Chu Hồng Châu - 15:50 27/06/2024 GMT+7

 

Nhìn lại hơn 17 năm sau khi Việt Nam tham gia WTO, ông có đánh giá như thế nào về sự thay đổi của Hiệp định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh (SPS)?

Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 đến nay là hơn 17 năm và trước đó điều kiện cần để chúng ta tham gia WTO là phải thành lập Văn phòng SPS Việt Nam. Vì vậy, Văn phòng SPS Việt Nam được thành lập từ năm 2005 đến nay là hơn 19 năm. Trong giai đoạn gần đây khi mà hàng rào thuế quan dần trở về bằng 0 đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm thì xu thế các nước đều đưa ra các biện pháp về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh (SPS) ngày càng chặt chẽ.

Không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu. Ảnh tư liệu

Một nội dung rất quan trọng, chúng ta cần phải lưu ý đó là các quy định đưa ra làm sao phải đảm bảo hài hòa, không được sử dụng các biện pháp SPS để cản trở hoạt động thương mại. Sau hơn 17 năm gia nhập WTO, có thể thấy trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là 5 năm gần đây thì các nước có nhiều thay đổi các biện pháp SPS, có thể tăng hoặc có thể giảm đi, nhưng đa số là xu thế là gia tăng các biện pháp về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Ngay như Việt Nam chúng ta cũng đưa ra nhiều thông tư về vấn đề quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu, đưa ra nhiều quy định để nâng cao chất lượng hàng nông sản thực phẩm và các thành viên WTO cũng tương tự như vậy. 

Việt Nam hiện tham gia 19 FTA. Hàng rào thuế quan xuất khẩu đi những thị trường trọng điểm gần như không còn, thay vào đó là các hàng rào kỹ thuật. Quy định SPS được xem là một trong số đó. Nếu không hiểu chắc, nắm rõ, doanh nghiệp có thể gặp những rủi ro như: Hàng hóa không thể thông quan, bị trả lại, hoặc thậm chí đền bù hợp đồng. 

Nghiêm trọng hơn, việc doanh nghiệp không tuân thủ quy định SPS còn là cơ sở để quốc gia nhập khẩu đánh giá, cân nhắc áp dụng các biện pháp như tăng tần suất kiểm soát, hoặc yêu cầu giấy chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền.

Tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm mục tiêu là thúc đẩy xuất khẩu thương mại nông sản, hiện Việt Nam trong nhóm các quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Ảnh minh hoạ

Với xu thế các quy định SPS được các thị trường thay đổi hàng ngày thì Đề án về nâng cao khả năng thực thi Hiệp định SPS (Hiệp định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh) ra đời rất phù hợp và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn là chúng ta phải thích ứng ngay với các quy định của thị trường, đặc biệt là khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - được coi là các hiệp định có nhiều yêu cầu chặt chẽ, đảm bảo khoa học nhưng nhằm mục tiêu là thúc đẩy xuất khẩu thương mại nông sản. Đồng thời khi chúng ta đã thực hiện tốt các cam kết này thì chất lượng hàng nông sản thực phẩm của chúng ta cũng sẽ được nâng cao, hưởng lợi đầu tiên là người tiêu dùng, kể cả người dân trong nước cũng như người tiêu dùng trên thế giới.

Ngày 19/6/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 534 thông qua Đề án về nâng cao khả năng thực thi Hiệp định SPS (Hiệp định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh) của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm về Đề án cũng như các mục tiêu của Đề án này?

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 534 về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thực thi Hiệp định SPS và các cam kết về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia thì đây là một Đề án tổng thể tầm quốc gia, là một Đề án khung, trong đó có sự phối hợp của rất nhiều bộ, ngành liên quan và 63 tỉnh thành, các địa phương cũng như các hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao năng lực thực thi Hiệp định của WTO và các cam kết về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ví dụ như là Hiệp định EVFTA và gần đây Việt Nam đã kí Hiệp định Thương mại tự do với Israel (VIFTA) mở ra thị trường ở khu vực Trung Đông…

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel đã kết thúc đàm phán từ ngày 2/4/2023 sau hơn 7 năm với 12 phiên đàm phán, và được chính thức ký kết vào ngày 25/7/2023. Hiệp định có hiệu lực vào đầu năm 2024. Ảnh VGP

Tất cả các nội dung, chương trình về SPS đều được Thủ tướng Chính phủ giao cho Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan đầu mối liên lạc, vừa là đầu mối để triển khai chương trình này, tức là phối hợp với các bộ, ngành để triển khai mục tiêu thứ nhất xuyên suốt của Đề án là nâng cao năng lực về thực thi Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại thế giới WTO mà Việt Nam đã cam kết tham gia từ năm 2007 và nâng cao năng lực để thực thi các cam kết về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong các cái hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký.

Mục tiêu thứ hai là chúng ta tăng cường vấn đề về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong thương mại nông sản nói chung hay là trong sản xuất nông nghiệp nói riêng thì mục tiêu lớn nhất là để đảm bảo sức khỏe cho người dân Việt Nam trong sử dụng các sản phẩm nông sản và đồng thời chúng ta cũng cam kết với quốc tế là chúng ta đảm bảo an toàn thực phẩm để xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của từng thị trường. Đối với các cam kết quốc tế thì ngoài vấn đề về an toàn thực phẩm thì chúng ta phải đáp ứng về an toàn dịch bệnh động, thực vật trong xuất khẩu nông sản..

Mục tiêu thứ ba là việc Chính phủ phê duyệt nội dung của Đề án này sẽ góp phần huy động được các nguồn lực trong nước, đặc biệt là hỗ trợ của WTO cũng như các cái thành viên WTO. Trong việc tăng cường năng lực thì đây là nội dung mục tiêu chính của đề án. Đối với mục tiêu cụ thể thì cũng phân ra từng giai đoạn. Đến năm 2025 là một giai đoạn để chúng ta hoàn thiện kiện toàn các chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ cấu tổ chức của Văn phòng SPS Việt Nam.

Thời gian tới, 100% cán bộ phụ trách về vấn đề an toàn thực phẩm đều được đào tạo đồng thời kiện toàn hệ thống các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm để nâng cao năng lực SPS.

Chúng ta cũng sẽ kiện toàn hệ thống SPS ở địa phương nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan trong việc tiếp cận với các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường. Ngoài ra thì cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 80% các sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam đều có cẩm nang hướng dẫn để hỗ trợ cho doanh nghiệp; 100% cán bộ phụ trách về vấn đề an toàn thực phẩm đều được đào tạo SPS đồng thời kiện toàn hệ thống các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm để nâng cao năng lực.

Còn mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030 là 100% hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn của chúng ta phải đảm bảo hài hòa với quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế. Đạt được điều đó thì chúng ta sẽ nâng cao năng lực về vấn đề an toàn thực phẩm cũng như các quy định của Việt Nam, qua đó nâng cao năng lực được sản xuất trong nước.

Đầu tháng 6/2024, Việt Nam nhận tin là sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam được EU nới lỏng và gỡ bỏ một số cảnh báo trước đó mà chúng ta đã rất vất vả thực hiện. Vậy theo ông đó có phải là kết quả của việc nâng cao thực thi tiêu chuẩn chất lượng nông sản?

Chúng ta đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2007 đến nay, trong đó Hiệp định SPS rất quan trọng cũng như các Chương trình SPS khác mà chúng ta phải cam kết thực hiện. Theo quy định của các thị trường thì các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ vì các quy định này đạt đến mục tiêu thứ nhất là đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo quy định hiện hành của WTO, Việt Nam nằm trong số các thành viên phải rà soát chính sách thương mại với chu kỳ là 7 năm/lần. Phiên Rà soát chính sách thương mại lần đầu tiên của Việt Nam đã diễn ra vào năm 2013 tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. Phiên Rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2019 (Phiên TPR) trong khuôn khổ WTO được diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào ngày 27 và 29 tháng 4 năm 2021 tại Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Bộ Công Thương

Mục tiêu thứ hai là đảm bảo sức khỏe động, thực vật của quốc gia nhập khẩu, vì vậy câu chuyện mà Liên minh Châu Âu (EU) gỡ bỏ yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam, đưa ra khỏi diện sản phẩm chịu kiểm soát an toàn thực phẩm của EU đã chứng tỏ đây là một kết quả của một quá trình phối hợp liên ngành giữa Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cơ quan thường trực quốc gia về an toàn thực phẩm với Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc, các cơ quan có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong làm việc với phía EU để cập nhật cũng như thông báo, hướng dẫn, phối hợp để xử lý những cảnh báo về sản phẩm mì tôm từ phía EU. Nhưng đặc biệt điều quan trọng ở đây là chính nội lực của các cơ sở sản xuất, chế biến. Chúng ta kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào, kiểm soát tốt quá trình sơ chế, chế biến sản phẩm trong 6 tháng đầu năm 2024 không có một sản phẩm mì ăn liền nào của Việt Nam vi phạm quy định EU, đấy là một trong những tiêu chí để EU xem xét để tháo gỡ yêu cầu kiểm soát với sản phẩm này.

Ông có nói đến những hành động của các cơ quan quản lý nhà nước, hành động của doanh nghiệp, nhưng còn vai trò của địa phương trong việc thực thi Hiệp định SPS? Trong các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra, nhiệm vụ giải pháp nào được ưu tiên hàng đầu, thưa ông?

Trong Quyết định 534 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án SPS có một nội dung liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc tham gia và trách nhiệm để thực thi nội dung của Đề án này.

Một là, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và phối hợp cùng Bộ NN&PTNT để thực hiện các nội dung của Đề án, trong đó riêng đối với các tỉnh thì vai trò về tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho doanh nghiệp các quy định của thị trường cũng như cập nhật các thông tin của thị trường cho các doanh nghiệp, mà đặc biệt quan trọng ngoài doanh nghiệp ra còn các hợp tác xã, các hộ nông dân, tức là đây là những cái đơn vị hay nói cách khác là các cái chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thì vai trò của Ủy ban nhân dân tỉnh, các địa phương là rất quan trọng.

Vấn đề thứ hai là các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, nếu các địa phương làm tốt hai quy trình này thì tôi tin là hàng nông sản thực phẩm của chúng ta sẽ đáp ứng được yêu cầu của thị trường, kể cả các thị trường khó tính.

Tham gia thực hiện Đề án SPS, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, ngay từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Ảnh minh hoạ

Nội dung của đề án có 8 nhiệm vụ mà các đơn vị phải thực hiện, Đề án cũng đưa ra 9 giải pháp và 10 nhóm hoạt động ưu tiên để tổ chức thực hiện, trong đó hoạt động ưu tiên số một là việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tăng cường mở rộng cái mạng lưới SPS. Ngoài các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật theo Quyết định 99/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì như chúng ta đã biết là từ năm 2005 đến nay thì đã có nhiều thay đổi. Về cơ cấu tổ chức bộ máy của các bộ, ngành thì trong nội dung Đề án này và hiện nay Văn phòng SPS Việt Nam đang xây dựng quy chế phối hợp giữa Văn phòng SPS Việt Nam với các bộ, ngành, có bổ sung Bộ Tài nguyên Môi trường cũng là một cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề môi trường. Bởi quá trình sản xuất, canh tác cũng như chăn nuôi thì vấn đề môi trường, khâu đầu vào tác động vào vật nuôi là rất quan trọng.

Ví dụ chất lượng môi trường nước, môi trường không khí, các vấn đề kiểm soát ô nhiễm thì sẽ bổ sung thêm Bộ Tài nguyên Môi trường vào trong mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng SPS Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi cũng bổ sung thêm các đầu mối ở 63 tỉnh, thành để trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp ở Việt Nam và trong chỉ đạo lần này của Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn để nghiên cứu để phát triển các đầu mối SPS ở các địa phương nhằm hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, đây là một trong những nhóm hoạt động ưu tiên.

Nhóm hoạt động ưu tiên thứ 2 là chúng ta phải rà soát tất cả các cái văn bản quy phạm pháp luật cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà hiện nay đang áp dụng để đảm bảo hài hòa với các quy định của quốc tế. Nhóm giải pháp này cũng giao cho Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao để rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bởi vì chúng ta phải xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh để đảm bảo việc nâng cao chất lượng hàng nông sản của Việt Nam, đảm bảo sản xuất đạt chất lượng nhưng cũng phải hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế để làm sao chúng ta vừa đáp ứng được sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước nhưng đồng thời cũng đáp ứng được sức khỏe cho người tiêu dùng trên các thị trường mà chúng ta xuất khẩu nông sản.

Văn phòng SPS Việt Nam đang xây dựng một kế hoạch để triển khai Quyết định 534 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến 63 tỉnh, thành. Trong ảnh: Ông Ngô Xuân Nam phát biểu tại Hội nghị phổ biến các quy định của Hiệp định SPS giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu tại tỉnh Thái Bình ngày 18/06/2024 vừa qua.

Nhóm hoạt động thứ 3 là hoạt động về đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Chúng ta không đào tạo nguồn nhân lực thì sẽ khó đạt được mục tiêu theo Đề án. Đây là một trong những hoạt động rất quan trọng nhằm  đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các bài giảng lồng ghép vào các chương trình SPS để nâng cao năng lực cho các địa phương cũng như các cơ quan quản lý.

Nhóm hoạt động thứ tư là xây dựng cổng thông tin SPS. Hiện nay xu thế đang chuyển đổi số trong hầu hết các lĩnh vực, mà lĩnh vực SPS được cho là một lĩnh vực kỹ thuật rất khó với nhiều các quy định về mức dư lượng thay đổi và gần như thay đổi hàng ngày. Vì vậy, cần thiết phải có một Cổng thông tin để tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp, các hộ nông dân và các HTX, cơ sở sản xuất, chế biến. Đây là một trong nhiệm vụ mà Văn phòng SPS Việt Nam cùng với các đơn vị phải hoàn thành trong năm 2025 để xây dựng được Cổng thông tin này.

Một trong những hoạt động ưu tiên nữa, đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực cho các phòng kiểm nghiệm, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật trong mạng lưới SPS của Việt Nam. Ngoài ra Bộ Tài nguyên Môi trường cũng có 2 hoạt động ưu tiên: Một là rà soát các vùng ô nhiễm, các quy định, các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề môi trường để có vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu về môi trường. Thứ hai là tổ chức canh tác cũng đảm bảo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kháng sinh đúng theo quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh từ đầu vào, khi đó chúng ta sẽ yên tâm rằng đầu ra sản phẩm sẽ đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Đảm bảo an toàn vệ sinh từ khâu đầu vào đến chế biến, đóng gói... Quy trình khép kín này là vấn đề then chốt để nông sản Việt Nam xuất khẩu và được các thị trường thế giới đón nhận. Ảnh minh hoạ

Việc thực thi Đề án mang tầm vóc quốc gia giúp bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, theo ông cần phối hợp như thế nào để đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan?

Đây là một đề án tổng thể liên quan đến nhiều bộ, ngành gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tài chính và cả Bộ Ngoại giao. Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng một quy chế phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc phối hợp để tiếp nhận thông tin cũng như chủ động về thông tin ở các nước, khi mà thay đổi các biện pháp SPS thì có sự phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam để chủ động có các giải pháp thích ứng. Ngoài ra cũng phối hợp với Bộ Công thương, các thương vụ ở nước ngoài để nắm các thông tin về thị trường.

Ở trong nước, chúng ta kiện toàn hệ thống và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, ở nước ngoài chúng ta phối hợp với rất nhiều cơ quan để có thông tin nhằm tham mưu cho Bộ NN&PTNT cũng như cho Chính phủ có giải pháp thích ứng với yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của 63 tỉnh, thành trong việc phổ biến cũng như cập nhật, hướng dẫn các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, đồng thời kiểm tra, giám sát đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt thì Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên đã chỉ đạo Sở NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh để triển khai ngay Quyết định 534 của Thủ tướng Chính phủ. Một số tỉnh, thành hiện nay cũng đang triển khai và Văn phòng SPS Việt Nam đang xây dựng  kế hoạch để triển khai Quyết định 534 liên quan đến 63 tỉnh, thành và liên quan đến các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng.

Vai trò của hiệp hội ngành hàng trong việc thực thi Hiệp định SPS là rất quan trọng. Ảnh minh hoạ 

Trong việc thực thi Hiệp định SPS, vai trò của hiệp hội ngành hàng là rất quan trọng. Lâu nay câu chuyện về xuất khẩu nông sản mặc dù các hiệp hội cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối cũng như phổ biến, hướng dẫn các quy định cho các hội viên, tuy nhiên cũng chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Chính vì vậy, một trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nội dung liên quan đến vai trò của các hiệp hội trong việc hỗ trợ về xuất khẩu nông sản. Ngoài ra Thủ tướng cũng nêu lên vai trò quan trọng của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc thực thi Quyết định 534 này.

Hội Nông dân Việt Nam với hơn 10,2 triệu hội viên trong cả nước đang trực tiếp tham gia sản xuất nông, lâm, thủy sản, vậy Đề án này có tác động như thế nào đến hội viên nông dân nói riêng và nông dân cả nước nói chung, thưa ông?

Thực tế hiện nay, nông dân và hội viên nông dân là đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất trên tất cả các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp, là những thành viên quan trọng trong các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp, các làng nghề… tham gia từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ nông sản thực phẩm trong chuỗi giá trị sản xuất. Do vậy nội dung Đề án cần được phổ biến rộng rãi, cụ thể nhất đến từng hội viên nông dân, để họ nắm bắt và tuân thủ những quy định trong từng khâu sản xuất, chăm sóc, chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản thực phẩm đạt quy chuẩn của SPS, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ xuất khẩu và người được hưởng lợi đầu tiên cũng chính là nông dân, hội viên nông dân. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất với cấp trên nhằm xây dựng mối liên kết giữa các cơ quan chủ quản về SPS với Hội Nông dân các cấp để tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án tới từng hội viên, nông dân nhằm lan tỏa và thực hiện hiệu quả nhất chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Đề án 534.

Như vậy có thể thấy đây là một quyết định tổng thể của quốc gia, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, của nhiều lực lượng ở trong nước và nước ngoài, có sự phối hợp của các ngành hàng, các tổ chức chính trị - xã hội để mục tiêu cuối cùng là làm sao chúng ta nâng cao được cái năng lực thực thi Hiệp định SPS và các cam kết về an toàn thực phẩm mà chúng ta đã cam kết với WTO, với các thành viên WTO trong quá trình xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm.

Xin cảm ơn ông!

TỪ KHÓA #wto #Hội Nông dân #Bộ NN&PTNT #Thủ tướng Chính Phủ #quyết định số 534/qđ-ttg của thủ tướng chính phủ #văn phòng sps việt nam
TIN cùng chuyên mục