Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô, ưu tiên thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống

Thành Nam - 10:06 28/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Luật Thủ đô vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua nhấn mạnh việc phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Thành phố và tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống.

Sáng 28/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thông qua Luật Thủ đô với 462/470 đại biểu tán thành.

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô

Phát triển đô thị hài hòa hai bên sông

Luật quy định việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Thành phố; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.

Luật cũng thể hiện việc tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.

Cạnh đó là cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để đảm bảo yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (khoản 1 Điều 8)

Luật cũng bổ sung thẩm quyền của UBND phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết địnhhoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (điểm e khoản 1 Điều 13).

Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội (Điều 14), dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội (Điều 49 và Điều 50) để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. 

Về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn Thành phố thời gian qua (điểm c,điểm d khoản 2 Điều 33).

Cùng với đó bổ sung quy định chuyển tiếp về trách nhiệm bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã được giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (khoản 8 Điều 54). 

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (Điều 53) để sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống; đồng thời, xác định cụ thể một số nội dung có hiệu lực muộn hơn (từ ngày 1/7/2025) để bảo đảm thời gian chuẩn bị thi hành; rà soát, chỉnh lý các quy định về điều khoản chuyển tiếp để phù hợp với thực tiễn (các khoản 1, 2, 5 và 9 Điều 54); bổ sung nội dung chuyển tiếp để áp dụng đối với một số thủ tục hành chính, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ.