Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội đồng hành cùng hội viên nông dân xây dựng mô hình kinh tế

Bùi Ánh - 10:49 23/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng nhiều mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống, giải quyết việc làm. Trọng tâm là phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, ốc bươu, trồng rau củ quả… bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều hộ dân tham gia.

Đô Lương được đánh giá là huyện có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nhờ lợi thế về giao thông, địa hình, điều kiện thổ nhưỡng…Nhận thấy điều đó, Hội Nông dân huyện đã khảo sát nhu cầu cũng như điều kiện thực tế của từng địa phương, hộ gia đình để có những định hướng đúng đắn trước khi bắt tay xây dựng mô hình kinh tế nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Một góc huyện Đô Lương trong tiến trình phát triển hiện nay. Ảnh: Quang Dũng

Tuy nhiên, “trong quá trình xây dựng các mô hình kinh tế mới cũng có thể có những yếu tố rủi ro, thất bại. Song dù thế nào, Hội Nông dân vẫn xác định phải không ngừng nghiên cứu, định hướng cho bà con nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt là phát huy được thế mạnh của từng địa phương để không lãng phí tài nguyên vô giá được thiên nhiên ưu đãi. Một khi mô hình thành công sẽ là cơ hội để tiến tới nhân rộng hướng đến xây dựng mô hình kinh tế tập thể”, ông An – Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhấn mạnh.

Mô hình nuôi ốc bươu đen của hộ gia đình bà Lê Thị Lựu ở xóm 2 xã Bắc Sơn. Ảnh: Bùi Ánh

Cùng ông Hoàng Văn Hùng, cán bộ Hội Nông dân huyện đến thăm mô hình nuôi ốc bươu đen của hộ gia đình bà Lê Thị Lựu ở xóm 2 xã Bắc Sơn. Bà Lựu cho biết: Từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân 100 triệu đồng, gia đình tôi bắt đầu khởi động mô hình từ cuối năm 2023 và bắt đầu nuôi từ đầu năm 2024 nhưng bước đầu đã cho thu nhập đều mỗi tháng. Con ốc từ khi nở đến lúc thu hoạch tiêu tốn khoảng 4,5 tháng. Nuôi ốc trải qua nhiều công đoạn: đầu tiên trứng được ấp cho đến lúc nở hết khoảng 2 tuần, giai đoạn tiếp theo sau nở là cho vào thùng khoảng 5 -7 ngày, thời gian này con ốc vẫn đang được nuôi trong nhà. Tiếp đó cho ốc xuống tráng nuôi gần 2 tháng, khi con ốc lớn hơn mới bắt đầu thả tự do trong ao và nuôi khoảng 2 tháng nữa mới đem xuất bán.

Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt bà Lựu khi mô hình bước đầu mang lại hiệu quả. Ảnh: Bùi Ánh

Nuôi ốc bươu vất vả nhất là khi trời mưa, vì mỗi lúc trời mưa lượng a xít trong nước nhiều nên phải hòa vôi vào nước tạt quanh ao tránh ốc bị chết. Trời nắng nuôi con ốc khỏe hơn nhưng phải có lượng nước vào ra để đảm bảo môi trường sống cho ốc, bình quân 15 ngày thay nước một lần. Con ốc ưa mát, có cây sống trên mặt ao nên mỗi hồ nuôi ốc thịt đều phải thả bèo phía trên. Quanh ao tận dụng được mặt đất trồng bí, mướp,…để cho ốc ăn.

“Trước đây, 2 ao này đều được nuôi cá bán lên miền ngược nhưng sau khi có chủ trương của Hội Nông dân huyện về mô hình nuôi ốc nên gia đình mới bắt đầu chuyển đổi. Ngày trước nuôi cá phụ thuộc lắm bởi mỗi lúc thu hoạch phải nhờ người kéo, cá bán không kịp thì chết, ươn nên không thể bán. Nhưng với con ốc khi bắt lên để được 5 đến 7 ngày nên rất thuận lợi, với trường hợp chưa thu hoạch cho ốc ngủ đông cũng không vấn đề gì. Nhìn chung nuôi ốc rất thuận lợi hơn so với nuôi cá rất nhiều”, bà Lựu chia sẻ thêm.

Anh Lê Hùng Quý ở xóm 2 Lạc Sơn với mô hình trang trại tổng hợp vừa nâng cao thu nhập vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Bùi Ánh

Cùng bắt tay với mô hình nông nghiệp mới như bà Lựu, anh Lê Hùng Quý ở xóm 2 Lạc Sơn với mô hình trang trại tổng hợp trồng dưa bào tử, dưa lưới trong nhà màng, trồng ổi, nuôi gà,… Đầu ra chủ yếu ở các thành phố như Hà Nội, Vinh, hoặc cung cấp cho các nhà trường…Theo anh Quý, trang trại của anh chủ yếu trồng dưa trong nhà màng, mỗi vụ có tổng thu hoạch từ 4,5 đến 5 tấn và được trồng 3 vụ/năm luân canh. Bình quân giá dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg đối với dưa bao tử, dưa lưới bán với giá 35.000 – 40.000 đồng/kg. Hiện tại, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Những hỗ trợ, định hướng của Hội sẽ là đòn bẩy cho hội viên nông dân vươn lên. Ảnh: Bùi Ánh

Để triển khai, nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, lấy thu nhập là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành, Hội Nông dân huyện Đô Lương tiếp tục chú trọng công tác vận động hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng hết diện tích còn chưa khai thác hết vào sản xuất. Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập hướng đến hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Những đóng góp này sẽ là điều kiện cần thiết góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của toàn huyện và cũng là động lực để địa phương này phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030.