Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân Lục Yên đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình trồng trồng ngô lai vụ Đông

Hoàng Văn Dưỡng - 08:10 27/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 22/10/2024, Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Lục Yên (Yên Bái), Công ty Syngenta Việt Nam cùng phối hợp với Hội Nông dân xã Khánh Thiện tổ chức buổi hội thảo đầu bờ tại mô hình điểm nhằm đánh giá năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh của giống ngô lai NK 7328 Bt/GT với sự có mặt của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân trong xã.

Nhằm khẩn trương phục hồi sản xuất sau thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, ngành Nông nghiệp huyện Lục Yên đã phối hợp cùng Hội Nông dân các cấp trong huyện rà soát, đánh giá thiệt hại và kịp thời động viên hội viên nông dân, kêu gọi sự hỗ trợ về giống, truyền đạt khoa học kỹ thuật canh tác của các công ty giống, vật tư nông nghiệp để giúp bà con nhanh chóng bắt tay vào sản xuất vụ Đông năm 2024. Trong đó địa phương ưu tiên tập trung xuống giống các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tạo nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc, gia cầm trong mùa Đông lạnh giá miền núi phía Bắc.

Theo đánh giá của chuyên gia Công ty Syngenta Việt Nam, giống ngô lai đơn F1 biến đổi gen NK7328 BT/GT tại mô hình có thời gian sinh trưởng 115 ngày, tỷ lệ mọc mầm cao, cây con khỏe, cứng cây, bộ lá xanh, bắp to, đồng đều; năng suất cao đạt khoảng 7,8 tấn/ha. Đồng thời, giống ngô biến đổi gen NK7328Bt/GT kháng sâu đục thân, đục bắp và sâu hại rất tốt do vậy tại điểm mô hình rất sạch sâu.

Tại điểm mô hình xã Khánh Thiện, giống ngô biến đổi gen NK7328Bt/GT rất sạch sâu.

Giống ngô NK7328 đã được chuyển vào 2 loại gen Bt và GT. Trong đó gen Bt giúp cây ngô kháng được các loài sâu đục thân ở châu Á gây hại trên thân, lá cờ, bắp, nhằm tối ưu hóa năng suất. Còn gen GT giúp ngô kháng được tác hại của thuốc trừ cỏ Glyphosate khi phun trực tiếp lên thân và lá. Sau khi phun Glyphosate, các loại cỏ dại sẽ bị loại trừ nên các chất dinh dưỡng trong đất sẽ tập trung để nuôi cây ngô phát triển.

Ưu điểm của việc gieo trồng giống ngô lai đơn NK7328 BT/GT là giảm được nhân công phun thuốc BVTV nhiều lần cho cả sâu đục thân và cỏ dại. Tuy nhiên các giống ngô chuyển gen không kháng được các loại côn trùng như mọt, rệp cờ, châu chấu và các loại bệnh như rỉ sắt, khô vằn, sọc lá...

Thừa hưởng ưu điểm vượt trội từ giống nền NK7328, giống ngô NK7328 BT/GT cứng cây, chống đổ tốt, chống chịu tốt với nhiều loại sâu bệnh hại như là bệnh đốm lá lớn, đốm lá nhỏ, bộ lá xanh bền đến khi thu hoạch. Đây cũng là giống ngô thích nghi rộng, dễ canh tác, cho năng suất hạt, năng suất sinh khối và hiệu quả kinh tế cao.

Cây sinh trưởng, phát triển rất khỏe, kết hạt tốt, màu hạt đẹp. Đặc biệt sinh khối tổng thể rất cao, ưu thế là người trồng có thể bán thân cây cho các đơn vị, cá nhân chăn nuôi bò sữa ủ chua làm thức ăn. Với 2 tính trạng kháng sâu đục thân châu Á, chống chịu thuốc trừ cỏ Glyphosate và hạt giống được xử lý với Cruiser để phòng ngừa sâu xám gây hại từ giai đoạn cây con sẽ giúp tăng năng suất ruộng ngô.

Chuyên gia của công ty Syngenta Việt Nam – đơn vị nghiên cứu và cung cấp giống ngô NK7328 BT/GT cũng hướng dẫn người trồng giống ngô này cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật đã được công ty xây dựng dựa trên kinh nghiệm canh tác tại nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua. Theo đó:

Thời vụ gieo trồng:

Giống có thời gian sinh trưởng 105-115 ngày. Việc gieo trồng ngô NK7328 BT/GT không quy định quá khắt khe thời vụ gieo trồng, có thể bố trí gieo trồng liên tiếp được 3-4 vụ ngô trong năm trên cùng chân đất. Tuy nhiên cần chú ý các thời điểm ảnh hưởng đến giai đoạn sinh trưởng mẫn cảm của cây ngô như: Không gieo trồng vào thời điểm xung quanh tiết Đại hàn (20/01), hạn chế gieo trồng vào thời điểm có mưa kéo dài và với lượng mưa lớn ảnh hưởng đến sức nảy mầm của hạt do đất bị bí chặt, cây con dễ bị đổ ngã do mưa bão. Trong vụ Đông gieo trồng trước 20/10 để hạn chế ảnh hưởng của rét đậm, rét hại khi trỗ cờ. Tùy thuộc nhu cầu, tiến độ thu hoạch ngô sinh khối để xác định thời điểm gieo trồng, xuống giống với quy mô diện tích phù hợp theo từng ngày, từng tuần.

Ngô giống NK7328 BT/GT cây sinh trưởng, phát triển rất khỏe, kết hạt tốt, màu hạt đẹp.

Yêu cầu đất trồng và kỹ thuật làm đất:

Yêu cầu đất trồng: Có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như : Đất gò đồi thoải có độ dốc thấp, đất phù sa ven sông suối, đất chuyên trồng cây màu hoặc đất 2 lúa + cây vụ đông. Tuy nhiên, thời gian chuyên canh ngô sinh khối không quá 02 năm để hạn chế thoái hóa tầng đất mặt. Yêu cầu đất có độ phì từ khá đến tốt, đất bằng phẳng hoặc đồng đều để dễ áp dụng cơ giới; đất ít chua (pH: 5-7). Nên trông ngô trên đất chủ động được nguồn nước tưới.

Kỹ thuật làm đất: Đối với đất bằng phẳng, đất phù sa ven sông suối: Đất được cày bừa kỹ (cày sâu 20-25 cm), san phẳng ruộng, đất được phay nhỏ, dọn sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng vụ trước. Sau khi cày bừa xong nên tiến hành lên luống trồng theo hàng kép hoặc sẻ rãnh trồng hàng đơn. Nếu trồng theo hàng kép thì chiều rộng mặt luống từ 1,3-1,4m; rãnh luống rộng 30cm. Trên luống bố trí gieo 2 hàng ngô. Nếu trồng hàng đơn thì sẻ rãnh ngô cách nhau 65-70 cm, sâu của rãnh 15-25cm. Chú ý xung quanh ruộng vét rãnh để thoát nước. Đối với ngô gieo trên luống, thì cứ 15-20m rãnh vét 1 rãnh thoát nước.

Đối với đất gò đồi, đất có độ dốc thấp <450, có thể áp dụng biện pháp dọn sạch cỏ dại và tàn dư trên bề mặt, cuốc hố sâu 7-10cm để gieo hạt thành từng hàng theo đường đồng mức.

Mật độ, khoảng cách và kỹ thuật gieo trồng:

Mật độ, khoảng cách: Tùy thuộc từng chân đất và chế độ chăm sóc, đảm bảo mật độ trồng ngô sinh khối từ 7,1- 8,5 vạn cây/ha. Khoảng cách hàng từ 65-70cm, khoảng cách cây từ 18-20cm. Lượng giống ngô sử dụng dao động từ 25-30 kg/ha.

Kỹ thuật gieo trồng: Trước khi gieo có thể xử lý hạt giống để hạn chế sâu bệnh hại, cải thiện sức nảy mầm của hạt giống. Sử dụng 2,5-3ml thuốc bảo vệ thực vật Cruiser Plus 312.5 FS/1kg hạt, pha thuốc với khoảng 30ml nước, tưới và trộn đều, để khô ráo trước khi gieo.

Kỹ thuật gieo: Sau khi đã lấp đất phủ phân bón 1-2cm, gieo từ 1-2 hạt/hốc, sau đó lấp đất phủ kín hạt 2-3cm. Nếu đất có kiến, dùng thuốc bảo vệ thực vật dạng hạt theo hướng dẫn trên vỏ bao bì trộn với đất bột rải đều xuống rãnh (hốc) trước khi gieo hạt.

Ngô giống NK7328 BT/GT có thể bán thân cây cho các đơn vị, cá nhân chăn nuôi bò sữa ủ chua làm thức ăn.

Lượng phân bón và cách bón phân:

Tùy thuộc chân đất và mức độ thâm canh áp dụng lượng phân bón khác nhau. Mức độ dinh dưỡng cần đáp ứng: 180-220kg N/ha; 80-100kg P2O5/ha; 90-110kg K2O/ha.

Lượng phân, loại phân bón khuyến cáo sử dụng như sau:

STT

 Loại phân

ĐVT

Lượng phân

Ghi chú

01 sào BB    (360 m2)

01 ha
 

1

 Phân    chuồng

Kg

    250 - 300

7.000 – 8.500

 

2

Supe lân

Kg

    18 -  23

500 - 625

Có thể sử dụng phân hỗn hợp NPK với tỷ lệ quy đổi N, P2O5, K2O tương ứng

3

Đạm Ure

Kg

    14 - 17

390 - 480

4

Kali clorua

Kg

     5- 7

150 - 180

Nếu không chủ động được nguồn phân chuồng có thể thay thế bằng các loại phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh. Kiểm tra đất có pH < 5,5 thì bón thêm vôi bột với lượng 500-700 kg/ha trong khi làm đất trước khi gieo.

Cách bón phân:

Bón lót: Bón toàn bộ lượng phân hữu cơ và phân Supe lân

Bón thúc lần 1 (4-5 lá thật): Bón 1/3 lượng đạm Ure và 1/3 lượng kali clorua. Bón cách gốc 5-10 cm, kết hợp vun nhẹ.

Bón thúc lần 2 (7-9 lá thật): Bón 1/3 lượng đạm Ure và 1/3 lượng lượng kali clorua. Bón cách gốc 10 cm, kết hợp vun cao gốc, chống đổ ngã. 

Bón thúc đợt 3 (11 lá – xoáy nõn): Bón 1/3 lượng đạm Ure và 1/3 lượng lượng kali clorua. Bón cách gốc 5-10 cm, kết hợp vun nhẹ nếu thấy cần thiết.

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:

Chăm sóc: Sau khi gieo, cần kiểm tra để lấp kín toàn bộ hạt.

Nếu điều tiết được độ ẩm đất (đất phải ẩm), sau gieo 2-3 ngày, ủ thêm 1 lượng hạt giống (3-5 kg/ha) cho mọc mầm để dặm chỗ mất khoảng, hoặc có thể làm ngô bầu để dặm (với những nơi đất khô). Khi cây ngô 3-4 lá thật, tiến hành tỉa định cây, đảm bảo mật độ theo quy định cho từng loại giống (chỉ để lại mỗi hốc 1 cây). Bón thúc đầy đủ, cân đối, bón kết hợp với xới xáo làm cỏ và vun gốc.

Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Một số đối tượng sâu bệnh hại chính gồm:

Giai đoạn cây con: Sâu xám; Giai đoạn 5-7 lá đến xoáy nõn: Sâu keo mùa thu, sâu đục thân, sâu cắn lá nõn, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá; Giai đoạn trỗ đến thu hoạch: Rệp cờ, bệnh khô vằn, sâu đục thân, sâu đục bắp...

Theo chuyên gia và hội viên nông dân tham gia mô hình đánh giá, ngô giống NK7328 BT/GT cho năng suất cao, hạt đều, chắc.

Thu hoạch:

Căn cứ mùa vụ và thời gian sinh trưởng của từng giống để xác định thời điểm thu hoạch, thường sớm hơn so với thu bắp khoảng 30 ngày. Do đó thu hoạch ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cần dựa vào căn cứ sau: Thời điểm thu hoạch ngô sinh khối trong khoảng 75-90 ngày kể từ khi hạt nảy mầm, lúc này cây ngô trong giai đoạn đông sữa chuyển sang chín sáp. Quan sát dạng thân cây, lá và bắp xanh. Thông thường cây ngô vào giai đoạn chín sáp thì 2-3 lá ở dưới chân đã chuyển màu vàng, màu sắc lá từ dưới và trên bắp 3-4 lá thường màu xanh đậm và lá dầy lên rất chắc chắn.

Thu hoạch vào ngày nắng ráo để cây, lá, bắp xanh không bị dính bùn đất, thuận lợi cho băm thái cây ngô. Sản phẩm là ngô tươi xanh hoặc làm nguyên liệu ủ chua để đạt tiêu chuẩn theo quy định.

 

Quảng Ninh: Nông dân huyện Hải Hà hào hứng tham gia lớp học IPM
Ngay sau khi Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) mở lớp tập huấn về IPM trên cây lúa, 30 học viên là những hội viên nông dân đã hào hứng tham gia, từ đó có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm về nghề nông.