Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Việt Nam khẳng định xóa bỏ vũ khí hạt nhân là lợi ích chung của toàn nhân loại

15:20 30/11/2023 GMT+7
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh cần tăng cường củng cố lòng tin chiến lược, trong đó điều cốt lõi là thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Từ ngày 27/11-1/12, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Hội nghị lần thứ hai các Nước thành viên Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân (TPNW) đã được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các nước thành viên, quan sát viên và đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Tại hội nghị, nhiều nước bày tỏ quan ngại về xu hướng tăng cường vũ trang và hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh hậu quả nhân đạo thảm khốc do vũ khí hạt nhân gây ra đối với con người và môi trường.

Trong bối cảnh đó, các nước kêu gọi cần tiếp tục thúc đẩy sự tham gia ký kết, phê chuẩn và gia nhập TPNW để góp phần đạt mục tiêu thế giới phi vũ khí hạt nhân.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng môi trường an ninh quốc tế hiện nay đang gặp nhiều thách thức nghiêm trọng và bày tỏ lo ngại về mức độ hủy diệt và hậu quả nhân đạo của vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ nhấn mạnh cần tăng cường củng cố lòng tin chiến lược, trong đó điều cốt lõi là phải thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tăng cường cơ chế quốc tế về giải trừ quân bị và chống phổ biến.

Việc xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là lợi ích chung của toàn nhân loại và cần nỗ lực, quyết tâm chính trị của tất cả các quốc gia.

Để triển khai TPNW hiệu quả, Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi các nước thành viên hiệp ước cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hiệp ước; các nước chưa phải thành viên sớm ký, phê chuẩn và gia nhập hiệp ước, góp phần phổ quát hóa hiệp ước.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục đề cao ý nghĩa quan trọng của TPNW, nâng cao nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về hậu quả của vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hợp tác quốc tế về xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển.

Ngoài việc cần tiếp tục thúc đẩy thương lượng các thỏa thuận quốc tế về bảo đảm an ninh cho các nước không có vũ khí hạt nhân và xây dựng hiệp ước về cắt giảm vật liệu phân hạch, Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các khu vực phi vũ khí hạt nhân đối với hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực.

Việt Nam hoan nghênh các nước sở hữu vũ khí hạt nhân ký và phê chuẩn không kèm bảo lưu đối với Nghị định thư của Hiệp ước Phi Vũ khí Hạt nhân ở Đông Nam Á nhằm góp phần đạt được mục tiêu thế giới phi vũ khí hạt nhân.

Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ các nỗ lực trong chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân nhằm hướng tới thế giới phi vũ khí hạt nhân.

Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực này; đồng thời là một trong 10 nước đầu tiên phê chuẩn TPNW và đã khai báo theo nghĩa vụ Điều 2 Hiệp ước đúng thời hạn.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 81 năm 2019 thiết lập khuôn khổ pháp lý quốc gia quan trọng trong phòng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt.

TPNW là hiệp ước về giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương đầu tiên có hiệu lực kể từ năm 1990 đến nay.

Đây là văn kiện có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử đặt ra nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý toàn diện đối với các quốc gia thành viên về việc cấm hoàn toàn sở hữu, phát triển, tàng trữ, sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc đàm phán văn kiện pháp lý ràng buộc về cấm và hướng tới loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân tổ chức tại New York từ ngày 15/6-7/7/2017.

TPNW chính thức có hiệu lực từ ngày 22/1/2021, hiện có 69 quốc gia phê chuẩn/gia nhập và 93 quốc gia ký./.

Theo TTXVN/Vietnam+

  • Nông dân Cao Bằng góp sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Phát huy vài trò của mình, những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã tích cực vận động cán bộ, hội viên phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đóng góp vật chất, ngày công chung sức thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
  • Khai trương Trung tâm Báo chí Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chính thức khai trương nhằm bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh trật tự phục vụ hoạt động của phóng viên trong nước và nước ngoài; tổ chức điều hành, hướng dẫn báo chí tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm. Trụ sở Trung tâm Báo chí được đặt tại tầng 3 Trung tâm Hội nghị tỉnh Điện Biên.
  • Sức sống trường tồn của bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”
    Tháng 5/1954, ngay bên bờ chiến hào còn chưa tan khói súng, trong không khí khải hoàn của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhà thơ Tố Hữu đã viết một bài thơ lịch sử “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bài thơ không chỉ là bài tụng ca toàn mầu hồng, mà còn là khúc bi ca về mất mát, hy sinh của dân tộc, của bộ đội ta. Bi ca nhưng bài thơ không hề bi lụy, mà đã nêu bật ý chí chiến đấu dũng cảm, kiên cường, dám xả thân và những hy sinh to lớn để mang về chiến thắng vinh quang.
  • Cần ghi đúng thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), vào mạng internet để tìm hiểu về Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi giật mình khi thấy có khá nhiều nhiều trang báo của Trung ương, các bộ, ngành, trường đại học và Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đưa thông tin về thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ rất khác nhau, có báo ghi là 55 ngày, có báo lại ghi là 56 ngày.