Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ấm lòng người dân vùng lũ Yên Bái

Lương Thủy - 07:18 16/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 15/9/2024, Tạp chí Nông thôn mới (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, Hội ND xã Sơn Hải, Nhóm thiện nguyện từ tâm Hải Long (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã có chuyến thăm và tặng quà cho người dân xã Tuy Lộc (TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái) bị thiệt hại nặng bởi lũ, lụt do hoàn lưu của bão số 3 gây ra.
 
 
Trao quà cho người dân bị thiệt hại do lũ ở thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc.

Thiệt hại nặng về người và của

Theo UBND tỉnh Yên Bái, tính đến 16h ngày 15/9, toàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. Trong đó, có 54 người bị chết và mất tích, 36 người bị thương; 25.065 ngôi nhà bị thiệt hại (trong đó: Nhà bị sập đổ hoàn toàn: 243 nhà; Nhà bị hư hỏng nặng: 285 nhà; Nhà phải di dời khẩn cấp: 188 nhà; Nhà bị tốc mái trên 70%: 10 nhà; Nhà bị tốc mái 50 đến 70%: 25 nhà; Nhà bị tốc mái 30-50%: 38 nhà; Nhà bị thiệt hại dưới 30%: 225 nhà;  Nhà bị sạt lở, taluy ảnh hưởng: 1.600 nhà; Nhà bị thiệt hại: 22.451 nhà - đây là số nhà bị ngập nước, hiện nay nước đã rút không bị ngập nữa mà bị ảnh hưởng hỏng tài sản, bùn rác trong nhà).

Về nông nghiệp, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là 5.369,7ha, trong đó: 3.311,9ha lúa; 1.019ha rau màu; 879,3ha cây công nghiệp; 154,6ha cây lâm nghiệp; 4,2ha cây ăn quả. Về gia súc, gia cầm có 214.684 con bị chết. Thiệt hại về thủy sản: Diện tích nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và vỡ bờ: 494,5ha; 6 ao cá huyện Trạm Tấu bị vỡ bờ…

 
 

Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới trao thuốc và hàng hóa thực phẩm cho bà Trần Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuy Lộc để gửi đến các hội viên nông dân bị thiệt hại nặng do bão lũ.

Theo ông Vũ Kim Việt – Bí thư Đảng ủy xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái thì xã Tuy Lộc nằm ngay cạnh sông Hồng nên khi nước lũ dâng, đa phần đều bị ngập sâu trong nước, cả xã có 1.400 hộ dân thì có tới 1.200 hộ bị ảnh ngập lụt gây thiệt hại nặng về tài sản. Bởi vì, khi nước rút đi, khu vực này bị ngập trong bùn, rác và cây củi.

Hiện nay, nước đã rút, chính quyền đang tập trung lực lượng để dọn dẹp các tuyến đường và nhà cửa đồng thời tiếp tục cử lực lượng nhận hàng cứu trợ. Trước đó, lực lượng cứu hộ của xã phải đi xuồng hoặc thuyền để hỗ trợ người dân. Thôn Bái Dương bị nặng nề nhất, ngày 13/9 mới thông xe để tiếp tế hàng hóa, thực phẩm.

Ông Việt cho biết thêm, xã Tuy Lộc được coi là "vựa rau" vì là nơi cung cấp rau và hoa màu chính cho TP. Yên Bái. Hiện toàn bộ ruộng hoa màu của xã đã mất trắng. Trên địa bàn có 3 trang trạng chăn nuôi lớn cũng bị ảnh hưởng nặng nề, xã phải huy động lực lượng để xử lý gia súc, gia cầm bị chết trong đợt lũ vừa qua.

 
 
Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới trao quà cho Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc để gửi đến các hội viên nông dân bị thiệt hại nặng do bão lũ của thôn.

Ấm áp tình nghĩa với người dân vùng lũ

Trong thời gian vừa qua, với mong muốn người dân sớm khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, Tạp chí Nông thôn mới đã kết nối, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ. Tại tỉnh Yên Bái trong chuyến này, ngoài tiền mặt 30 triệu đồng cùng với nhiều hiện vật được đoàn của Tạp chí Nông thôn mới phối hợp với Hội ND xã Sơn Hải và Nhóm thiện nguyện từ tâm Hải Long (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)  được gửi tới các hội viên nông dân như: 500kg gạo, nồi cơm điện, ấm siêu tốc, nông cụ, thuốc chữa bệnh thông thường, hàng hóa thực phẩm, chế phẩm vi sinh xử lý nước và môi trường …  trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trong những ngày bão lũ vừa qua, người dân xã Tuy Lộc đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các nhà tổ chức, chính quyền, đoàn thể, các nhà hảo tâm… Tuy nhiên, hơn hết đó là sự chia sẻ, quan tâm, hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn của chính những người dân nơi vùng lũ.

 
 
Chị Bùi Thảo đại diện HND xã Sơn Hải và nhóm thiện nguyện Từ Tâm Hải Long trao quà cho bà con vùng lũ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, bà Chu Thị Lan 65 tuổi ở thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc rơm rớm nước mắt kể lại: “Gia đình tôi có 2 mẹ con, con trai đi làm ở Hà Nội, nhà gần với sông Hồng nên khi nước lũ lên nhanh quá không kịp dọn dẹp gì cả, đến giờ thì bị lũ cuốn trôi hết chỉ còn mỗi xác nhà, buồn lắm cô à”.

“Hôm nay được nhận quà, tôi rất phấn khởi và cảm ơn đoàn và chính quyền, các ngành, đoàn thể đã quan tâm, hỗ trợ, động viên để tôi vượt qua được khó khăn này. Tôi cũng cảm thấy mình thật may mắn vì được hàng xóm giúp đỡ nên vẫn còn sống sót được qua trận lũ này” – bà Chu Thị Lan bày tỏ.

Các thành viên nhóm thiện nguyện từ tâm Hải Long trao tặng vật dụng dùng trong gia đình cho người dân thôn Bái Dương.

Ông Phạm Văn Nhàn ở thôn Bái Dương năm nay 80 tuổi giọng run run xúc động khi nhận  được quà của đoàn. Ông kể về hoàn cảnh gia đình của mình: Ông bà có 3 người con trai thì đều bị chết do bệnh tật, hiện còn lại 2 vợ chồng già nương tựa vào nhau. Khi nước lũ lên, nhà cửa ngập hết nên ông bà phải chia nhau sang ở nhờ hàng xóm mỗi người một chỗ. Cũng may có sự hỗ trợ kịp thời của hàng xóm, hiện nước đã rút nhưng ngôi nhà cấp 4 vẫn ngập trong bùn vì hai ông bà đều đã già yếu đi lại còn khó khăn chứ chưa nói đến việc dọn dẹp.

Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, từ khi xảy ra lũ lụt, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo tất cả Hội Nông dân các cấp, cán bộ tỉnh Hội tích cực tham gia vào hỗ trợ bà con bị thiệt hại do lũ. Thậm chí nhiều cán bộ Hội gia đình cũng bị ngập lụt nhưng tạm gác lại việc gia đình đề tham gia cứu trợ bà con ở những nơi nguy cấp hơn.

Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới trao quà cho bà Chu Thị Lan - thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, hiện nay nước đã rút, bà con sẽ cần được hỗ trợ những thứ thiết thực hơn phục vụ cuộc sống. Khi nước lũ vào cuốn theo hết sạch đồ đạc của nhiều hộ dân, nên giờ họ cần những thứ đồ khô như gạo, bún, miến, mì chính, nước mắm...; các đồ vật dụng trong gia đình như nồi cơm điện, ấm đun nước, bát, đũa... Đặc biệt, đối với người nông dân, tư liệu sản xuất sau bão cũng rất quan trọng, nông dân rất cần được hỗ trợ các loại máy móc phục vụ sản xuất, chăn nuôi, cây, con giống các loại. Có như vậy, về lâu dài mới giúp bà con ổn định, tái thiết cuộc sống. 

Chị Trần Thị Lan Hương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuy Lộc cho biết, mặc dù gia đình của cán bộ của Hội Nông dân xã đều bị ảnh hưởng nhưng Hội vẫn tích cực huy động toàn bộ lực lượng tham gia hỗ trợ xã khắc phục hậu quả do bão lũ, cụ thể như Thường trực Hội Nông dân xã tham gia nhận hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân; các chi hội trưởng đưa các đoàn cứu trợ phát quà cho hội viên nông dân, huy động được 150 hội viên nông dân tham gia dọn dẹp nhà cửa, đường sá. Đối với bản thân chị, tham gia trực tiếp khâu nhận hàng và phân phát cứu trợ, chị cho biết thêm: "Tôi phải đề nghị các chi hội trưởng báo cáo tình hình thiệt hại của các hội viên trong thôn mình phụ trách, từ đó phân bổ hàng hóa cứu trợ đảm bảo công bằng đến tất cả mọi người".

Các thành viên của Đoàn thiện nguyện vận chuyển hàng hóa để hỗ trợ bà con xã Tuy Lộc.

“Hiện tại bây giờ nước đã rút, để lại lớp bùn lầy chứa nhiều cát nên có khi phải mất đến hàng năm mới có canh tác được; ô nhiễm môi trường rất nhiều, nước sạch không có, thiếu gạo ăn nên bà con rất cần hỗ trợ nước sạch và gạo và các nhu yếu phẩm dùng được lâu dài; các vật dụng dùng trong gia đình. Khi đã chuẩn bị được đất sản xuất, chúng tôi rất mong được hỗ trợ thêm cây, con giống để sản xuất” - chị Trần Thị Lan Hương bày tỏ mong muốn.

Chị Bùi Thảo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hải đồng thời cũng là thành viên của Nhóm Thiện nguyện Từ Tâm Hải Long chia sẻ: Hướng ứng lời kêu gọi của UBMT Tổ quốc Việt Nam, tôi và nhóm đã đứng ra kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ người dân bị bão lũ. Sau khi tiếp nhận, một phần gửi về Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã, một phần chúng tôi muốn được đi thực tế để nắm bắt tình hình cụ thể, chia sẻ với của bà con bị bão lũ.

"Qua đi thực tế, đến tận nơi với bà con ở xã Tuy Lộc, (Tp. Yên Bái), tôi cùng các thành viên trong đoàn chứng kiến cảnh nhà cửa đồ đạc bị sập đổ, vẫn còn bị chìm trong đống bùn lầy lội, cây cối ruộng đồng thì chuyển hết sang màu đất, không còn gì cả... nhiều thành viên đã khóc, không thể nói hết thành lời vì thương bà con vũng lũ đã phải gánh chịu một thảm cảnh quá nặng nề" - chị Thảo cho hay.

Chị Bùi Thảo cũng bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo, chính quyền cùng huy động nhân lực để sớm khắc phục nhanh trước mắt về nhà cửa, nơi sinh hoạt để nhân dân ổn định về tinh thần và nơi ở… "Bàn thân tôi và các thành viên của nhóm thiện nguyện cũng sẽ tiếp tục vận động quyên góp đề có nhiều hoạt động ủng hộ bà con miền Bắc để chia sẻ, động viên bà con vượt qua sự mất mát to lớn này, sớm ổn định cuộc sống.

Một số hình ảnh về thiệt hại của bà con vùng lũ và hoạt động của đoàn:

Cánh đồng rau của xã Tuy Lộc giờ chỉ còn phủ trắng bùn đất.

Sau khi nước rút, còn lại là bùn lầy khắp nơi, người dân xã Tuy Lộc thu dọn nhà cửa.

Nhóm thiện nguyện Từ Tâm Hải Long trao quà và vật dụng cho đại diện Sở Văn hóa thông tin và Du lịch.
Những món quà được chuẩn bị lỹ lưỡng với tất cả tấm lòng để tặng bà con vùng lũ.
Đoàn phải sử dụng xe ô tô bán tải để chở hàng vào các ngõ sâu mà người dân chưa thể ra lấy đồ hỗ trợ.
Đoàn trao nông cụ quốc, xẻng cho người dân và  lực lượng hỗ trợ dọn dẹp đường sá, nhà dân sau lũ.
Người dân trong ngõ nhỏ của thôn Bái Dương tiếp nhận quà của Đoàn.

 

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Tạp chí Nông thôn mới kêu gọi các tổ chức, cá nhân, bạn đọc, doanh nghiệp, các nhà hảo cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vượt qua thiên tai và những khó khăn trong và sau bão, lũ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Việc ủng hộ được chia làm 2 đợt:
* Đợt 1: Ủng hộ để đồng bào đảm bảo cuộc sống
- Thời gian từ 11/9/2024 đến ngày 30/9/2024
- Ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật là các nhu yếu phẩm như: Gạo, mì tôm, lương khô, bánh chưng, bánh mì ruốc, đèn pin, áo phao, chăn, màn, quần, áo, thuốc thông thường…
* Đợt 2: Ủng hộ để giúp đồng bào khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống
- Thời gian từ 01/10/2024 đến ngày 15/11/2024
- Ủng hộ bằng tiền hoặc giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; vật tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; vật liệu xây dựng nhà cửa; đồ gia dụng…
Sự tham gia ủng hộ của Quý vị là nguồn động viên to lớn đối với đồng bào, giúp đồng bào sớm vượt qua khó khăn, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra. Những đóng góp, chia sẻ của quý vị sẽ được chuyển nhanh nhất đến đúng những đối tượng cần ủng hộ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Tạp chí Nông thôn mới, Tầng 7, Tòa nhà Báo Nông thôn ngày nay - Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Điện thoại: 024.38470876 - 0984599179; 0976606690

Tên tài khoản nhận tiền: Tạp chí Nông thôn mới.

Số tài khoản: 1506 201037979

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Tây Hồ - Hà Nội. 

(Ghi rõ tên, địa chỉ của đơn vị, cá nhân ủng hộ. Nội dung ghi: Ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vì bão lũ).