Thủ tướng: Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU
Chiều 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5; quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU của EC.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển. Dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; lãnh đạo các hiệp hội sản xuất, xuất khẩu thủy hải sản.
Gian nan gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU
Hội nghị đánh giá, sau gần 7 năm thực hiện chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và qua 4 đợt thanh tra của EC đến nay tình hình chống khai thác IUU đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, đã hoàn thiện khung pháp lý; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (VNFishbase), kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định các Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường hơn trước... EC đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp Trung ương.
Cùng với xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU, lãnh đạo các tỉnh cho biết thực hiện Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, các địa phương đã khởi tố 11 vụ án hình sự, đang điều tra 3 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự…
Tuy nhiên, khâu chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến một số nhiệm vụ chuyển biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023. Đó là chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, chưa kiểm soát, xử lý dứt điểm tàu cá "3 không": không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép; vẫn xảy ra tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài chưa chấm dứt.
Hội nghị nhận định một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong thực thi pháp luật trong lĩnh vực chống khai thác IUU. Một số tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý để tình trạng tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến không đảm bảo thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định; thiếu kiên quyết trong ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU…
Các đại biểu cho rằng những tồn tại, hạn chế trên không chỉ từ nhận thức của người dân mà còn có sự thiếu tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các ngành, các cấp, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; có tình trạng dung túng, tiếp tay của lực lượng thực thi pháp luật cho hành vi khai thác IUU...
Hội nghị nhận định nếu không khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay, nghiêm túc triển khai các quy định chống khai thác IUU, việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” rất khó khả thi, thậm chí bị nâng cảnh báo lên “thẻ đỏ."
Chia sẻ trăn trở trong việc chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” IUU, kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện chống khai thác IUU; nhất trí với các ý kiến phát biểu thẳng thắn, đánh giá sát tình hình cũng như các đề xuất xử lý nghiêm vi phạm, sớm khắc phục “thẻ vàng" IUU.
Nêu rõ 5 hạn chế, yếu kém trong chống khai thác IUU, Thủ tướng thắng thắn chỉ rõ, việc quản lý, thực thi pháp luật về chống khai thác IUU ở các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở không nghiêm, không đúng trách nhiệm; yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, kể cả Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy theo Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư.
Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 5 vào tháng 10/2024. Để chuẩn bị tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng," Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương có liên quan thống nhất nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế như đã nêu trên.
Quán triệt các nội dung, nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW, Nghị quyết số 52/NQ- CP của Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng.
Thủ tướng yêu cầu tập trung cao điểm nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đặc biệt tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định...; tăng cường lực lượng công an, biên phòng phối hợp với chính quyền cơ sở tại các địa bàn trọng điểm để tuyên truyền vận động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ- HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm khắc 100% các vụ việc liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, môi giới, móc nối và các hành vi vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP.
Mạnh tay xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU thành lập Tổ công tác chuyên trách tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU.
Đồng thời, Bộ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, báo cáo kịp thời kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; tham mưu, đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có liên quan không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung tổng thể làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5; chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo tốt nhất, không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của cả nước.
Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; chỉ đạo lực lượng biên phòng nghiêm túc kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; kiên quyết kỷ luật nghiêm các đồn, trạm biên phòng tuyến biển để tàu cá không đủ điều kiện xuất, nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản, các lực lượng chức năng trực thuộc dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử các tổ chức, cá nhân liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác để vi phạm khai thác bất hợp pháp. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định và các địa phương có liên quan tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu mà EC phát hiện tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước có liên quan kịp thời thu thập thông tin nước sở tại bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam do vi phạm khai thác bất hợp pháp, cung cấp kịp thời cho lực lượng chức năng trong nước điều tra, xử phạt nghiêm theo quy định.
Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, tham mưu bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với Chi cục trưởng các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng quản lý nhà nước về thủy sản hoặc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm ngư theo quy định của pháp luật hoàn thành báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương có liên quan làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các đơn vị cung cấp thiết bị VMS, cung cấp dịch vụ vệ tinh cho thiết bị VMS trên tàu cá không đảm bảo theo quy định. Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục ưu tiên, bố trí kinh phí, nguồn vốn theo quy định cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng," phát triển bền vững ngành thủy sản; chuyển đổi nghề, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho ngư dân.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chống khai thác IUU.
Thủ tướng yêu cầu rà soát toàn bộ các vụ việc vi phạm khai thác IUU từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay, trước hết tập trung các vụ việc ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài... ; tiếp tục điều tra, xác minh, kiên quyết xử phạt dứt điểm các trường hợp vi phạm; hoàn thành, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 9/2024.
Các địa phương tập trung tối đa nguồn lực, điều động, tăng cường lực lượng tại địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) tại các địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, công an vừa tuyên truyền, vận động, vừa kịp thời ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định vi phạm, đặc biệt là tại Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho tàu cá, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan chậm trễ trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá theo quy định; kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác.
Cùng với đó, kiên quyết xử lý trách nhiệm Ban quản lý cảng cá, Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra vào cảng, bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác mà không xác minh, xử lý theo quy định; tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản nghiêm túc thực hiện quy định IUU; nghiêm cấm hành vi thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU; nghiêm cấm hành vi móc nối với các tổ chức, cá nhân có liên quan hợp thức hóa hồ sơ cho các sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm IUU để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Các bên liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, triệt để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi IUU; tiếp tục đồng hành, vận động hội viên gương mẫu, thực hiện tốt quy định về phòng, chống khai thác IUU; kịp thời động viên tấm gương điển hình, người tốt việc tốt; kịp thời phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm khai thác IUU.
Mong muốn người dân nâng cao ý thức, không khai thác IUU vì lợi ích, danh dự của dân tộc, đất nước và chính người dân, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU; kịp thời nêu gương gương điển hình, người tốt việc tốt; kịp thời phản ánh, phê phán hành vi vi phạm khai thác IUU.
Thủ tướng chỉ đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, đặc biệt là người đứng đầu, cả hệ thống chính trị vào cuộc tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU với 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là giám sát, quản lý chặt chẽ các đội tàu, không để vi phạm khai thác IUU, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; rà soát, phân loại, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, với quan điểm vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, vi phạm hình sự thì xử lý hình sự; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc tận cùng để có căn cứ xử lý đúng người, đúng việc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Với phương châm “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã ra quân phải chiến thắng," vì trách nhiệm, danh dự của đất nước, vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể, Thủ tướngnhấn mạnh nếu địa phương nào không có sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trong thời gian tới, tiếp tục để xảy ra các sai phạm, không hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển phải chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ./.
Theo TTXVN/Vietnam+
-
70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam -
Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” năm 2024: Những khoảnh khắc ấn tượng -
Thủ tướng: Cùng nhau xây dựng các công trình tầm cỡ đánh dấu sự vươn mình của đất nước -
Thủ tướng: Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực, với cách làm mới
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Mông Cổ
- Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc 10.000 tỷ đồng tại Tây Bắc
- Việt Nam tiếp tục thăng hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu
- Thủ tướng: Pháp luật giúp tăng cường quản lý song phải khuyến khích sự sáng tạo
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến New York dự tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
- Thủ tướng: Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lên đường dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc và thăm Cuba
-
70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt NamHà Nội tự hào là thành phố duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương được trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình;” Thủ đô được UNESCO ghi danh tham gia “Mạng lưới Thành phố sáng tạo” toàn cầu năm 2019.
-
Quảng Ngãi tổ chức phiên chợ kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP miền núiMới đây, lần đầu tiên Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức phiên chợ giới thiệu, quảng bá nông sản và sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi trong tỉnh tại thành phố Quảng Ngãi. Hoạt động này nhằm giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đóng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
-
Sông Mã đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nhãn, giúp trái ngọt vươn ra thị trường quốc tếNhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhãn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La không chỉ giải được bài toán nông sản “được mùa mất giá”, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đưa thương hiệu nhãn Sông Mã ghi danh trên bản đồ nông sản thế giới.
-
Bà Rịa - Vũng Tàu vươn lên Top 4 cả nước về GRDP(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp; kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến đột phá hơn so với cùng kỳ năm 2023, có 13/14 chỉ tiêu kinh tế, tài chính tăng trưởng so với cùng kỳ và cao hơn mức kế hoạch cả năm 2024.
-
TP. Hồ Chí Minh: Tuyên dương 17 gương “Nông dân tiêu biểu” và 26 “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 9/10, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM) đã khai mạc Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP lần 2 năm 2024 với gần 150 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp từ TP. HCM và các tỉnh. Đây là hoạt động do Hội nông dân (HND) TP. HCM tổ chức nhằm kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2024).
-
Phát huy giá trị văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua triển lãm sách 70 năm giải phóng Thủ đôTrong không khí mùa thu lịch sử, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, sáng 9/10, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
-
Trọng dụng nhân tài là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đôTại Lễ tuyên dương Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm 2024, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định thu hút trọng dụng nhân tài là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô.
-
Hà Nội - Dấu ấn 25 năm Thành phố vì Hòa bìnhNgày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. 25 năm trôi qua, Hà Nội đã không ngừng phát triển, mạnh mẽ vươn lên, đạt những thành tựu đáng tự hào, không chỉ xứng đáng với danh hiệu cao quý mà còn phát huy danh hiệu này, đóng góp tích cực trong công cuộc phát triển Thủ đô thời kỳ hội nhập hiện nay.
-
Ứng dụng khoa học công nghệ, nông dân Yên Châu đưa nông sản địa phương vươn xaNhờ chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số và bắt nhịp được xu hướng thị trường, hợp tác xã Tây Bắc (bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã đưa thương hiệu “Tỏi đen Yên Châu” cùng nhiều nông sản bản địa khác “ghi danh” trên thị trường.
-
Trong 9 tháng năm 2024 giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/10 vừa qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trong quý III vẫn duy trì đà tăng trưởng, lúa vụ Đông Xuân - Hè Thu đạt kết quả khá; đàn gia cầm ổn định, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu nội địa và phục vụ xuất khẩu.
-
1 Hội Nông dân Việt Nam phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 -
2 Công bố 56 “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V năm 2024 -
3 "Nhà khoa học của nhà nông" cần mẫn gieo hạt, cùng nhà nông đón mùa vàng -
4 Tôn vinh 56 “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ V, năm 2024 -
5 Hội Nông dân Việt Nam thăm hỏi, tặng quà nông dân bị thiệt hại bão lũ ở Bắc Giang