Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân Hoà Bình đổi mới, sáng tạo, hoàn thành 100% các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ

Kiều Anh - 07:06 08/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Đóng vai trò góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình, trong 5 năm qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Hoà Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên, ND mạnh dạn, thay đổi tư duy trong sản xuất; trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện hơn 1.000 hộ ND có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; nhiều sản phẩm nông sản đã vươn ra thị trường nước ngoài.

Hướng đến Đại hội Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình sẽ diễn ra vào ngày 09/8/2023, ông Lê Văn Thạch, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội ND tỉnh Hoà Bình đã cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới về những bước tiến, cách làm sáng tạo trong hoạt động Hội, tạo được niềm tin với hội viên, ND trong nhiệm kỳ qua.  

Ông Lê Văn Thạch, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội ND tỉnh Hoà Bình phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội ND thành phố Hoà Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028. ẢNh: ĐVCC

PV: Thưa ông, trong nhiệm kỳ qua (2018 - 2023), Hội Nông dân các cấp tỉnh Hòa Bình phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào ND và công cuộc xây dựng NTM được thể hiện như thể nào?

Ông Lê Văn Thạch: Cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của mình, góp phần xây dựng các cấp Hội ND ngày càng vững mạnh, xứng đáng với vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào ND và công cuộc xây dựng NTM; góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó, tăng trưởng giá trị bình quân 5 năm ngành Nông nghiệp đạt khoảng 4,1%/năm. Những sản phẩm chủ lực, có lợi thế trong nông nghiệp được quan tâm và có chính sách phát triển cụ thể; một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức (các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, rau, củ, quả, măng, sắn, nông sản tươi (mía, chuối, nhãn, bưởi, cam…). Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng hàng hóa, toàn tỉnh đã có 123 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao.

Hòa Bình đã có 3 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM, tính đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn NTM (có 21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); 60 khu dân cư kiểu mẫu; 174 vườn mẫu.

Cùng với đó, đời sống vật chất tinh thần của ND ngày một tốt lên, khơi dậy khát vọng vươn lên, tạo động lực thúc đẩy làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, ND, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

PV: Trong nhiệm kỳ qua, Hội ND các cấp trong tỉnh Hoà Bình đã có những chương trình, hoạt động nổi bật nào để hỗ trợ hội viên ND phát triển kinh tế, thưa ông?

 Ông Lê Văn Thạch: Hội ND các cấp đã phát động nhiều phong trào và tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ hội viên ND, trong đó Phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được xem là phong trào có ý nghĩa tích cực đến sự thành công của chương trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Trong 5 năm, có 345.830 lượt hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, có 181.933 lượt hộ được công nhận đạt danh hiệu (đạt 52,6%/tổng số hộ hội viên ND đăng ký). Có gần 174.000 lượt hộ với thu nhập dưới 500 triệu đồng; trên 7.100 lượt hộ từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; trên 1.100 lượt hộ trên 1 tỷ đồng/năm. Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã có tác động mạnh mẽ, khuyến khích ND đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn huy động vốn đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai và các điều kiện sẵn có để phát triển sản xuất. Đồng thời, thông qua phong trào, các cấp Hội vận động ND giúp nhau vượt khó thoát nghèo tổng số tiền trên 4.600 triệu đồng, gần 29.000 ngày công cho trên 1.000 hộ, góp phần làm giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ ND.

Ông  Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình (người áo trắng)  thăm mô hình trồng nho Hạ đen tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh năm 2022. Ảnh: ĐVCC

Hội đã trực tiếp tổ chức được 67 lớp đào tạo nghề cho 2.146 hội viên; các cấp Hội phối hợp mở được 227 lớp cho 6.314 hội viên và phối hợp, liên kết với các công ty, đơn vị trong và ngoài tỉnh thực hiện các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ cung ứng tổng số 17.920 tấn vật tư nông nghiệp, trong đó: Tín chấp 15.424 tấn phân bón trả chậm cho ND; 740 tấn giống các loại; 35,6 tấn thuốc bảo vệ thực vật; 1.720 tấn thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ hội viên ND mua 51 chiếc máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm không tính lãi; tổng trị giá hỗ trợ là 504,87 tỷ đồng.

Bằng nhiều giải pháp, Hội ND tỉnh đã và đang hỗ trợ, quảng bá, phối hợp, kết nối giúp ND tiêu thụ 1.296 tấn nông sản các loại. Hỗ trợ xây dựng và duy trì 10 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố làm điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, liên kết sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Cán bộ Hội ND tỉnh Hòa Bình thăm mô hình trồng bưởi đỏ tại xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn năm 2022. Ảnh: ĐVCC

Dấu ấn rõ nét trong hoạt động hỗ trợ ND là việc các cấp Hội vận động tăng trưởng phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND, trong nhiệm kỳ qua tăng 24,8 tỷ đồng, nâng tổng số Quỹ Hỗ trợ ND là 53,270 tỷ đồng, để hỗ trợ xây dựng và nhân rộng 754 mô hình với 9.945 lượt hộ ND vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề. Việc các cấp Hội xây dựng và quản lý tốt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND, đã trở thành nguồn vốn hiệu quả giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần ổn định an ninh trật tự ở nông thôn.

Vấn đề nông nghiệp, ND, nông thôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và có rất nhiều Nghị quyết, chính sách đã được ban hành triển khai thực hiện, đã và đang đi vào cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đó là người ND, địa bàn nông thôn; trong đó ND đóng vai trò chủ thể rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính mình. Trước những nhiệm vụ quan trọng đó, thời gian tới còn nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi các cấp Hội phải thực sự sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ toàn diện, cả về phương pháp lãnh đạo và nội dung hoạt động, để thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội trong nhiệm kỳ mới, đồng thời tiếp tục tham mưu, thực hiện hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư, Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành mục tiêu Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 06/8/2021 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội ND các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ ND phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của công tác Hội, phong trào nông dân trong tỉnh nhiệm kỳ qua và những giải pháp để đưa công tác Hội và phong trào ND trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, thiết thực hơn trong nhiệm kỳ tới?

Ông Lê Văn Thạch: Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội ND tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành 20/20 chỉ tiêu do Đại hội Đại biểu Hội ND tỉnh Hòa Bình lần thứ X đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu vượt cao.

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Hoà Bình và Bí thư Huyện ủy Tân Lạc tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó tại xã Đông Lai, huyện Tân Lạc năm 2022. Ảnh: ĐVCC

Phát huy thành tích đạt được, với tinh thần "Đoàn kết – Trách nhiệm - Đổi mới - Hợp tác - Phát triển", nhiệm kỳ 2023-2028, Hội ND các cấp sẽ tập trung  vào một số việc sau:

Thứ nhất, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của ND; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của ND trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội uy tín, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy, cánh tay nối dài của Đảng, chính quyền với ND, góp phần củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ hai, các cấp Hội cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; vận động ND thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là những nội dung liên quan đến nông nghiệp, ND và nông thôn.

Thứ ba, tích cực chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ, tạo điều kiện, hợp tác, liên kết của các đơn vị doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài tỉnh tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Hội; hướng các hoạt động về cơ sở; đa dạng hoá các hình thức tập hợp ND, vận động đi đôi với tư vấn hỗ trợ ND đáp ứng lợi ích thiết thực cả về vật chất và tinh thần cho ND.

Thứ năm, tích cực chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và của tỉnh phát động; qua đó khơi dậy tinh thần hăng say lao động sản xuất của ND; đồng thời tuyên truyền phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác Hội và phong trào ND.

Thứ sáu, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội thực sự có năng lực, trình độ chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và có uy tín, có kinh nghiệm tổ chức vận động quần chúng ND, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả công việc để đánh giá cán bộ. Tăng cường kiểm tra đôn đốc, giám sát và phản biện xã hội, đưa phong trào phát triển đúng định hướng, trọng tâm,...

Thứ bảy, tiếp tục tạo nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho ND phát triển kinh tế. Thông qua việc phối hợp Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH, các ngân hàng thương mại và Quỹ HTND của Hội để hỗ trợ người dân có vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, thông qua các nguồn vốn đó, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để gắn kết người nông dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TỪ KHÓA #công tác hội