Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Huyện Châu Đức: Xây dựng được 12 mã số vùng trồng xuất khẩu cho cây chuối, sầu riêng, thanh long

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 09:46 21/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tham mưu UBND huyện khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và nông hộ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nhằm tạo điều kiện cho nông sản của huyện vươn ra các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xây dựng mã số vùng trồng là một trong những khâu then chốt góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc xuất khẩu chính ngạch. Đến nay, huyện Châu Đức đã xây dựng được 12 mã số vùng trồng xuất khẩu cho cây chuối, sầu riêng, thanh long với tổng diện tích 552,5ha, sản lượng khoảng 1.779,5 tấn đi thị trường Trung Quốc.

Trong đó, 6 mã số vùng trồng trên cây chuối gồm: Công ty CP Cao su Thống Nhất (2 vùng), Công ty CP DVSX Thương mại, Công ty TNHH SXTM nhập khẩu Minh Quyền (2 vùng), Đội Cao su Phong Phú. Có 6 mã số vùng trồng trên cây sầu riêng: Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức I, II, III, IV xã Xà Bang, HTX sầu riêng 9 Bê xã Láng Lớn và HTX Sản xuất DVNN Xuân Trường xã Sơn Bình. Có 2 cơ sở được cấp mã số đóng gói diện tích 4.567m2: Công ty CP cao su Thống Nhất, Công ty TNHH TMDV XNK Hồng Thái Dương.

Huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng được 12 mã số vùng trồng xuất khẩu cho cây chuối, sầu riêng, thanh long. Ảnh: ĐVCC

Bên cạnh đó, huyện Châu Đức cũng đã xây dựng 10 mã số vùng trồng nội địa, với diện tích 12,05ha; cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh 123,8 tấn rau ăn lá, nấm bào ngư, nấm linh chi, măng cụt, bơ, bưởi, đu đủ, cacao, hồ tiêu... Ngoài ra, huyện Châu Đức đang tiếp tục xây dựng 4 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 42,3ha, sản lượng khoảng 898 tấn/năm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến nay tháng 04/2024, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có 37 mã vùng trồng xuất khẩu và 60 mã vùng trồng tiêu thụ nội địa. Hiện, tỉnh đang chờ phê duyệt 23 mã số vùng trồng trên cây bưởi, sầu riêng, nhãn, cam quýt, chuối, tiêu và 4 mã cơ sở đóng gói đi thị trường Trung Quốc. Trong số 37 mã vùng trồng xuất khẩu hiện có chủ yếu là nhãn, chuối, sầu riêng, bưởi, thanh long được cấp mã số, với diện tích 919,3ha, sản lượng gần 21.320 tấn và 3 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng đã xây dựng và được cấp 60 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa, với tổng diện tích hơn 162,67ha trên các loại cây lúa, rau các loại, cacao, tiêu, nhãn xuồng, mãng cầu, măng cụt, sầu riêng, khoai môn, khoai mài.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Mục tiêu của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật… mà ý nghĩa lớn hơn là tỉnh xây dựng được hình ảnh minh bạch, trách nhiệm về nông sản.

Do đó, ngoài áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để tạo ra số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng vùng trồng đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, đóng gói.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương thực hiện giám sát định kỳ tối thiểu 1 lần/năm hoặc trước vụ thu hoạch đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng và giữ vững mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng góp.