Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói”

Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng đến mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn

Ngô Chức - Anh Kiều - 17:48 24/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Đây là lần đầu tiên hai cơ quan tổ chức diễn đàn này để lắng nghe nông dân phản ánh về đất đai trong sản xuất nông nghiệp.

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp với Bộ Tài Nguyên và môi trường (TNMT) tổ chức diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng đến mục tiêu NetZelo bảo vệ môi tường nông thôn".

Đồng chủ trì Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” là ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN và ông Đỗ Đức Duy- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TNMT.

Dự Diễn đàn có các Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN: ông Đinh Khắc Đính; bà Bùi Thị Thơm và ông Nguyễn Xuân Định.

Diễn đàn được tổ chức tại thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Tham dự diễn đàn còn có đại diện các cục, vụ, viện, trường của Bộ TNMT; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp; hơn 200 nông dân tiêu biểu và hợp tác xã (HTX) tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Diễn đàn còn được kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu ở Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã trên cả nước.

Bộ TNMT sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc về Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn- Chủ tịch Hội NDVN cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phát huy vài trò chủ thể, trung tâm của người nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thực hiện Nghị quyết số 46- NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Trung ương Hội NDVN phối hợp với Bộ TNMT tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói”, với chủ đề: Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn”.

Chủ tịch Hội NDVN và Bộ trưởng Bộ TNMT lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của người nông dân để đảm bảo tính thống nhất trong nhận thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường trong thực tiễn.

“Diễn đàn lần này là dịp để chúng tôi được lắng nghe các đại biểu nông dân xuất sắc, HTX tiêu biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý, điều hành, các chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời đề xuất, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ TNMT. Diễn đàn cũng là tiền đề để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của bà con nông dân, các HTX trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân năm 2024”, ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội NDVN khẳng định, trong nhiều năm qua, Hội NDVN và Bộ TNMT đã phối hợp thực hiện hiệu quả nhiều nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường. Trọng tâm là tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện Luật Đất đai; bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ, hội viên, nông dân về biến đổi khí hậu. Hai bên cũng đã phối hợp hỗ trợ nông dân các địa phương xây dựng, duy trì hàng ngàn mô hình điểm về bảo vệ môi trường, mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu…

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội NDVN cũng khẳng định, trong nhiều năm qua, Hội NDVN và Bộ TNMT đã phối hợp thực hiện hiệu quả nhiều nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Tuy nhiên, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn những tồn tại nhiều hạn chế, cả về mặt khách quan và chủ quan như tính phức tạp trong quản lý đất đai, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân đặt ra nhiều thách thức; khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ... Những khó khăn, vướng mắc đó đang dần được tháo gỡ bằng các cơ chế, chính sách của cả Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đây là diễn đàn đầu tiên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ TNMT tổ chức để cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

Theo Ban Tổ chức, thông qua các kênh khác nhau như các cấp Hội Nông dân cả nước gửi về, ý kiến bạn đọc qua chuyên mục Lắng nghe nông dân trên Báo điện tử Dân Việt, đã có trên 1.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất, nguyện vọng được gửi đến 2 người đứng đầu của 2 cơ quan.

Trong suốt thời gian diễn ra, chương trình đã được tường thuật trực tiếp (livestream) trên Báo điện tử Dân Việt, Báo Tài nguyên và Môi trường, trên các nền tảng số (Fanpage, Youtube, TikTok của Báo điện tử Dân Việt). Diễn đàn cũng đã được kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã trên cả nước.

“Trên tinh thần “cùng lắng nghe, cùng trao đổi”, tại Diễn đàn hôm nay, chúng tôi rất mong muốn bà con nông dân, các hợp tác xã sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ trên tinh thần cởi mở, thân tình nhưng cũng thẳng thắn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề”, Chủ tịch Hội NDVN nhấn mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Đức Duy- Bộ trưởng Bộ TNMT cho hay, “Tam nông” là vấn đề hệ trọng, khó và phức tạp, nên bất kỳ chính sách hay chủ trương, đường lối nào có liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp đều phải là chính sách vì người nông dân, từ người nông dân.

Trên tinh thần đó, Bộ TNMT sẵn sàng lắng nghe, những chủ đề, nội dung còn chưa rõ, còn vướng mắc, những bất cập bà con chưa giải quyết được để cùng trao đổi, thảo luận nhằm đạt được sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ TNMT đã đề nghị các đại biểu cần tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề trọng tâm như cơ chế, chính sách và pháp luật về đất đai; các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thi hành chính sách mới của Luật Đất đai năm 2024; chia sẻ, giới thiệu những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn bà con nông dân bảo vệ môi trường nông thôn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường…

Gỡ khó cho nông dân có thêm đất đai để sản xuất, ổn định

Tại diễn đàn có rất nhiều nông dân đặt cậu hỏi về cho thuê đất đai lâu dài để sản xuất cây trồng; cơ chế cho thuê đất mặt nước để nuôi trồng thuỷ hải sản; đất nông trường hoạt động không hiệu quả có nên giao cho người dân sử dụng 1 phần đất để sản xuất nông nghiệp; quy định diện tích để thành lập trang trại và hướng đến xây dựng mô hình trang trại du lịch nông nghiệp…

Giải đáp các câu hỏi trên, ông Đỗ Đức Duy đã giao cho các cục, vụ của Bộ trả lời trực tiếp tại diễn đàn.

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất là người giải đáp nhiều nhất về vấn đề đất đai mà các đại biểu đặt câu hỏi. Để giải đáp về đất đai sử dụng làm trang trại, ông Chính cho biết, liên quan đến trang trại đây là tên gọi của ngành Nông nghiệp, liên quan đến sử dụng đất để làm trang trại theo Điều 9, Luật Đất đai là sử dụng các loại đất trong trang trại. Luật không khống chế hạn mức, sử dụng bao nhiêu, cấp có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận. Việc cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 142 của Luật Đất đai, khi trang trại đang sử dụng đất có nhu cầu cấp giấy chứng nhận, rà soát... xây dựng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo Thông tư số 10/ 2024 của Bộ TNMT. 

Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất là người giải đáp nhiều nhất về vấn đề đất đai mà các đại biểu đặt câu hỏi.

Về đất trồng lúa bị lấy đất để làm đường giao thông, trong trường hợp này chính quyền phải làm phương án bồi thường cho người dân, đây là nguyên tắc. Nếu đất còn lại nằm ở khu vực hẻo lánh hoặc không đủ các điều kiện canh tác như không có nước để trồng lúa thì địa phương phải có công bố chuyển đổi quy hoạch sang các mục đích khác.

“Địa phương họ băn khoăn là họ phải bảo vệ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia theo chỉ tiêu phân bổ. Chúng tôi đề nghị địa phương là phải quy hoạch theo điều kiện thực tế”, ông Chính nhấn mạnh.

Về loại Đất đa mục tiêu thì trong Luật Đất đai mới đã quy định rất rõ trong các loại đất rừng quy định: Cả 3 loại rừng đều được kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; những người được giao đất, giao rừng đều có quyền kết hợp phát triển du lịch dưới tán rừng, trồng cây dược liệu.

Xoay quanh câu chuyện lấy đất làm đường giao thông được ông Chính lý giải Luật Đất đai 2024 có rất nhiều điểm mới. Khi Nhà nước lấy đất cho các dự án làm đường thì phải đảm bảo cho người dân khi đến khu tái định cơ mới phải có hạ tầng kỹ thuật bằng chuẩn nông thôn mới; thứ hai, đảm bảo tiếp cận hạ tầng xã hội; thứ ba, ghi nợ chỗ cấp giấy là 5 năm (ghi nợ của bồi thường tái định cư này tới khi nào chuyển quyền); Tiếp theo trong việc giao đất tái định cư, giá đất lấy theo bảng giá tại thời điểm thu hồi đất chứ không chạy theo giá thị trường (Nhà nước thu hồi đất của người dân ở thời điểm nào thì phải tính giá ở thời điểm đó)…

Ngoài ra, về hỗ trợ đời sống sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo nghề đã có quy định rất cụ thể.

Ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đặt câu hỏi.

Về câu hỏi của ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), liên quan đến vấn đề thời gian tới, Nhà nước sẽ có cơ chế như thế nào để chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu đất đấu giá, góp phần tạo thêm nhiều nguồn quỹ đất đáp ứng như cầu của người dân? Theo ông Chính, thì người dân "không nên lo ngại quá" vì theo Luật Đất đai năm 2024, đã có những quy định rất "mới và mở". Nếu theo Luật Đất đai năm 2013, người dân có nhu cầu đất ở phải tham gia đấu giá nhưng tại điều 124 của Luật Đất đai năm 2024 quy định rất cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Trong đó, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không qua đấu giá trong các trường hợp sau đây:

Các trường hợp sau nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không qua đấu giá là các trường hợp giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà chưa được giao đất ở, nhà ở;

Bà Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc HTX chè Thịnh An, ở huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Giao đất ở cho cá nhân là giáo viên, nhân viên y tế đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa có đất ở, nhà ở tại nơi công tác hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Giao đất ở cho cá nhân thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;

Giao đất ở cho cá nhân thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;

Cho thuê đất đối với cá nhân có nhu cầu sử dụng diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 176 của Luật này; cho thuê đất đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy định tại điểm d khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 16 của Luật này;

Cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất;

Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc;

Nông dân cần có hướng dẫn bảo vệ môi trường vùng nông thôn

Trong những năm qua, Bộ TNMT luôn xác định Hội Nông dân các cấp là  lực lượng quan trọng trong triển khai các chiến lược, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành, trong đó: quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên nước; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là các nhiệm vụ được ưu tiên.

Bộ trưởng khẳng định, Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" với chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn", là dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế chính sách mới và quan trọng đến từng cấp Hội Nông dân, để từ đó lan tỏa đến từng bà con nông dân trên cả nước.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TNMT) trả lời các đại biểu xoay quanh vấn về phát thải làng nghề.

Trước những ý kiến nêu về việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, trong các làng nghề ở vùng nông thôn đến từ các đại biểu Hà Nội, Hà Giang, Thái Nguyên..., ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TNMT) cho biết, về phát thải làng nghề, trong luật BVMT đã hướng dẫn, mới nhất từ Luật năm 2020 đã quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ các cơ sở sản xuất kinh doanh thải ra phải xử lý. Hiện nay, việc xử lý chất thải trong các làng nghề còn hạn chế, trong khi cả nước có 2.000 làng nghề.

Vì vậy, trong luật đã quy định, chính quyền các địa phương đang khuyến khích bà con kinh doanh dịch vụ làng nghề phải đầu tư, xử lý chất thải hoặc chuyển vào 1 khu công nghiệp để dễ xử lý chất thải làng nghề. Chính sách này đã được áp dụng rất hiệu quả và xử lý được vấn đề môi trường.

Trả lời câu hỏi của ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An), Nông dân Việt Nam xuất sắc đang sản xuất, kinh doanh trên 1.000ha đất trồng chuối xuất khẩu, chăn nuôi... khi ông hỏi về xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp và cây công nghiệp, xử lý bao bì thuốc trừ sâu hoá học, ông Hoàng Văn Thức cho biết: Hiện công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và có thể chia thành các nhóm rác tái chế, rác hữu cơ, nhóm khác.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An) đưa ra câu hỏi về xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp và cây công nghiệp, xử lý bao bì thuốc trừ sâu hoá học.

Trong đó, khuyến khích địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện thu gom tập trung, chúng ta có thể hướng dẫn thu gom, tái chế rác hữu cơ tại gia đình. Đối với khu đô thị thì cần tập trung thu gom, phân loại, khu nào có khu thu gom sẽ hướng dẫn gia đình thu gom và phân loại xử lý ngay.

Vào các vụ thu hoạch lúa, nông dân tại các tỉnh hay đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, Cục đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu và có phương án thu gom và để đầu tư vào xử lý thành tài nguyên phục vụ sản xuất các sản phẩm khác rất hiệu quả. Đối với cây cao su, chúng ta đã có cơ sở để đưa về xử lý hiệu quả.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đang triển khai rất nhiều giải pháp để giảm phát thải. Trong tổng cơ cấu phát thải khí nhà kính thì phát thải lớn nhất là năng lượng chiếm đến 62%, sau đó là nông nghiệp.

Triển khai công tác giảm phát thải khí nhà kính, Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp rất tích cực. Thứ nhất, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo COP26 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch giảm phát thải đến 2030, trong đó có nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, đất. Bộ NN&PTNT cũng đang triển khai rất mạnh để ban hành các quy định mang tính chất hướng dẫn thực hiện giảm phát thải thấp, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp, Bộ cũng đang ban hành tín chỉ carbon.

Bà Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đặt câu hỏi tại diễn đàn.

Trong lâm nghiệp, các đối tác quốc tế đang rất chú ý đến nước ta với tiềm năng về rừng. Việt Nam đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng thương mại tín chỉ carbon rừng. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,86 triệu hecta, đạt tỉ lệ che phủ 42,02% và là lĩnh vực duy nhất phát thải ròng âm..

Trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các đối tác triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long. Qua 2 năm triển khai, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ NN&PTNT dần dần ra được tiêu chí hướng dẫn cụ thể để bà con thực hiện. Tôi mong rằng bà con nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp chúng ta sẽ cùng nhau làm nên những vấn đề từ bỡ ngỡ trở nên quen thuộc.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” tại Hà Nội.

Trả lời thêm về vấn đề bảo vệ môi trường vùng nông thôn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội NDVN cho biết, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp, trong đó hướng mạnh tới đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở, các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xuất sắc, các HTX làm những hạt nhân, nòng cốt tham gia các hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường ở nông thôn.

Ngoài đổi mới công tác tuyên truyền, Hội Nông dân Việt Nam cũng phối hợp với Bộ TNMT xây dựng các mô hình cụ thể. Đặc biệt, Hội Nông dân Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức quốc tế thực hiện xây dựng các mô hình hiệu quả, trong có có Dự án tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường. Hội Nông dân đã thực hiện hiệu quả Dự án áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường ở 26 tỉnh, thành. Điển hình như ở tỉnh Bắc Giang mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường đã nhân rộng với hơn 70.000 nông dân gia với diện tích hơn 7.100ha.

Bộ TNMT tập trung 6 giải pháp

Phát biểu kết luận Diễn đàn, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, ông Đỗ Đức Duy đã trân trọng cảm ơn ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ TNMT tổ chức và đồng chủ trì Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng này.

Diễn đàn đã lắng nghe, trao đổi và thảo luận với hơn 20 nhóm câu hỏi, ý kiến phản ánh với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm cao của cán bộ Hội Nông dân, các hội viên nông dân xuất sắc, các Hợp tác xã tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp... Các nội dung thảo luận tại Diễn đàn là sự chuẩn bị về nội dung quan trọng trước thềm Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân năm 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới đây.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói”.

Với tinh thần đó, ông Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tổng hợp, giải đáp, hướng dẫn kịp thời các câu hỏi, ý kiến chưa được trực tiếp trả lời tại Diễn đàn; đồng thời phối hợp, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Theo đó, Bộ trưởng đề ra 6 giải pháp trọng tâm:

Một là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Nông dân, hợp tác xã tích cực quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn xã hội nói chung và hội viên nông dân cả nước nói riêng về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai.

Hai là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn; tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, các nguy cơ suy giảm, cạn kiệt tài nguyên và đa dạng sinh học. Ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050.

Ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050.

Bốn là, thường xuyên cập nhật, hướng dẫn người dân, cộng đồng các kế hoạch, phương án phòng ngừa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, địa bàn trung du, miền núi. 

Năm là, tối ưu hóa việc đưa các diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng trong thực tế; kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển.

Sáu là, tập trung nguồn lực giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường nông thôn, đặc biệt là xử lý nước thải làng nghề; cải tạo, phục hồi môi trường các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm; thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu chất thải nhựa; tái chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ trong canh tác và phát triển kinh tế nông nghiệp; bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển.

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường chụp ảnh lưu niệm cùng các nông dân tham gia diễn đàn.

Bộ trưởng TNMT đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ TNMT và Hội Nông dân Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, rà soát các ý kiến, đề xuất đã nêu tại Diễn đàn để sớm giải quyết, xử lý dứt điểm, đồng thời tiếp thu, hoàn thiện trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách./.

Nghệ An: Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới
Hiệu quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nghệ An thực sự là luồng gió đổi mới, làm thay đổi căn bản diện mạo khắp các vùng nông thôn của tỉnh. Những kết quả đạt được này mang đậm dấu ấn, vai trò quan trọng của các cấp Hội Nông dân (HND) Nghệ An.