Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phú Yên: Hỗ trợ nông dân phát triển ngành nghề nông thôn gắn với OCOP

Trung Nguyên - 07:41 08/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong năm 2024 này, tỉnh Phú Yên đang tổ chức xây dựng, thực hiện các dự án, mô hình phát triển ngành nghề nông thôn gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Năm 2024, tỉnh Phú Yên phấn đấu có 40 sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có tiềm năng, lợi thế tại các địa phương được công nhận là sản phẩm OCOP (38 sản phẩm OCOP 3 sao và 2 sản phẩm OCOP 4 sao); 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành triển khai trực tiếp chương trình, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm nhằm phục vụ trong việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Toàn tỉnh Phú Yên hiện đang có 253 sản phẩm được công nhận chuẩn OCOP - Ảnh Mỹ Bình

Để phát triển các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn năm 2024 trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với Chương trình OCOP, liên kết theo chuỗi giá trị năm 2024, trong đó có ít nhất 4 sản phẩm ngành nghề nông thôn của các địa phương đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (mỗi dự án có ít nhất một sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên trong năm 2024).

Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền qua các kênh truyền thông của tỉnh về Chương trình OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời, UBND tỉnh cũng công khai các văn bản liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn trên trang thông tin điện tử, website các sở, ban, ngành liên quan và địa phương; Tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn; Giới thiệu các mô hình, hoạt động ngành nghề nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, thân thiện với môi trường.

Một sản phẩm đặc trưng của Phú Yên - Ảnh Mỹ Bình

Bên cạnh đó, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất của các cơ sở ngành nghề nông thôn; ưu tiên mời các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu để giới thiệu, quảng bá thương hiệu giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đi kèm với tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ kinh doanh) có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn đăng ký tham gia Chương trình OCOP lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Tính đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 253 sản phẩm OCOP của 115 chủ thể (gồm 10 sản phẩm đạt 4 sao và 243 sản phẩm đạt 3 sao), trong đó có 17 hợp tác xã nông nghiệp chiếm 14,78%; 19 doanh nghiệp chiếm 16,52 và 79 hộ kinh doanh chiếm 68,7%.