Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương: Sản xuất kinh doanh rừng trồng hiệu quả

Hoàng Tính - 07:54 01/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với nhiều phương án sản xuất kinh doanh linh hoạt trong việc trồng, phát triển, bảo vệ và khai thác rừng trồng, đến nay, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương đang phát huy hiệu quả diện tích 5.028,56ha đất được Nhà nước giao, cho thuê và trở thành điển hình trong phát triển ngành Lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang.

Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đời sống của cán bộ, nhân viên người lao động Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương ngày một nâng cao và đặc biệt Công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, rừng FSC ổn định, bền vững từ đó đã tạo tiền đề để tỉnh Tuyên Quang phát triển ngành Chế biến lâm sản xuất khẩu.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững

Ông Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho hay: Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương là Công ty hai thành viên, được thành lập bởi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương và Công ty CP Giấy An Hòa. Công ty hai thành viên đi vào hoạt động từ 05/11/2020, qua đó đã gắn kết xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất rừng trồng bền vững từ các hộ dân trồng rừng đến Nhà máy chế biến xuất khẩu.

Ban Lãnh đạo Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cùng các chuyên gia khảo sát đánh giá chất lượng rừng trồng

Hiện nay, với diện tích đất rừng được Nhà nước giao, cho thuê là 5.028,56ha, Công ty đã chủ động thực hiện việc giao khoán tới 1.688 lượt hộ gia đình ở 19 xã, thị trấn của huyện Sơn Dương; 100% diện tích đất rừng trồng của Công ty đã được giao khoán cho cán bộ, công nhân và các hộ dân sống liền rừng, từ đó đã gắn quyền lợi và trách nhiệm của các bên đến sản phẩm cuối cùng.

Hoạt động giao khoán sử dụng đất rừng trồng được Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương ký với các hộ gia đình nhận giao khoán từ 5-10 năm (Giao khoán theo chu kỳ của cây trồng và tùy thuộc vào loài cây trồng). Theo đó Công ty sẽ đảm nhận việc cấp vật tư, cây giống; hướng dẫn, chỉ đạo chủ hộ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo đúng quy trình kỹ thuật; nghiệm thu, đánh giá chất lượng rừng trồng; thanh toán tiền nhân công cho chủ hộ nhận khoán; khai thác gỗ theo quy định và tiêu thụ 100% sản phẩm gỗ rừng trồng. Còn đối với các hộ nhận khoán sẽ nhận vật tư, cây giống, phân bón, tiền nhân công; thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng theo chỉ đạo của Công ty; hưởng phần trăm (%) sản phẩm theo vốn góp, hợp đồng ký kết; nhận tiền nhân công: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và khai thác gỗ).

Để đảm bảo cho những cánh rừng trồng phát triển Công ty đã chủ động xây dựng vườn ươm cây giống

Với mô hình giao khoán này Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương đã luôn đảm bảo được diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê; công nhân, các hộ gia đình nhận giao khoán cũng đã có kinh tế ổn định từ rừng trồng. 100% các hộ tham gia trồng rừng giao khoán với Công ty sau khi kết thúc chu kỳ trồng rừng đều muốn ký tiếp hợp đồng với Công ty để tiếp tục phát triển rừng. Đây chính là thành công lớn nhất của Công ty trong bối cảnh nhiều đơn vị không giữ được đất rừng và gặp khó khăn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục nâng cao giá trị từ rừng trồng

Ông Thái cho biết thêm: Bên cạnh đó để nâng cao giá trị cho rừng trồng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cũng đã tích cực thực hiện việc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn và trồng rừng gỗ lớn (Năm 2024 diện tích chuyển hóa và trồng rừng gỗ lớn là 335,9ha. Đến hết năm 2025 diện tích chuyển hóa và trồng rừng gỗ lớn là 700ha).

Ban Lãnh đạo Công ty thường xuyên kiếm tra, đánh chất lượng rừng trồng

“Đặc biệt Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương đang duy trì 3.244ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC (Chuỗi hành trình sản phẩm, đánh giá nguồn gốc gỗ có kiểm soát). Từ khi có chứng chỉ rừng FSC sản phẩm gỗ rừng trồng khai thác của Công ty đều bán được tăng thêm từ 5-7%, qua đó đã nâng cao được thu nhập cho người trồng rừng và công ty” - ông Thái cho hay.

Cùng với đó Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cũng đã ký hợp đồng bán gỗ lớn ổn định cho các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang; còn gỗ nhỏ (gỗ nguyên liệu) thì cung ứng cho Nhà máy Giấy An Hòa huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Gần đây Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương còn ký Biên bản ghi nhớ với các nhà máy, tập đoàn như: Tập đoàn EREX, Migreen... trong việc sản xuất viên nén, sản xuất than sinh học... Công ty là đầu mối cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; sản phẩm chế biến từ những sản phẩm phụ như cành, ngọn, rễ, vỏ cây... từ đó sẽ tăng thêm được thu nhập cho người trồng rừng và phát triển lâm nghiệp ở huyện Sơn Dương sẽ ngày càng bền vững.

Những cánh rừng FSC đang mang lại hiệu quả kinh tế cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương

Nhờ sự năng động, sáng tạo, biết vận dụng một cách hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tế sản xuất kinh doanh mà Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương đã vượt qua mọi khó khăn và trở thành điểm sáng trong phát triển của ngành Lâm nghiệp Tuyên Quang. Công ty không chỉ góp phần gìn giữ và bảo vệ rừng mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tạo ra những thay đổi đáng kể trong tư duy làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc nơi đây… tạo nền tảng vững chắc để các địa phương, các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và huyện Sơn Dương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương đang quản lý hiệu quả 5.028,56ha đất được Nhà nước giao, cho thuê

 

Kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương.

Năm 2023:

- Gieo ươm cây giống: 392.402 cây/580.000 cây.

- Trồng rừng: 412ha/400 ha.

- Công tác quản lý bảo vệ rừng: Tổng diện tích quản lý bảo vệ rừng: 2.295,0ha (Diện tích quản lý bảo vệ rừng trồng:1.831,41ha và diện tích quản lý bảo vệ rừng tự nhiên: 453,72ha)

- Khai thác, tiêu thụ gỗ rừng trồng:

+ Khai thác: 27.000m3 /25.000m3.

+ Tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng: 27.000m3/25.000m3.

- Doanh thu: 30.338 triệu đồng/28.300 triệu đồng.

- Lợi nhuận sau thuế: 582,88 triệu đồng/582,6 triệu đồng

6 tháng đầu năm 2024:

- Gieo ươm cây giống: 246.990 cây/400.000 cây.

- Trồng rừng: 408,63ha/400ha; 

- Công tác quản lý bảo vệ rừng: Tổng diện tích quản lý bảo vệ rừng: 2.241,18ha (Diện tích quản lý bảo vệ rừng trồng: 1.787,46ha và diện tích quản lý bảo vệ rừng tự nhiên: 453,72ha)

- Khai thác, tiêu thụ gỗ rừng trồng:

+ Khai thác: 16.607,30m3/28.000m3.

+ Tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng: 16.607,30m3/28.000m3.

- Doanh thu: 9.227 triệu đồng/28.600 triệu đồng.

- Lợi nhuận: 301 triệu đồng/622,6 triệu đồng.

Trồng rừng gỗ lớn - cánh cửa mở rộng giúp nông dân làm giàu
(Tapchinongthonmoi.cn) - Thời gian qua, được sự vận động, tuyền truyền, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, cây con giống… đến nay, các hộ gia đình ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã tích cực chủ động chuyển dần diện tích trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, đây đang được coi là chìa khóa giúp bà con nông dân Tân Nguyên phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.