Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện có hiệu quả 4 mục tiêu trọng tâm

Bùi Ánh - 13:48 19/09/2023 GMT+7
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 được diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 18-19/9/2023), tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Bình.

Dự và chỉ đạo Đại hội có bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình; ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.

Tham dự Đại hội còn có  đại diện lãnh đạo một số ban, đơn bị thuộc T.Ư Hội; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh,…và 254 đại biểu chính thức là những cán bộ, hội viên nông dân ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 160.000 hội viên nông dân trong toàn tỉnh Quảng Bình về dự Đại hội.

Toàn cảnh Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp Nông dân tỉnh Quảng Trị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt trong công tác Hội và phong trào nông dân trong 5 năm qua, đồng thời, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Hội vững mạnh, nhiều phong trào được lan tỏa rộng rãi

Với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, hợp tác, phát triển”, các cấp Hội tiếp tục tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đoàn kết, tập hợp đông đảo hội viên nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt; Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình giàu đẹp, văn minh.

Để tạo đà cho nông dân vươn lên phát triển kinh tế, hướng đến giảm nghèo và thoát nghèo bền vững, các cấp Hội đã có nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ hội viên nông dân trong tỉnh như: Hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt là khích lệ, động viên nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy, phát huy tính sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm bằng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Chính phong trào đã lan tỏa sâu rộng, khơi dậy mạnh mẽ trong nông dân tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm (áo xanh) tặng hoa chúc mừng Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Nhờ đó, 5 năm qua, phong trào phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, thu hút hàng chục ngàn hội viên, nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực của nông dân tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế, nâng cao đời sống. Bình quân hàng năm có gần 125.500 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, kết quả bình xét, giai đoạn 2017 - 2022 có 76.885 hộ đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 61,3 % so với số hộ đăng ký. Những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi vừa làm giàu cho gia đình, vừa giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vật tư, vốn, việc làm để vươn lên thoát nghèo. Năm năm qua, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp 8.290 triệu đồng, trên 21.000 ngày công để giúp đỡ 4.512 hộ thoát nghèo.

Từ phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch định hướng hội viên phát triển kinh tế tập thể, cụ thể: Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã nhằm đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2026; Vận động, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; mở rộng quy mô, các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp. Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn, tuyên truyền cho hơn 850 lượt cán bộ, hội viên và các giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác về kinh tế tập thể. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 430 hợp tác xã, 631 tổ hợp tác, trong đó có 302 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản; 88 hợp tác xã, 179 tổ hợp tác do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn thành lập.

Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao thành tích Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đạt được trong nhiệm kỳ qua và định hướng một số nhiệm vụ cần được tập trung trong nhiệm kỳ tới

Song song với đó, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã vận động nông dân đóng góp 272,6 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên 603.000 m2 đất, 414.440 ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; bình quân hàng năm có trên 135.800 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, hơn 120.500 hộ ký cam kết sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; 150 cơ sở Hội xây dựng được 439 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, có 1.219 công trình tự quản do các chi hội đảm nhận.

Đồng thời, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình “Gia đình hội viên nông dân không vi phạm pháp luật và không mắc các tệ nạn xã hội”; duy trì hoạt động của 832 mô hình chi hội, với trên 95.000 hộ gia đình tham gia ở cơ sở. Các cấp Hội đã tổ chức 1.625 buổi tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về quốc phòng an ninh với 130.465 lượt hội viên tham gia; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm, tặng quà cho 2.707 lượt gia đình chính sách với số tiền 1.741 triệu đồng. Có 150 cơ sở Hội xây dựng mới 709 mô hình tự quản về an ninh trật tự.

Bên cạnh những nỗ lực đạt được của cán bộ, hội viên nông dân vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; vật tư, phân bón tăng cao, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khó khăn; ô nhiễm môi trường, công tác đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư… ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân.

Các đại biểu tham dự Đại hội

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì vì "Có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; Nhiều tổ chức Hội, cán bộ, hội viên được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các cấp, các ngành.

4 mục tiêu trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới

Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, hợp tác, phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028 đề ra. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới, Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã đề ra 4 mục tiêu trọng tâm về: xây dựng Hội Nông dân các cấp trong tỉnh vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức; Nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong hội viên nông dân, trọng tâm là phát triển sâu, rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; Xây dựng người nông dân Quảng Bình đoàn kết, trọng tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái, khát vọng làm giàu. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nâng cao chất lượng góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong giám sát và phản biện xã hội, trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình (thứ 3 từ trái sang) tặng bức trướng cho Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt ghi nhận Quảng Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt,  dải đất miền Trung của nắng, gió, bão, lũ và “để lại ấn tượng đẹp nhất, đáng tự hào nhất của con người Quảng Bình hiền lành, thật thà, chịu thương chịu khó, dám nghĩ, dám làm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; giàu lòng nhân ái. Những giá trị truyền thống tốt đẹp đó đã kết tinh trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn đoàn kết thống nhất, xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp”.

Tại Đại hội có hơn 300 sản phẩm là nông sản đặc trưng của tỉnh Quảng Bình được trưng bày

Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo trong thời gian tới các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cần quan tâm đưa vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, tập trung vào các nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là liên quan đến NN- ND – NT, mà trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nghị quyết, chương trình của Hội gắn với các nhiệm vụ chính trị địa phương; Tăng cường công tác giáo dục truyền thống yêu nước, văn hóa, cách mạng; truyền thống lao động cần cù, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt khó, vượt khổ, tự lực, tự chủ, tự cường của người dân Quảng Bình thông qua các gương điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; từ đó, khơi dậy khát vọng làm giàu, xây dựng quê hương Quảng Bình phồn vinh hạnh phúc, phát huy vai trò, ví trí chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Hai là, tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; trong đó, cần coi trọng  xây dựng Ban Chấp hành, đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo đủ số lượng, có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị; nhiệt huyết trách nhiệm với công tác Hội và phong trào nông dân; Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, đổi mới phương thức tập hợp, thu hút hội viên, nhất là các nhà khoa học, tri thức, doanh nghiệp, HTX, những người có kinh nghiệm, kiến thức nông nghiệp, nông thôn vào tổ chức Hội – (đây là những hội viên mới đã quy định trong điều lệ Hội khóa VII) thông qua xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân để có cơ hội, điều kiện liên kết, hỗ trợ nông dân; làm tốt công tác quản lý hội viên, từng bước số hóa, quản lý hội viên thông qua ứng dụng công nghệ số; duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, các cấp Hội phát động mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với những hoạt động cụ thể; gắn phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong nhiệm vụ xây dựng NTM và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh mà lực lượng nòng cốt, dẫn dắt là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc.

Với tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình (đó là những cảnh quan, danh thắng đẹp thiên nhiên ban tặng; là rừng rộng, là bờ biển dài; là không gian rộng lớn với đầy nắng và gió...). HND các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, biến các khó khăn về khí hậu, thổ nhưỡng thành những tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các mô hình hiệu quả về du lịch, dịch vụ; các mô hình nông nghiệp mới (hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, trách nhiệm; mô hình phát triển kinh tế biển, kinh tế rừng theo hướng bền vững, đúng quy định, gia tăng giá trị, trong dó chú trọng, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; thường xuyên vận động ngư dân ra khơi thực hiện đúng quy định; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trồng rừng chuẩn bị các điều kiện và sớm được tiếp cận, tham gia thị trường bán tín chỉ các bon trong thời gian tới để gia tăng giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân.

Bốn là, không ngừng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả; chăm lo hỗ trợ người nông dân phát triển toàn diện.

Muốn vậy, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, doanh nghiệp tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh vận động nông dân tham gia các chi tổ hội nghề nghiệp, các hình thức kinh tế tập thể, nhất là các HTX, Tổ hợp tác; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ, trong đó chú trọng mở rộng nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn, tín dụng, cây giống, vật tư NN; tập trung trang bị cho nông dân những tri thức mới, kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức, kỹ năng tổ chức sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ, chuyển đổi số, thông tin nhu cầu thị trường, hình thành lên một thế hệ nông dân mới, nông dân thời đại 4.0 văn minh, chuyên nghiệp, nông dân số.

Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân theo hướng đào tạo những nghề thiết thực, phù hợp. Đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Chỉ có như vậy nông dân mới thực sự làm chủ được quá trình sản xuất, kinh doanh, tự quyết định được hướng đi cho mình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Năm là, Các cấp Hội trong tỉnh cần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, vai trò làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nông dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi cán bộ Hội các cấp phải sâu sát cơ sở, nhiệt tình, thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn; tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của nông dân, phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với nông dân, thấu hiểu và chia sẻ với nông dân, vì nông dân, đồng hành, sát cánh cùng nông dân; nắm được những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở địa phương để tham mưu cho Đảng, Chính quyền các cấp kịp thời chỉ đạo, giải quyết; đồng thời đề xuất bổ sung, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp.

Lãnh đạo T.Ư Hội, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chúc mừng Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Phát biểu tại Đại hội, ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân, hội viên, nông dân trong tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; sự quan tâm, phối hợp của chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, triển khai nhiệm vụ chính trị, đạt được những kết quả khá toàn diện... Hoạt động của các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, bắt nhịp với xu thế mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn, nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân...”.

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã bầu 29 đồng chí vào Ban Chấp hành, bầu đoàn đại biểu gồm 13 người dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII.

Hội nghị Ban Chấp hành khóa XI lần thứ nhất đã bầu 9 đồng chí vào Ban Thường vụ, ông Trần Tiến Sỹ tái cử chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; ông Nguyễn Nam Long và Đỗ Thị Hoài Thu tái cử chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.