Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội ND Quảng Bình: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào nông dân

Bùi Ánh - 11:02 07/01/2022 GMT+7
Ngày 6/1, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và lãnh đạo cán bộ Hội các cấp.

Năm 2021 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hậu quả nặng nề của lũ lụt năm 2020, nhưng không vì thế mà làm giảm các hoạt động, phong trào của Hội. Một năm đầy biến động, khó khăn, thách thức nhưng xét tổng thể, Hội đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các nội dung hoạt động đề ra theo kế hoạch ban đầu.

Hiệu quả nguồn quỹ cho vay, chú trọng các dịch vụ hỗ trợ nông dân

Xác định ngay từ đầu, nguồn vốn chính là đòn bẩy hàng đầu để tạo điều kiện cho bà con nông dân có cơ hội đến gần hơn với cuộc sống mới. Các cấp Hội đã không ngừng chú trọng đến việc huy động phát huy và sử dụng nguồn Quỹ đúng mục đích.

Ông Lê Văn Bảo - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình đánh giá cao những kết quả đạt được của các cấp Hội trong tỉnh thời gian qua 

Năm 2021, từ nguồn vốn 6 tỷ đồng được ngân sách cấp năm và nguồn vốn thu hồi các dự án đến hạn, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân 48 dự án cho 302 hộ vay với số tiền 14.310 triệu đồng, trong đó nguồn Trung ương 7 dự án cho 80 hộ vay số tiền 3,1 tỷ đồng; nguồn tỉnh 41 dự án cho 222 hộ vay số tiền 11,210 tỷ đồng; Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã giải ngân 34 dự án cho 55 hộ vay với số tiền 2,630 tỷ đồng; Cấp xã giải ngân 2,22898 tỷ đồng cho 220 hộ vay, mức cho vay bình quân 10 triệu đồng/hộ.

Từ nguồn vốn vay đó, Hội đã xây dựng được một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, như: Dự án chăn nuôi bò lai ở thị trấn nông trường Lệ Ninh tại xã Dương Thuỷ, Trường Thuỷ (huyện Lệ Thủy); Dự án Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi vịt đàn ở xã Vạn Ninh; Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi cá nước ngọt thương phẩm ở xã Hàm Ninh; Nuôi trồng thuỷ sản  ở thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh); Khai thác hải sản ở xã Bảo Ninh; Chăn nuôi lợn thịt ở xã Đức Ninh; Sản xuất mộc mỹ nghệ ở phường Phú Hải (thành phố Đồng Hới); Trang trại tổng hợp ở xã Vạn Trạch; Chăn nuôi bò lai ở các xã Tây Trạch, xã Nam Trạch (huyện Bố Trạch); Khai thác hải sản xa bờ ở xã Cảnh Dương; Chăn nuôi bò lai ở xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch), phường Quảng Long, sản xuất chế biến nước mắm ở phường Quảng Thọ, sản xuất mây xiên ở xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn), chăn nuôi bò lai sinh sản kết hợp với trồng cây ăn quả có múi ở xã Mai Hóa, xã Văn Hóa, xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa), …

Chính nhờ vốn vay ban đầu mà có nhiều gia đình hội viên đã phát huy được hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo, có nhiều hộ còn đăng kí hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, nâng tầm về chất của phong trào.

Nhiều mô hình kinh tế phát huy được hiệu quả vốn vay

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết: “Thời gian qua, Hội đã rất chú trọng đến các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, đặc biệt là nguồn vốn vay trong đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao kiến thức cho người dân qua các buổi tập huấn, đào tạo nghề nhằm trang bị kiến thức tốt nhất cho người nông dân trước khi bắt tay vào đầu tư. Trong năm, Hội đã tổ chức được 612 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hơn 43.600 lượt hội viên. Nhờ đó, nhiều hội viên đã mạnh dạn bắt tay vào làm ăn kinh tế và vươn lên trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đưa phong trào tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, khai thác tiềm năng, thế mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong năm, có hơn 78.000 hội viên đạt danh hiệu hội nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 61,40% số hộ đăng ký)”.

Ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Hội năm 2022

“Cũng chính nhờ phong trào này mà có nhiều hội viên nông dân đã thực sự phát huy được nguồn lực, khai thác tiềm năng về đất đai, lao động và nguồn vốn, đầu tư vào sản xuất, phát triển dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tham gia thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu lao động và ngành nghề ở nông thôn. Giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng; nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới có hiệu quả đã được nhân rộng vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đáng chú ý, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã tích cực chủ động triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCop), xây dựng được nhiều sản phẩm OCop có thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường, bước đầu kết nối phát triển du lịch cộng đồng”, ông Sỹ nhấn mạnh thêm.

“Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Văn Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Hội Nông dân tỉnh. Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đạt được; đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế, gắn sản xuất với thị trường, áp dụng tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất để mang lại giá trị kinh tế cao; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào nông dân thi đua yêu nước, phát huy tối đa các nguồn lực xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.

Hoạt động trồng cây phủ xanh đồi trọc được đông đảo hội viên tham gia

Để vài trò của người nông dân ngày một được khẳng định, phong trào Hội ngày một vững mạnh, các cấp Hội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về vai trò nòng cốt, chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy kinh tế của hội viên nông dân, gắn sản xuất phải với thị trường, thôi thúc ý chí không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến tâm tư, nguyện vọng, đời sống của hội viên, nông dân; tuyên truyền, vận động tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid -19 trong tình hình mới hiện nay.

Cùng với đó, , tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào nông dân thi đua yêu nước để phát huy tối đa các nguồn lực xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh ngày một phát triển. Trong chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phải gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; vận động nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ mới, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, sản xuất hàng hóa để sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao.

Và để cụ thể hóa được chương trình hành động thì điều tiên quyết là phải xây dựng và phát triển được đội ngũ hội viên lớn mạnh, hoạt động Hội phải có đường lối, chủ trương rõ ràng. Trong năm, các cấp Hội đã kết nạp 2.266 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên gần 169.000 người (chiếm 66% lao động nông thôn); thành lập mới 8 chi hội nghề nghiệp, 106 tổ hội nghề nghiệp; đồng thời, chất lượng đội ngũ của cán bộ Hội không ngừng được nâng lên về chuyên môn nghiệp vụ.

Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Bình, ông Trần Tiến Sỹ tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021

Tại hội nghị, BCH Hội Nông dân Quảng Bình đã bầu bổ sung 1 Ủy viên BCH Hội Nông dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2018-2023.

Dịp này, Hội Nông dân Quảng Bình đã tặng bằng khen cho 30 tập thể và 35 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021.