Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát huy giá trị truyền thống, xây dựng thế hệ nông dân mới xứng đáng với vai trò “chủ thể” của nông thôn mới

06:00 14/10/2021 GMT+7

Lời Toà soạn: Nhân dịp Kỷ niệm 91 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2021), đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có bài viết chuyên đề “Phát huy giá trị truyền thống, xây dựng thế hệ nông dân mới xứng đáng với vai trò “chủ thể” của nông thôn mới”. Tạp chí điện tử Làng mới xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết này tới cán bộ, hội viên nông dân và quý bạn đọc.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức phát động Chương trình “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình” để ủng hộ đồng bào miền Nam chống dịch Covid-19. Ảnh: Trần Quảng

Với những nỗ lực quyết liệt trong phòng chống đại dịch Covid-19 dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tinh thần đoàn kết một lòng của các tầng lớp nhân dân cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư ở nước ta đã từng bước được kiềm chế. Mặc dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp, hoạt động phục hồi sản xuất và đời sống người dân vẫn gặp khó khăn, nhưng trên tổng thể, công tác phòng chống dịch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều địa phương đã kiểm soát dịch bệnh, chuyển dần sang trạng thái bình thường mới.

Trong bối cảnh ấy, chúng ta cùng ôn lại lịch sử 91 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2021) để một lần nữa thấu hiểu những giá trị cốt lõi của người nông dân và tổ chức Hội, thông qua đó tiếp tục gìn giữ, phát huy những truyền thống quý giá và hướng tới dựng xây thế hệ người nông dân mới, xứng đáng với vai trò “chủ thể” của nông thôn mới. Chúng ta vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19, giúp nhau khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

1. Vai trò, vị trí chính trị của giai cấp Nông dân từ khi có Đảng lãnh đạo

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đến đầu thế kỷ XX, người nông dân vẫn luôn chiếm tuyệt đại đa số (trên 90% tổng dân số). Ngày nay, khi nhân loại đã bước vào cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, mặc dù nước ta đã có những bước tiến dài trong thời đại mới, chúng ta vẫn còn trên 65% dân số làm nông nghiệp, sống ở khu vực nông thôn. Người nông dân vẫn đang là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội. Vì vậy, khi nói Nhân dân là người đẩy bánh xe lịch sử, là người sáng tạo ra văn hoá, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, điều đó cũng đúng với giai cấp Nông dân Việt Nam. Lịch sử các triều đại phong kiến nối tiếp nhau trong quá khứ đã chứng minh sự thật ấy một cách sinh động, cho dù quan điểm của nhiều nhà viết sử phong kiến trước đó thường có xu hướng tôn cao địa vị hoàng tộc và làm mờ đi vai trò, sức mạnh kiến tạo lịch sử của giai cấp Nông dân.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 03/02/1930, vai trò, vị trí của người nông dân Việt Nam đã được nhìn nhận đúng đắn và toàn diện hơn bất kỳ thời đại nào trong lịch sử trước đó. Giai cấp Nông dân được Đảng chính thức đặt vào vị trí chính trị nền tảng, trở thành một bộ phận chủ chốt của liên minh Công – Nông và đội ngũ trí thức, do giai cấp Công nhân lãnh đạo. Lực lượng ấy đã được tổ chức thành đội quân kiên trung và mạnh mẽ, thực hiện thành công cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc và Cách mạng dân chủ nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào năm 1945 (nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam); đánh đuổi thực dân, đế quốc ra khỏi bờ cõi, thu giang sơn về một mối vào (1975); đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội, từng bước Đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và dần bắt kịp dòng phát triển chủ lưu của thế giới.

Hội Nông dân TP.HCM trao tặng các nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng Covid -19 tại quận 12. Ảnh Tư liệu

Nhìn nhận về vai trò và sức mạnh của giai cấp Nông dân, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, người sáng lập và huấn luyện Đảng ta từ những ngày đầu của Cách mạng, đã có những nhận định rất sâu sắc. Ngay từ rất sớm, trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), Người đã nhìn thấy: “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng, thì phải tổ chức nhau kiếm đường giải phóng”, lúc đó, Người gọi tổ chức cần có ấy là “Tổ chức dân cày”. Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ Nông dân Cứu quốc toàn quốc (tháng 11/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp Công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh…”. Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Ba, khóa II (năm 1952), một lần nữa Người đã khẳng định: “Nông dân là tối đại đa số trong Nhân dân nước ta, là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến… Vai trò, vị trí của giai cấp Nông dân và tổ chức Hội đã được khẳng định thống nhất trong nhiều văn kiện quan trọng khác của Đảng trong suốt 9 thập kỷ qua.

Trên cơ sở hoạt động của Nông hội đỏ và phong trào cách mạng trong nước, tại Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp vào tháng 10/1930 tại Hương Cảng đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp Nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, tổ chức Hội đã nhiều lần thay đổi tên gọi và hình thức tổ chức, phương thức hoạt động khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.

2. Sức mạnh của giá trị truyền thống trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay

Xuyên suốt hơn 9 thập kỷ, thông qua các phong trào yêu nước của giai cấp Nông dân và hoạt động của tổ chức Hội, chúng ta đã đúc kết được nhiều bài học quý, đồng thời gìn giữ và bồi đắp những giá trị cốt lõi được thừa kế qua nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Trong đó có những giá trị cốt lõi, vốn tưởng như trở về trầm lặng và lắng xuống trong cuộc sống ngày thường, lại trở nên có sức sống vô cùng mạnh mẽ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước ta trong gần 2 năm qua.

Thứ nhất, đó là lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc của người dân 63 tỉnh thành, của 54 dân tộc anh em trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Trong những biến cố lớn của đất nước, sức mạnh tinh thần đó kết hợp với niềm tin chính trị đã trở thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn. Đoàn kết dân tộc không phải ngẫu nhiên mà có, sức mạnh đó bắt nguồn từ truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trước muôn ngàn thử thách từ thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh và những biến cố lớn của cộng đồng. Khi đại dịch Covid-19 đe doạ đến an nguy của người dân cả nước, một lần nữa đoàn kết toàn dân tộc lại kết thành làn sóng mạnh mẽ, người nông dân đã kề vai sát cánh cùng cả nước vượt qua khó khăn thách thức, đồng sức đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ thực hiện tốt các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Thông qua hoạt động của các cấp Hội trong cả nước, tính đến cuối tháng 9/2021, các cấp Hội đã cử cán bộ và vận động hội viên nông dân tự nguyên tham gia và duy trì hoạt động của hơn 62.000 tổ Covid-19 cộng đồng, hơn 25.400 tổ nhân dân tự quản “Giữ chặt vùng xanh” và hơn 14.000 tổ xung kích tình nguyện để giúp chính quyền địa phương và ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chương trình “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, vận động cán bộ hội viên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội chống dịch với khối lượng trên 9.600 tấn nông sản, gần 180 tỷ đồng tiền mặt và giá trị hàng hoá thiết yếu. Hiện nay, Chương trình vẫn được tiếp tục và đã có thêm hơn 3.000 tấn nông sản, tiền mặt cùng cùng vật tư hàng hoá được đăng ký quyên góp trị giá hơn 31 tỷ đồng để giúp đỡ, hỗ trợ người dân khó khăn vùng dịch bệnh.

Mặc dù các nguồn lực vật chất của đất nước nói chung, của người nông dân nói riêng cho phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, nguồn vaccine phòng bệnh Covid-19 của chúng ta vẫn chưa chủ động được, nhưng những kết quả quan trọng bước đầu mà chúng ta giành được trong 2 năm qua chứng tỏ sức mạnh tinh thần yêu nước, đại đoàn kết cộng đồng đã trở thành nhân tố quan trọng, giữ vai trò liên kết, chuyển hóa các nhân tố khác về kinh tế – xã hội, văn hóa, quân sự, an ninh, đối ngoại thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh “chống dịch như chống giặc” vừa qua.

Thứ hai, đó là tinh thần đồng cam cộng khổ, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn. Đây là những đức tính đã được hun đúc, kết tinh rõ nét nhất ở các cộng đồng cư dân nông thôn, trở thành bản sắc văn hóa của người Việt Nam. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Lẽ sống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh tiếp tục được gìn giữ, bồi đắp và lan toả, như dòng suối ngầm trong trẻo, không hề vơi cạn. Trong kháng chiến, tình đồng chí, đồng đội, nghĩa đồng bào lại thắm đượm khi “củ sắn chia đôi”, “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”… Trong các hoạt động cứu trợ sau thiên tai bão lũ và những thảm họa khác, việc sẻ chia đùm bọc lẫn nhau không chỉ được thực hiện tại chỗ, mà đã trở thành phổ biến trong phạm vi cả nước, tỉnh này giúp tỉnh khác, vùng này giúp vùng khác, trở thành một nét văn hóa ứng xử đẹp của cuộc sống hôm nay.

Trong những tháng ngày đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đặc biệt trong 3 tháng vừa qua, tinh thần ấy lại bừng dậy đối với người nông dân cả nước thông qua các hoạt động góp tiền của, công sức và nông sản tiếp tế. Các cấp Hội ở cơ sở đã cử cán bộ tham gia và vận động hàng ngàn hội viên nông dân “vùng xanh” tham gia giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng thực phẩm, nấu ăn tại các khu vực phong toả, các điểm cách ly ở các địa phương. Nhiều mô hình sáng tạo của nông dân đã được thực hiện có hiệu quả như “Tổ hỗ trợ nông vụ”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, mô hình “Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân”… được phát triển, nhân rộng và có sức lan toả mạnh mẽ. Các cấp Hội đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng chục vạn tấn nông sản tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều điển hình cá nhân nông dân trong nước đã tình nguyện đóng góp tài sản gia đình như tiền tiết kiệm dưỡng già, ao cá, vườn cây, quyền sử dụng đất… trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí có nông dân đóng góp trị giá hàng tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch Covid-19 mà không hề có một đòi hỏi gì ưu ái cho mình. Lẽ sống cao đẹp ấy, trách nhiệm cá nhân vì cộng đồng ấy của nhà nông đã nhân lên rất nhiều niềm tin ấm áp cho cộng đồng.

Thứ ba, đó là tinh thần lạc quan, sức chống chịu bền bỉ, kiên cường bất khuất khi đối diện với khó khăn thử thách của người nông dân. Trong quá trình đấu tranh với thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh để sinh tồn và phát triển, cộng đồng các dân tộc nước ta đã đối diện với vô số thử thách khắc nghiệt. Ngay trong thế kỷ XX, chúng ta đã phải đối đầu với những đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới, từng phải chịu nạn đói với hơn 2 triệu người chết, thiên tai, bão lũ hàng năm đe dọa lấy đi cuộc sống của nhiều người… Nhưng vào những lúc tận cùng của khó khăn, người Việt Nam nói chung, người nông dân nói riêng đã bộc lộ sức chống chịu bền bỉ, kiên cường bất khuất và tinh thần lạc quan mạnh mẽ. Ngay cả khi thiên tai, nhân hoạ lấy đi hầu hết những gì có trong tay, người nông dân vẫn động viên nhau đứng dậy: “Chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Nếu không có tinh thần lạc quan và sức chống chịu bền bỉ ấy, nông dân Việt Nam khó có thể vượt qua nạn đói 1945 để làm một cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại; khó có thể hoàn thành một khối lượng vận tải khổng lồ thông qua “binh chủng xe thồ” trong chiến dịch Điện Biên Phủ hay hoàn thành tốt vai trò hậu phương lớn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nếu không có tinh thần lạc quan, bền bỉ kiên cường ấy, cộng với sự cần cù sáng tạo, khó có thể có những “khoán chui”, “khoán hộ” làm tiền đề cho Đảng ta nghiên cứu, tổng kết thành Nghị quyết “Khoán 10” vào năm 1988… Chính người nông dân là nhân vật chính tạo nên những đổi mới trong nông nghiệp của thập niên 60, 70 và 80 của thế kỉ XX. Và những đổi mới trong nông nghiệp đã mở đầu cho tiến trình Đổi Mới toàn diện của cả nước với những thay đổi vô cùng to lớn trong hơn 30 năm qua.

Trong đại dịch Covid-19, kinh tế nông nghiệp có những tổn thất lớn. Nông sản làm ra nhiều nhưng bị nghẽn dòng lưu thông phân phối ra thị trường. Việc phòng chống dịch cũng ảnh hưởng đến duy trì lực lượng công nhân tại nhiều nhà máy chế biến nông sản ở các tỉnh phía Nam, làm giảm năng suất chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, tổ chức Hội cũng như phần lớn hội viên nông dân trong cả nước đã không ỷ lại vào sự hỗ trợ, cứu trợ của Nhà nước, mà chủ động tìm giải pháp tiêu thụ nông sản. Các cấp Hội cũng đã có nhiều giải pháp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản cho nhà nông bằng các hình thức “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân”, “Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân” và nhiều hình thức khác, đồng thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong việc thiết lập các “luồng xanh” hỗ trợ lưu thông nông sản nhanh từ nông thôn đến các vùng đô thị.

Nông dân ứng dụng máy móc từ khâu gieo sạ đến thu hoạch lúa ở Long An. Ảnh: H.P

Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, khu vực nông thôn vừa trở thành “hậu phương lớn”, vừa là quê hương bao dung nhân ái đón những người khó khăn từ thành phố trở về, làm dịu, chữa lành những tổn thất, mất mát. Nông nghiệp dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đã không thể làm cho người nông dân cả nước mất tinh thần. Ngược lại, họ vẫn tiếp tục làm được điều quan trọng cho đất nước: Giữ được sự lạc quan, tin tưởng vào an ninh lương thực, ổn định xã hội và “trụ đỡ” vững vàng khi nền kinh tế gặp rung lắc, khó khăn. Sự lạc quan ấy hoàn toàn có cơ sở, khi tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ được mức tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Riêng xuất khẩu nông, thuỷ sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao sau 7 tháng vừa qua (tăng 15,2%, đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD.

Bên cạnh những giá trị cốt lõi đã toả sáng trong đại dịch Covid-19, người nông dân Việt Nam vẫn còn có nhiều truyền thống tốt đẹp khác như ý thức tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, tự tôn dân tộc, trọng tình, trọng nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhân văn chung thuỷ, tôn sư trọng đạo… Đó là những vốn quý, những “kháng thể” tinh thần vô giá trong hành trang của người nông dân Việt Nam nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung trên con đường đạt đến mục tiêu quốc gia công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 (mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước) mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

3. Khơi dậy khát vọng và phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Để tiếp tục gìn giữ, phát huy, khơi dậy những phẩm chất cao đẹp của người nông dân trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế hiện nay, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam chúng ta cần chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường liên minh Nông dân – Công nhân – Trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội trong xây dựng giai cấp Nông dân.

Nông dân ổn định, an cư lạc nghiệp thì nông thôn ổn định và phát triển. Nông thôn ổn định, phát triển thì đất nước ổn định và phát triển. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp Nông dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên và toàn diện của Đảng. Trước hết Đảng cần có nghị quyết chuyên đề về xây dựng giai cấp Nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế để thống nhất lãnh đạo nhằm thực hiện cho được bốn mục tiêu cốt yếu: (1) Nông dân phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; (2) Nông dân phải là lực lượng chính trị – xã hội vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trình độ và năng lực làm chủ nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; (3) Nông dân là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn; (4) Nông dân phải được hưởng thụ xứng đáng với những công sức và những đóng góp đối với đất nước.

Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách mạnh, đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư về nông thôn, tập trung cho kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thuỷ lợi, khoa học- công nghệ, chế biến nông sản, dạy nghề cho nông dân.

Nhà nước có chính sách khuyến khích việc nâng quy mô sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán hiện nay. Đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản xuất gắn với hình thành cơ sở chế biến và tiêu thụ nông sản, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi. Có chính sách giúp nông dân tiêu thụ nông sản, trong đó có chính sách trực tiếp thu mua nông sản dư thừa của nông dân, tránh tình trạng nông dân bị ép giá. Chỉ đạo các ngành chức năng, quản lý chặt chẽ vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống cây trồng, vật nuôi, không để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường gây thiệt hại cho nông dân. Có cơ chế và chính sách để các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như: Lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, rau củ quả… phải xây dựng được vùng nguyên liệu, xây dựng kho tạm trữ nông sản…

Nhà nước tiếp tục nghiên cứu tạo cơ chế, chính sách hợp lý cho nông dân vay vốn được thuận lợi để phát triển sản xuất, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen ở nông thôn. Có chính sách chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, chế biến nông sản. Khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất với người tiêu dùng thông qua các dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, nhất là cần có chiến lược về giống cây trồng, vật nuôi để nhà nông chủ động trong sản xuất.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tiến tới có chính sách để nông dân được hưởng bảo hiểm xã hội, chế độ nghỉ mất sức lao động. Tiếp tục nghiên cứu và mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp, mở rộng diện hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nông dân. Tập trung nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như các rủi ro về thị trường. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho người nông dân về: Quản lý kinh tế, quản trị nông nghiệp, có kiến thức về khoa học, kỹ thuật, văn hóa xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập. Từng bước trí thức hóa giai cấp Nông dân, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Trong đó, trọng tâm là chuyển giao khoa học – kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; có giải pháp đào tạo một bộ phận lao động nông thôn thành các chủ trang trại, chủ nhiệm hợp tác xã hay chủ doanh nghiệp nông nghiệp, có kiến thức, tri thức về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, dịch vụ, am hiểu thị trường và pháp luật về kinh doanh trong và ngoài nước.

Quan tâm xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách hướng nghiệp ở cấp học phổ thông để giúp cho thanh niên, học sinh nông thôn định hướng đúng đắn việc chọn nghề, chuyển một bộ phận lớn nông dân trẻ thành công nhân, trí thức, nhưng cũng thu hút lực lượng lao động trẻ có kiến thức về nông thôn. Tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề phi nông nghiệp cho nông dân, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và nhu cầu sử dụng của xã hội. Công tác đào tạo nghề cho nông dân cần phải gắn với hỗ trợ việc làm cho nông dân.

Thứ ba, gắn phát huy vai trò chủ thể của nông dân với xây dựng con người mới.

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân chính là xây dựng và phát huy yếu tố con người. Xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị của nông dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương lao động, biết hợp tác lao động; thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đảng và Nhà nước cần quan tâm xây dựng xây dựng, hình thành thế hệ nông dân mới phát triển toàn diện, từng bước hoàn thiện đạo đức, trí tuệ thông minh, có năng lực sáng tạo, kỹ năng canh tác nông nghiệp công nghệ cao, thể lực tốt, tâm hồn trong sáng, văn minh, nêu cao lòng tự hào, tự trọng dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế với các đặc trưng: (1) Giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân và khát vọng vươn lên; (2) Biết giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, hợp tác và giúp đỡ nhau; (3) Có trình độ học vấn và kiến thức về kinh tế, khoa học – kỹ thuật tiên tiến; (4) Biết kết hợp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa lao động cần cù và sáng tạo, trọng nghĩa tình, kiên nhẫn và kiên cường.

Khu dân cư kiểu mẫu ở thôn Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: Phan Sâm

Thứ tư, quan tâm xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, thực sự đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cho nông dân.

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Nói đến con người nói chung và nông dân nói riêng là mới nói đến những cá nhân, cá thể. Muốn phát huy sức mạnh của mỗi con người thì phải đặt con người đó trong một cộng đồng, một giai cấp, được tổ chức chặt chẽ, ở đó, mỗi cá nhân đều giác ngộ về ý thức trách nhiệm đối với cá nhân, gia đình, tổ chức và xã hội. Chỉ khi đó, vai trò cá nhân, sức mạnh cá nhân mới biến thành sức mạnh khổng lồ có thể làm biến chuyển xã hội. Sức mạnh của nông dân là vô cùng to lớn nhưng chỉ được thể hiện và phát huy trong hoạt động của tổ chức, được tập hợp lại trong một khối thống nhất.

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách cụ thể để xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, phải giao nhiệm vụ cụ thể để Hội Nông dân tham gia trực tiếp các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn. Cán bộ Hội muốn vận động, giáo dục, thuyết phục được hội viên, nông dân thì phải lăn lộn với những nhiệm vụ thực tiễn của nông dân.

Cần duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại với nông dân ở các cấp; phát huy và nâng cao khả năng phản biện xã hội của các tổ chức chính trị – xã hội có liên quan tới đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của nông dân, đặc biệt là Hội Nông dân, làm cho nông dân có ý thức rõ ràng về sứ mệnh, vai trò của mình là chủ thể, là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển. Tạo các điều kiện cần thiết để các cấp Hội Nông dân thực sự là đại diện cho tiếng nói của nông dân, để tiếng nói của giai cấp Nông dân được coi trọng hơn trong đời sống chính trị. Tiếng nói của nông dân được coi là một chỉ báo chính trị – xã hội quan trọng, phản ánh vị thế, vai trò chủ thể của người nông dân trong xã hội, do đó vai trò chủ thể của nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần được thể hiện thông qua hoạt động của các cấp Hội Nông dân Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử 91 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930-2021) và ôn lại các giá trị truyền thống của giai cấp Nông dân, chúng ta khẳng định, nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và hoàn thành sứ mệnh của mình dưới ngọn cờ của Đảng. Khi Đảng nắm vững và giải quyết đúng đắn, kịp thời vấn đề nông dân trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, điều đó chắc chắn góp phần quan trọng làm nên thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.

Những chặng đường vinh quang của Hội Nông dân Việt Nam

Trên cơ sở hoạt động của Nông hội đỏ và phong trào cách mạng trong nước, tại Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp vào tháng 10/1930 tại Hương Cảng đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay).

Sau khi Tổng Nông hội Đông Dương được thành lập, theo nhiệm vụ của từng giai đoạn, tổ chức Hội hoạt động dưới những hình thức và tên gọi khác nhau như: “Nông hội” (từ 1937), “Việt Nam Nông dân Cứu quốc hội” (1941) – một lực lượng to lớn của Mặt trận Việt Minh. Năm 1941 – 1942, dưới sự lãnh đạo của Nông dân Cứu quốc hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu… Từ năm 1943, với khẩu hiệu ‘’Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật – Pháp’’, Nông hội đã vận động nông dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào đấu tranh; Phong trào ‘’Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói’’ đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù. Thành công của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của giai cấp Nông dân.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Để có hình thức lãnh đạo phong trào nông dân phù hợp trong điều kiện kháng chiến, ngày 6/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02 – NQ/TW về việc thành lập Ban Nông vận Trung ương. Nhiệm vụ của Ban Nông vận Trung ương là vận động nông dân: Tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, nuôi dưỡng bộ đội, xây dựng hợp tác xã, hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức, đào tạo cán bộ và thanh toán nạn mù chữ. Phong trào nông dân từ sau Hội nghị Cán bộ Nông dân toàn quốc lần thứ Nhất có bước phát triển mới, toàn diện và mạnh mẽ. Ở miền Bắc, phong trào cách mạng của giai cấp Nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch, đặc biệt góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ ngày 07/5/1954.

Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của nông dân miền Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày 25/6/1977, Ban Bí thư ra Thông báo số 16 – TB/TW về việc thành lập Ban Trù bị Đại hội đại biểu Nông dân tập thể Trung ương. Ngày 25/6/1979, Ban Bí thư quyết định tách Ban trù bị Đại hội đại biểu Nông dân tập thể Trung ương (nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thành một cơ quan thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư.

Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 78 – CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, từ đây giai cấp Nông dân cả nước đã có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.
Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 – QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày Kỷ niệm Thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

(Nguồn: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam)

Lương Quốc Đoàn –
Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam

(1) Tư tưởng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (1380-1420) khi nói về vai trò của nhân dân đối với sự thịnh suy của vận nước.
(2) Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 248.