Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cán bộ tuổi Dần giỏi làm VietGAP

Ngọc Huân - 13:09 03/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) khi tuổi đời còn trẻ, nhưng anh nông dân tuổi Dần, Lê Văn Lâm (sinh năm 1986) rất năng nổ, nhiệt tình với công tác Hội, làm kinh tế giỏi và giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và làm giàu…
Anh  Lê Văn Lâm bên ao cá VietGap cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Cán bộ Hội trẻ năng động

Dẫn chúng tôi đến thăm trang trại nuôi cá của anh Lê Văn Lâm, trong suốt quãng đường đi, ông Đặng Đức Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lãng luôn dành nhiều lời khen ngợi về người cán bộ cấp dưới của mình: “Là cán bộ Hội trẻ tuổi, anh Lê Văn Lâm rất năng động, nhiệt huyết, sáng tạo và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Anh Lâm cũng là người đầu tiên ở xã áp dụng thành công quy trình nuôi cá VietGAP và có thu nhập tiền tỷ mỗi năm”.

Trên đường ra thăm ao nuôi cá VietGAP, anh Lâm tâm sự: Quang Lãng là một xã thuần nông của huyện Phú Xuyên, việc thay đổi nhận thức sản xuất của người dân đã khó, việc đưa vào áp dụng các mô hình kinh tế mới còn khó hơn nhiều, nếu bản thân những cán bộ Hội Nông dân như tôi không dấn thân đi đầu…

Trước khi đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh Lê Văn Lâm là một trong những hộ tiên phong làm kinh tế trang trại ở địa phương. Năm 2016, thấy xã còn nhiều diện tích ruộng trũng bỏ hoang lãng phí, mặc dù giao thông đi lại khó khăn nhưng anh Lâm vẫn xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và được các chủ ruộng cùng các cấp lãnh đạo trong xã đồng tình cho làm đề án chuyển đổi. Trúng thầu khu ruộng này, anh Lâm đã cho quy hoạch lại, cải tạo khu đất thành trang trại nuôi cá. 

Không chọn nuôi các loại cá đặc sản như bao nhiêu người khác, anh Lâm lại quyết định thả nuôi các loại cá truyền thống như: cá trắm, chép, trôi, rô phi… Theo anh Lâm đây là những loại cá không bao giờ sợ bị ế, đầu ra ổn định, giá cả hầu như cả năm không xê dịch.

“Những loại cá mà tôi nuôi là mặt hàng phổ thông, xuất hiện ở nhiều bữa cơm gia đình, nhà hàng, quán ăn nên vô cùng dễ bán, giá cả lại ổn định. Mặt khác, đây là những loại cá dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, năng suất cao nên tôi bắt đầu khởi nghiệp với những loại cá này”, anh Lâm cho hay.

Sau 2 năm bám trụ với nghề nuôi cá, anh Lâm đã có thu nhập đáng kể. Đến năm 2018, anh Lâm là nông dân đầu tiên ở xã mạnh dạn đầu tư vốn, sắm sửa thêm các thiết bị hiện đại để thực hiện mô hình nuôi cá VietGAP.

Theo đó, với diện tích 11 mẫu, anh Lâm thiết kế làm 6 ao nuôi, trong đó có 4 ao cá thương phẩm và 2 ao cá giống… Theo anh Lâm, ương cá giống rất vất vả, như chăm con mọn, đòi hỏi kĩ thuật cao, công chăm sóc nhiều. Ngày cho cá ăn 4 bữa. Có như vậy, cá giống mới khỏe mạnh, không bị bệnh”.

Còn về kĩ thuật nuôi cá thương phẩm, trước khi vào vụ mới phải vệ sinh lại ao nuôi, làm sạch nguồn nước. Mặc dù, trong quá trình chăm sóc không đòi hỏi kĩ thuật cao như ương cá giống nhưng không thể chủ quan.

Mô hình nuôi cá VietGAP của anh Lê Văn Lâm -  Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).

Vừa phát triển kinh tế, vừa vận động hội viên làm theo

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi cá VietGAP, anh Lâm có nhật ký ghi chép đầy đủ quá trình nuôi cá. Việc cho ăn đầy đủ và sử dụng hệ thống tạo oxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn.

“Cùng một diện tích ao 2 mẫu, trước đây nuôi theo phương pháp truyền thống, mỗi vụ tôi chỉ thu được 4 - 5 tấn cá/năm. Khi nuôi cá theo quy trình VietGAP, mật độ thả con giống cao hơn từ 20 - 30% nên năng suất đã tăng lên gấp 3 lần, đạt 17 - 18 tấn/năm. Đặc biệt, cá nuôi theo quy trình này có màu sáng bóng, mình dày, chất lượng thịt thơm ngon hơn nên tiêu thụ cũng thuận lợi” - anh Lâm so sánh.

Anh Lâm chia sẻ: Bình quân mỗi năm anh xuất bán trên 80 tấn cá, đạt doanh thu 3 - 3,5 tỷ đồng, trừ hết chi phí đầu tư còn thu lãi trên 800 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá cá giảm, bên cạnh đó chi phí thức ăn chăn nuôi tăng nên gia đình anh chỉ xuất bán 70 tấn cá, doanh thu 2,8 tỷ đồng, trừ hết chi phí còn thu lãi 300 triệu đồng”.

“Năm 2021 vừa qua có thể nói là 1 năm cực khó khăn đối với nông dân nói chung và người nuôi cá nói riêng khi mà dịch bệnh bùng phát, giá cá giảm sâu, giá thức ăn cho cá tăng cao. Gắn bó với nghề nuôi cá nhiều năm, bản thân tôi đã từng trải qua nhiều khó khăn vất vả song chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ dừng lại. Càng khó khăn, tôi càng quyết tâm, cố gắng vượt qua, đó cũng là tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của những người tuổi Dần chúng tôi” - anh Lâm bộc bạch.

Vừa phát triển kinh tế gia đình, cán bộ trẻ Lê Văn Lâm vừa đi vận động bà con trong xã làm theo. Hiện, xã Quang Lãng có trên 100ha diện tích ao nuôi cá, trong đó có nhiều hộ nuôi cá VietGAP và cho thu nhập cao. 

Hiện Hội ND xã Quang Lãng có 835 hội viên nông dân, trong đó có hơn 500 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bản thân anh Lâm cũng là 1 trong số những hộ nông dân liên tục nhiều năm liền được bình chọn là nông dân giỏi ở Quang Lãng.

Anh Lâm cùng Ban Chấp hành Hội ND xã chủ động phối hợp các ngành chức năng và doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT tiên tiến cho bà con. 

3 năm qua, anh Lâm cùng BCH Hội ND xã Quang Lãng đã tổ chức được 35 lớp tập huấn KHKT cho trên gần 2.000 lượt hội viên nông dân tham gia. Hội ND xã Quang Lãng cũng tổ chức 5 cuộc cho 40 hội viên học tập các mô hình về nuôi bò sữa, nuôi cá VietGAP, nuôi lợn an toàn sinh học… 

“Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả mà anh Lê Văn Lâm làm được trong những năm qua đã tạo niềm tin cho hội viên nông dân về đổi mới tư duy, tìm tòi phát triển kinh tế phù hợp điều kiện của địa phương”.
Ông Đặng Đức Mạnh - Chủ tịch Hội ND xã Quang Lãng.