Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đến hiện đại từ truyền thống

06:08 14/10/2021 GMT+7

“Trong công cuộc đổi mới hiện nay, giai cấp Nông dân Việt Nam (NDVN) là một lực lượng chủ yếu trong việc triển khai thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và là lực lượng nòng cốt trực tiếp tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Danh Lợi (Viện Lịch sử học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong bài viết “Phát huy giá trị truyền thống của nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Vì lý do kỹ thuật trình bày, Tòa soạn đặt lại tít chính.

119 đồng chí Ủy viên BCH T.Ư Hội NDVN khóa VII nhiệm kỳ 2018- 2023. Ảnh tư liệu

Giá trị truyền thống của nông dân và Hội NDVN

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước từ xưa đến nay, giai cấp Nông dân Việt Nam luôn là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội và có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong mỗi tiến trình phát triển của đất nước. Nhận thức rõ điều đó, ngay từ khi ra đời, năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “làm tư sản dân quyền c.m (cách mạng – tác giả) và thổ địa c.m (cách mạng – tác giả) để đi tới xã hội cộng sản”. Trong cuộc cách mạng này sẽ “thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo”. Và “Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo”. Để thực hiện thành công các cuộc cách mạng này, “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa c.m (cách mạng – tác giả) đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”.

Đến tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của giai cấp Nông dân trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Hội nghị thông qua Nghị quyết về Nông dân vận động, xác định xây dựng hệ thống tổ chức Nông hội từ cấp cơ sở (Nông hội làng) đến cấp trung ương (Tổng Nông hội Đông Dương). Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử giai cấp Nông dân Việt Nam, thể hiện của sự trưởng thành về chính trị của giai cấp Nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với ý nghĩa quan trọng đó, ngày 17/1/1991, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI) đã nhất trí lấy ngày 14/10/1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Trải qua 91 năm (1930-2021), dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp Nông dân Việt Nam, thông qua tổ chức Hội của mình, luôn trung thành với Đảng, liên minh chặt chẽ với giai cấp Công nhân, đấu tranh kiên cường, bất khuất, cống hiến to lớn và quan trọng cho sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa hiện nay.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc, nông dân và Hội Nông dân đã thể hiện rõ sức mạnh hùng hậu và sự hy sinh to lớn vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân đã vận động, đoàn kết tập hợp đông đảo lực lượng nông dân, cùng các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong cả nước đứng lên khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, năm 1945.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với tinh thần “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nông dân cả nước đã đẩy mạnh sản xuất, huy động sức người, sức của, vật chất và tinh thần phục vụ kháng chiến. Hàng chục triệu nông dân đã tham gia quân đội, du kích, thanh niên xung phong mở đường, tiếp lương tải đạn phục vụ các chiến trường. Không chỉ tham gia sản xuất, phục vụ chiến dịch, nông dân Việt Nam còn hăng hái tham gia chiến đấu. Phần lớn những người lính, những chiến sĩ ngoài mặt trận đều xuất thân từ nông dân.

Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc là thắng lợi của toàn dân, trong đó đông đảo nhất là giai cấp Nông dân, đã được phát huy một cách cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng, của tổ chức Hội Nông dân.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình, tham gia quân đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, đồng thời tích cực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước; có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Tổ quốc.

Trong những năm tìm đường đổi mới, nông dân và nông nghiệp là thực tiễn sinh động mở đường cho công cuộc đổi mới đất nước. Cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội: Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu hàng tiêu dùng; sản xuất đình đốn. Ở nông thôn, mô hình phát triển hợp tác xã bậc cao không hiệu quả, tình trạng hợp tác xã, tập đoàn sản xuất tan rã ở nhiều nơi. Trước tình hình đó, cấp uỷ, chính quyền và nông dân một số địa phương đã chủ động tìm tòi hướng đi mới để thoát khỏi sự bế tắc về sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu là Hợp tác xã Đoàn Xá (Hải Phòng), Thổ Tang (Vĩnh Phú) đã khoán sản phẩm trong nông nghiệp (lúc đó gọi là khoán chui) đến nhóm và người lao động từ vụ mùa năm 1977 và thu được kết quả khá. Huyện Yên Thành (Nghệ – Tĩnh) khoán sản phẩm cây công nghiệp, cây ngắn ngày, cây màu đến nông dân đạt năng suất cao. Thành công của sự kiện “phá rào”, “khoán chui” trong nông nghiệp đã thúc đẩy cách nhìn mới, cách nghĩ mới . Đó là cơ sở ban đầu hình thành đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế của Đảng. Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IV), ngày 20-9-1979, đã nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận sự tồn tại của kinh tế nhiều thành phần. Nghị quyết của Hội nghị được coi là khởi đầu cho sự đổi mới trong sản xuất, quản lý nông nghiệp được tổng kết từ “khoán chui”.

Từ kết quả khoán sản phẩm của các địa phương, ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TW “về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”. Đây là kết quả từ thực tiễn sáng tạo của quần chúng nông dân và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiêu biểu như Vĩnh Phú, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh được Đảng tổng kết thành chủ trương lớn, thật sự đem lại sức sống mới cho nông nghiệp và đi ngay vào đời sống xã hội. Năm 1982, năng suất lúa tăng 11,2%, sản lượng tăng 10,2%, huy động lương thực tăng 16%, thu nhập của nông dân tăng 7,5% so với năm 1981. Đến ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa VI ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Theo Nghị quyết, hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài. Quan điểm này, đã gần giống với việc làm thí điểm ở Vĩnh Phúc trong những năm 1965-1966. Và thực tế, chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, sản lượng lương thực của Việt Nam đã đạt 21,58 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm 1988. Việt Nam vốn là một nước thường xuyên phải nhập khẩu lương thực thì năm 1989, đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, giai cấp Nông dân Việt Nam là một lực lượng chủ yếu trong trong việc triển khai thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và là lực lượng nòng cốt trực tiếp tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình đó, giai cấp Nông dân Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân phát động như: Phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và làm giàu”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia” và các hoạt động “Nhà nông sáng tạo”, “Nhà nông đua tài”….Trong đó, phong trào Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi và làm giàu (về sau đổi thành phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”) có sức lan tỏa rất sâu rộng, đem lại hiệu quả rõ rệt. Phong trào đã khích lệ, động viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về tiền vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất kinh doanh, quyết tâm xóa bỏ đói, nghèo làm giàu chính đáng. Chỉ tính trong 5 năm (2013-2018), bình quân mỗi năm có hơn 6,5 triệu hộ gia đình nông dân đăng ký tham gia, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp hơn 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có; đóng góp xây dựng hàng chục ngàn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất.

Với những cố gắng của toàn thể giai cấp Nông dân trong lao động, sản xuất, cùng với các ngành công nghiệp chế biến nông sản, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến dài, mạnh mẽ và vững chắc. Từ năm 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm. Xuất khẩu nông sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 – 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Năm 2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu của ngành Nông nghiệp đạt tới 40,02 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 19,51 tỷ USD, riêng thủy sản đạt 9,01 tỷ USD, đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỷ USD. Việt Nam đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên (năm 2008 chỉ có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên). Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả ở những thị trường khó tính nhất như EU, Mỹ, Nhật…, đứng thứ 2 Đông – Nam Á và thứ 15 thế giới. Thông qua phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh, năm 2017 ở nông thôn còn 8,0%; ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng từ 3 đến 4%/năm.

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến tháng 10/2019, cả nước đã huy động được 2.400.000 tỷ đồng phục vụ chương trình phát tiển nông thôn mới, trong đó vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,2%. Cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đạt chuẩn nông thô mới, vượt 2,4% so với mục tiêu đề ra, trong đó có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Các địa phương trong cả nước đã tạo được 4.000 sản phẩm OCOP . Với những kết quả đó, diện mạo nông thôn được thay đổi nhanh chóng, đẹp hơn, sạch hơn, văn minh hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân không ngừng được nâng cao. Đạt được những kết quả đó, ngoài vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, còn do các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong phát động các phong trào thi đua của nông dân.

Người dân Tuyên Hóa (Quảng Bình) góp nông sản ủng hộ đồng bào miền Nam chống dịch. Ảnh H.N

Phát huy vai trò của nông dân và Hội NDVN trong giai đoạn hiện nay

Những kết quả đạt được trong phong trào nông dân đã góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua 35 năm đổi mới. Bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện nay Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh do Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam. Trong bối cảnh đó, giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam cần phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong toàn thể cán bộ, hội viên và nông dân cả nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, với 5 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh; Vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, trước tình hình hết sức phức tạp do dịch bệnh Covid-19 gây ra từ đầu năm 2020 đến nay, tại những địa bàn có dịch, hội viên và nông dân tích cực tham gia “Tổ Covid cộng đồng”, giúp đỡ những gia đình có người nhiễm bệnh. Trên địa bàn cả nước, các cấp Hội, hội viên đã vận động nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của cơ quan y tế; tích cực hưởng ứng phong trào chống dịch Covid- 19 với nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội như: Mô hình “Tổ hỗ trợ nông vụ”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Gian hàng 0 đồng”; “Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân”; “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân”; “Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân”…..Những cách làm đó, đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân gặp khó khăn trong cuộc sống, trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản tại các địa phương đang phải triển khai thực hiện việc giãn cách xã hội… Đồng thời, hội viên và nông dân cả nước tích cực tham gia Quỹ Phòng chống Covid-19, Quỹ Vắc-xin do Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; hưởng ứng Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, ngày 29/7/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thực hiện Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 14/8/2021; Tham gia thực hiện Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và Chương trình “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình cùng cả nước vượt qua dịch bệnh Covid-19” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Chương trình này đã huy động được 9.651 tấn nông sản các loại, hơn 179 tỷ đồng bằng tiền mặt và nhiều loại hàng hóa thiết yếu của các tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Trải qua 91 năm (1930-2021), dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam cùng nhân dân cả nước đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng, góp phần giành lại nền độc lập dân tộc, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thành công, bảo vệ vững chắc, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bước đầu chiến thắng dịch bệnh Covid.

TS. Nguyễn Danh Lợi
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia HCM

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H, 2002, tr 2
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H, 2002, tr 3
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H, 2002, tr 3
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H, 2002, tr 4
(5) Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Hội Nông dân Việt Nam có tên gọi khác nhau: Nông hội Đỏ (1930), Nông hội (1937), Việt Nam Nông dân Cứu quốc Hội (1941), Hội Nông dân Cứu quốc Trung ương (1949) và ở miền Nam là Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam (1961), Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam (1979), Hội Nông dân Việt Nam (1988).
(6) Trước đó, ngay từ năm 1965- 1966, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho làm thí điểm khoán thành công ở hợp tác xã thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường. Từ thực tiễn này, ngày 10-9-1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU “về một số vấn đề quản lí lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay” xác định thực hiện chế độ ba khoán: khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ bảo đảm sử dụng hợp lí sức lao động và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, chủ trương này của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã bị Trung ương phê phán và không được đưa vào thực tiễn.
(7) Theo Tổng cục Thông kê, đến năm 2018, sản lượng lúa của Việt Nam đạt gần 44 triệu tấn (https://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=217))
(8) Xem Báo cáo nhanh kết quả Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018- 2023 (http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/30/73621/bao-cao-nhanh-ket-qua-dai-hoi-vii-hoi-ndvn-nhiem-ky-2018-2023)
(9) http://dangcongsan.vn/chao-xuan-ky-hoi-2019/dat-nuoc-vao-xuan/nong-nghiep-viet-nam-2018-mot-nam-thang-loi-lon-512524.html
(10) https://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/37667502-tu-nghi-quyet-ve-%E2%80%9Ctam-nong%E2%80%9D-den-nen-nong-nghiep-hien-dai-ky-1.html
(11) Theo: Bao nong nghiep Việt Nam dien tu: https://m.nongnghiep.vn/10-nam-huy-dong-suc-manh-to-lon-toan-dien-va-lich-su-de-chuyen-bien-vung-nong-thon-post251483.html ; thời gian cập nhật 07h57, ngày 19/10/2019
(12) Tính đến ngày 25-9-2021, cả nước có 736.972 ca mắc Covid-19, trong đó có 505.000 ca đã được chữa khỏi; 18.220 ca không qua khỏi, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
(13) Theo: http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/41/109358/hon-9600-tan-nong-san-va-179-ty-dong-de-san-se-kho-khan-voi-nguoi-dan-vung-dich