Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Liên kết "bền chặt" để nâng cao giá trị nông sản

Hoàng Tính - 07:16 21/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thực hiện chủ trương phát triển các mô hình kinh tế tập thể và sự chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân thành phố Bắc Giang, thời gian qua Hội Nông dân phường Đa Mai đã tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay trên địa bàn phường Đa Mai có 7 Hợp tác xã và 8 Tổ hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ.

Nâng cao những giá trị truyền thống

Phường Đa Mai thành phố Bắc Giang có lợi thế Làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm từ gạo. Năm 2010, Phường đã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là Làng nghề truyền thống Bún bánh Đa Mai và đây cũng là là 01 trong 07 Làng nghề có tuổi đời lâu nhất ở tỉnh Bắc Giang với trên 400 năm.

Các hợp tác xã đã góp phần nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế ở phường Đa Mai

Năm 2017, các sản phẩm như: Bún, bánh, rau củ quả... trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận thuộc nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiềm năng để người dân chủ động sản xuất phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Duệ - Chủ tịch Hội Nông dân phường Đa Mai cho biết: Phát huy những lợi thế đó cùng với việc thực hiện, triển khai Đề án số 09-ĐA/HNDT của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang về “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025”, Hội Nông dân phường Đa Mai đã tích cực triển khai chương trình nhằm hỗ trợ nông dân, hội viên nông dân trên địa bàn, phát triển sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao đời sống.

Để thuận lợi, Hội Nông dân phường Đa Mai đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, tạo sự chuyển biến sản xuất từ đơn lẻ sang liên kết, hợp tác, mở rộng quy mô theo hướng 5 tự “tự nguyện, tự chủ, tự giác, tự quản, tự chịu trách nhiệm” và 5 cùng “cùng mối quan tâm, cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ, cùng chia sẻ trách nhiệm và cùng có lợi”.

Từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân phường Đa Mai đã phối hợp tổ chức được 6 hội nghị tuyên truyền với trên 215 lượt người tham dự; tư vấn, hướng dẫn. Qua đó đã hỗ trợ thành lập 1 Hợp tác xã sản xuất dịch vụ Nông sản Bắc Giang với 30 thành viên và 5 tổ hợp tác với 41 thành viên. Hiện nay, hợp tác xã và tổ hợp tác đang hoạt động có hiệu quả, đã mang lại thu nhập tốt cho thành viên tham gia.

Hội Nông dân phường Đa Mai cũng đã đề nghị UBND thành phố Bắc Giang hỗ trợ đầu tư máy móc, trang thiết bị để sản xuất rượu và bún khô cho Hợp tác xã rượu Đa Mai và Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh bún bánh, nông sản sạch Đa Mai với tổng kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng và hỗ trợ 4 Hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu tập thể.

Trong quá trình hoạt động hằng năm, các Hợp tác xã đều được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân thành phố Bắc Giang phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang, Phòng Kinh tế thành phố Bắc Giang tổ chức, nhằm nâng cao năng lực điều hành hoạt động các mô hình kinh tế tập thể.

Hội luôn đồng hành cùng chủ thể

Nhiều năm tham gia cung ứng rau, củ, quả sạch cho các siêu thị, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh Bắc Giang, Hợp tác xã Dịch vụ nông sản sạch Bắc Giang tại khu Đồng Hòa (Tổ dân phố Mai Đình, phường Đa Mai) mỗi năm canh tác trên diện tích 15ha và cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn lúa, rau, củ, quả như: Dưa chuột, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, cà chua, và các loại rau ăn lá, rau gia vị...

Liên kết lại với nhau để nông sản phường Đa Mai ngày một phát triển

Bà Nguyễn Thị Cương - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông sản sạch Bắc Giang chia sẻ: Sau khi thành lập được Hợp tác xã, các thành viên chúng tôi đã chủ động liên kết lại với nhau để cùng sản xuất. Hiện nay Hợp tác xã đang tập trung sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi trở thành thành viên của Hợp tác xã, chúng tôi đã chủ động trong việc cùng nhau tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, bảo đảm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa; dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học, phân bón hữu cơ và vi sinh. Cũng chính từ đó mà sản phẩm của Hợp tác xã đưa ra thị trường luôn được người tiêu dùng chấp nhận.

Cũng ở trên địa bàn phường Đa Mai thời gian qua các thành viên của Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh bún bánh Nông sản sạch Đa Mai cũng rất thuận lợi trọng quá trình sản xuất kinh doanh, bởi từ khi thành lập được Hợp tác xã, ban Giám đốc đã chủ động trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu, thị trường đầu ra vì vậy các thành viên Hợp tác xã chỉ cần liên kết chặt chẽ với nhau để sản xuất, tạo ra sản phẩm tốt nhất, đảm bảo theo đúng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, Hội Nông dân phường Đa Mai còn tích cực phối hợp, tư vấn, hỗ trợ các chủ thể trên địa bàn có sản phẩm đặc sắc tham gia chương trình OCOP. Đến hết năm 2022 trên địa bàn phường Đa Mai đã có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, trong đó số sản phẩm được Hội Nông dân phường Đa Mai tham gia hỗ trợ chiếm 50%.

Năm 2023, Hội Nông dân phường Đa Mai đã chủ động phối hợp với 03 chủ thể rà soát đăng ký xây dựng 06 sản phẩm (Hợp tác xã Rượu Đa Mai với 2 sản phẩm Mỹ Tửu Tẻ và Mỹ Tửu Nếp; Hợp tác xã Bún bánh sạch Thắng Thủy Đa Mai với 2 sản phẩm Bún Tươi sạch, Bánh phở tươi; Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh bún bánh nông sản sạch Đa Mai với 2 sản phẩm Bánh Cốm, bánh phu thê). Đến nay các chủ thể xây dựng và hoàn thiện 4 hồ sơ tham gia dự thi OCOP đợt 1 năm 2023 là: Bún tươi Sạch, bánh cốm, bánh phu thê và rượu Mỹ Tửu.

Đồng thời, Hội Nông dân phường Đa Mai đã tích cực phối hợp với các phòng, ngành của thành phố Bắc Giang và các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử hay qua zalo, facebook, Westie... Từ đó ngày càng có nhiều người biết đến những sản phẩm của Hội viên nông dân phường Đa Mai sản xuất.

“Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP nhiều sản phẩm ở phường Đa Mai đã có giá trị kinh tế được nâng cao, doanh số bán hàng tăng từ 20-50%. Các sản phẩm của Đa Mai đã ngày càng được bày bán ở nhiều: Cửa hàng tiện ích, siêu thị lớn ở nhiều địa phương (Bắc Giang, Hà Nội, Đà Nẵng…). Đúng là chỉ có liên kết bền chặt lại với nhau thì sản phẩm ở Đa Mai mới phát triển tốt được như vậy”, bà Duệ phấn khởi cho hay.