Xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La là xã đầu tiên của tỉnh Sơn La được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Đến nay, xã Chiềng Xôm vẫn triển khai nhiều giải pháp, trong đó có ứng dụng chuyển đổi số nhằm duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Tại bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, bà con đã được hỗ trợ chuyển sim và điện thoại trước khi cắt sóng 2G. Anh Lò Việt Trường, Trưởng bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Bản Sẳng chúng tôi có 745 nhân khẩu, 181 hộ. Đến nay, toàn bản đã được phủ sóng di động, các hộ còn dùng điện thoại 2G được hỗ trợ chuyển đổi sim và điện thoại thông minh. Tại các điểm sinh hoạt cộng đồng như nhà văn hóa của bản, chúng tôi đã lắp wifi miễn phí. Giờ đây, bà con đều có thể lên mạng Internet tìm hiểu nhiều thông tin về hoạt động, phong trào trong xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi cũng chủ động tuyên truyền đến các hộ qua kênh, nhóm chung trên mạng xã hội”.
Với chiếc điện thoại thông minh, cuộc sống của bà con trong bản có nhiều đổi thay. Thường ngày, việc liên lạc hỏi han cũng dễ dàng hơn, người dân có thể thực hiện các thao tác thanh toán trực tuyến, tải các ứng dụng tiện lợi, cập nhật thông tin thời sự, học hỏi các mô hình kinh tế hay qua mạng Internet…
Anh Lò Văn Thắng, người dân bản Sẳng, xã Chiềng Xôm phấn khởi: Nhà tôi mới chuyển đổi sang trồng cây cà phê mấy năm nay. Từ việc lựa chọn giống cây đến kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê tôi đều tự mày mò tìm hiểu trên sách, báo, qua mạng Internet cả. Có điện thoại thông minh thấy tiện hẳn, có gì chưa biết thì tôi có thể tự tìm đọc, cần thiết thì hỏi thêm cán bộ là áp dụng được luôn.
Các hoạt động chuyển đổi số không chỉ được triển khai tại bản Sẳng mà còn được triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn xã Chiềng Xôm. Nói về công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới của xã Chiềng Xôm, ông Lèo Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: Trong xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Xôm đã tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số, đến nay, đã thu được một số kết quả. Cụ thể, xã đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức lấy ý kiến của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trở lên.
Xã Chiềng Xôm có điểm phục vụ bưu chính đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, có dịch vụ báo chí truyền thông. Tại các điểm công cộng như nhà văn hóa bản, khu vực trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng,… đã có mạng wifi miễn phí. Ở các bản, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt từ 85% trở lên...
Về kinh tế nông thôn, xã có Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ bản Sẳng hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. HTX là mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, có ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm của xã. Đến đầu tháng 8 năm nay, hơn 500 tấn sản phẩm nông sản của xã đã được bán qua kênh thương mại điện tử và Facebook. Xã cũng đã triển khai quảng bá hình ảnh các địa điểm du lịch thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội, thu hút thêm khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Theo kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024 (Được ban hành kèm theo Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 2 tháng 2 năm 2024 của UBND tỉnh), tỉnh Sơn La tập trung huy động nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện, gồm phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung vào phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; số hóa dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành; đào tạo phát triển nguồn nhân lực số; ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung hạ tầng số, nền tảng số đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong hoạt động quản lý Nhà nước, từng bước xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số trong quản trị điều hành doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, quản lý hoạt động kinh tế; cung cấp thông tin cho người dân, quản lý dân cư, phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Xác định rõ và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, coi đây nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị là một trong tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của năm.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của cấp uỷ, chính quyền các cấp cùng nỗ lực của các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, người dân, tỉnh Sơn La đang từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Trong đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó. 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền. Hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được tạo lập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu hoàn toàn dưới dạng điện tử trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước) lần lượt đạt các mức 85%, 76% và 55%...
Để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tỉnh Sơn La quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số để hình thành xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã với 46,32% số hộ gia đình được phủ mạng băng rộng cố định (cáp quang); 99,15% hộ gia đình phổ cập dịch vụ mạng di động tốc độ cao (4G/5G); 96,36% hộ gia đình có điện thoại thông minh; trên 88% số người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản thanh toán điện tử (tài khoản giao dịch tại ngân hàng) và hơn 48% dân số được sử dụng mạng Internet.
Trên tỉnh Sơn La, mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã được đưa vào thực tiễn để phổ cập công nghệ số, kỹ năng số đến từng người dân. Đến tháng 9/2024, tỉnh Sơn La có 2.448 Tổ chuyển đổi số cộng đồng đang hoạt động, với 15.101 thành viên (trong đó có 204 tổ chuyển đổi số cấp xã với 1.754 thành viên; 2.244 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp tổ, bản, tiểu khu với 13.347 thành viên).
Triển khai chi trả an sinh xã hội theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gần 20.600 đối tượng bảo trợ xã hội và người có công trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được mở tài khoản ngân hàng. 74,9% đối tượng đã mở tài khoản được nhận trợ cấp xã hội qua tài khoản, đạt 33,8% so với tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn các huyện, thành phố.
Thúc đẩy phát triển công dân số, tỉnh Sơn La khuyến khích mỗi người dân tuổi thành niên đều có danh tính số. Trong 9 tháng đầu năm, Sơn La đã tổ chức hướng dẫn nhân dân toàn tỉnh, kích hoạt thành công 539.304 tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Sơn La có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 12,35 tiêu chí nông thôn mới/xã; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đáp ứng được các tiêu chí liên quan đến chuyển đổi số như “Thông tin và truyền thông”, “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”, “Hành chính công”…
Việc ứng dụng phổ biến các nền tảng số trong ngành kinh tế nông nghiệp đã đem lại hiệu quả tích cực và tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Sơn La. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai được dữ liệu số của 205 mã số vùng trồng, 11 mã số đóng gói; 195 tài khoản nhật ký vùng trồng xuất khẩu trên hệ thống farmdiary.online; 11 tài khoản nhật ký vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên hệ thống cơ sở dữ liệu trồng trọt (csdltrongtrot.mard.gov.vn), phần mềm Giải pháp chuyển đổi số trong triển khai và quản lý chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La (https://sohoaocop.vn); Sử dụng phần mềm citywork, cấp 27 tài khoản sử dụng, đăng nhập vào phần mềm (7 tài khoản hoạt động ở tỉnh và 10 tài khoản hoạt động ở huyện) phục vụ công tác quản lý khách hàng trong cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La…
Theo ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số Quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số tổ chức trên nền tảng MOOCs. Đến tháng 9, đã có 1.299 học viên được cấp tài khoản, là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị; trong đó, có trên 56% học viên đã hoàn thành các khóa học trực tuyến về chuyển đổi số.
“Để chuyển đổi số thành công, trước tiên phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, kiến thức và thay đổi tư duy về chuyển đổi số. Với 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La được cung cấp các kiến thức về chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai rộng rãi, ứng dụng thành công công nghệ số trong các lĩnh vực công tác, ngành nghề sản xuất và đời sống sinh hoạt. Từ đó, góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền số; sản xuất, kinh doanh nông nghiệp số và phát triển xã hội số ở nông thôn”, ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Sơn La chia sẻ.
Những thành quả từ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Sơn La không chỉ thay đổi tổng thể, toàn diện nông thôn nơi đây, mà còn góp phần khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, từng bước hướng tới nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.