Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V

Hoàng Tuấn - 08:03 08/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tối 7/1, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V – Vĩnh Long, năm 2021, diễn ra tại đường Võ Văn Kiệt (Phường 9, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V – Vĩnh Long năm 2021.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, với những kết quả đã đạt được qua 4 lần tổ chức tại 4 tỉnh vùng ĐBSCL là Hậu Giang (2009), Sóc Trăng (2011), Long An (2018) và Vĩnh Long (2019), Festival Lúa gạo Việt Nam thật sự đã khẳng định được vị trí, giá trị và ý nghĩa khi phát huy được vai trò là nhịp cầu kết nối, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành Lúa gạo Việt Nam trên thị trường.

Đặc biệt Festival đã góp phần quảng bá hạt gạo Việt Nam ra thế giới, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút sự đầu tư, phát triển cho ngành Lúa gạo Việt Nam khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu kép: vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh covid 19, vừa tích cực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các đơn vị tài trợ, đồng hành cùng Festival được vinh danh, tri ân và được trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Festival được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, phải ghi nhận một sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành Lúa gạo. Festival là nhịp cầu kết nối để tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và với các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước.

"Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, Festival còn mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo Việt Nam liên kết hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp chiến lược đảm bảo vai trò chủ lực của ngành đối với sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước", ông Ngời nhấn mạnh.

Ban Tổ chức trao 6 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo.

Theo Ban tổ chức, Festival diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 còn phức tạp, do đó công tác phòng chống dịch bệnh luôn được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh bố trí các buồng khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn ở các cửa ra, vào khu sự kiện còn có lực lượng trực, tuyên truyền nhắc nhở khách tham quan thực hiện nghiêm 5K để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Lần này, Festival thu hút gần 400 gian hàng tham gia. Festival diễn ra cùng chuỗi các chương trình, hoạt động như: Hội thảo “Sản phẩm OCOP và Phát triển ngành hàng Lúa gạo: Động lực để phát triển nông thôn mới”; cuộc thi gạo ngon thương hiệu Việt, món ngon gạo- nếp Việt Nam; hội chợ triển lãm những thành tựu sản xuất lúa gạo Việt Nam, thành tựu phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của tỉnh Vĩnh Long, ĐBSCL và các tỉnh, thành cả nước, triển lãm sản phẩm OCOP và phát triển ngành hàng lúa gạo, động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới.

Đại biểu tham quan các gian hàng tại Festival.

Tại buổi khai mạc, Ban Tổ chức đã trao 6 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, tổng trị giá 300 triệu đồng. Sự kiện sẽ diễn ra đến hết ngày 10/1/2022.