Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 07:50 24/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng được nhiều chuỗi giá trị sản xuất nông sản, bao gồm các sản phẩm chủ lực như hồ tiêu, cà phê, thanh long, ca cao và rau củ quả. Các chuỗi giá trị này được thực hiện với sự tham gia của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nông dân, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Với những nỗ lực trong việc tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ nhắm đến mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế mà còn chú trọng đến yếu tố bền vững. Việc phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên là mục tiêu lâu dài mà tỉnh hướng tới.

Một trong những điểm đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu là đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc liên kết giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Đơn cử như ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 650ha trồng ca cao. Nếu như trước đây, do trồng manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định, rủi ro về giá bán khiến nhiều nông dân bỏ cây ca cao chuyển sang cây trồng khác. Nhưng hiện tại, khi chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được hình thành nông dân, doanh nghiệp sản xuất ca cao tại huyện Châu Đức đã ổn định và phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Ảnh: Vân Nguyễn

Đến nay, ca cao Châu Đức không chỉ xuất khẩu hạt lên men mà còn được chế biến một số sản phẩm từ ca cao như bột ca cao, bơ ca cao, rượu vang ca cao, chocolate… đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và thị trường châu Âu.

Ngoài ra, để mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển cây ca cao bền vững, trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, UBND huyện Châu Đức cũng đã hỗ trợ kinh phí 2,7 tỷ đồng cho 80 hộ nông dân với 50ha thực hiện quy trình canh tác cây ca cao theo mô hình VietGAP, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị…

Còn tại HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ hiện có 40 thành viên với tổng diện tích 38ha bưởi da xanh canh tác theo quy trình VietGAP, với năng suất ổn định đạt 35 tấn/ha/năm. HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch hỗ trợ các thành viên mua vật tư, phân bón chất lượng với giá thấp hơn thị trường. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong nước. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc và EU.

Theo Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh có 494 tổ hợp tác và 195 HTX với 12.532 thành viên. Trong đó, có 18 HTX nông nghiệp đã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Bao gồm các sản phẩm chủ lực như hồ tiêu, cà phê, thanh long, ca cao và rau củ quả.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều chính sách hỗ trợ thành lập mới và củng cố tổ chức HTX. Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã giúp các HTX mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững.

Việc áp dụng công nghệ nông nghiệp và xây dựng chuỗi sản xuất không chỉ mang lại lợi ích cho HTX, mà còn tạo việc làm ổn định cho hơn 4.800 lao động khu vực nông thôn. Với vai trò là cầu nối hỗ trợ HTX và các thành viên, Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều hoạt động lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, xây dựng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng giá trị sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
(Tapchinongthonmoi.vn) – Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều nông dân áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất giúp các cơ sở, nông dân chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, sản xuất có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.