(Tapchinongthonmoi.vn) - “Thời kỳ bác Sáu Dân làm Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cuộc đấu tranh cách mạng tại vùng quê này đang bị giặc Pháp đàn áp dã man. Thời gian lãnh đạo huyện không lâu, nhưng những đóng góp to lớn của bác Sáu Dân đối với huyện Phước Long khi đó không chỉ tô đậm tinh thần yêu nước của quân, dân trong huyện mà còn khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, đặt trọn niềm tin với Đảng, tuyệt đối tin tưởng vào ngày chiến thắng, ngày đất nước thống nhất” – ông Trương Công Đặng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.
Nói đến bác Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), Đảng bộ huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) ai cũng nhớ ngay đến người Bí thư Huyện ủy của mình những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, năm 1946, đồng chí Trần Hồng Dân, Bí thư Huyện ủy cùng hai chiến sỹ bị giặc Pháp bao vây trong một trận đánh không cân sức. Sau khi tiêu diệt nhiều tên địch và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, người Bí thư can trường đã bẻ súng, quyết không để vũ khí của cách mạng lọt vào tay giặc. Dù cả 3 đã anh dũng hy sinh, nhưng giặc Pháp vẫn trả thù hèn hạ bằng cách dùng dao chặt xác người Bí thư làm 3 đoạn nhằm răn đe thị chúng.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm huyện Hồng Dân năm 1995 và trò chuyện với ông Trương Minh Chiến (nguyên Phó Bí thư Thường trực tỉnh Bạc Liêu, Bí thư huyện Hồng Dân) khi đó còn là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân. (Ảnh tư liệu)
“Cảm phục trước sự anh hùng, khí tiết người cộng sản của người Bí thư tiền nhiệm, nhằm khơi dậy lòng yêu nước căm thù giặc và để nhắc nhở quân dân Phước Long về tấm gương cộng sản kiên trung, năm 1946 – 1947, Bí thư huyện ủy Phước Long - Võ Văn Kiệt đã đề nghị đổi tên Phước Long thành huyện Hồng Dân. Từ đó, ngọn lửa cách mạng yêu nước của người Bí thư Trần Hồng Dân đã được bác Sáu Dân thổi bùng trong lòng người dân Phước Long - Hồng Dân, cháy suốt qua mấy mươi năm kháng chiến cho đến tận hôm nay. Dấu ấn của bác Sáu Dân với huyện Anh hùng Hồng Dân đã được lịch sử ghi dấu ngay những ngày đầu chống Pháp như vậy đó” – ông Trương Minh Chiến, nguyên Phó Bí thư Thường trực tỉnh Bạc Liêu, Bí thư huyện Hồng Dân nhắc lại.
Ông Nguyễn Văn Lăng, 78 tuổi, nhà ở Kênh 14 (ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) kể: “Hồi xưa đất vùng cánh đồng chó ngáp này hoang hóa phèn nặng, chỉ có sậy, năng kim, cỏ lác… Là vùng đất cầm trâu (nghề giữ vỗ béo trâu thuê) không thể trồng lúa được, dân nghèo khổ lắm. Nhưng giờ ở đây, nhất là kênh 13, 14 này, dân giàu hết trơn là nhờ ông Võ Văn Kiệt. Ông Võ Văn Kiệt chủ trương kéo điện, xẻ kênh, xả rửa phèn nên đất mới trồng lúa, nuôi tôm tốt như vậy”.
Cha con ông Nguyễn Văn Lăng, 78 tuổi, nhà ở Kênh 14 (ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) kể chuyện cùng phóng viên.
Anh Lâm, 53 tuổi, con của ông Lăng kể thêm: “Hồi đó nhà nghèo, không có ăn, chỉ làm nghề trồng khóm, đan lát trầm lá sống qua ngày. Từ khi xẻ kênh, rửa phèn, con kênh 14 này mới trở nên trù phú. Bây giờ mỗi năm làm 2 vụ lúa – 1 vụ tôm. Đất hiện đã tốt, không còn phèn nặng như xưa, canh tác chỉ cần dùng phân hữu cơ để dằn – lót, không xài thuốc hóa học. Năm 2021, tôm thu hoạch lãi khoảng 160 triệu đồng, 30 công ruộng thu hoạch được 28 tấn lúa chưa tính mấy trăm triệu trúng tôm. Năm nay, chưa thu hoạch lúa nhưng lúa đang trổ tốt. Với giá 8.100 đồng/ký, trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng”.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm huyện Hồng Dân năm 1995. (Ảnh tư liệu)
Ông Trương Minh Chiến, khi đó còn là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân kể lại chứng thực hơn. Theo ông, vùng đất “Cánh đồng chó ngáp” này người dân rất đói khổ vì đất không thể canh tác. Những năm 1980, tỉnh Minh Hải lúc đó thực hiện các chủ trương khai phá đất đai của Chính phủ bằng các chương trình 70A, 60B… Đất rộng người thưa, cánh đồng ngập phèn nặng dày cả mấy tấc, lại không có cơ giới. Huyện đã huy động hàng ngàn nhân công đào kênh bằng tay. Nhưng đất khai phá được chỉ trồng được khóm, dứa, tràm…. vì phèn quá nặng, nên chưa hiệu quả.
“Cánh đồng chó ngáp” nghèo nay đã có đường ô tô liên xã, ấp, nhà cửa khang trang, cảnh quan sạch đẹp
Đến những năm 1990, theo chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, tỉnh Minh Hải đã thực hiện “ngọt hóa” Quản lộ Phụng Hiệp, ngăn mặn giữ ngọt, xẻ kênh, xổ rửa phèn “cánh đồng chó ngáp” của huyện Hồng Dân. Sau đó, kết nối với vùng ngọt hóa Quản lộ Phụng Hiệp, chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau. Lúc đó, mới thật sự đã làm thay đổi vùng đất này. Theo thời gian, vùng đất tưởng chừng hoang hóa vô dụng lại trở nên màu mỡ trù phú như bây giờ.
Từng là người đứng đầu Đảng bộ huyện trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nên ông Võ Văn Kiệt rất thấu hiểu nổi khó khăn về chăm sóc sức khỏe của người dân nơi vùng sâu vùng xa như Hồng Dân. Năm 1995, trong lần làm việc với tỉnh Minh Hải, ông đã tranh thủ về thăm và tặng Hồng Dân 500 triệu đồng cùng một chiếc máy siêu âm mini, để Hồng Dân xây dựng Trung tâm cấp cứu Bệnh viện huyện.
Ông Trương Minh Chiến kể, trước đó cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến công tác ở Nhật, được nước bạn tặng riêng 01 máy siêu âm xách tay trắng đen để phục vụ sức khỏe riêng cá nhân ông. Thời điểm đó, đây là chiếc máy siêu âm mini thuộc dạng hiện đại nhất của nền y học. Một cán bộ Văn phòng Thủ tướng đã kể với ông Trương Minh Chiến về việc bác Sáu Dân từng phân vân, nên tặng chiếc máy cho Hồng Dân hay huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long - quê hương ông). “Cuối cùng, bác Sáu Dân đã tặng cho Hồng Dân, vì ông xem Hồng Dân như quê hương thứ hai của mình” - ông Chiến nhắc lại lời của người cán bộ Văn phòng Chính phủ lúc đó.
Chiếc máy siêu âm do bác Sáu tặng Bệnh viện huyện Hồng Dân năm xưa.
Hồng Dân đã cử cán bộ học vận hành và đưa máy về lắp ở Phòng Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện, chiếc máy siêu âm họat động rất hiệu quả đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho hàng ngàn người dân địa phương trong một thời dài. Lúc đó, hầu như y bác sĩ chỉ chẩn đoán bằng kinh nghiệm. Những dấu hiệu như có khối u, đau ruột thừa,… phải chuyển lên tuyến trên. Khi có máy, việc chẩn đoán hình ảnh tốt hơn, Trung tâm Y tế có thể xử lý bệnh ngay tại chỗ.
Nhiều năm sau, Trung tâm Y tế huyện được đầu tư một máy siêu âm mới. Lúc này, lãnh đạo Trung tâm mới đưa chiếc máy siêu âm xách tay về Phòng khám đa khoa khu vực Ngan Dừa để sử dụng tiếp. Đến năm 2001, vì được trang bị thêm máy siêu âm màu hiện đại hơn, nên chiếc máy của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng ngưng sử dụng và được đưa vào lưu giữ tại Phòng Truyền thống của Trung tâm Y tế huyện.
Tận bây giờ, chiếc máy được bảo quản và trưng bày như một di vật quý, minh chứng cho tấm lòng của Thủ tướng với quê hương thứ hai của mình là huyện Hồng Dân. Ông Chiến kể, sau đó, tỉnh Vĩnh Long đã xuống Bạc Liêu đặt vấn đề xin máy siêu âm nói trên về cho Khu Lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Vĩnh Long. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị đưa máy siêu âm xách tay về Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. “Nhưng huyện và ngành Y tế đã từ chối, mà quyết giữ lại máy siêu âm ở nơi ban đầu, để giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân huyện” – ông Chiến xúc động kể.
Là huyện vùng sâu xa nhất của Bạc Liêu, mỗi bước đi của Hồng Dân luôn là một trăn trở lớn của Đảng bộ, chính quyền và người dân. Cũng là nỗi lo sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi luôn mong muốn dân giàu ấm no trên vùng kháng chiến năm xưa, nơi bác Sáu đã từng hoạt động. Bởi vậy, Hồng Dân đã hạ quyết tâm hoàn thành. Trên con đường xây dựng nông thôn mới, nhiều kỳ tích đã xuất hiện.
Đường giao thông các xã Nông thôn mới của huyện Hồng Dân hiện nay.
Song song với việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo cũng được Hồng Dân quan tâm chỉ đạo tích cực thông qua việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Huyện đã vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất cho 3.546 hộ nghèo làm ăn thoát nghèo bền vững với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Nhờ đó mà hộ nghèo giảm nhanh, giai đoạn 2016 - 2020, giảm nghèo 4.035 hộ; từ 17,49% (4.361 hộ nghèo) đầu năm 2016, giảm xuống còn 0,41% (114 hộ nghèo) đầu năm 2021; thu nhập bình quân khu vực nông thôn từ 39,7 triệu đồng/năm lên 58,7 triệu/người/năm.
Với lợi thế sản xuất nông nghiệp, Hồng Dân đã tập trung cơ cấu nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất, nhất là sản phẩm thế mạnh của huyện (nuôi trồng thủy sản, lúa gạo…). Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Thực hiện Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện có 5 sản phẩm đã được hội đồng đánh giá đạt 3 sao gồm: Chả cá thát lát, cá thát lát tẩm gia vị sả nghệ, Gạo Một bụi đỏ, Chả lụa và Khô trâu.
Ông Trương Minh Chiến, nguyên Phó Bí thư Thường trực tỉnh Bạc Liêu, Bí thư huyện Hồng Dân kể lại nguồn gốc tên huyện Hồng Dân ngày nay được bác Sáu Dân kiến nghị đổi tên từ huyện Phước Long thành huyện Hồng Dân (tên của liệt sỹ Trần Hồng Dân).
Ông Ngô Vũ Thăng, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân khẳng định: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hồng Dân mãi khắc ghi những công lao to lớn cùng những tình cảm đặc biệt của Bác Sáu đã dành cho Bạc Liêu nói chung và Hồng Dân nói riêng trong 75 năm qua. Những công sức trí tuệ ấy đã khơi gợi lòng yêu nước, ý chí phấn đấu và khát vọng vươn lên của người dân nơi đây. Để Hồng Dân hôm nay thay da đổi thịt, khoác lên mình diện mạo mới, có cuộc sống tươi đẹp đàng hoàng hơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hồng Dân hôm nay nguyện đoàn kết chung sức một lòng thi đua học tập sáng tạo, quyết tâm đưa quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no hạnh phúc, như tâm nguyện của bác Sáu lúc sinh thời”.