Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Liên kết 6 nhà – cần chủ động, tự nguyện và rõ ràng”

17:30 25/08/2018 GMT+7

Đó là ý kiến của rất nhiều chuyên gia trong buổi Tọa đàm “Liên kết 6 nhà – cùng hợp tác và phát triển cho nông sản Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội, ngày 25.8.2018, do Viện Ứng dụng Công nghệ và phát triển Nông nghiệp Việt Nam (VITAD – AGRI) tổ chức.

Tham dự có đại diện của 6 nhà bao gồm: Nhà nước, nhà nông, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối; ngoài ra còn có các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp tham dự.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Theo phát biểu đề dẫn của Ban tổ chức: Đây là cuộc Tọa đàm rất kịp thời và thiết thực để thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ở Vĩnh Long tháng 3.2018, phải có sự liên kết của 6 nhà: “Nhà nước, nhà nông, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối” và tai Hội nghị này Thủ tướng cũng  nhấn mạnh “làm ra nhiều mà không có thị trường, không có nhà phân phối thì không thành công”…

Mục tiêu của buổi Tọa đàm là làm rõ sự cần thiết và nội hàm của liên kết 6 nhà, điều kiện cần và đủ của các nhà để cùng hợp tác, cùng phát triển cho nông sản Việt Nam. Từ đó đưa ra các khuyến nghị, chính sách và tạo cơ chế để liên kết 6 nhà tốt nhất. Đồng thời cũng nhằm khởi tạo một số liên kết cho các nông sản cụ thể.

Việc liên kết giữa các nhà đã có sự chỉ đạo từ hàng chục năm nay, đầu tiên là quyết định 80/2012/QĐ-TTG đến quyết định 62/2013/QĐ-TTG về “chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn”. Tuy có nhiều chỉ đạo nhưng sự chuyển biến về chất trong sự hợp tác liên kết giữa các nhà còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn; nhiều hợp đồng bị phá vỡ do cả bên mua và bên bán gây ra khi giá cả hàng hóa nông sản trồi sụt thất thường. Thực tế, đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Ông Lê Văn Lanh – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ – Hà Nội) chia sẻ: HTX có 150ha trồng bưởi diễn theo tiêu chuẩn VietGAP và một số loại cây ăn quả, rau màu khác. Cái khó khăn nhất của HTX là tăng năng suất, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa tạo được thương hiệu. Chính vì thế rất cần Nhà nước trước tiên có quy hoạch vùng trồng sản phẩm, có chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đầu ra; đồng thời là sự hỗ trợ của các nhà khoa học về kỹ thuật chăm bón để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vì các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào thiên nhiên. HTX cũng rất cần các nhà đầu tư bắt tay hợp tác ngay từ giai đoạn đầu thì người dân sẽ có trách nhiệm với sản phẩm của mình.

Bà Nguyễn Thị Thuận – chuyên gia Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: Những nhà khoa học ngoài nghiên cứu các đề tài, chương trình có kinh phí Nhà nước cấp thì các đơn vị sản xuất lại chưa chịu đầu tư kinh phí cho nhà khoa học để họ nghiên cứu các sản phẩm ứng dụng cụ thể, hay ví như nông dân sản xuất rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần mô hình nhà lưới thì ngân hàng có chịu đầu tư không? Mô hình nhà lưới đó có được gọi là tài sản để thế chấp vay vốn hay không?…

Theo ông Phạm Hữu Văn – Đại diện T.Ư Hội Nông Dân VN cho rằng:  Trong mối liên kết 6 nhà thì Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng, nhà đầu tư (Doanh nghiệp) là cánh tay phải của mối liên kết này. Bởi vì, chỉ có doanh nghiệp mới có tiềm lực để đầu tư vốn, giống cho nông dân, tuyển dụng nhà khoa học hỗ trợ nông dân, tạo ra các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm để đưa ra thị trường.

Nhiều ý kiến từ đại diện của các nhà cũng đều có nhận định chung đó là: Trong chuỗi liên kết 6 nhà thì vai trò của tam giác liên kết gồm nhà nông, nhà đầu tư và nhà phân phối là mắt xích quan trọng nhất. Nhà nông là một chủ thể tạo ra của cải vật chất cho xã hội; nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ, đất đai và có tầm nhìn chiến lược trong phát triển sản xuất; nhà phân phối giải quyết đầu ra của sản xuất xã hội, nếu hệ thống phân phối rời rạc kém hiệu quả, không biết chia sẻ lợi ích hợp lý cho các thành phần trong chuỗi liên kết thì liên kết sẽ khó thành công; hàng hóa sẽ có lúc ứ đọng, dư thừa, và tiếp tục giải cứu. Đồng thời, trong tam giác liên kết giữa nhà nông, nhà đầu tư và nhà phân phối còn cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của các cơ quan nhà nước, các địa phương và của các nhà khoa học trong sản xuất và phân phối hàng hóa nông sản, để giảm bớt chi phí sản xuất phân phối, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Các chuyên gia cũng khẳng định thêm, liên kết 6 nhà trước tiên phải xuất phát từ sự nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của sự liên kết. Muốn liên kết được 6 nhà thì không phải chúng ta bỏ những củ khoai tây vào một túi là xong mà phải tạo ra sự liên kết một cách chủ động, tự nguyện và cam kết chặt chẽ rõ ràng. Các cuộc hội thảo thì nhiều nhưng khâu tổ chức thực hiện mới là quan trọng nhất rất cần một người nhạc trưởng để điều phối về vấn đề này.

Sơ đồ minh họa “Liên kết 6 nhà”

Thực tế hiện nay ở trên thị trường, mối quan hệ mua bán các loại hàng hóa nói chung và hàng nông sản Việt Nam nói riêng, còn có những hiện tượng khá phổ biến là bên sản xuất bị ép giá, ép cấp dẫn tới thua thiệt, còn khâu trung gian phân phối hưởng lợi nhuận khá cao một cách vô lý trên thị trường, nguyên nhân chính là chưa thiết lập được chuỗi liên kết 6 nhà trên cơ sở các quy định về phân phối lợi nhuận ở các khâu trong quá trình tái sản xuất xã hội mang tính chất pháp lý.

Đại diện của Siêu thị Hapro cho biết: Hapro muốn liên kết trực tiếp với nhà sản xuất để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục, chứng nhận sản phẩm, quy mô vùng nguyên liệu… thậm chí là cả đạo đức của người sản xuất.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và phát triển Nông nghiệp Việt Nam (VITAD – AGRI) nhấn mạnh: “Để các mặt hàng nông sản Việt đứng vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết 6 nhà bền vững, công khai, minh bạch và phải được kiểm soát. Có như vậy, các chuỗi liên kết sẽ góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất nông sản Việt Nam phát triển một cách nhanh và bền vững, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng”.

Lương Thủy