lượng lương thực là 10.440.000 tấn, sản lượng mía hơn 652.000 tấn, cao su 3.800 tấn, chè búp tươi 56.177 tấn, cà phê nhân 33.000 tấn, quả và cây sơn tra 455.000 tấn; đàn trâu, bò, ngựa, dê có trên 683.600 con; đàn lợn có trên 680.000 con; đàn gia cầm các loại 7,9 triệu con… Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 84.800 tấn (tăng 3,0%);, sản lượng sữa tươi hơn 86.000 tấn (tăng 2,1%); đàn bò thịt tăng 3,7%; đàn bò sữa 6,8%; đàn lợn tăng 3,1%; đàn dê tăng 4,0%; đàn gia cầm các loại tăng 2,4%...
Trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng từ những kết quả tích cực trên cho thấy nông nghiệp Sơn La vẫn đang trên đà khởi sắc, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, thủy sản đều đạt và vượt kế hoạch giao. Các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn được duy trì và phát triển. Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản được triển khai đồng bộ, quyết liệt, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, toàn diện và bền vững./.