Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đà Nẵng khai giảng lớp sơ cấp nghề trồng nấm cho hội viên

Hồng Đoàn - 07:31 15/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 09/10/2024, Hội Nông dân xã Hòa Tiến (Hoà Vang, Đà Nẵng) đã hợp tác với Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam (Phân hiệu Đà Nẵng) tổ chức lễ khai giảng lớp sơ cấp nghề “Kỹ thuật trồng nấm ăn”. Đây là khóa học với phương pháp giảng dạy tích hợp, kết hợp lý thuyết và thực hành, giúp học viên dễ dàng áp dụng ngay kiến thức vào thực tế.
Lãnh đạo Hội Nông dân TP. Đà Nẵng, huyện Hoà Vang và các đại biểu tham dự khai giảng khoá học.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, bền vững tại địa phương

Buổi lễ khai giảng lớp sơ cấp nghề có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Ấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng; ông Lê Văn Tấn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam; bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cùng các giáo viên và 35 học viên là hội viên nông dân xã Hòa Tiến. Các học viên đều là những lao động nông thôn với mong muốn cải thiện kiến thức sản xuất, học hỏi những kỹ thuật trồng nấm tiên tiến nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi mô hình canh tác và nâng cao năng suất.

Phát biểu tại buổi khai giảng, ông Lê Văn Tấn – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam bày tỏ kỳ vọng lớn về khóa học, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia học tập đầy đủ và nghiêm túc, ông Tấn khuyến khích các học viên tuân thủ nội quy lớp học, tận dụng tối đa cơ hội để học hỏi những kiến thức hữu ích, góp phần vào quá trình sản xuất nông nghiệp sạch, hiện đại.

Ông Lê Văn Tấn – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc khoá học.

Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến phát biểu bày tỏ mong muốn 35 học viên sẽ nắm vững kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng nấm ăn ứng dụng công nghệ mới. Ông Quang nhấn mạnh, khóa học không chỉ giúp học viên tăng cường kiến thức mà còn mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững cho từng gia đình, yêu cầu các học viên trong lớp tuân thủ chương trình học tập, tham gia tích cực và đầy đủ và coi đây là cơ hội quý báu để nắm bắt các kỹ thuật trồng nấm sạch, đồng thời hứa sẽ cố gắng hoàn thành khóa học một cách tốt nhất.

Khóa học sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng, với nội dung chuyên sâu về các kỹ thuật mới trong trồng nấm sạch, từ khâu chọn giống, quy trình trồng đến chăm sóc và thu hoạch. Các học viên sẽ được hướng dẫn thực hành ngay tại vườn nấm của lớp học. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên có thể tự tin áp dụng kỹ thuật đã học vào sản xuất nấm tại gia đình, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và có giá trị kinh tế cao, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đời sống, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, bền vững tại địa phương.

Hiện nay tại xã Hòa Tiến đã có nhiều cơ sở trồng nấm sử dụng công nghệ sản xuất nấm dạng dịch thể (nhân giống nấm trong môi trường nước có pha chất dinh dưỡng) để nhân giống nấm ăn, nấm dược liệu nhằm tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian sản xuất. Điển hình như HTX Dịch vụ Sản xuất Kinh doanh tổng hợp Nấm Hòa Tiến có lợi thế về nguyên liệu, đang đẩy mạnh sản xuất nấm rơm thương phẩm. Với 23 hộ thành viên được tập huấn kỹ thuật chu đáo, đều coi sản xuất nấm là hoạt động kinh tế chính của gia đình. HTX đã đầu tư mua máy xay keo lá tràm, chủ động bột nguyên liệu và sử dụng trấu để sản xuất nấm bào ngư.

Mở đầu khoá học, ông Nguyễn Văn Nhi – Giáo viên thực hành đã hướng dẫn học viên kỹ thuật trồng nấm rơm, từ cách lựa chọn thời vụ và địa điểm, kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm trong suốt quá trình nuôi trồng và kỹ thuật thu hoạch, bảo quản nấm rơm.

Hướng dẫn hội viên nông dân cách trồng và chăm sóc nấm rơm

Theo giáo viên Nguyễn Văn Nhi, nấm rơm có thể trồng ở khu vực miền Trung từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Người trồng cần chọn vị trí trồng tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp để không ảnh hưởng tới nấm, vị trí phải thoáng mát, sạch sẽ để tránh mầm bệnh. Có thể đặt rơm ở nhiều nơi như: Xung quanh nhà, ở vườn cây, trên nền đất gạch, xi măng hoặc trên kệ, trong bọc nylon… Địa điểm phải bằng phẳng, khô ráo tránh bị ngập úng vào mùa mưa, nếu gần nước tưới tiêu thì càng tốt, để thuận lợi cho việc tưới tiêu cũng như là chăm sóc và thu hoạch khiến cách trồng nấm rơm sẽ hiệu quả và nhanh chóng nhất.

Các học viên tham gia khoá học đầy đủ với tinh thần nghiêm túc.

Chuẩn bị nguyên liệu trồng nấm: Có thể dùng nhiều vật liệu khác nhau để trồng nấm rơm như: Rơm rạ, bã mía, thân và lá chuối, lục bình, bông gòn. Nhưng thường dùng rơm rạ. Chất nấm bằng rơm, lúa mùa hoặc thần nông, lúa tẻ hoặc lúa nếp đều dùng được cả. Có thể dùng rơm còn tươi hoặc rơm rạ đã khô, không mục nát (đã biến thành màu nâu đen) sẽ cho năng suất không cao.

Chọn giống: Việc chọn giống nấm cũng đóng vai trò rất quan trọng, giống nấm sẽ quyết định tới sự thành, bại cho cách trồng nấm rơm tại nhà. Giống nấm không bị nhiễm bệnh, giống không quá già cũng không quá non và có mùi thơm dễ chịu. Túi giống phải có mùi đặc trưng của giống nấm rơm, không loang lỗ và sợi nấm phải ăn kín đáy.

Bịch mô tốt là sợi tơ nấm màu trắng trong, mở nắp bịch có mùi tương tự như nấm rơm. Tơ nấm phát triển đều khắp mặt trоng bịch meo. (Riêng một số meo giống, khi tơ trưởng thành, bắt đầu kết tụ lại thành những hạt màu đỏ nâu vẫn cho năng suất tốt). Một bịch meo giống nặng trung bình 120g, có thể gieo trên mô nấm rộng 0,5m, cao 0,4- 0,5m, chiều dài liếр 4-5m. Không chọn sử dụng bịch meo có đốm màu nâu, đen, vàng cam vì đã bị nhiễm nấm dại. Không chọn bịch meo phía dưới đáy bịch bị ướt, bị nhão và có mùi hôi chua.

Kỹ thuật trồng và cách chăm sóc nấm rơm:

Ủ rơm bằng cách chất rơm thành đống, chiều rộng 1,5-2m, chiều dài 4-8m. Khi chất đống, cứ mỗi lớp rơm cao 20-30cm tưới nước để cho rơm thấm đều và dùng chân dậm nhẹ, tiếp tục chất các lớp tiếp theo cho đến khi đống rơm có chiều cao 1,3-1,5m. Sau đó lấy nylon, rơm khô hoặc lá chuối ủ chung quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt. Vài ngày sau khi ủ, nhiệt độ trong đống ủ lên cao khoảng 60- 70 độ C. Nhiệt độ sẽ làm chết các mầm nấm dại và phân hủy một phần chất hữu cơ trong rơm rạ, giúp cho nấm rơm dễ hấp thu chất dinh dưỡng, phát triển thuận lợi sau này.

Sau khi ủ rơm từ 10-12 ngày, khi đó đống rơm ủ xẹp xuống, chiều cao khoảng 0,8-1,0m. Lúc này có thể đem rơm chất ra luống. Xử lý nước vôi trước khi ủ bằng cách lấy rơm, rạ nhúng vào nước vôi, pha với tỉ lệ 3 kg vôi cho 100 lít nước. Ngâm rơm vừa đủ ngập. Mục đích diệt nấm tạp, tẩy rửa chất phèn, chất mặn trong rơm rạ. Thời gian ngâm trong nước vôi từ 20-30 phút, sau đó vớt ra, để ráo nước, chất thành đống với chiều rộng 1,5-2m, chiều dài 4-8m. Lấy nylon, rơm hoặc lá chuối ủ quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt.

Luống trồng nấm rơm.

Trong thời gian đầu, sau khi chất đống 2-3 ngày, trở rơm một lần. Nếu rơm quá ướt, cần giảm bớt dụng cụ đậy bên ngoài. Nếu rơm bị khô, cần bổ sung thêm nước vôi với tỉ lệ 3kg vôi cho 100 lít nước, tưới vừa đủ. Đến ngày thứ 5-6 kiểm tra lại đống rơm. Rơm đủ ướt, khi vắt vài cọng thấy có nước nhỏ vài giọt là tốt nhất.

Khi ủ xong đóng rơm, bà con lấy rơm trong đống đã ủ, dỡ bỏ lớp rơm ngoài mặt đống ủ, lấy rơm đã ủ bên trong mang đi xếp mô trồng nấm, cố gắng xếp hết trong ngày phần rơm đã dỡ, sau đó đặt khuôn (có thể vun thành luống không dùng khuôn) sao cho thuận lợi khi đi lại, chăm sóc nấm và tiết kiệm diện tích.

Chiều ngang mặt mô từ 0,3-0,4m, chіều cao từ 0,35 – 0,4m. Trải một lớp rơm rạ vào khuôn dày 10-12cm. Cấy một lớp giống νiền xung quanh сách mép khuôn 4-5cm. Tiếp tục làm như vậy đủ 3 lớp. Lớp trên cùng trải rộng đều khắp trên bề mặt (lớp thứ 4). Lượng giống cấy chо 1,2m mô khoảng 200-250g. Mỗi lớp giống cấy xong dùng tay ấn chặt, nhất là xung quanh làm thành mô. Trung bình một tấn rơm rạ khô trồng được 90-100,m mô nấm.

Đối với nấm rơm, không cần dùng phân bón gì thêm. Vì rơm rạ khi phân hủy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây nấm phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Nhi – Giáo viên thực hành của lớp học, việc theo dõi nhiệt độ và ẩm độ là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất. Ẩm độ là yếu tố hàng đầu, vì ẩm độ giúp quá trình phân hủy rơm rạ thuận lợi từ đó sẽ tạo nhiệt độ trong mô nấm. Nếu ẩm độ dư, thừa nước: Nhiệt độ sẽ giảm, mô nấm bị lạnh. Nếu độ ẩm thiếu, mô bị khô nhiệt độ tăng.

Giữ ẩm độ thích hợp: Khi kiểm tra mô nấm, rút một nắm (khoảng 15-20 cọng) rơm ở giữa luống, bóp chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn qua kẽ tay là vừa. Nếu nước không rịn qua kẽ tay là khô, phải tưới nước. Nếu thấy nước chảy qua kẽ tay thành giọt là dư nước, phải ngưng tưới nước và ngày đó phải dỡ áo mô cho nước bốc hơi. Trong mùa mưa phải làm mái che sau khi dỡ áo mô.

Điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước và đậy mô: Khi kiểm tra mô nấm, thấy nhiệt độ tăng, rơm ủ thiếu nước cần dùng thùng vòi sen tưới cho mô nấm. Tránh dùng vòi nước mạnh sẽ làm hư những sợi tơ và nấm nhỏ. Nếu chỉ tăng nhiệt độ mà không thiếu nước, phải giảm rơm áo bị ướt thay bằng rơm khô để giảm sức nóng và thoát bớt nhiệt.

Khi kiểm tra mô nấm thấy nhiệt độ giảm là mô bị lạnh: Ngưng tưới nước, dỡ bớt áo mô, mái che nắng... để giúp mô hấp thu được nhiều nắng. Nếu là mùa mưa, cần dùng nylon, màng phủ nông nghiệp (đậy phía đen lên trên) để mô nấm giữ nhiệt, tăng nhiệt độ bên trong.

Đảo rơm áo mô: Sau khi chất mô 5-8 ngày, dỡ rơm áo ra, xốc cho tơi và đậy trở lại cho mô nấm. Cần phải đảo áo mô để tránh tơ nấm ăn lan ra ngoài, không tạo được nấm.

Thu hoạch: Sau khi ủ rơm 10-14 ngày có thể thu hoạch nấm. Thời gian thu hái nấm, tùy loại meo và cách ủ. Nấm ra rộ vào ngày thứ 12-15; sau đó 7-8 ngày ra tiếp đợt 2 và thu hái trong 3-4 ngày thì kết thúc vụ trồng nấm ( 25-30 ngày). Thu hái mỗi ngày 2 lần. Lần thứ 1 vào sáng sớm trước 6 giờ. Thu hái lần thứ 2 vào khoảng 14-15 giờ chiều.

Nấm rơm tới kỳ thu hoạch.

Nấm rơm phát triển liên tục và nhiều cây dính vào nhau. Cần phải chọn lựa để hái những cây còn búp, hơi nhọn đầu. Cách hái, xoay nhẹ cây nấm, tách ra khỏi mô. Không nên để sót chân nấm trên mô, vì phần chân nấm khi thối rữa, sẽ làm hư các nụ nấm kế bên. Sau khi hái xong, đậy kỹ áo mô lại. Thời gian thu hoạch nấm thường 7-10 ngày. Nấm sau khi thu hái cần tiêu thụ ngay trong 2-3 giờ. Nếu muốn để ngày hôm sau cần bảo quản ở nhiệt độ từ 10-150C./.

Bình Thuận: Hướng dẫn hội viên nông dân chuyên canh rau an toàn ở Hàm Thuận Bắc
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác. Hiện nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ hội viên về giống, kỹ thuật canh tác, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để chuyên canh rau an toàn đạt hiệu quả cao.