Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tiếp tục nâng cao vai trò tổ chức Hội, vị trí của nông dân trong cộng đồng

Bùi Ánh - 13:10 31/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Năm 2021 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với người nông dân, một số hoạt động của tổ chức Hội các cấp triển khai chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 kéo dài. Hơn nữa, việc triển khai công việc thông qua trực tuyến thời gian đầu có những khó khăn nhất định. Trước thềm năm mới 2022, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình về những hoạt động Hội thời gian qua và định hướng sắp tới.
Ông Trần Tiến Sỹ, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình

Thưa ông, xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh Quảng Bình năm vừa qua?

Năm qua, dù có nhiều biến động, khó khăn với các cấp, các ngành và người nông dân nói chung bởi nhiều yếu tố như thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Quảng Bình cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm làm tốt vai trò, chức năng của mình. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là công tác hỗ trợ người nông dân luôn được đặt lên hàng đầu.

Năm 2020, bão lũ đã làm không ít gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, tài sản bị cuốn trôi,…rồi đến dịch bệnh covid 19 kéo dài suốt cả năm 2021, dịch viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi làm cho người nông dân khốn đốn về mọi mặt. Hệ lụy của bão lụt chưa kịp khắc phục thì đến dịch bệnh nên nông sản làm ra bị ùn ứ, không tiêu thụ được. Trước tình cảnh đó, Hội đã phối hợp với Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, Báo Tuổi trẻ thực hiện Chương trình “Dựng lại mái nhà cho bà con bão lũ Miền Trung” hỗ trợ xây 10 nhà chống lũ cho 10 hộ nông dân nghèo với tổng giá trị hỗ trợ 900 triệu đồng. Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp vận động xây dựng 33 nhà tình nghĩa với số tiền hỗ trợ 1.369 triệu đồng.

Cùng với đó, trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ 30 tấn cam sành Hà Giang, phối hợp hỗ trợ tiêu thụ 42 tấn vải thiều Bắc Giang. Trong thời điểm dịch covid - 19 diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội vận động thành lập 56 tổ hỗ trợ, 42 điểm tiêu thụ, 6 gian hàng tiêu thụ nông sản cho nông dân, số lượng tiêu thụ gần 750 tấn các loại tôm, cá, gia súc, gia cầm, gạo, rau củ quả.

Các cấp Hội và hội viên, nông dân đã rất tích cực phối hợp tham gia phòng, chống dịch covid – 19 trong suốt thời gian qua như: Phối hợp tham gia thành lập 889 tổ Nhân dân tự quản “Giữ chặt vùng xanh”, 1.710 “Tổ covid 19 cộng đồng” với 8.590 cán bộ, hội viên tham gia; Ủng hộ 6,9 tỷ đồng cho “Quỹ vacxin phòng, chống covid19”. Thành lập 48 tổ nấu ăn phục vụ cho các khu cách ly, các chốt kiểm soát. Ủng hộ các chốt kiểm soát, bếp ăn khu cách ly và nhu yếu phẩm hỗ trợ các hộ khó khăn với số tiền gần 3,8 tỷ đồng. Các cấp Hội chỉ đạo thành lập 1.243 tổ “Hỗ trợ nông vụ” hỗ trợ 24.520 hộ ở các khu phong tỏa thu hoạch lúa vụ Hè Thu, thu hoạch thuỷ sản kịp thời vụ. Tích cực ủng hộ tiền, lương thực, thực phẩm hỗ trợ nhân dân miền Nam vượt qua dịch bệnh với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng. Đặc biệt có hội viên Đặng Văn Nghĩa bán đất để mua trang thiết bị y tế ủng hộ cho phòng chống dịch covid -19 của tỉnh với số tiền 2 tỷ đồng.

Để hội viên, nông dân kịp thời thích ứng với điều kiện mới và bắt tay vào khôi phục kinh tế, Hội Nông dân tỉnh đã trao hỗ trợ 12.750 con gà giống 14 ngày tuổi, 825 kg cá giống cho 224 hộ hội viên nông dân với tổng số tiền 350 triệu đồng để hỗ trợ sinh kế, khôi phục chăn nuôi cho nông dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ 31 con bò giống cho 31 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Lê Hóa, Ngư Hóa, Liên Trạch với số tiền 350 triệu đồng.

Nhờ đó, vị thế, vai trò của Hội Nông dân ngày càng được thể hiện rõ, khẳng định là trung tâm và nòng cốt cho các phong trào nông dân; hoạt động của Hội Nông dân đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông nhận định như thế nào về những khó khăn đối với nông dân và tổ chức Hội trong thời gian qua, thưa ông?

Năm 2021 phải nói là một năm đầy khó khăn đối với người nông dân trên địa bàn toàn tỉnh do nhiều yếu tố hợp lại.

Thứ nhất: Dịch Covid 19 lây lan trên diện rộng khiến các nhà máy, công ty và mọi hoạt động sản xuất của người dân bị ngưng trệ dẫn đến con em làm ăn xa quê thất nghiệp phải trở về quê trong một tâm thế không tiền, không việc. thời điểm đó, tỉnh Quảng Bình đã chủ động đón khoảng 4.000 lao động từ miền Nam trở về chưa kể những người về tự do đã có những ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân, đặc biệt là kế sinh nhai ngay tại quê hương. Điều đáng nói nữa là hậu quả của thiên tai đến nay vẫn chưa khắc phục được, đáng chú ý là ở những vùng tái định cư.

Thứ hai: Dịch bệnh không chỉ tác động đến những hoạt động sản xuất của người dân mà nó còn hạn chế mọi phần việc triển khai của các cấp chính quyền và tất nhiên hoạt động của Hội cũng thế. Có rất nhiều hoạt động bị chững lại, triển khai muộn. Việc chỉ đạo trực tuyến bị hạn chế đặc biệt là cán bộ, hội viên cơ sở chưa quen nên chất lượng chưa tốt. Từ đó, phong trào của Hội vì thế có chút giảm sút, công việc giải quyết chưa được như kế hoạch đề ra.

Các cấp Hội Nông dân Quảng Bình sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào ở năm tiếp theo, thưa ông?

Ở năm tiếp theo, chúng tôi đề ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tập trung xây dựng tổ chức Hội và giai cấp Nông dân vững mạnh với việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nông dân, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp mạnh về chính trị, thống nhất về tư tưởng và tổ chức.

Tiếp tục xây dựng chi tổ hội nghề nghiệp có sự liên kết đảm bảo thực chất, không thành lập theo hình thức mà phải gắn với các chương trình dự án của Hội, của địa phương, của chương trình OCOP,…Cùng với đó là tập trung hỗ trợ nông dân về mọi mặt từ tiêu thụ nông sản đến hỗ trợ ổn định cuộc sống, thoát nghèo bởi những chương trình thực tế như tìm kiếm dự án, xây dựng nguồn quỹ, hỗ trợ trực tiếp sản xuất… Qua đó, giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần, vật chất trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay.

Đồng thời tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả về "Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững”.  Tiếp tục triển khai thực hiện những phần việc do Hội đảm nhận như thực hiện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, xây dựng Gia đình văn hoá, làng, bản, tổ dân phố văn hóa, xây dựng tuyến đường nông dân kiểu mẫu,…

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Hi vọng trong năm mới 2022 này, đời sống của người dân có nhiều biến chuyển và bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp và sự nhạy bén trong xu thế mới của người nông dân. Với vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, các cấp Hội cũng sẽ nỗ lực hết mình để công tác Hội và phong trào nông dân trong tỉnh đạt kết quả tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!