Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trồng “Khoai sâm” hướng đi mới cho nông dân ở Quế Phong

Lữ Nghĩa - 07:44 05/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Nhận thấy giá trị của “khoai sâm”, với vị trí địa lý, khí hậu mát mẻ sẵn có của huyện, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Quế Phong (Nghệ An) đã bắt đầu trồng thí điểm tại bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch.

Khoai sâm là loại khoai có lớp vỏ nhẵn, bên trong lõi màu vàng nhạt, khi ăn có vị ngọt mát, mùi thơm đặc trưng, có thể ăn sống như món tráng miệng, ép nước giải khát hoặc xào nấu làm thức ăn, có giá trị dinh dưỡng cao, tác dụng bồi bổ sức khỏe, phù hợp với những người ăn kiêng, là loại thực phẩm tốt nên được thị trường ưa chuộng.

Khoai sâm bắt đầu phát triển

Theo Đông y, củ sâm khoai hay còn gọi là khoai sâm đất, củ có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, ngoài ra nó có tác dụng giảm đau và sưng trong viêm khớp. Dân gian thường lấy củ sâm đất ngâm rượu uống hoặc dùng củ để ăn sống hoặc nấu chín giúp giải nhiệt cơ thể, làm mát gan. Khoai sâm có tiềm năng như một thực phẩm ăn kiêng. Sâm khoai tươi có rất ít calo; thành phần chủ yếu của nó là nước; năng lượng của nó phần lớn là ở dạng fructooligosacchiarides (FOS), các phân tử này hầu như không thể tiêu hóa được bởi con người. Sâm khoai tươi có khoảng 66 calo mỗi pound (15 calo/100g). Sau vài tuần lưu trữ, lượng calo sẽ tăng lên một chút vì một số đường không tiêu hóa được chuyển thành fructose, tăng lên ít nhất 100 calo mỗi pound (22 calo/100g). Khoai sâm không đặc biệt giàu vitamin và khoáng chất, mặc dù nó là một nguồn chất xơ và kali tốt, với 180 - 290mg/100gr củ.

Khoai sâm là cây dễ trồng, không có sâu bệnh hại, tuy nhiên để thu hoạch được củ to, năng suất và tỉ lệ củ đồng đều phải làm kỹ trong khâu chuẩn bị. Chính vì thế gia đình hội viên Vi Văn Quê đã cẩn trọng ngay từ trong khâu làm đất từ khâu phát dọn cỏ, cày bừa đất hoặc cuốc hố để trồng. Áp dụng kỹ thuật trồng với khoảng cách cây cách cây 70 cm - 80cm, hàng cách hàng 80 - 100cm, tạo rãnh thoát nước không để ngập úng gây thối củ và chọn giống củ giống khỏe, đồng đều, không bị nhiễm sâu bệnh, không dập nát, thối hỏng.

Khoai sâm là loại củ có nhiều lợi ích trong Đông y

Thời vụ trồng thích hợp từ tháng 2 đến tháng 3 và thu hoạch vào tháng 12 hàng năm, lợi nhuận đem lại gần 300 triệu đồng/ha/năm. Giá bán giao động từ 35 - 40 nghìn đồng/1kg.

Hạnh Dịch là xã vùng cao biên giới của huyện Quế Phong, với trên 800 hộ và trên 3.600 nhân khẩu. Xã có 6 thôn, bản, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 38%. Xã có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Đây là xã còn nhiều khó khăn của huyện, kinh tế chủ yếu nhờ vào rừng và làm nông. Chính vì thế, Hội Nông dân và chính quyền địa phương đã lựa chọn nhiều mô hình phát triển kinh tế đưa vào cho hội viên. Điển hình như mô hình trồng khoai sọ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thấy được những giá trị mang lại của khoai sâm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Quế Phong đã lựa chọn giống khoai sâm vào trong chương trình phát triển kinh tế cho hội viên nông dân. Bước đầu thí điểm tại bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch. Bên cạnh đó, hướng tới xây dựng mô hình trồng khoai sâm trên địa bàn huyện. 

Hội viên nông dân trồng và tưới nước cho khoai sâm đất

Hiện nay, giống khoai sâm này đã và đang được trồng nhiều ở vùng Tây Bắc và phát triển tốt, thâm canh cho năng suất cao. Tuy nhiên ở Nghệ An lại đang rất lạ so với nhiều người, cũng bởi vậy Hội Nông dân huyện Quế Phong đã chọn và trồng thí điểm. Đây được xem là vùng đất có nhiều điều kiện sinh trưởng tốt, khí hậu phù hợp.

Với năng suất khá cao và giá bán hiện tại, cây khoai sâm có tiềm năng phát triển kinh tế. Cũng theo thị trường hiện nay, khi khoai sâm được xuất bán sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, hướng đi mới trong xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã Hạnh Dịch nói riêng và hội viên nông dân trên địa bàn huyện Quế Phong nói chung. Việc phát triển cây khói sân sẽ góp phần chuyển dịch trong công tác giảm nghèo của huyện Quế Phong,  hướng tới nhân rộng và phát triển mô hình trên địa bàn huyện/.