Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhiều hoạt động nhân văn đến với nông dân thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm qua

Kiều Anh - 07:55 13/07/2023 GMT+7
(Tapchinonghtonmoi.vn) Nhiệm kỳ 2018-2023, là một nhiệm kỳ đầy khó khăn, thử thách với các cấp Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh. Để vượt qua gian khó đó, tiếp sức cho hội viên nông dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, Hội đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn. Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Xuân, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh về những hoạt động mà Hội đã thực hiện được trong nhiệm kỳ qua.

PV: Nhiệm kỳ 2018-2023, TP Hồ Chí Minh là tâm điểm của dịch Covid-19, để duy trì các hoạt động, công tác Hội đồng thời hỗ trợ hội viên nông dân phòng, chống dịch, tiếp tục sản xuất, Hội Nông dân (ND) thành phố đã gặp khó khăn gì và làm thế nào để vượt qua khó khăn đó, thưa bà?

Bà Nguyễn Thanh Xuân: Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội ND TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian năm 2020 và 2021 địa bàn TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 phải cách ly triệt để đã làm cho công tác Hội gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên ND bị gián đoạn; hàng hóa thiết yếu, vật tư nông nghiệp khan hiếm nên tăng giá rất nhanh, đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐVCC

Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết và năng động sáng tạo của cán bộ, hội viên ND TP Hồ Chí Minh, các cấp Hội đã có những hoạt động sáng tạo để duy trì sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất.

Trong  công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình nhân dân, các cấp Hội ND Thành phố đã quan tâm chủ động đẩy mạnh tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, chương trình truyền thanh, duy trì hình thức loa lưu động đến tận ấp, khu phố, từng hội viên, nông dân để truyền tải kịp thời, đầy đủ các thông tin tuyên truyền; Tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên ND và gia đình tham gia tiêm phòng vaccine, xét nghiệm sàng lọc theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương; tích cực thi đua giữ vững và “mở rộng vùng xanh”, “bảo vệ vùng an toàn” trên bản đồ phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Hội ND Thành phố thành lập nhóm zalo “Dư luận xã hội COVID-19” kết nối đến Hội ND Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và xã, phường, thị trấn để tiếp nhận thông tin phản ánh của cơ sở kịp thời; cùng Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn tiếp nhận thông tin của người dân gặp khó khăn, phối hợp thống kê, thẩm định và cung cấp các túi an sinh xã hội theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương.

Ban Thường vụ Hội ND Thành phố đã tập trung lãnh, chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện tốt Chương trình “Nghĩa tình nông dân Thành phố Hồ Chí Minh” đồng hành kết nối, tiêu thụ nông sản và chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” vừa tập trung kết nối, hỗ trợ hội viên ND, các tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm vừa quan tâm chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho hội viên ND và người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; song song đó, chương trình “Kết nối biên cương” đã lan tỏa nghĩa tình của các cấp Hội ND tại Thành phố tiếp sức cho các hộ hội viên ND tại các tỉnh giáp biên giới nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

PV: Xin bà cho biết những chương trình, hoạt động cụ thể mà HND TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện?

Bà Nguyễn Thanh Xuân: Trong đợt dịch COVID-19, Hội ND thành phố đã phát động, nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch. Cụ thể như: Hội ND các cấp thực hiện Chương trình “Nghĩa tình Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh” đồng hành kết nối, tiêu thụ nông sản và chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”. Kết quả đã thực hiện vận động chăm lo, trao tặng 71.271 phần quà, 72.136 suất ăn, 1.475,83 tấn gạo, nông sản, rau củ, quả, trái cây các loại, 140.070 quả trứng, 8.895 thùng mì, 4.708 thùng sữa tươi, nước suối, nước ngọt; 43,09 tấn thịt, cá, tôm các loại; 1.750 đồ bảo hộ lao động; 1.620 tấm chắn bọt; 100 hộp khẩu trang y tế; 7.500 khẩu trang N95; 250 chai dung dịch khử khuẩn; 1 máy phun khử khuẩn; 440 lít dung dịch khử khuẩn; 500 bình xịt cồn khử khuẩn; 18 áo đi mưa; 50 vỏ bình oxy….  cho cán bộ, hội viên, ND có hoàn cảnh khó khăn, điểm cách ly, phong tỏa, trực chốt, bệnh viện dã chiến với tổng số tiền 37,44 tỷ đồng và 5,82 tỷ đồng tiền mặt; từ Quỹ Dân số Liên Hợp quốc với số tiền 30,14 tỷ đồng;  vận động các hội viên nông dân giảm giá tiền thuê 5.456 phòng trọ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền miễn giảm là 2,66 tỷ đồng.

 

Cùng với đó, Chương trình “Nghĩa tình nông dân Thành phố Hồ Chí Minh” đồng hành kết nối, tiêu thụ nông sản và chăm lo người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ chương trình đã góp phần hỗ trợ kết nối đưa nông sản của hội viên ND ngoại thành vào phục vụ cho nhu cầu người dân nội thành đang thực hiện giãn cách xã hội. Đã xúc tiến hỗ trợ tiêu thụ được hơn 3.122,51 tấn nông sản, 78.500 trứng gà, vịt với tổng giá trị thành tiền hơn 113,98 tỷ đồng. Kết nối, hỗ trợ tiêu thụ 29,75 tấn nông sản; 63.000 trứng gà, vịt của các tỉnh, thành với số tiền 408,35 triệu đồng.

Tăng cường quảng bá, tiêu thụ nông sản thông qua các kênh xúc tiến thương mại, dịch vụ, nhất là thương mại điện tử; triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản. Đảm bảo hệ thống giao thông vận tải thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; không để ách tắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Song song đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn của hộ hội viên ND đang vay vốn nguồn quỹ hỗ trợ ND các cấp, giảm lãi suất cho vay nguồn vốn Quỹ hỗ trợ ND thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (161 hộ vay), miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay (2.631 hộ vay)…

PV: Được biết trong nhiệm kỳ qua Hội ND  TP Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, nhất là việc tổ chức các chương trình như “Tết nghĩa tình”, hội thi “Tiếng hát trên Vành đai xanh”… xin bà chia sẻ những kinh nghiệm và bài học ý nghĩa rút ra từ những hoạt động này đối với phương thức hoạt động của Hội?

Bà Nguyễn Thanh Xuân: Trong nhiệm kỳ qua, Hội ND Thành phố đã tập trung triển khai nhiều mô hình, giải pháp đổi mới trong hoạt động nhằm nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào ND Thành phố, có thể kể đến như các giải pháp đa dạng phương thức tuyên truyền truyền thông qua trang tin điện tử, các trang mạng xã hội do Hội quản lý; nâng cao chất lượng bài viết Bản tin Vành Đai Xanh; thực hiện các ấn phẩm và thiết kế Infographic tài liệu tuyên truyền, thiết kế Logo, Avatar Trang mạng xã hội thu hút sự chú ý và theo dõi của hội viên, ND; phát sóng trực tiếp các chương trình, hội nghị, hoạt động Hội trên trang Fanpage để đông đảo cán bộ, hội viên ND theo dõi; phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố thực hiện chuyên mục “Nông nghiệp hiện đại văn minh” và phối hợp Đài Truyền hình Thành phố thực hiện chuyên mục “Nông nghiệp hiện đại - nông thôn văn minh” phát sóng định kỳ; xây dựng chuyên mục “Hỏi đáp, tư vấn nhà nông” trên trang tin điện tử chia sẻ và kết nối thông tin giữa các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng kịp thời giúp hội viên, nông dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là các hội thi, hội thao như Hội thao ND thành phố, hội thi Tiếng hát trên Vành đai xanh, hội thi biểu diễn tiểu phẩm hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… đã góp phần tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách, đồng thời góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của hội viên ND.

Chương trình “Tết Nghĩa tình” tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động an sinh xã hội của Hội ND Thành phố và được Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đồng thuận, các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, cán bộ, hội viên ND  ủng hộ. Với nguồn kinh phí vận động được đã góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn cho hội viên ND nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của Thành phố và lan tỏa nghĩa tình hỗ trợ hội viên ND các tỉnh, thành thông qua chương trình “Kết nối biên cương”.

PV: Nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, tuy vậy lĩnh vực nông nghiệp vẫn có cơ hội phát triển tốt, để Hội Nông dân TP tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên nông dân thì nhiệm vụ, giải pháp đột phá nào của Hội Nông dân TP được đặt ra, thưa bà?

Bà Nguyễn Thanh Xuân: Hội ND là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên ND. Điều này được quy định tại điều 9, Hiến pháp 2013 và Điều lệ Hội NDVN.

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Ban Thường vụ Hội ND Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai, thực hiện nhiều nội dung liên quan đến công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, ND và đạt được một số kết quả cụ thể. Nhiệm kỳ 2023 – 2028, Hội ND Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đột phá trong công tác chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên ND như: Chỉ đạo Hội ND các cấp thực hiện kế hoạch số 124-KH/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy trong đó tập trung khuyến khích cán bộ Hội có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách về nông nghiệp, ND, nông thôn làm ảnh hưởng đến đời sống của hội viên, ND; những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội ND Thành phố Hồ Chí Minh thăm mô hình nuôi trùn quế làm giá thể trùn quế, làm phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: ĐVCC

Hội ND thành phố tiếp tục công tác chăm lo cho hội viên, ND, con em ND khó khăn thông qua Chương trình “Tết nghĩa tình”. Không chỉ chăm lo về vật chất, Hội ND Thành phố đặc biệt quan tâm chăm lo phương tiện sinh kế, công tác đào tạo nghề, công tác hỗ trợ ND về vốn, kỹ thuật, quảng bá, chuyển giao khoa học kỹ thuật ... Và còn nhiều hoạt động chăm lo về sức khỏe, tinh thần.

Về công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng  của hội viên nông dân, Ban Thường vụ Hội ND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều tuyến nội dung, nhiều đầu việc như:

Thứ nhất, Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm cho hội viên, nông dân biết, hiểu, tin và làm theo đúng các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, Thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, các bức xúc của hội viên nông dân thông qua hệ thống Hội ND cơ sở, các chi, tổ hội, các tổ dư luận xã hội, nhóm công tác phụ trách địa bàn. Định kỳ chỉ đạo các đơn vị tổng hợp các khó khăn, kiến nghị và tham mưu tổ chức hội nghị tiếp xúc với cấp ủy, chính quyền địa phương để lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn tháo gỡ kịp thời cho hội viên, nông dân.

Thứ ba, Tiếp tục phát huy vai trò của hội viên ND tham gia giám sát cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai thực hiện các quy định, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua tổ chức Hội. Qua đó tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách với Đảng và Nhà nước về những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và đời sống nông dân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân.

Thứ 4, Định kỳ, Hội ND Thành phố tổng hợp, rà soát các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, các khó khăn, bức xúc của hội viên nông dân và tiếp tục kiến nghị hoặc thành lập đoàn giám sát cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết, trả lời các ý kiến của hội viên, nông dân.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

 

TỪ KHÓA #công tác hội
  • Infographic diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ
    Tròn 70 năm, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm 'khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt', chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
  • Quy định mới về xử phạt vi phạm khai thác thủy sản
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Chính phủ ban hành Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2024. Nhằm giúp ngư dân có thông tin mới, tránh vi phạm để bị xử lý và quan trọng hơn là gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này.
  • Hiệu ứng “Sell in May” đối với thị trường chứng khoán Việt Nam
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có một tuần giao dịch tăng điểm với ghi nhận phục hồi ở phiên ngày Thứ Năm và Thứ Sáu. Phiên cuối cùng, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.221,03 điểm (+11.51 điểm, +0.95%). Tuy thị trường tăng điểm nhưng thanh khoản giao dịch thấp hơn so với mức trung bình của 20 tuần trước. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng với số tiền là 315,27 tỷ đồng chỉ trong hai ngày 02-03/05/2024.
  • Nông dân Cao Bằng góp sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Phát huy vài trò của mình, những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã tích cực vận động cán bộ, hội viên phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đóng góp vật chất, ngày công chung sức thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
  • Khai trương Trung tâm Báo chí Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chính thức khai trương nhằm bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh trật tự phục vụ hoạt động của phóng viên trong nước và nước ngoài; tổ chức điều hành, hướng dẫn báo chí tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm. Trụ sở Trung tâm Báo chí được đặt tại tầng 3 Trung tâm Hội nghị tỉnh Điện Biên.