Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

HND Bắc Giang: Bước đầu thực hiện chuyển đổi số cho chủ trang trại, hộ nông dân SXKD giỏi

(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) được coi là “chìa khóa” đem đến thành công cho sản xuất nông nghiệp thời kỳ 4.0. Đồng hành cùng bà con nông dân và ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chương trình cụ thể.

Nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu chương trình sát thực tiễn

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng có nhiều nông dân là chủ trang trại và hộ SXKD giỏi đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều nông dân biết ứng dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm, trao đổi thông tin, kinh nhiệm trong sản xuất kinh doanh và mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Thi - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang (đứng thứ 3 từ phải sang) thăm mô hình ứng dụng công nghệ IOT về trồng trọt trong nhà lưới tại hộ ông Nguyễn Văn Tiến xã Chu Điện (huyện Lục Nam). Ảnh HND Bắc Giang

Tuy nhiên, cơ sở vật chất về CNTT tại các trang trại còn thiếu, với các hộ nông dân SXKD giỏi thì việc tiếp cận CNTT vẫn còn khá khó khăn; đa số các hộ nông dân sản xuất chỉ dựa vào kinh nghiệm và một số thông tin trên các phương tiện truyền thông nên thường bị thiếu thông tin phục vụ công tác xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tham mưu và trình Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để ban hành Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 việc phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang  góp phần thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giai đoạn 2021-2025”.

 Đề án đã đề ra 3 mục tiêu và 4 nội dung, giải pháp để nâng cao nhận thức và năng lực của các chủ trang trại, hộ nông dân SXKD giỏi về ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho các chủ trang trại, hộ nông dân SXKD giỏi khai thác và ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp và kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Đề án đã và đang được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang quán triệt, triển khai tới các cấp Hội Nông dân từ đó các đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo Đề án theo năm và cả giai đoạn.

Xây dựng chương trình cụ thể

Trong năm 2022, đã xây dựng được phần mềm hệ thống quản lý quy trình sản xuất và tự động kết nối cung cầu (MCA) gồm có 6 phân hệ (quản lý nhà sản xuất;  quản lý nhà cung cấp; quản lý nhà thương mại; quản lý chuyên gia, nhà khoa học, quản lý cơ quan nhà nước; quản lý hệ thống IOT) cho 5 đối tượng sử dụng (nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà thương mại, chuyên gia, nhà khoa học; cơ quan quản lý nhà nước) nhằm cung cấp thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; thông tin về khoa học kỹ thuật nông nghiệp; thông tin về các doanh nghiệp, HTX, các trang trại, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh; thông tin và cảnh báo về tình hình dịch bệnh trong nông nghiệp; thông tin về thời tiết; dự báo sản lượng, quảng bá sản phẩm và kết nối cung cầu; hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, báo cáo, thống kê sản lượng nông nghiệp và hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà thương mại trong việc khai báo, thống kê, kết nối, phản ánh, kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Thi - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang (người mặc áo xanh, ngoài cùng) thăm mô hình ứng dụng công nghệ IOT về chăn nuôi lợn thịt tại hộ ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn (huyện Yên Dũng). Ảnh HND tỉnh Bắc Giang

Tổ chức 07 lớp tập huấn cách tải, sử dụng hệ thống phần mềm MCA, khai thác thông tin, quy trình áp dụng KHKT trong sản xuất, kết nối thông tin KHKT, thị trường; việc ứng dung CNTT trong quản trị sản xuất; tiếp thị bán hàng trên thiết bị thông minh cho trên 490 chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; Xây dựng 03 mô hình ứng dụng công nghệ IOT (Internet of things) trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi lợn tại huyện: Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Dũng và hỗ trợ kết nối, liên thông, tích hợp dữ liệu giữa phần mềm MCA, các mô hình và trục LGSP của tỉnh Bắc Giang giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông dân số bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện giúp nông dân giảm thiểu rủi ro trước những bất lợi thời tiết và dịch bệnh; đồng thời, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm so với sản xuất truyền thống.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn cho 100% cán bộ Hội các cấp, phấn đấu hằng năm có từ 1.000 chủ trang trại, hộ nông dân SXKD giỏi trở lên được phổ biến cách tải, sử dụng hệ thống phần mềm MCA, khai thác thông tin, quy trình áp dụng KHKT trong sản xuất, kết nối thông tin KHKT, thị trường; việc ứng dụng CNTT trong quản trị sản xuất; tiếp thị bán hàng trên thiết bị thông minh.

Tiếp tục xây dựng điểm 05 mô hình IOT trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; Kịp thời phát hiện, thông tin những mô hình, điển hình, cách làm mới có ứng dụng CNTT đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp gắn với chú trọng công tác xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường nông nghiệp công nghệ cao, nhằm phát huy thế mạnh sản phẩm của địa phương./.