Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường

Bùi Ánh - Lương Hà - 18:09 13/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) -  Ngày 13-4, Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị truyền thông Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại huyện Thọ Xuân.

Tham dự có ông Trần Bình Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch HND tỉnh; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành trên địa bàn huyện; các Chủ tịch, Phó Chủ tịch HND các xã trong huyện; hội viên nông dân, các chủ nhà hàng, chủ trang trại, gia trại, hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn.

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Quỹ BRACE tài trợ, Trung ương HND Việt Nam chủ trì thực hiện. Thanh Hóa là 1 trong 15 tỉnh, thành phố trên cả nước được Trung ương HND Việt Nam lựa chọn tham gia Dự án. Dự án được HND tỉnh Thanh Hóa triển khai từ năm 2022 tại 11 xã, thị trấn của 3 huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa, Yên Định với nhiều hoạt động như: Khởi động Dự án, tập huấn các kỹ thuật, tổ chức các sự kiện truyền thông.

Quang cảnh buổi tập huấn

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự được thông tin về thực trạng phân loại, xử lý rác thải hiện nay, giới thiệu các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường thông qua việc áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải trong khuôn khổ Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế". 

Theo đó, báo cáo viên đã truyền đạt các kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế. Đây là những kỹ thuật khá đơn giản, dễ làm, thân thiện với môi trường. Người nông dân có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, phụ phẩm cây trồng ngay tại ruộng; nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế bằng phân lợn, phân trâu, bò, gà, thức ăn thừa... Ngoài ra,các biện pháp này còn tạo nguồn thức ăn mới cho vật nuôi và nguồn phân bón hữu cơ giá trị (phân sâu canxi, phân trùn quế); nuôi gà trên đệm lót sinh học dày giúp giảm công dọn chuồng, không còn mùi khó chịu trong chuồng nuôi, gà lớn nhanh khỏe, ít bị mắc các loại bệnh. 

Cũng tại hội nghị, các học viên đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải của Dự án.

Các học viên tham gia Dự án được "cầm tay chỉ việc" qua từng công đoạn cụ thể

Đến nay, Ban Quản lý Dự án Xử lý rác thải HND tỉnh đã tổ chức 55 lớp tập huấn cho 2.750 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia; tập huấn thuyết trình trên hội trường, thực hành các kỹ thuật ngay tại hộ gia đình. Triển khai thực hiện 495 mô hình; thành lập các tổ thu gom rác và tổ tuyên truyền dự án; hỗ trợ mỗi xã 01 máy băm phụ phẩm nông nghiệp; tổ chức các hoạt động truyền thông của dự án; góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn. 

Thông qua hội nghị nhằm vận động hội viên, nông dân áp dụng các phương pháp chuyển hóa chất thải hữu cơ, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập. Đây cũng là dịp để hội viên, nông dân hiểu và nhân rộng Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế".

Được biết, vừa qua, Ban quản lý Dự án Xử lý rác thải đã tổ chức 4 Hội nghị truyền thông ở các huyện Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh, Triệu Sơn.

Thanh Hóa: Tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cho nông dân
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 04/4, tại Thành phố Sầm Sơn, Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cho 150 hội viên, nông dân trên địa bàn.