Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của nông dân Việt Nam

Trần Quốc Dân - 07:24 03/02/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng tạo là quá trình khám phá, phát triển, thực hiện những ý tưởng mới hoặc thực hiện chúng theo một cách mới lạ. Sức sáng tạo của con người nói chung và của nông dân nói riêng được coi là vô tận bởi hoạt động sống của con người vô cùng phong phú. Những tấm gương sáng tạo của nông dân Việt Nam mang lại nhiều giá trị mới, thúc đẩy hình thành một lớp nông dân mới, có chuyển biến lớn từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Sự nghiệp phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới do người nông dân là chủ thể, là trung tâm nên trong thời gian tới cần nhiều hơn nữa sức sáng tạo của người nông dân. Vì vậy, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của nông dân Việt Nam là rất quan trọng.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Sức sáng tạo của nông dân Việt Nam

Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh rằng sáng tạo là quá trình khám phá, phát triển, thực hiện những ý tưởng mới hoặc thực hiện chúng theo một cách mới lạ. Sức sáng tạo của con người được hiểu là khả năng (mức độ) sáng tạo trong hoạt động sống của con người. Sức sáng tạo của con người được coi là vô tận bởi các hoạt động sống của con người vô cùng đa dạng và phong phú.

Hiện nay, dân số sống ở nông thôn nước ta chiếm 61,9%(1), trong đó chủ yếu là nông dân. Họ là một lực lượng đông đảo, bao gồm những người lao động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nông dân Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng; thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của đất nước. Năm 2023, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, đạt 3,83% (nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%); tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 53,01 tỷ USD(2). 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trong nước ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành Nông nghiệp tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế(3). Đạt được những thành tựu to lớn nói trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, hành động quyết liệt, sức sáng tạo của người nông dân được khơi dậy và phát huy; sự bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực của người nông dân trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hoạt động “Nhà nông sáng tạo”, “Nhà nông đua tài”, Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”; Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”; “Tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả, đã khơi dậy và phát huy sức sáng tạo, tinh thần doanh nghiệp, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Những nông dân đạt danh hiệu  “Nhà khoa học của Nhà nông”; đoạt giải Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”; nông dân xuất sắc nhất trong những năm qua cho thấy sức sáng tạo của người nông dân là rất lớn, phong phú, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Có thể điểm qua một số nông dân đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc từ năm 2022 đến năm 2024 để minh chứng cho điều đó.

Nông dân Nguyễn Thành Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã nông nghiệp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang (Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022). Với mô hình hoạt động hợp tác xã, liên kết trồng lúa (1.200ha), anh Giang đã có nhiều cố gắng sáng tạo những mô hình mới để tiết kiệm chi phí đầu vào, mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân từ các khâu xuống giống, sạ phân, phun thuốc bằng công nghệ máy bay không người lái (Drone) để nông dân đạt lợi nhuận nhiều, đời sống ổn định hơn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành, ông Lê Văn Hải nhận xét: “Anh Nguyễn Thành Giang là nông dân gương mẫu, lãnh đạo hợp tác xã tâm huyết, luôn quan tâm đến sự phát triển chung của hợp tác xã. Anh Giang đã góp phần xây dựng hợp tác xã trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ đầu vào, vật tư nông nghiệp, là hợp tác xã đầu tiên tham gia mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” hiệu quả. Từ đó, giúp cải thiện thu nhập của nông dân. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, anh Giang còn tích cực tham gia các phong trào an sinh xã hội, như: Xây cầu, làm đường, sửa nhà, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao”(4).

Nông dân Hoàng Văn Duẩn, thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn (Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023). Qua thực tiễn cuộc sống, anh Hoàng Văn Duẩn đã có sáng kiến “Dàn nâng, gắp, xúc, ủi gắn trên máy kéo nông nghiệp” với nhiều tính năng vượt trội, tiện lợi, linh hoạt, tiết kiệm chi phí, nhân công, ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, đời sống. Giải pháp là sự kết hợp những điểm mạnh của các loại máy cơ giới, tích hợp nhiều tính năng linh hoạt, có thể giải quyết được 3 công đoạn là gắp, nâng, hạ nông sản (gỗ, mía, ngô sinh khối), hàng hóa, vật liệu xây dựng, xúc ủi đất, phục vụ mở, sửa đường, tham gia công đoạn đảo trộn, vận chuyển vữa bê tông… mà không cần thêm bất kỳ một loại máy móc nào khác. Mặt khác, dễ dàng chuyển đổi chức năng từ máy cày, máy kéo nông nghiệp sang lắp đặt các thiết bị để gắp, nâng, xúc ủi... Sáng kiến này của anh Hoàng Văn Duẩn đã giành Giải Nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IX, minh chứng cho tấm gương nông dân năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất(5).

Nông dân Nguyễn Thị Biên, thôn Quang Trung, xã Hoằng Thanh,  huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024). Sinh ra và lớn lên ở vùng duyên hải, cuộc sống gắn liền với biển cả đã giúp bà cũng như bao người dân địa phương thích nghi và nắm được những thay đổi của con nước vùng triều. Nhận thấy vùng biển Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, thế mạnh để nuôi trồng và khai thác thủy sản, trong số đó có nuôi ngao, bà Biên đã quyết định đầu tư mô hình nuôi ngao, nhưng gặp muôn vàn khó khăn về kiến thức, kinh nghiệm và thị trường. Điều đó thôi thúc bà đi khắp nơi để tìm hiểu mô hình nuôi ngao. Bà đã tìm ra được chu kỳ sinh sản của con ngao và tận dụng những kiến thức tích lũy nhiều năm từ con ngao, để đến thời điểm sẽ tiến hành kích thích sinh sản, thu trứng và sản xuất ngao giống, cung cấp ra thị trường. Đây là một bước ngoặt đáng kể, quyết định nhiều đến hiệu quả nghề nuôi ngao ở các bãi triều. Sau nhiều nỗ lực, phấn đấu, tích lũy kinh nghiệm, đổi mới và sáng tạo, được sự giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân, gia đình bà Biên đã mở rộng diện tích nuôi ngao lên 50ha và còn nuôi ngao ở nhiều nơi như: huyện Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, thị trường tiêu thụ được mở rộng đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Mô hình nuôi ngao của bà Biên có doanh thu cao nhất trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 đạt 150 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 5 tỷ đồng/năm. Bà Biên tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động với thu nhập từ 8 triệu đến 10 triệu/người/tháng, lúc cao điểm gia đình bà con thu hút 150 lao động thời vụ(6).

Trên đây, bài viết chỉ đưa ra ba tấm gương sáng tạo trong rất nhiều tấm gương sáng tạo của nông dân Việt Nam, nhưng cũng cho thấy chính từ những việc làm, những thành quả của những nông dân sáng tạo đã có tác động lan toả, truyền động lực rất lớn cho nhiều nông dân khác cùng tích cực suy nghĩ, tìm tòi, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Những tấm gương nông dân năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất cho thấy sức sáng tạo của người nông dân là vô tận. Họ thực sự là biểu tượng đẹp, đại diện cho hàng triệu nông dân trên cả nước đang ngày đêm sản xuất, kinh doanh, sáng tạo, đi đầu trong quá trình  phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; góp phần xây dựng thế hệ nông dân Việt Nam mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có trình độ, kiến thức và khoa học kỹ thuật tiên tiến, luôn khát khao làm giàu cho chính mình và cho quê hương, đất nước; khẳng định “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”(7).  

Những điều rút ra từ những tấm gương sáng tạo của nông dân Việt 

Một là, sự gắn bó và trăn trở với nông nghiệp, nông thôn và quê hương. Đây là một trải nghiệm tinh thần sâu sắc, là cảm xúc, niềm tự hào và định hình tư duy sáng tạo của mỗi người. Nông nghiệp, nông thôn và nơi sinh sống của người nông dân là nguồn cảm hứng vô tận, giúp cho họ phát triển tư duy sáng tạo. Mặt khác, đó cũng là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc, góp phần xây dựng những nền tảng vững chắc cho sự phát triển cá nhân. Sự yêu thương, gắn bó, trăn trở với nông nghiệp, nông thôn và quê hương thúc đẩy người nông dân không ngừng phấn đấu và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu sống ngày càng tốt hơn. Khát vọng xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nông nghiệp, nông thôn và quê hương là động lực lớn, thúc đẩy và nâng cao sức sáng tạo. 

Hai là, niềm tin và quyết tâm. Niềm tin và quyết tâm là điều kiện quan trọng đầu tiên cho mọi sáng tạo. Đó là cơ sở tạo ra bản lĩnh và ý chí của người nông dân sẵn sàng đương đầu với thách thức, không chịu khuất phục khó khăn, không dao động. Đây là tố chất không thể thiếu của người nông dân khi họ đã dấn thân vào quá trình lao động sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn - nơi mà hoạt động của con người còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nó thể hiện ở sự bình tĩnh trước mọi biến động và đổi thay, tinh thần lạc quan vào tương lai, ý chí sắt đá với mục tiêu đã chọn, niềm khát khao vươn tới. 

Ba là, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận mạo hiểm. Dấn thân vào sự nghiệp sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới với những tham vọng lớn cũng có nghĩa là đương đầu với sự mạo hiểm không hề nhỏ. Vì vậy, dám nghĩ, dám làm, dám  chấp nhận mạo hiểm là một tố chất quan trọng của người nông dân. Với tố chất đó, họ luôn trăn trở, tích cực tư duy, suy nghĩ về những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những vấn đề đặt ra từ nhu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; mạnh dạn, chủ động đảm nhận và thực thi công việc; quyết tâm trong triển khai thực hiện những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ nhu cầu khách quan; dám chấp nhận và sẵn sàng gánh chịu những hậu quả xảy ra từ những rủi ro, thất bại trong quá trình thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình. Thực tế cho thấy tố chất đó thường đi đôi với sức sáng tạo. Họ luôn hiểu rằng sự sáng tạo không bao giờ có điểm dừng và xem sáng tạo như là một cơ hội. Do đó, dám nghĩ, dám làm, tự tin chấp nhận mạo hiểm với ý thức sẽ chiến thắng là cái vốn có của người nông dân sáng tạo. 

Bốn là, tinh thần sẵn sàng học hỏi, hợp tác và chia sẻ. Tinh thần ham học, sãn sàng học hỏi, hợp tác và chia sẻ là trạng thái tinh thần mà người ta có sự mong muốn và đam mê trong việc học hỏi, mở rộng kiến thức, phát triển kỹ năng, hợp tác cùng nhau và chia sẻ kinh nghiệm. Từ những tấm gương Nông dân Việt Nam xuất sắc cho thấy họ luôn tò mò, thích tìm tòi, quan sát, lắng nghe, sẵn lòng đối mặt với thách thức, tin tưởng vào mục tiêu đã chọn và luôn tìm kiếm cơ hội nâng cấp bản thân. Sức sáng tạo của họ thường đi đôi với khả năng truyền đạt ý tưởng rõ ràng hơn, từ đó giúp các cuộc trò chuyện trở nên tích cực và xây dựng mối quan hệ hợp tác và chia sẻ tốt hơn với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Mặt khác, mối quan hệ hợp tác và chia sẻ có tác động tích cực, tạo ra môi trường thúc đẩy sức sáng tạo của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Năm là, mang lại nhiều giá trị mới cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Sức sáng tạo của những tấm gương nông dân Việt Nam xuất sắc trước hết giải quyết được những trăn trở mà thực tế lạo động, sản xuất đòi hỏi, góp phần thúc đẩy chính họ vượt khó vươn lên, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh để làm giàu. Đồng thời, họ là những nhân tố tích cực, biểu tượng sống động của một lớp nông dân mới trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các địa phương, là tấm gương có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng. Họ đã tạo lên những giá trị mới với các kỹ năng hợp tác, liên kết trong cộng đồng, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong mỗi hội viên, nông dân. Từ đó, hình thành một lớp nông dân mới, có chuyển biến lớn từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
    

Chăn nuôi theo hướng công nghệ cao giúp nông dân nâng cao thu nhập.


Vai trò của Hội trong việc khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của nông dân

Sự nghiệp phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới do người nông dân là chủ thể, là trung tâm nên trong thời gian tới cần nhiều hơn nữa sức sáng tạo của người nông dân. Vì vậy, khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của nông dân Việt Nam là một trong những nhiệm vụ chiến lược trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần phối hợp với các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể triển khai đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, các cấp Hội cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Để khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của nông dân Việt Nam rất cần những hoạt động đầy sáng tạo của các cấp Hội Nông dân Việt Nam. Những sáng tạo của nông dân đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, bắt nguồn từ tinh thần trách nhiệm, đam mê công việc, suy nghĩ trăn trở của họ trong quá trình lao động hàng ngày. Vì vậy, các cấp Hội cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đến với người nông dân. Đổi mới và sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng của nông dân. Nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân trong việc tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn gắn với giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân. Tuyên truyền, vận động để người nông dân nâng cao hơn nữa về nhận thức chính trị, lòng yêu nước, phát huy những phẩm chất cao đẹp của người nông dân Việt Nam, tích cực lao động sáng tạo, tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại. 

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân theo hướng nông dân giàu có, văn minh và bảo đảm môi trường sinh thái.

Ba là, xây dựng người nông dân văn minh, trí thức hóa nông dân gắn với việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, là hạt nhân thúc đẩy quá trình xây dựng người nông dân văn minh, trí thức hóa nông dân, giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn; thúc đẩy mạnh hơn vai trò chủ thể của nông dân, tạo sự thôi thúc của bản thân người nông dân nhằm hiện thức hóa yêu cầu xây dựng người nông dân văn minh, trí thức hóa nông dân. 

Bốn là, thực hành dân chủ ở nông thôn. Thực hiện dân chủ ở nông thôn là phương thức phát huy quyền làm chủ của người dân ở nông thôn, là cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đồng thời tạo môi trường và động lực khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của người dân. Thực hành dân chủ biểu hiện trước hết ở chỗ người dân được phát huy quyền làm chủ trên thực tế trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Người dân được tham gia thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia kiểm tra, giám sát quá trình phát triển ở nông thôn. Đồng thời, người dân được hưởng thành quả lao động của mình một cách công bằng; mọi chế độ, chính sách đối với người dân đều được công khai, minh bạch. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; phát huy được tính chủ động, sức sáng tạo, tích cực của người dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong việc khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của nông dân. Sự phối hợp này tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới; đẩy mạnh hoạt động phối hợp tạo vốn sản xuất, kinh doanh cho nông dân thông qua nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, các dự án và chương trình quốc gia giải quyết việc làm; xây dựng phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; thành lập các câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Một khi sức sáng tạo của nông dân được khơi dậy và phát huy sẽ tạo động lực khích lệ, động viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, người nông dân ngày càng tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, hàm lượng khoa học công nghệ cao, nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ xanh, sạch, đạt sản lượng và giá trị lớn. 

(*) Nguyên Phó Giám đốc NXB sự thật
Tài liệu tham khảo:
(1) Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Thông tin về tình hình dân số, lao động việc làm quý IV và năm 2023. 
 (2) Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Báo cáo tổng kết phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. 
(3) Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024.
(4) Báo An Giang: Gặp gỡ nông dân Việt Nam xuất sắc, http://baoangiang.com.vn.
(5) Báo Bắc Kạn điện tử: Anh Hoàng Văn Duẩn đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”, http://baobackan.vn.
(6) Báo Thanh Hóa: Nữ nông dân nuôi “vàng trắng” được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024, http://baothanhhoa.vn.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.93.

 

Chính sách hiệu quả sẽ giải phóng sức sáng tạo cho các nhà khoa học nông nghiệp
Nếu những chính sách có thể giải phóng sức lao động và sức sáng tạo cho đội ngũ khoa học thì chắc chắn nông nghiệp Việt Nam sẽ có thể tạo được những kỳ tích mới.