Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Long An: Quy tụ nhiều "kỹ sư chân đất" có giải pháp sáng tạo độc đáo

Tú San - Hoàng Giang - 19:55 10/10/2024 GMT+7
Phong trào sáng tạo của nông dân trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật tại tỉnh Long An đã tạo sức lan tỏa và thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia. Thông qua các cuộc thi, nhiều dự án, sản phẩm, giải pháp sáng tạo về khoa học công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã kêu gọi được đầu tư.

Trải qua 8 lần phát động, danh sách các sáng chế nhà nông của tỉnh Long An được nối dài bởi nghị lực, bản lĩnh, trí tuệ của những “kỹ sư chân đất”. Đó là những tấm gương điển hình của người nông dân thời đại mới, luôn không ngừng sáng tạo để thành công. Điểm chung đáng trân trọng của những “nhà sáng chế” nông dân này đều khởi nguồn từ những trăn trở, phải làm sao để cho cuộc sống người nông dân đỡ vất vả hơn, hiệu quả canh tác phải cao hơn. Từ đó, các giải pháp của người nông dân rất phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp…

Hầu hết các giải pháp, sản phẩm đều có ý tưởng từ thực tế trong sản xuất, vì vậy  có tính ứng dụng rất cao, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Những sáng tạo của những “kỹ sư chân đất”  rất gần gũi và đáp ứng được sự mong chờ của bà con nông dân.

“Máy vớt lục bình làm phân hữu cơ” của nông dân Ngô Nguyên Hồng (ấp Bà Mía, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) - Ảnh Hoàng Giang

Điển hình là giải pháp sáng tạo “Máy vớt lục bình làm phân hữu cơ” của nông dân Ngô Nguyên Hồng (ấp Bà Mía, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Từ thực tế lục bình trên sông, kênh, rạch dày đặc ảnh hưởng đến lưu thông đường thủy, cản trở dòng chảy gây ô nhiễm môi trường, sau gần 2 năm nghiên cứu, ông Ngô Nguyên Hồng đã chế tạo máy vớt lục bình làm nguyên liệu ủ phân hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Sáng tạo này được vinh danh giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An lần thứ VI, năm 2019-2020. Hiện máy vớt lục bình đã có mặt trên thị trường được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đón nhận, đặt hàng sản phẩm.

Thành quả này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho gia đình ông Hồng mà còn là dấu ấn mang đậm sự sáng tạo, góp phần vào hoạt động sáng tạo khoa học - kỹ thuật của địa phương ngày càng vươn xa, được Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp sáng tạo, hỗ trợ đăng ký bản quyền, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường.

Máy phun thuốc, rải phân, rải giống “3 trong 1” của nông dân Hồ Văn Gừa, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ  - Ảnh Hoàng Giang

Một sáng kiến độc đáo được đánh giá cao là của nông dân Hồ Văn Gừa, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ. Đó là “Máy phun thuốc, rải phân, rải giống 3 trong 1” kết hợp cùng lúc 3 chức năng trong phun phuốc bảo vệ thực vật,  rải giống, rải phân  áp dụng cho sản xuất lúa trên diện tích lớn. Sản phẩm này giúp nông dân tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ sức khỏe góp phần giải quyết việc thiếu hụt lao động tại nông thôn, giảm lao động chân tay. Sáng kiến đoạt giải Ba tại “Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An lần thứ VI”. Với giá khoảng 110 triệu đồng/chiếc, sản phẩm của anh Gừa làm ra không chỉ phục vụ gia đình mà còn được nông dân các địa phương lân cận mua, sử dụng.

Ngoài ra, còn có rất nhiều những sáng kiến, giải pháp có giá trị ứng dụng thực tiễn của người nông dân Long An như: Giải pháp “Nâng cấp máy xử lý nhanh phân chuồng và phân hữu cơ” của nông dân Đinh Văn Sơn ở xã Long Cang, huyện Cần Đước dùng phương pháp ủ phân chuồng để lấy khí biogas; giải pháp  máy cắt cây bắp và máy cắt cây mè xếp dãy phục vụ nông nghiệp của nông dân Phạm Thành Đồng (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, tiết kiệm thời gian, giúp nông dân hạ giá thành sản xuất, 1 ngày có thể thu hoạch từ 4-6ha/bắp và cắt 4ha cây mè mỗi ngày giảm bớt sức lao động 30- 40 lao động thu hoạch trong 1 ngày /1ha...

Để phục vụ cho người trồng thanh long, nông dân Huỳnh Công Cang ở thị trấn Thủ Thừa có giải pháp “Máy phun thuốc thanh long đa năng”. Máy được thiết kế nhỏ gọn di chuyển dễ dàng trong vườn thanh long, hệ thống điều khiển cầm tay cho phép tăng giảm ga, tiến lùi và chuyển hướng dễ dàng, người điều khiển có thể đứng cách xa 15m để thao tác nên đảm bảo sức khỏe khi phun thuốc. 

Giải pháp “Máy suốt đậu phộng” của nông dân Huỳnh Văn Nam ở xã Lộc Giang huyện Đức Hòa cũng là một sáng tạo thú vị, khi máy biết đưa cây đậu phộng đã nhổ gốc lên hệ thống băng chuyền để lấy thành phẩm đạt chất lượng, thay thế cho phương pháp thu hoạch truyền thống trước đây. 

Các "kỹ sư chân đất" của tỉnh Long An tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ VIII năm 2024 - Ảnh Hoàng Giang

Bà Huỳnh Ngọc Lệ - Trưởng Ban Xây dựng Hội, Hội Nông dân tỉnh Long An cho biết: “Trong giai đoạn chuyển đổi số, việc cần hỗ trợ cho những “kỹ sư chất đất” chính là giúp họ mau chóng tiếp cận với cơ sở dữ liệu số giúp tránh được việc mất thời gian, công sức đầu tư cho những phát minh đã có sẵn. Đồng thời với việc tham gia mạng lưới sáng kiến của tổ chức Hội , các địa phương và Hội Nông dân tỉnh đã nghiên cứu xây dựng các mạng lưới sáng kiến và những hoạt động kết nối liên quan tại địa phương, cũng với mục đích chung là chia sẻ và đóng góp để tạo nên thay đổi, vì một nông thôn Long An giàu có hơn”.

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông được Hội nông dân tỉnh Long An tổ chức 2 năm 1 lần, trung bình qua mỗi Hội thi, có 50-70 giải pháp tham gia. Hội thi đã tạo thành phong trào khơi dậy, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và thật sự là sân chơi trí tuệ bổ ích của nông dân ở nông thôn tỉnh Long An./.