Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phổ biến, hướng dẫn các quy định về an toàn thực phẩm và dịch bệnh động, thực vật của các thị trường trọng điểm

Chu Hồng Châu - 15:36 18/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 18/6/2024, Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được tổ chức tại tỉnh Thái Bình.

Cập nhật và phổ biến quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật để tuân thủ các FTA

Thực hiện chương trình công tác năm 2024 của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch động, thực vật (SPS) Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt, trong đó có nhiệm vụ phổ biến, cập nhật và hướng dẫn các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) của các thị trường trọng điểm mà Việt Nam tham gia theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như UKVFTA, EVFTA, RCEP… Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp với các Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Chất lượng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TBT  - Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, các hiệp hội ngành hàng, Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố để triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Hoạt động này được triển khai rộng khắp từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị lần này được tổ chức có sự tham gia của đại diện Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Hội Nông dân tỉnh, khối Doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN &PTNT) cho rằng: Việc cập nhật và phổ biến các quy định về SPS đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân là đặc biệt quan trọng, bởi vì quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng, nếu chúng ta vi phạm, sẽ bị đối tác nhập khẩu cảnh báo vi phạm. Việc này sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mục tiêu của hội nghị nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam về những điểm mới liên quan đến các quy đinh về An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường các nước thành viên trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Phổ biến các yêu cầu kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu nông sản và thuỷ sản từ Việt Nam trong tình hình mới; Đề xuất các giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả EVFTA.

TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Cho đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có 16 Hiệp định đã ký kết chính thức và 3 Hiệp định đang tiến hành đàm phán. Trong đó có nhiều hiệp định được cho là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết bắt buộc áp dụng, với nhiều quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) mà Việt Nam phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

"Trong thời gian gần đây, việc cập nhật và phổ biển thông tin quy định các thị trường về các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) là rất quan trọng bởi vì hàng tháng Văn phòng SPS đều nhận được khoảng 100 các thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS bao gồm các dự thảo về thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm…" - TS. Ngô Xuân Nam cho biết.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU, đã mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Đây cũng là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao thứ hai mà Việt Nam ký kết, với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực, mức độ tự do hóa mạnh và mức cam kết cao hơn phần lớn các FTA đã có của Việt Nam. EVFTA đã có những tác động đáng kể và tích cực cả về kinh tế và thể chế cho Việt Nam.

Hướng dẫn công nghệ bảo quản, chế biến nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm

Tại hội nghị, các đại biểu được TS. Lê Hà Hải, Viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch giới thiệu về công nghệ sơ chế, bảo quản một số nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường – những công nghệ mới này được nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp rất quan tâm, bao gồm:

Công nghệ sơ chế lúa trước khi bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ bằng các máy chuyên dụng như:

Máy sấy tháp: Dùng để sấy các sản phẩm nông nghiệp dạng hạt như lúa, ngô, đậu đỗ, cà phê, hạt thương phẩm cũng như làm giống... Máy được dùng ở quy mô trạm trại sản xuất hoặc các công ty chế biến giống, lương thực, nông sản.

Máy sấy tầng sôi: Dùng để sấy các sản phẩm nông nghiệp dạng hạt như lúa, ngô, đậu đỗ, cà phê, hạt thương phẩm cũng như làm giống... Máy được dùng ở quy mô trạm trại sản xuất hoặc các công ty chế biến giống, lương thực, nông sản.

Công nghệ sấy lúa bằng Máy sấy tầng sôi được giới thiệu tại hội nghị.

Máy sấy tĩnh vỉ ngang có đảo chiều gió: Dùng để sấy các sản phẩm nông nghiệp dạng hạt như lúa, ngô, đậu đỗ, cà phê... Máy được dùng ở quy mô liên hộ, các trạm trại sản xuất hoặc các công ty chế biến lương thực, nông sản.

Công nghệ bảo quản lúa bằng thuốc thảo mộc, bằng sóng Radio…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được TS. Lê Hà Hải hướng dẫn công nghệ sơ chế rau quả trước khi bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ như: Công nghệ bảo quản trái cây bằng hấp phụ/ức chế khí ethylene sử dụng một chất có khả năng hấp thụ được khí Ethylene nhằm hạn chế tác động ảnh hưởng của nó đến quá trình biến đổi về sinh lý và sinh hoá của rau quả theo xu hướng già hoá. Ngoài các phương pháp hấp thụ trực tiếp để hạn chế tác hại của Ethylene một phương pháp hiện đã và đang được nghiên cứu ứng dụng là khí 1-MCP (1- methylcyclopropen). Chất khí này không trực tiếp hấp thụ Ethylene nhưng với một liều lượng rất nhỏ có thể ức chế quá trình tạo nên Ethylene và hạn chế tác hại của nó tới các quá trình sinh lý và sinh hóa của rau quả. Đối tượng áp dụng: Quả hồng, quả na, sầu riêng, chuối...

Công nghệ sơ chế, bảo quản trái cây.

Cập nhật các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật

ThS. Nguyễn Thị Huyền, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) giới thiệu tới hội nghị các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật (SPS) trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với quy định của EU về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch động, thực vật (SPS). Theo đó. các nước xuất khẩu vào EU phải tương đương về: Hệ thống luật lệ ATTP; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở sản xuất; Kiểm soát dư lượng hoá chất độc hại; Kiểm soát ATVS vùng thu hoạch NT2MV.

ThS. Nguyễn Thị Huyền, Văn phòng SPS Việt Nam giới thiệu các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật (SPS) trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Về hệ thống luật lệ: EU công nhận Hệ thống kiểm soát ATTP thủy sản của Việt Nam là tương đương. Về cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Công nhận NAFIQPM là Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam kiểm soát thủy sản xuất khẩu vào EU. Về điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở sản xuất: Cơ sở trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu vào EU phải được thẩm định, công nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP (phải khắc phục để không còn sai lỗi Ma, Se); Có tên trong danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào EU.

Về lô hàng thủy sản xuất khẩu vào EU: Được thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm và cấp chứng thư ATTP theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT).

ThS. Nguyễn Thị Huyền cũng nêu một số yêu cầu riêng của EU về Thủy sản nuôi, mật ong: Nước xuất khẩu phải xây dựng, triển khai và được EU công nhận Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi xuất khẩu vào EU; phải xây dựng, triển khai và được EU công nhận Chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch.

Hàng năm, cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải báo cáo EU kết quả triển khai, định kỳ, cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ sang thanh tra thực tế việc xây dựng, triển khai Chương trình.

EU yêu cầu lập danh sách riêng đối với các cơ sở sản xuất đùi ếch, ốc và Gelatine/Collagen được sản xuất từ nguyên liệu thủy sản. Yêu cầu lập danh sách với toàn bộ cơ sở tham gia trong chuỗi: cơ sở thu mua, sơ chế, kho lạnh, cơ sở chế biến, tàu cấp đông, tàu chế biến và Quy định về IUU đối với thủy sản khai thác phải có chứng nhận thủy sản khai thác (Catch Certificate-CC).

Khẩn trương khắc phục những tồn tại về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật để gia tăng xuất khẩu thuỷ sản

Kết quả thanh tra ATTP thủy sản tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại xảy ra tại doanh nghiệp và chuỗi thủy sản xuất khẩu như: Kiểm soát nhiệt độ kho lạnh không đảm bảo (nhiệt độ tâm SP không đạt, không có khảo sát phân bố nhiệt độ kho/khảo sát không đo tâm SP); Còn tồn tại sai lỗi Ma, Se chưa khắc phục mà vẫn có tên trong danh sách xuất khẩu. Các cơ sở trong chuỗi bao gồm cơ sở thu mua, tàu cá, cơ sở sản xuất nước đá điều kiện vệ sinh kém, cần yêu cầu các cơ sở sơ chế, thu mua phải được lập danh sách và được EU phê duyệt.

Nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu vào EU không đáp ứng yêu cầu (từ các cơ sở và nước được EU công nhận, chứng thư nhập khẩu phải có chứng nội dung này; nguyên liệu cá ngừ đánh bắt cấp đông trong nước muối chỉ được chế biến xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu cho công nghiệp đồ hộp).

Các trường hợp cảnh báo hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi không được xử lý triệt để, không xử lý được cơ sở nuôi. Thông tin truy xuất của chuỗi thủy sản xuất khẩu mất kiểm soát đối với lô hàng xuất khẩu từ cơ sở thương mại, kho lạnh độc lập bảo quản thủy sản

Khó khăn, thách thức chủ yếu do Quy định của châu Âu về kiểm soát ATTP nông lâm thủy sản rất chặt chẽ và nghiêm ngặt; bắt buộc áp dụng cho toàn chuỗi thực phẩm; liên tục được cập nhật, sửa đổi, bổ sung. Các lô hàng thủy sản của Việt Nam vẫn còn bị cảnh báo nhiễm hóa chất, kháng sinh. Dù cơ quan chức năng đã có yêu cầu các cơ sở (thu mua, sơ chế) trong chuỗi phải trong Danh sách được EU công nhận, nhưng hiện chỉ có Cơ sở chế biến và Kho lạnh độc lập được thẩm định, phê duyệt

Điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở trong danh sách vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn quy định của EU. Nhiều quy định riêng áp dụng cho một số sản phẩm nhập khẩu vào EU: mẫu chứng thư và nội dung chứng nhận, yêu cầu nguyên liệu cá ngừ cấp đông trong nước muối chỉ được dùng cho công nghiệp đồ hộp,… Đặc biệt, Việt Nam chưa khắc phục “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam theo Chương trình chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Đưa ra các giải pháp khắc phục, Bộ NN&PTNT đã ban hành “Chương trình kiểm soát ATTP thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) theo Quyết định số 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21/12/2023 (có hiệu lực từ 05/02/2024). Theo đó, doanh nghiệp tham gia chương trình phải khắc phục các sai lỗi Ma, Se liên quan đến kết quả thẩm định điều kiện đảm bảo ATTP khi đạt mới đưa vào danh sách.

Doanh nghiệp phải xây dựng/lựa chọn chuỗi sản xuất, xuất khẩu vào EU (cơ sở nuôi, cơ sở thu hoạch,  tàu cá, cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến,..) và thiết lập biện pháp tự kiểm soát; Các cơ sở thu gom, sơ chế, kho lạnh độc lập bảo quản thủy sản liên quan trong chuỗi phải được lập danh sách đề nghị EU phê duyệt.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng được nghe TS. Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) giới thiệu về Quy định về ghi nhãn, bao gói nông sản của thị trường EU và các vấn đề cần lưu ý.