Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kiên Giang: Phát triển kinh tế tập thể từ mô hình tôm - lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Đức Vượng - 07:29 02/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Phát triển kinh tế tập thể đã điều kiện tạo thuận lợi để áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Ông Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể có vai trò to lớn tạo nền tảng hình thành các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn, các chuỗi liên kết sản xuất và phân phối, giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế mà mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ gặp phải; góp phần cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.

Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang chia sẻ thêm, trong 6 tháng đầu năm 2024, Kiên Giang thành lập mới 04 Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) đạt 30,76% kế hoạch; giải thể 12; sáp nhập 04 Hợp tác xã (HTX) thành 02 Hợp tác xã. Đến nay, toàn tỉnh có 03 Liên hợp HTX với 35 HTX thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng; 447 HTX nông nghiệp (330 HTX trồng trọt, 113 HTX thủy sản, 4 HTX chăn nuôi) số vốn điều lệ trên 282 tỷ đồng, 32 ngàn thành viên, diện tích sản xuất trên 63 ngàn héc ta, trong đó diện tích sản xuất lúa – tôm luân canh 106.303ha, sản lượng hằng năm là 69.150 tấn, chiếm diện tích lớn, đây cũng là mô hình bền vững, thuận thiên tích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Phát triển kinh tế tập thể sản xuất mô hình tôm - lúa bền vững (ảnh Hội ND tỉnh Kiên Giang)

Còn Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Thành Trăm cho rằng, để phát triển kinh tế tập thể các cấp Hội nông dân cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX); xây dựng các mô hình THT, HTX theo quy hoạch; phối hợp với các doanh nghiệp ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm, tháo gỡ khó khăn về vốn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ năng lực cho lãnh đạo, hội viên THT, HTX để chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng khu trưng bày để thúc đẩy đầu ra của các sản phẩm nông sản.

Ông Đặng Văn Phúc, đại diện Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang chia sẻ, để kinh tế tập thể phát triển bền vững thì các THT, HTX, doanh nghiệp cần chú trọng về nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu sản phẩm địa phương để lưu thông thị trường được thuận lợi. Sản phẩm cần có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo quản chất lượng sản phẩm tốt, nâng cao vai trò của hợp tác xã trong liên kết tiêu thụ sản phẩm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, trưng bày sản phẩm tại các hội trợ.

Theo ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Giống thuỷ sản Dương Hùng thì tôm - lúa là mô hình phát triển bền vững, có giá trị cao, nhưng để có được kết quả đó thì người nông dân cần phải thay thay đổi tư duy, sự kiên trì, quyết tâm vươn lên làm giàu. Nuôi tôm cần phải thả đúng thời vụ, đúng thời điểm, thời tiết, đặc điểm của con tôm, nguồn nước đảm bảo…thì sẽ có bội thu. Hội Nông dân các huyện cần thực hiện chuyển đổi mô hình chuyên canh lúa 2 vụ sang mô hình tôm - lúa theo quy hoạch và định hướng phát triển của địa phương. Những đề xuất, kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho HTX tôm chuyên canh cần được quan tâm, những thuận lợi cùng khó khăn và cách làm hay, có hiệu quả cần được tháo gỡ, lan tỏa trong việc thành lập HTX do Hội Nông dân vận động.

Ông Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang nhận định, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia vào HTX còn thấp so với yêu cầu hiện nay. Nhiều hội viên chỉ muốn sản xuất riêng lẻ, thiếu tinh thần đoàn kết, mua chung, bán chung để làm ra sản lượng lớn và đồng nhất, vùng nguyên liệu đủ lớn để xuất khẩu. Đồng thời, công tác phối hợp, hỗ trợ của các cấp Hội cơ sở với chính quyền, ngành các cấp trong thực hiện kinh tế tập thể chưa thường xuyên. Việc củng cố, kiện toàn, nâng lên chất lượng hoạt động của Ban giám đốc HTX, THT nhiều mặt còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mô hình kinh tế tập thể, chưa phát huy tốt hiệu quả và vai trò mô hình kinh tế tập thể trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Hội nghị thành lập tổ hợp tác gắn với Chi hội ND nghề nghiệp “Sản xuất lúa chất lượng” ấp Cây Bàng, nhiệm kỳ 2024 –2029 xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng. Ảnh: Hội ND tỉnh Kiên Giang

Ông Đỗ Trần Thịnh mong rằng trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân, THT, HTX cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; phát huy vai trò các cơ quan truyền thông của Hội Nông dân trong tuyên truyền về kinh tế tập thể trong nông nghiệp; chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến các mô hình kinh tế tập thể  trong nông nghiệp hoạt động hiệu quả, các tấm gương, điển hình tiên tiến về hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Các cấp Hội Nông dân thông qua mô hình THT, HTX đã hình thành, mời gọi các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc tư vấn định hướng cho THT, HTX thực hiện các dịch vụ sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm đặc trưng để nâng cao giá trị. Xây dựng mô hình điểm để nhân rộng; tranh thủ cơ chế hỗ trợ chính sách và nhiều hoạt động hỗ trợ các THT, HTX tháo gỡ khó khăn như: trụ sở, kho, bãi; vốn góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Các cấp Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo hội viên HTX, THT, nhất là đào tạo đội ngũ lãnh đạo THT, HTX nắm vững chuyên môn, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng khu trưng bày, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các mô hình THT, HTX; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như giới thiệu các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm, hỗ trợ các THT, HTX tham gia các hội chợ trong nước, cử đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục về kết quả, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập trên các phương tiện truyền thông của Hội.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu các cấp Hội Nông dân rà soát kết quả hoạt động của HTX, THT để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của THT, HTX nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng sắp xếp, tái cơ cấu, tổ chức lại THT, HTX nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động. Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân hỗ trợ nâng cao số lượng và chất lượng các dịch vụ đối với THT, HTX nông nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực địa phương, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hướng dẫn, hỗ trợ THT, HTX nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Các cấp Hội Nông dân tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên nông dân, HTX, THT nhằm phát huy nội lực, đổi mới phương thức quản lý sản xuất, kinh doanh; xây dựng hệ sinh thái bền vững, thúc đẩy liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Ông Trương Văn Minh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm, kinh tế tập thể thích hứng với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo môi trường nuôi tôm tốt, hạ tầng cấp thoát nước trong nuôi tôm; cải tạo môi trường; thay đổi tư duy trong nông dân cần sự đồng thuận, có sự đột phá; sản phẩm nông nghiệp cần có mã vùng nuôi, mã vùng trồng nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu; có chính sách đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực hoạt động trong HTX, THT.

Hội Nông dân Kiên Giang chú trọng nâng chất các phong trào do Hội phát động
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân các cấp tỉnh Kiên Giang chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.