Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khu căn cứ Nước Oa: Sáng mãi ngọn cờ đấu tranh của nông dân miền Trung và Tây Nguyên

06:22 14/10/2021 GMT+7

60 năm qua, kể từ khi Hội Nông dân Giải phóng Trung bộ và Tây Nguyên được thành lập (năm 1961), Khu căn cứ Nước Oa đã trở thành nơi về nguồn của các thế hệ, tưởng nhớ về một thời oanh liệt của những nông dân áo vải. Khu căn cứ Nước Oa ở xã Trà Tân (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) nằm giữa núi rừng bạt ngàn, nay đã trở thành Khu di tích lịch sử cách mạng. Phát huy truyền thống hào hùng, nơi đây đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân nỗ lực vượt khó vươn lên.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập HND giải phóng miền Nam – khu vực miền Trung & Tây nguyên (21.4.1961 – 21.4.2021).

Hiện nay, mặc dù chưa có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhưng công tác tuyên truyền luôn được các cấp chính quyền xã Trà Tân quan tâm nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch. Cấp uỷ và chính quyền xã cùng các tổ chức đoàn thể đã và đang tiếp tục huy động các nguồn lực kết hợp với sự vận động nhân dân, chung tay góp kinh phí, nông sản ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng, chống Covid – 19.

Về nguồn ôn lại lịch sử hào hùng

Khu căn cứ Nước Oa là căn cứ địa cách mạng của cơ quan Khu ủy khu V, Bộ Tư lệnh Quân khu V và các cơ quan ban ngành khu V trong kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1960 -1973). Nơi đây, năm 1961, Hội Nông dân (ND) Giải phóng Trung bộ và Tây Nguyên được thành lập, phát triển và đấu tranh giành độc lập, tự do.

Hiện nay, quần thể Khu Di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) Trung Trung Bộ – Nước Oa đã được quy hoạch trên diện tích tổng thể hơn 700ha, trong đó đã có 10 điểm di tích, khu lưu niệm, bia tưởng niệm được phục dựng, xây mới với mục đích lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa đồng thời phục vụ tham quan, du lịch.

Theo BQL Khu DTLSCM Trung Trung Bộ – Nước Oa cho biết: Căn cứ Nước Oa gồm Khu di tích lịch sử Khu ủy Khu 5, căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu 5; Khu lưu niệm Ban Tổ chức Khu ủy Khu 5; Bia di tích của Ban Kiểm tra Khu ủy Khu 5, Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam Trung Trung Bộ, Hội ND miền Trung – Tây Nguyên; Khu di tích An ninh Khu 5, Đài tưởng niệm liệt sĩ Dân y Khu 5 và Khu sinh hoạt truyền thống thanh thiếu niên Nước Oa… Nơi này cũng là một trong những chứng tích ghi dấu một thời oanh liệt và hào hùng của quân và dân đất Quảng.
Năm 2021, kỷ niệm 60 năm thành lập Hội ND giải phóng miền Nam, Trung ương Hội NDVN đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Khu căn cứ Nước Oa. Đây cũng là dịp gặp gỡ, tri ân các thế hệ cán bộ, hội viên, nông dân đã có nhiều hy sinh nhằm khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống yêu nước sâu sắc của cán bộ, hội viên, nông dân trong mọi giai đoạn cách mạng.

Theo ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN, việc tổ chức buổi gặp mặt nhằm ôn lại truyền thống, lịch sử hình thành và phát triển của phong trào nông dân và của tổ chức Hội ND giải phóng khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đồng thời tri ân các thế hệ cán bộ, hội viên ND đã có nhiều hy sinh, vượt qua nhiều gian khổ, có công lao đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, xây dựng tổ chức Hội và phong trào ND.

Cũng theo ông Đinh Khắc Đính, là một tổ chức chính trị của nông dân miền Nam, Hội ND Giải phóng miền Nam đã kế thừa truyền thống cách mạng của Nông hội đỏ, Hội ND phản đế, Hội ND cứu quốc và Hội Liên hiệp Nông dân Tập thể. Phát huy thắng lợi trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, Hội đã nêu cao vai trò tiên phong, nòng cốt trong các phong trào ở nông thôn, vận động nông dân tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình hành động cách mạng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong mọi lĩnh vực, nhất là trong sản xuất và chiến đấu, trong thực hiện chính sách ruộng đất, là tổ chức xương sống ở nông thôn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Ngày nay, các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân cả nước tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp Nông dân và Hội NDVN, trong đó nêu cao vai trò trách nhiệm trước Đảng, Bác Hồ kính yêu, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục xây dựng Hội ngày càng trong sạch, vững mạnh, triển khai toàn diện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội VII Hội NDVN đã đề ra với mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Xã Trà Tân là điểm sáng trong xây dựng NTM của huyện Bắc Trà My và tỉnh Quảng Nam.

Sức bật từ vùng đất lịch sử

Về Bắc Trà My hôm nay, không chỉ cảm nhận những giá trị hào hùng một thời mà còn thấy rõ sự chuyển mình của đất và người nơi đây. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Nam, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Bắc Trà My đã từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung đầu tư phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện cho biết: 5 năm qua, Bắc Trà My dành 747 tỷ đồng đầu tư 508 công trình hạ tầng đưa vào phục vụ dân sinh. Nhờ đó, điện lưới quốc gia đã được kéo đến tất cả thôn. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 33,64%; gần 690 hộ dân ở địa bàn khó khăn, nguy hiểm sạt, lở núi được bố trí về nơi ở mới an toàn. Giai đoạn 2015 – 2020, bình quân hàng năm, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng 6,68%, thương mại – dịch vụ tăng 16,5%; tổng thu ngân sách trong 5 năm đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Là địa bàn của Căn cứ Nước Oa năm xưa, xã Trà Tân hôm nay đang nỗ lực vươn lên trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Xã Trà Tân có 4 thôn trong đó có 1 thôn toàn bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) với 355 hộ/1.359 khẩu. Những năm trước đây, đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 40%. Bởi vậy chính quyền và Hội ND xã luôn trăn trở tìm nhiều giải pháp tập trung phát triển kinh tế – xã hội cho vùng đồng bào DTTS.

Trong những năm qua, Hội ND đã phối hợp với UBND xã vận động bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá phù hợp với yêu cầu của thị trường. Tăng cường tập huấn, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để đưa giống mới, giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Hỗ trợ giống cây, con, vật tư phục vụ sản xuất cho các hộ gặp khó khăn, hộ nghèo, đặc biệt hỗ trợ cho đồng bào phát triển vay vốn sản xuất. UBND xã cũng các tổ chức đoàn thể huy động các nguồn lực kết hợp với sự vận động nhân dân chung sức để phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Nhờ đó, 5 năm qua kinh tế của Trà Tân đã có nhiều chuyển biến tích cực, điện đường, trường trạm được quan tâm đầu tư, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được đầu tư nhựa hóa và bê tông hóa khoảng 90%. Nhà máy nước sạch được xây dựng đáp ứng cho 100% người dân… Trà Tân đã tiếp tục viết thêm kỳ tích khi là một trong 2 xã đầu tiên của huyện hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới và được công nhận đạt chuẩn vào năm 2018.

Bình Châu