Đến với xưởng sản xuất của Hợp tác xã (HTX) Tây Bắc, bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La trong một chiều mưa, chúng tôi ngay lập tức ấn tượng với không khí lao động hăng say, rộn ràng nơi đây. Tại phân khu chế biến nông sản, người dân tất bật vận chuyển chuối xanh, gọt vỏ chuối, rửa quả, cắt lát, đưa khay vào lò sấy… Mỗi người một việc, phụ trách một công đoạn chế biến sản phẩm nhưng lao động rất nhịp nhàng, trách nhiệm.
Niềm nở chào đón chúng tôi, chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX Tây Bắc giới thiệu: Đây là quy trình chế bột chuối xanh - sản phẩm mới của HTX. Sản phẩm này tôi lấy ý tưởng từ bài thuốc dân gian trị bệnh đau dạ dày, sau đó nghiên cứu thêm những tài liệu khác qua sách, báo, Internet… để tìm cách bảo quản lâu hơn mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm.
Theo lời kể của chị Linh, từ khi thành lập đến nay, HTX Tây Bắc đã cho ra mắt gần 20 sản phẩm chế biến từ nông sản của địa phương. Trong đó, từ sản phẩm chủ lực là Tỏi đen Diệp Bách, HTX cũng đã nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm liên quan như tỏi đen mật ong, rượu tỏi đen, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hàng chục sản phẩm của HTX Tây Bắc đang lưu hành trên thị trường là thành quả của quá trình sáng tạo, nỗ lực tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm để ứng dụng thành công, hiệu quả công nghệ chế biến vào thực tiễn sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngay từ những ngày đầu khi xây dựng thương hiệu Tỏi đen Diệp Bách, chị Linh cùng chồng là anh Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc HTX Tây Bắc đã đầu tư không ít trí tuệ, công sức, thời gian, tiền của với tâm huyết phát triển sản phẩm tỏi Yên Châu lên tầm cao mới, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, góp phần tiêu thụ nông sản và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Được biết, vùng đất Yên Châu có diện tích trồng tỏi lớn; khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cây tỏi nơi đây có năng suất, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trước đây, đa phần tỏi Yên Châu được tiêu thụ dưới dạng tươi hoặc đã qua phơi khô, chủ yếu chỉ để làm gia vị trong chế biến thức ăn nên bảo quản không được lâu, giá trị kinh tế không cao.
Xuất phát từ ý tưởng nâng cao giá trị nông sản địa phương, đáp ứng nhu cầu lựa chọn đa dạng của khách hàng, chị Linh cùng chồng nghiên cứu và quyết định sản xuất sản phẩm tỏi đen với nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng như chống lão hóa, phòng ngừa các bệnh tim mạch, ung thư...
Những năm 2014 và 2015, sản phẩm tỏi đen chưa được phổ biến, vợ chồng chị Linh không có điều kiện đi tham quan các mô hình sản xuất thành công để xin chỉ dẫn. Nhờ Internet, anh chị đã tiếp cận được tài liệu sản xuất tỏi đen của Nhật Bản để nghiên cứu quy trình sản xuất khoa học.
Hiểu rõ được giá trị của sản phẩm tỏi đen, anh chị quyết tâm ứng dụng kiến thức tìm hiểu được qua Internet để xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm. Ban đầu, anh chị thử ủ tỏi đen bằng nồi cơm, cho ra thành phẩm đạt chất lượng nhưng công suất còn thấp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Lúc bấy giờ, trên thị trường, máy làm tỏi đen công suất lớn lại có giá thành cao, máy có công suất 1,5 tấn có giá lên đến hơn tỷ đồng. Thấy vậy, anh Nguyễn Văn Đức cùng một người bạn đã chủ động nghiên cứu cách máy móc vận hành, tự mua linh kiện về để lắp ghép, gia công máy ủ men tỏi đen.
Hàng năm trời miệt mài học hỏi, sau nhiều lần sửa đổi, cải tiến, anh Đức và bạn của anh đã chế ra thành công máy làm tỏi đen với công suất cao, sản phẩm đạt chất lượng. Dự án nghiên cứu của hai anh đã đạt giải Ba của hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Sơn La năm 2018.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đức tự hào: “Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi đã phát triển thêm để máy làm được công suất lớn hơn với giá thành thấp bằng ⅓ giá máy bán sẵn trên thị trường. Ví dụ, với máy có công suất 1,5 tấn tỏi đen, cách đây 3-4 năm, có thể có mức giá 1,5 tỷ/máy nhưng nếu gia công chúng tôi chỉ mất khoảng 500 triệu đồng/máy”.
Nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đến nay, xưởng sản xuất tỏi đen của HTX Tây Bắc có thể chủ động máy móc, kỹ thuật sản xuất sản phẩm tỏi đen mà không cần nhập từ những nhà máy lớn. Hệ thống máy móc của xưởng đã được thiết kế để phù hợp với quy trình sản xuất tỏi đen của HTX, tối ưu được công suất, sức lao động. Trung bình hàng năm, HTX Tây Bắc sản xuất được 20 tấn tỏi đen và hơn 10 tấn các sản phẩm khác được chế biến từ nông sản Yên Châu.
Nhìn lại hành trình đã qua, chị Linh tâm sự: “May mắn người dân chúng tôi được Nhà nước, chính quyền tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, Internet, để có thể học tập những cái hay, cái hiện đại từ xa. Nhưng để áp dụng kiến thức vào thực tế cũng là cả một chặng đường dài. Những ngày đầu, chúng tôi phải đổ đi mấy tạ tỏi, lúc thì bị cứng, lúc lại chua, khi thì bị đắng. Hồi ấy, gom góp được đồng tiền nào là đổ hết vào thử nghiệm. Để có sản phẩm Tỏi đen Diệp Bách như ngày nay, là cả một hành trình nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi. Thành công hôm nay và thất bại ngày qua đều là những bài học quan trọng để chúng tôi biết mình thiếu gì, cần gì mà tiếp tục cải tiến, sáng tạo”.
Theo chân chị Linh đến tham quan gian trưng bày và đóng gói sản phẩm. Những hộp tỏi đen, mận sấy, xoài sấy… mang tên thương hiệu Diệp Bách dán nhãn tem truy xuất đang được các thành viên HTX xếp ngay ngắn vào thùng carton, đóng gói cẩn thận, vận chuyển ra xe ô tô để kịp giờ giao cho khách.
Chỉ cho chúng tôi những sản phẩm mới trong gian trưng bày của HTX Tây Bắc, chị Linh bảo: Sinh ra và lớn lên tại Yên Châu, tôi luôn tự hào khi giới thiệu những mặt hàng nông sản chất lượng của địa phương với bạn bè trong và ngoài nước. Hiện nay, xoài, chuối, mận... của Yên Châu đều đã được công nhận trên thị trường. Nhưng nông sản tươi khó bảo quản được lâu, có giá trị không cao, bấp bênh theo thị trường, nhất là những năm được mùa mất giá. Chúng tôi nghĩ, mình có sẵn một “vựa nông sản” ở đây thì tội gì không thử sức, vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa quảng bá, góp một phần tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch cho bà con. Vì vậy, HTX Tây Bắc đã ra đời, với mục đích chế biến những sản phẩm nông sản sạch của Yên Châu.
Để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, vợ chồng chị Linh học cách xây dựng thương hiệu, xây các kênh trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Anh chị cùng các xã viên tập cách đăng bài, quay clip, chia sẻ bài viết trên các trang để tăng độ lan tỏa.
Đến nay, bên cạnh sản phẩm Tỏi đen Diệp Bách được xuất khẩu sang Hàn Quốc, các sản phẩm khác của HTX được bày bán tại điểm tham quan, các siêu thị và trên các sàn thương mại điện tử. Hiện HTX đã có gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo và TikTok Shop. Ngoài ra, HTX tích cực xây kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook; quảng bá, bán sản phẩm qua mô hình kinh doanh affiliate và các đại lý; tham gia livestream và các phiên livestreams lớn trên TikTok; hợp tác với các KOL, KOC…
“Trong những năm qua, chúng tôi đã được tham gia nhiều buổi tập huấn về chuyển đổi số trong nông nghiệp của các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Nhờ vậy, tôi được tiếp cận với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực và học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay. Tôi vẫn còn nhớ trong một buổi tập huấn về kỹ năng livestream, các thành viên trong HTX chúng tôi được thực tế ngay tại lớp học. Trong hôm đó, chúng tôi đã bán được rất nhiều sản phẩm”, chị Linh phấn khởi.
Các sản phẩm của HTX Tây Bắc đã và đang nhận được nhiều phản hồi tích cực trên thị trường. Hàng tấn sản phẩm đã được bán trên sàn thương mại điện tử. Thương hiệu Tỏi đen Diệp Bách và các sản phẩm nông sản khác của HTX Tây Bắc được biết đến nhiều hơn tại các tỉnh, thành trên cả nước. Triển khai mô hình bán hàng đa kênh kết hợp với việc “phủ sóng” thương hiệu tại các cửa hàng, siêu thị lớn, xuất khẩu sản phẩm, HTX Tây Bắc có tổng doanh thu trung bình mỗi năm lên đến hơn 10 tỷ đồng.
Chị Lò Thị Minh, thành viên HTX Tây Bắc cho biết: “Các bác, các anh chị em thành viên trong HTX Tây Bắc chúng tôi chủ yếu đều là người dân trong bản Huổi Hẹ. Trước đấy, anh chị em chúng tôi cũng chỉ quanh quẩn với nghề làm nông, chăn nuôi gia súc, thu nhập theo mùa, theo vụ. Kể từ khi tham gia HTX, chúng tôi có công ăn việc làm ổn định, lại được tiếp xúc với những công nghệ, kỹ thuật mới. Giờ chúng tôi vừa có thêm một nghề, vừa có thêm thu nhập, với mức bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng/người.”
Thành lập từ năm 2016, đến nay, HTX Tây Bắc đã đạt được nhiều chứng nhận, giấy khen của huyện, tỉnh. Năm 2023, HTX Tây Bắc được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2023.