Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Một số nhiệm vụ và giải pháp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp

Hoàng Hải Sơn - 07:42 02/02/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên. Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước”; trong đó có nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp, trong đó có giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ được cho là cách để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam. Ảnh minh họa

Nhận diện

Quá trình thực hiện Đề án đã đạt kết quả ban đầu quan trọng: (1) Nông dân kết nối trực tiếp với kênh bán hàng và người tiêu dùng. (2) Tiết kiệm được thời gian và nguồn lực. (3) Nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. (4) Gia tăng niềm tin với người tiêu dùng. (5) Có sự chuyển dịch đáng kể từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị nông sản, và (6) Góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản trị trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp còn chậm, hệ thống thiếu đồng bộ, vận hành thiếu thông suốt do “bất cân xứng” giữa: Mục tiêu lớn nhưng đầu tư thấp; coi trọng nông sản xuất khẩu lại buông lỏng thị trường nội địa; yêu cầu khoa học công nghệ nhưng chưa có dữ liệu dùng chung; yêu cầu thống nhất quản lý, vận hành nhưng thiếu tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia.

Về công nghệ truy xuất: Có rất nhiều ứng dụng, khiến các chủ thể sản xuất kinh doanh (SXKD) khó lựa chọn một giải pháp phù hợp, trong khi các ứng dụng lại chưa thống nhất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Mã vạch Quốc tế. Mặt khác, do chưa có sự quản lý và điều phối chung về cấu trúc mã phân định, nên tình trạng trùng mã dễ xảy ra.

Do có nhiều ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin nên rất khó chia sẻ dữ liệu để dùng chung và xây dựng chuỗi giá trị nông sản, minh bạch hóa các khâu trong chuỗi để người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm, nhất là lương thực, thực phẩm, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được hình thành nhiều khâu, chuỗi, vùng sản xuất.

Chất lượng ứng dụng TXNG là điều đáng bàn như: Truy quét xem truy xuất thì chỉ có thông tin sản phẩm, thiếu thông tin lịch sử sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm… đã gây hoài nghi với người tiêu dùng. Thực tế, có nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nông nghiệp không ký được hợp đồng vì giải pháp ứng dụng TXNG không tương thích với yêu cầu khách hàng mới. Muốn làm ăn lâu dài, phải mua phần mềm ứng dụng truy xuất mới.

Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng hệ thống TXNG sản phẩm nông nghiệp 

Nhà quản lý và các chủ thể sản xuất kinh doanh cần tập trung giải bài toán lớn: TXNG không phải chỉ tạo ra mã QR code xem thông tin “Nhãn hàng hóa điện tử” mà là hệ thống hỗ trợ quản lý Nhà nước, quản lý an toàn thực phẩm; hỗ trợ thông tin cho người dân, người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp về marketing, minh bạch thông tin và quy trình; tăng độ tin cậy, quản lý chuỗi cung ứng; tăng khả năng kiểm soát chéo chuỗi cung ứng và kiểm soát nội bộ. Thiết lập hệ thống TXNG cần hướng mạnh vào thực hiện 2 mục tiêu lớn theo Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ, các nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung:

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân: Truyền thông thường xuyên và truyền thông có lặp lại để hình thành nên “tư tưởng về TXNG”, để trở thành “phản xạ” của người/ hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ nông dân theo nghề nghiệp…, sẵn sàng tiếp thu và thực hành TXNG đối với lương thực, thực phẩm và dược liệu.

Nội dung truyền thông nên tập trung vào làm rõ “lợi ích” có được và thay đổi hành vi của người nông dân trong thực hiện TXNG, cách thức bền vững là: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản; thực hành liên kết ngang, liên kết dọc theo đường đi nông sản để thúc đẩy việc xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, hợp tác xã theo nghề nghiệp… để liên kết với doanh nghiệp, nhận chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ và giành thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi trong hợp đồng.

Để tránh được khuynh hướng tư tưởng “bảo thủ trì trệ, chủ quan nóng vội”, lực lượng làm truyền thông TXNG phải có kiến thức, kỹ năng điều khiển thiết bị điện tử thông minh; có hiểu biết nhất định về quy trình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… hướng dẫn và đối thoại với nông dân; không sử dụng người không biết về chuyển đổi số và khuyến nông làm giảng viên tập huấn về TXNG.

Giải pháp mạnh về tổ chức, cán bộ trong hoạt động TXNG cần sự dứt khoát về tư tưởng. Đó là, những lĩnh vực hoặc khâu nào còn trì trệ, đã làm nhiều mà không chuyển thì khoanh lại, giao cho cán bộ tập trung cho tìm kiếm sản phẩm mới, công nghệ mới, cách làm mới.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về hạ tầng và công nghệ:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông sản chủ lực, vùng nguyên liệu nông sản xuất khẩu gắn liền với xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, dịch vụ hậu cần cho sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch và đường truyền dẫn Internet, trạm thu phát 4G, 5G ổn định, tốc độ cao.

Các giải pháp xây dựng, vận hành hệ thống TXNG nông sản của mỗi địa phương cần tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia về TXNG, các quy định pháp luật liên quan, đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến như Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big data)… Thông tin khai báo theo thời gian thực, đảm bảo mật, an toàn dữ liệu và không thay đổi được thông tin TXNG; có khả năng nâng cấp, tích hợp linh hoạt, kết nối thông tin với Cổng thông tin TXNG Quốc gia. 

Các doanh nghiệp sản xuất phần mềm ứng dụng TXNG bán cho nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp… cần tăng giao diện thân thiện, dễ sử dụng, dễ thao tác và nhập dữ liệu; có chức năng cảnh báo các trường hợp, các sản phẩm hàng hoá không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; dữ liệu TXNG được sở hữu, quản lý và lưu giữ tại địa phương và Quốc gia.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống TXNG thống nhất trong cả nước và vận hành:

Đối với khu vực quản lý nhà nước: 

Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các bộ hữu quan ban hành tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống TXNG; thống nhất, chuẩn hóa hình thức, nội dung thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để TXNG; cách thức quản lý việc áp dụng; mã truy vết; thông tin TXNG: thông tin về cơ sở sản xuất, chế biến; thông tin về nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu; thông tin về an toàn, vệ sinh và chất lượng; yêu cầu, trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, gắn thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để TXNG.

Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tài liệu để hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp trong việc xây dựng hệ thống TXNG, in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng thẻ TXNG. Chuẩn hóa, minh bạch hóa thông tin thông qua việc chứng nhận hệ thống TXNG của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Triển khai thí điểm áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm nông nghiệp đối với các nhóm sản phẩm lương thực, thực phẩm và dược liệu theo yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan liên quan và theo nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa. 

Thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia bao gồm hệ thống phần cứng, phần mềm để phục vụ việc cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở kết nối thông tin với hệ thống TXNG của các bộ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các hệ thống quốc tế được công nhận.

Đối với HTX và Hội Nông dân: Vận động, tổ chức hội viên nông dân thực hiện TXNG nông sản thuộc nhóm lương thực, thực phẩm xuất khẩu và nông sản tiêu dùng thiết yếu của người dân; trong đó, địa bàn sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao như ven đô thị, khu công nghiệp, chế xuất, du lịch… cần được ưu tiên đi trước.

Chọn tổ hợp tác, HTX, CLB nông dân, cụm dân cư theo nghề nghiệp cùng sản xuất kinh doanh (SXKD), chọn một mặt hàng hoặc chuyên canh tải các App Nông dân Việt Nam, thông tin thị trường, khuyến nông, thời tiết, phòng trừ dịch bệnh và sàn giao dịch thương mại điện tử… để học, tìm hiểu, áp dụng, nhằm tạo động lực và “Phản xạ” của cán bộ, hội viên nông dân trong SXKD và TXNG, làm cơ sở cho đổi mới sáng tạo; đồng thời là nguyên liệu nền tảng của TXNG và chuyển đổi số (CĐS).

Lập nhóm Zalo gồm thành viên cùng nghề nghiệp, cùng một sản phẩm để xây dựng một cộng đồng học tập, trao đổi, chia sẻ thông tin về TXNG từ khâu nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất, chế biến, thành phẩm và đóng gói tiêu thụ sản phẩm đồng thời hỗ trợ Chương trình OCOP, du lịch canh nông, du lịch làng nghề… Đây cũng là cách thức xây dựng “Người nông dân chuyên nghiệp” (mô hình này đã thành công ở Nghệ An, Đồng Tháp, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, ĐắK Lắk, Sơn La…). 

Ảnh minh họa

Huấn luyện nông dân thay đổi hành vi, từ ghi chép nhật ký đồng ruộng, gia trại bằng giấy sang ghi chép bằng thiết bị điện tử thông minh, kết nối với HTX, doanh nghiệp, với người tiêu dùng và hệ thống quản lý thông tin địa lý (GIS) để tạo nên hệ thống TXNG. Qua đó, nông dân có thể cung cấp thông tin về nguồn gốc và quá trình sản xuất của sản phẩm. Người tiêu dùng truy quét mã QR hoặc tìm kiếm trên hệ thống để xem thông tin chi tiết, biết được chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm.

Cung cấp các kênh giao tiếp, phản hồi giữa nông dân và người tiêu dùng. Các nền tảng trực tuyến cho người tiêu dùng gửi phản hồi, đặt câu hỏi và nhận được thông tin từ nơi sản xuất. Ngược lại, nông dân cung cấp thông tin về sản phẩm, nhận phản hồi và tạo mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng mà không phải qua thương lái.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực: 

Tổ chức các khóa đào tạo tập huấn bồi dưỡng kiến thức theo hình thức thường xuyên và lặp lại về hoạt động TXNG cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở địa phương, các doanh nghiệp, cán bộ HTX, cán bộ Hội Nông dân và cá nhân có nhu cầu; gắn liền với chuyển giao khoa học kỹ thuật - công nghệ TXNG và khuyến nông cộng đồng với 4 trụ cột: Thông tin tuyên truyền; đào tạo tập huấn; xây dựng mô hình, nhân mô hình TXNG tiên tiến; hoạt động tư vấn và các dịch vụ.

Đổi mới hoạt động khuyến nông từ kế hoạch ngắn hạn sang kế hoạch trung, dài hạn; đổi mới cách tiếp cận từ đơn lẻ sang gói kỹ thuật tổng thể (hệ thống); gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; tiếp cận nhóm/ cộng đồng theo liên kết sản xuất, đưa TXNG vào nhóm/ cộng đồng, mô hình, tạo sự đồng hành với TXNG và hiệu ứng xã hội.

Một số đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành quản lý nhà nước

Để thực hiện có hiệu quả giải pháp TXNG theo Đề án của Chính phủ, cần phải xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về TXNG, bao gồm: Các quy định, hướng dẫn việc đăng ký sử dụng mã truy vết, đảm bảo khả năng định danh đơn nhất cho đối tượng truy xuất. Hoàn chỉnh tài liệu hướng dẫn TXNG đối với sản phẩm đặc thù nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và dược liệu.

Nghiên cứu tiêu chuẩn, quy định của các tổ chức quốc tế để xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tài liệu hướng dẫn chung về TXNG cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng như: Đơn vị cung ứng, đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng.

Thí điểm áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa đối với các nhóm sản phẩm theo yêu cầu quản lý nhà nước, của các bộ, cơ quan liên quan và theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các giải pháp, công nghệ (Blockchain, IoT, AI, Big data và các công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới) ứng dụng trong TXNG cho trục nông sản xuất khẩu.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ, giải pháp ứng dụng trong TXNG. 
 

Phòng vệ thương mại: Đảm bảo truy xuất nguồn gốc để giảm rủi ro xuất khẩu
Để gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm.
  • Nông dân Thái Nguyên vững tin bước vào kỷ nguyên mới
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Xuân Ất Tỵ đã về trên quê hương cách mạng Thái Nguyên, mùa Xuân mới đang mở ra với bao niềm tin và khát vọng... Nông dân Thái Nguyên sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, sau 1 năm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân (ND) Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023-2028).
  • Một số nhiệm vụ và giải pháp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên. Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước”; trong đó có nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
  • Nuôi bò sữa, chi hội trưởng nông dân thu tiền tỷ
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Chị Tạ Thị Năm - Chi hội trưởng nông dân thôn Mồ Đồi, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì (Hà Nội) là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, chị đang chăn nuôi đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Chị cũng là nữ nông dân duy nhất của Thủ đô được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
  • Đại Lộc nỗ lực về đích huyện nông thôn mới năm 2025
    Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) gồm 17 xã và 1 thị trấn. Huyện đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của mình, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2025, trong đó có 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và thị trấn Ái Nghĩa đạt 6/9 tiêu chí chuẩn đô thị văn minh.
  • Chăm chút từng hạt cà phê đặc sản
    Cà phê đặc sản được trồng ở những nơi có khí hậu rất đặc biệt, sau đó từng hạt cà phê chín được lựa chọn kỹ càng để hái, rửa, phơi, chọn lọc, rồi đến các công đoạn ủ lên men… Đó là cả sự kỳ công khi làm cà phê đặc sản.
  • Đình làng Mai Động rộn ràng tiếng trống vật mùa Xuân
    Đã thành truyền thống từ hàng ngàn năm nay, Lễ hội vật truyền thống làng Mai Động được tổ chức từ ngày mùng 4 đến mùng 7 tháng Giêng. Được xem là đất tổ của vật, nên mỗi dịp diễn ra, Lễ hội vật làng Mai Động luôn thu hút nhiều đô vật đến từ nhiều lò vật nổi tiếng của Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc về tranh tài. Không chỉ tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam, Hội vật làng Mai Động còn là một ngày hội lớn của nhân dân cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội.