Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Một thời “ăn nên làm ra” từ nghề nuôi trâu, bò vỗ béo ở Kỳ Sơn

Bùi Ánh - 13:19 02/09/2023 GMT+7
So với trước đây thì nay nghề nuôi trâu, bò hàng hóa tại các xã thuộc huyện Kỳ Sơn – Nghệ An đã trở nên hẩm hiu, người nuôi không còn mặn mà vì giá cả tụt dốc, người mua vắng bóng.

Những năm trước, nuôi bò vỗ béo như một phong trào nhà nhà cùng nuôi tại các xã Nga Ngoi, Mường Ải, Mường Típ, đặc biệt là Mường Lống, Nậm Cắn bình quân hộ ít cũng có dăm bảy con, nhiều hộ khá giả sở hữu vài chục con trâu, bò lực lưỡng trong chuồng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây việc nuôi bò không còn được hưng thịnh như xưa, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chủ đạo vẫn là thị trường đầu ra khan hiến, giá cả tụt dốc. Từ đó, thương lái cũng vì thế mà trở thành “lãng khách” với các xã miền biên viễn huyện Kỳ Sơn.

Anh Hờ Bá Khù – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Lống không khỏi nuối tiếc khi sinh kế của đồng bào trở nên ảm đạm như hiện nay

Điển hình như xã Mường Lống, nơi được xem là “cổng trời – nơi giao thoa giữa đất và trời”, thời tiết lúc nào cũng mát mẻ rất phù hợp để chăn nuôi và trồng cỏ nên những năm trước phần đa cấc hộ dân trong xã đều xem chăn nuôi trâu, bò là con đường sinh kế chủ đạo. Tuy nhiên, kể từ lúc bò từ Lào đổ xô về nội địa lớn kết hợp với nguồn thực phẩm trong nước dồi dào đã làm tụt dốc về nhu cầu thu mua của giới thương lái đến với vùng đất Mường Lống.

Thời ăn nên làm ra từ nghề nuôi trâu, bò hàng hóa “xã còn tuyên truyền, khuyến khích nông dân tận dụng các vùng đất trống, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn; Mở các lớp tập huấn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc; đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường trong chăn nuôi…Thời đó, nghề nuôi trâu, bò vỗ béo vừa tạo kế sinh nhai cho bà con, vừa bảo tồn được giống bò bản địa truyền thống; từng bước giúp người dân chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng”, anh Hờ Bá Khù – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Lống chia sẻ.

Bởi có nhiều triển vọng từ nghề này mà chính quyền các cấp huyện Kỳ Sơn cũng kỳ vọng nghề chăn nuôi trâu, bò hàng hóa sẽ là bệ phóng, giúp đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng biên, từng bước nâng tầm chất lượng cuộc sống cho đồng bào. Nếu như thời hưng thịnh, mỗi con trâu, bò vỗ béo được cánh thương lái thu mua từ 40 đến 60 triệu đồng thì nay chỉ còn phân nửa. Hơn nữa, nay đành phải xuất chuồng sớm với giá rẻ mạt. Không đủ kinh phí để tái đầu tư, đồng thời nhận thấy xuống tiền lúc này ẩn chứa quá nhiều rủi ro phần đa đã chuyển đổi nghề nghiệp, chỉ lác đác một số ít còn bám trụ nhưng số lượng tổng đàn giảm mạnh so với trước kia.

Nghề nuôi bò vỗ béo nay đã trở nên "vang bóng một thời" với các xã vùng biên huyện Kỳ Sơn

Trước cảnh vốn là cơ ngơi để gia đình bám víu và dốc toàn lực vào đàn bò, già làng Vừa Vả Giả, trú bản Mường Lống 1, xã Mường Lống tâm sự: Nuôi bình quân 15 - 20 con/ năm, sau khi xuất bán “trừ chi phí liên đới, trung bình mỗi con bò mang lại cả chục triệu đồng. Tầm 2 năm trở lại rất khó khăn, chung quy càng nuôi càng lỗ. Giá bò giống nhập vào vẫn cao, dao động từ 18 - 20 triệu đồng/ con, trải qua quy trình vỗ béo kéo dài 6 tháng đến 1 năm mới có thể xuất chuồng, tính ra chỉ lãi được vài ba triệu/con thì không bõ bèn gì. Ngày trước bán ba con thì được cả ba con, giờ bán ba con chỉ được hai con thôi, một con cho thương lái rồi.

Hay như trường hợp của ông Già Xìa Phổng ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống cũng tương tự. Giai đoạn 2018 – 2019 gia đình nuôi đến 28 con bò, nuôi theo hình thức cuốn chiếu, xuất lứa này lại nhập lứa khác vào thay thế, kinh tế khá giả từ nghề chăn nuôi nhưng nay đành phải rời quê lập nghiệp ở miền Nam chỉ trở về quê mỗi khi mùa mận chín để thu hoạch rồi lại cuốn gói vào Nam để mưu sinh.

Với mong muốn chăn nuôi trâu, bò hàng hóa là hành trình “đuổi nghèo” nơi miền biên viễn Kỳ Sơn nhưng nay đã trở thành “vang bóng”. Từ việc thị trường trâu, bò giảm sâu, thương lái giảm số lượng thu mua trong thời gian dài nên người dân cũng không mặn mà đầu tư nuôi trâu, bò. Người dân giảm đàn mạnh hoặc “treo chuồng” chờ thị trường phục hồi.