Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tổ chức Hội phải luôn đồng hành với hội viên nông dân

Kiều Anh - 19:18 14/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sáng 14/8, tại Hội trường trụ sở Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028 chính thức khai mạc.
Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Anh Thượng

Dự và chỉ đạo Đại hội có ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Cùng dự có bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN; ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh qua các thời kỳ; đại biểu lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố lân cận; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, HTX. Đặc biệt tham dự Đại hội có 254 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 134 nghìn cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh.

Hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2018-2023

Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội ND Ninh Bình cho biết: Nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 và xung đột vũ trang ở Ukraina, kinh tế thế giới có chiều hướng suy giảm, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống tinh thần, vật chất của nông dân, nhưng dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ngành, MTTQ, các đoàn thể, các doanh nghiệp…, hoạt động của Hội ND tỉnh Ninh Bình có sự đổi mới, cụ thể, hướng mạnh về cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, nội lực trong nông dân từng bước khẳng định vai trò nòng cốt của tổ chức Hội và nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.

 Kết quả trong nhiệm kỳ, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu do Đại hội lần thứ VI đề ra, một số chỉ tiêu vượt cao. Nổi bật là công tác xây dựng tổ chức Hội được sắp xếp lại theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu quả, chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội và hội viên ngày càng được nâng cao. 100% cơ sở Hội xếp loại vững mạnh (tăng 0,4% so với năm 2018); 8/8 Hội ND huyện, thành phố hằng năm được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được trên 16.000 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 134.095 hội viên, đạt tỷ lệ tập hợp 81%. 

Các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Anh Thượng

Phong trào thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, nâng cao về chất lượng. Hoạt động hỗ trợ nông dân thiết thực, hiệu quả, kịp thời giúp nông dân tiếp cận và hội nhập trong tình hình mới. Trong 5 năm qua (2018-2023), các cấp Hội trong tỉnh đã xây dựng 317 mô hình giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các cấp Hội vận động hội viên giúp nhau gần 27.000 ngày công, hỗ trợ giống, cây con, vật tư nông nghiệp… với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi… qua đó đã giúp đỡ 3.579 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2022 còn 2,36%. Vị thế, uy tín của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội ở nông thôn. 

Bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác Hội và phong trào ND trong nhiệm kỳ mới

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN đã ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội ND tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Trong nhiệm kỳ qua, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển và đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt, đoàn kết, sáng tạo của cán bộ, hội viên, nông dân, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, làm tốt chức năng đại diện chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. 

Để tiếp tục thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội ND trong thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập, thời gian tới, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đề nghị Hội ND tỉnh Ninh Bình cần bám vào 6 nội dung để thực hiện:

Một là, Hội ND tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của tỉnh.

Hai là, tăng cường và tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học công nghệ; giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, làm giàu và xóa nghèo bền vững, có năng lực hiểu biết về thị trường trong nước và quốc tế.

Ba là, Hội ND tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành phần kinh tế, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, để mở mang nguồn lực, chuyển đổi sang phi nông nghiệp, dịch vụ; hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, biết tổ chức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của thị trường.

Bốn là, Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội ND tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội. Mỗi cán bộ Hội cần nắm vững nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương một cách có hệ thống, làm cơ sở để cụ thể hoá những chủ trương, chính sách đó vào thực tiễn, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền và nông dân trong tỉnh tìm ra con đường ngắn nhất để nâng cao đời sống của nông dân, để nông thôn thực sự là nơi đáng sống.

Năm là, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần bám sát thực tiễn cuộc sống, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ lần thứ XXII và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, để tìm ra những cách làm phù hợp, có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động; chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh những vấn đề quan trọng về chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

 Sáu là, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 phải không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, trí tuệ, hoạt động hăng hái hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn, góp phần xứng đáng vào kết quả công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh.

Tại Đại hội, ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chúc mừng, biểu dương những đóng góp quan trọng mà cán bộ, hội viên nông dân tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Bí thư Tỉnh ủy đã phân tích và lý giải về xây dựng “nông dân văn minh”, “nông dân thế hệ mới” trong tình hình mới đòi hỏi tổ chức Hội và người cán bộ, hội viên ND cần phải hiểu rõ: Tổ chức Hội cần phát huy vai trò, vị thế và sứ mệnh chính trị- xã hội, có nhiều hơn nữa các hoạt động đồng hành vì quyền lợi thiết thân của người nông dân, góp phần xây dựng nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. 

Trong giai đoạn hiện nay, vị thế của người nông dân có nhiều thay đổi, người nông dân cần HTX, cần đến Hội ND để khắc phục tình trạng đơn độc của từng hộ gia đình nhỏ lẻ, cá thể và rất khó đương đầu với những thách thức của nền kinh tế thị trường. Trước yêu cầu sản xuất theo chuỗi giá trị, những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân cần tinh thần, ý thức hợp tác, hành vi hợp tác. Điều này rất cần đến vai trò của Hội, làm cho mỗi nông dân thấy quyền lợi thiết thân, cũng như trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng tổ chức Hội… Nông dân là người sản xuất ra lương thực, thực phẩm vì vậy tư duy của nông dân cũng cần phải thay đổi để sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu của con người từ ăn no đến ăn ngon, rồi ăn để khỏe và đẹp...

Tại Đại hội, Hội ND tỉnh Ninh Bình vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua; nhiều tập thể và cá nhân được Trung ương Hội, UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị xuất sắc và Bằng khen.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Hội ND tỉnh Ninh BÌnh. Ảnh: nguồn Báo Ninh Bình
Ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN trao tặng Cờ thi đua và Bằng khen của T.Ư Hội NDVN cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc 

Đại hội đã bầu 31 ủy viên Ban Chấp hành Hội ND tỉnh Ninh Bình khoá VII, nhiệm kỳ 2023-2028. Ông Đinh Hồng Thái được bầu tái cử chức Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình, khóa VII, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Đại hội cũng tiến hành bầu ra 13 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

TỪ KHÓA #công tác hội